Công trình nối đuốc

Tiến sĩ Elli Weisbaum (Chân Thanh Tuyền)

Bài viết được BBT chuyển ngữ từ Tiếng Anh

Khóa tu chánh niệm đầu tiên năm 10 tuổi

Vào năm 1998, lúc tôi lên mười tuổi, cha mẹ đã cho tôi tham dự khóa tu gia đình đầu tiên với Thầy và tăng thân ở Viện OMEGA, tiểu bang New York, Hoa Kỳ. Trước khi tới dự khóa tu này, mẹ đã đọc sách của Thầy và bắt đầu đem một vài giáo lý Thầy dạy áp dụng vào công việc. Cả nhà tôi đều quan tâm tới chánh niệm.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về tăng thân xuất sĩ thật đáng nhớ. Khi vừa lái xe đến trung tâm nơi tổ chức khóa tu, chúng tôi thấy một số quý sư cô đang đi bộ dọc theo bãi cỏ gần hồ nước. Trước đó, chúng tôi chưa từng nhìn thấy hay gặp gỡ một tu sĩ nào theo đạo Bụt. Hình ảnh lúc ấy mới đẹp làm sao! Một cơn gió dịu dàng thổi qua làm tà áo các sư cô bay nhẹ và họ vừa mỉm cười vừa bước từng bước khoan thai. Rồi bỗng dưng mấy con ngỗng gần đó bắt đầu kêu to và lao về phía họ. Các sư cô bỏ chạy ngay, nhưng thay vì hoảng sợ hay kinh khiếp thì họ lại vừa chạy vừa cười rộ lên thích thú. Cha mẹ và tôi cũng cười theo. Mẹ quay sang nói với tôi: “Mẹ nghĩ là chúng ta về đến nhà rồi”.

Từ đó, năm nào cả nhà chúng tôi cũng về tham dự khóa tu gia đình mỗi khi Thầy và tăng thân đến Bắc Mỹ. Vì vậy mà tôi có niềm hạnh phúc được lớn lên trong chiếc nôi của Làng. Tôi được tham gia từ chương trình trẻ em đến chương trình dành cho thiếu niên. May mắn là không lâu sau khi tôi “tốt nghiệp” chương trình thiếu niên, Thầy và tăng thân bắt đầu tổ chức chương trình Wake Up dành cho người trẻ. Tôi tham gia trong chương trình Wake Up Tour vùng Bờ Đông năm 2011. Trong chuyến đi này, một nhóm quý thầy, quý sư cô và các bạn thiền sinh trẻ ở tuổi 20 - 30 đã đến sinh hoạt với các trường đại học dọc bờ Đông Hoa Kỳ (kể cả các trường Yale, Harvard và Brown). Tiếp tục tu tập, sinh hoạt rất thường xuyên và gần gũi với tăng thân, tôi thọ giới Tiếp Hiện năm 2015. Hiện tôi đang là một trong các thành viên sáng lập của tăng thân Wake Up ở Toronto và thành viên Ban chăm sóc của Wake Up Bắc Mỹ.

Nguồn cảm hứng mới

Mười lăm tuổi, tôi phải nhập viện sau khi bị một số virus kích hoạt phản ứng tự miễn dịch, rồi làm cho hệ miễn nhiễm của tôi hoạt động quá mức. Đêm đầu tiên ở bệnh viện, các bác sĩ cho biết họ không chắc là tôi có thể qua nổi đêm đó. Trong suốt quá trình nằm viện, kể cả trong những lúc phải chịu không biết bao nhiêu lần xét nghiệm liên tục, cả nhà tôi đã nương tựa rất nhiều vào pháp môn thực tập của Làng Mai.

Trong những buổi trị liệu, chúng tôi hát các bài thiền ca của Làng và quay về với hơi thở. Mỗi sáng trong giờ thăm khám, tôi được bác sĩ hỏi về những phần trong cơ thể đang bị đau nhức. Sau giờ đó, mẹ thường hướng dẫn tôi thực tập thiền buông thư, nhờ đó mà sáng nào tôi cũng dành thì giờ gửi tình thương và niềm biết ơn đến cơ thể mình. Thực tập thiền buông thư cũng giúp tôi dần nhận diện được những phần nào trong cơ thể không còn bị đau nhức, dù đôi khi đó chỉ là ngón chân áp út. Ngay khi biết mình bị bệnh, tôi bắt đầu thực tập chánh niệm và tôi thấy dù đang bị bệnh nhưng sự trị liệu đã bắt đầu xảy ra.

Cha tôi là bác sĩ. Còn mẹ tôi thường được mời dạy vẽ tại các trường tiểu học và trung học nên từ nhỏ tôi đã được gần gũi với nhiều thầy cô giáo. Từ những nhân duyên đó cùng với trải nghiệm về bệnh tật, tôi trở nên quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho những người đang làm các công việc phụng sự cộng đồng như giáo viên, bác sĩ,… Những yếu tố này đã tạo cảm hứng cho tôi trong việc tìm hiểu và nghiên cứu cách thức áp dụng sự thực tập chánh niệm vào lĩnh vực y tế.

từ trái sang: Sc. Châu Nghiêm, Thầy và Elli, năm 2013

Niềm cảm hứng trong tôi lớn thêm trong quá trình tôi học thạc sĩ. Thời gian đó, bên cạnh tập trung nghiên cứu về việc lồng ghép chánh niệm vào lĩnh vực giáo dục, tôi còn giữ vai trò điều phối viên của chương trình Wake Up Schools - một chương trình được Thầy và tăng thân khởi xướng nhằm hỗ trợ việc đem chánh niệm vào giáo dục. Trong quá trình học sau đại học, tôi được biết đến các nghiên cứu khoa học về tình trạng kiệt sức vì quá tải của những người làm việc trong lĩnh vực phụng sự cộng đồng, đặc biệt là giáo viên và y bác sĩ.

Những kinh nghiệm sống khác nhau đã khiến tôi quan tâm tìm hiểu làm cách nào để môi trường y tế trở nên lành mạnh, nuôi dưỡng, giúp các bác sĩ và nhân viên y tế được phát triển vững mạnh, thay vì phải rơi vào tình trạng kiệt sức vì công việc quá tải. Tôi nhớ trong buổi nói chuyện với vị hiệu trưởng trường Y tế cộng đồng thuộc đại học Harvard, Thầy đã đề nghị mỗi thành viên của một cộng đồng y tế phải học cách sống như thế nào để góp phần tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh. Thầy cho rằng cách các nhân viên y tế ăn uống, đi đứng, và làm việc cũng có thể tạo nên một môi trường đầy an vui, để rồi bản thân cộng đồng đó sẽ trở thành một yếu tố mang lại sự thay đổi lành mạnh. Một môi trường như thế sẽ mang lại lợi lạc về sức khỏe cho mọi thành viên của cộng đồng, bao gồm cả bệnh nhân, gia đình, y bác sĩ và các nhân viên quản lý trong ngành y tế.

Tôi lớn lên với những lời dạy của Thầy, rồi trải qua quá trình nghiên cứu tìm cách kết hợp giáo pháp vào lĩnh vực giáo dục. Tiếp theo, tôi bắt đầu nghiên cứu phương pháp kết nối những dòng kiến thức khoa học với giáo pháp đạo Bụt. Tôi nhận thấy hai dòng kiến thức này có tiềm năng bổ túc cho nhau. Dù vậy, vẫn luôn có những khó khăn, thử thách về cách trình bày, diễn đạt như thế nào để giáo pháp có thể được chấp nhận trong môi trường thực nghiệm của ngành y tế. Kinh nghiệm mới mẻ của tôi trong vai trò một nhà nghiên cứu khoa học và một thiền sinh dài hạn của Làng Mai đã cho tôi một góc nhìn rất độc đáo, cũng như cơ hội để khai thác những pháp môn mà tôi cho là có thể ứng dụng được cho cả cộng đồng y khoa quốc tế lẫn tăng thân Làng Mai. Vậy là tôi quyết định nộp hồ sơ nghiên cứu sinh tiến sĩ ở trường đại học Toronto với mục tiêu nghiên cứu ảnh hưởng của chánh niệm đối với sức khỏe thân tâm của các bác sĩ và chuyên viên y tế.

Thử thách

Hiện đang có một mối quan tâm ngày càng lớn ngay trong ngành y tế về việc đối trị những vấn đề mang tính hệ thống như vấn nạn kiệt sức vì quá tải trong công việc. Chánh niệm đã được đề cập đến trên khắp các tạp chí khoa học như là một mô hình có tiềm năng giải quyết một cách hữu hiệu các vấn đề này. Trong khi đó, nỗ lực ứng dụng chánh niệm để giải quyết những thay đổi mang tính hệ thống trong ngành y tế lại tồn tại nhiều thử thách đáng kể. Những thử thách này bao gồm các mối quan ngại và nghi ngờ đối với những kiến thức nằm ngoài hệ thống y học chính thống. Cũng có những chướng ngại đi lên từ những yếu tố văn hóa và xã hội lâu đời vốn đã ăn sâu vào trong ngành y.

Để vượt qua những thử thách này, về phía khoa học, tôi dựa trên truyền thống thực chứng và tính chặt chẽ trong lý luận làm cơ sở xây dựng nên một nghiên cứu khoa học có chất lượng cao, có thể được chấp nhận bởi cộng đồng khoa học. Đồng thời, tôi nương tựa vào Thầy, tăng thân và sự thực tập của chính tôi. Trong suốt quá trình làm luận án tiến sĩ, tôi đã liên tục quay về lấy thêm cảm hứng từ những bài viết và pháp thoại của Thầy. Trong lúc viết luận án, có đôi lần tôi hình dung Thầy đang nhìn tôi, động viên tôi tiếp tục đi tới dù cho lúc ấy tôi đang mệt mỏi hay đang gặp những thử thách lớn. Chính trong tinh thần này mà bài luận án của tôi đã được mở đầu bằng lời của Thầy:

“Người thiền tập xưa nay vẫn biết nhìn bằng con mắt của mình và sử dụng ngôn ngữ của thế kỷ mình. Sở dĩ như vậy vì tuệ giác là một dòng sống linh động chứ không phải một cổ vật được cất giữ ở viện bảo tàng. Bằng sự sống của chính mình, người thiền giả khơi nối được dòng tuệ giác và làm cho nó tuôn chảy về những thế hệ tương lai. Công trình nối đuốc là công trình của tất cả chúng ta, tất cả những ai biết khai phá để mà đi tới.”Trái tim mặt trời, Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Những lời này của Thầy đã mang lại cho tôi niềm khích lệ không ngừng trong suốt hành trình nghiên cứu luận án tiến sĩ.

Chánh niệm trong ngành y tế - Sơ lược về bối cảnh

Chánh niệm đang ngày càng trở nên phổ biến và được ứng dụng nhiều hơn trong bối cảnh hiện nay ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như y tế, giáo dục, luật pháp… Trong các tài liệu khoa học, chánh niệm được công nhận là có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích khác nhau về sức khỏe, bao gồm: làm giảm lo lắng và căng thẳng; giúp làm tăng trưởng hạnh phúc và các khả năng như tự điều hòa, ý thức, điều chỉnh cảm xúc, vận động, học tập, thấu cảm… cũng như giúp làm sâu sắc hơn mối liên hệ giữa các vùng não bộ có liên quan đến những “hành vi có ích cho xã hội” (prosocial behaviors) như là lòng từ bi.

Trong lĩnh vực y khoa, các chương trình được gọi là Những can thiệp dựa trên chánh niệm (Mindfulness-Based Interventions – viết tắt là MBIs), đã được nghiên cứu để áp dụng cho các nhóm đối tượng bệnh nhân khác nhau: bệnh nhân đang bị các chứng đau nhức kinh niên, các chứng trầm cảm tái phát, bệnh nhân ung thư, những nhóm trẻ vị thành niên mắc phải các chứng bệnh mãn tính và những trường hợp hồi phục sau cai nghiện. Cho đến nay, trong số các chương trình can thiệp dựa trên chánh niệm đã công bố, chưa có chương trình nào chính thức được xây dựng dựa trên những phương pháp thực tập chánh niệm của Thầy. Vì vậy mà luận án tiến sĩ của tôi mong ước được đóng góp một phương pháp tiếp cận sáng tạo và mới mẻ cho lĩnh vực y tế, đồng thời góp phần tiếp nối công trình của Thầy và tăng thân Làng Mai.

Tóm lược công trình nghiên cứu

Công trình nghiên cứu tiến sĩ của tôi đã được tổ chức với sự tham gia của 45 bác sĩ trong các chuyên khoa khác nhau như phẫu thuật, cấp cứu, y tế gia đình,… Các vị này đã tham gia vào một chương trình thực tập chánh niệm năm tuần, được tổ chức tại một bệnh viện ở Toronto, Canada với tên gọi “Ứng dụng chánh niệm dành cho nhân viên y tế” (Applied Mindfulness training Program for Medical Personnel – viết tắt là AMP-MP). Tôi đã phát triển chương trình này dựa trên quá trình tôi thực tập với Thầy và tăng thân Làng Mai. Chương trình được hướng dẫn bởi David Viafora và Dagmara Urbanowicz - hai vị thiền sinh dài hạn của Làng Mai. Họ là các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm.

Tôi đã tổ chức hai buổi phỏng vấn các bác sĩ sau khi họ tham gia chương trình nghiên cứu. Dưới đây là một số chia sẻ của họ:

“Tôi cảm thấy hơi thở ý thức thực sự rất hữu ích. Tháng vừa qua, hầu như ngày nào tôi cũng làm phẫu thuật và càng lúc càng bị căng thẳng. Ngày làm việc nào cũng dài và với tốc độ quá chóng mặt, chúng tôi chẳng lúc nào dừng được dù chỉ để ăn một miếng gì hay làm một cái gì khác. Giữa các ca phẫu thuật thường chỉ có được vài phút – tôi thấy rằng chỉ cần dành mấy phút đó để thực tập thở là có một sự chuyển giao tốt lắm. Chỉ cần giữ cho đầu óc minh mẫn tỉnh táo để nhanh chóng đi tiếp qua một ca bệnh khác.”
Bác sĩ khoa mắt

“Tôi nghĩ là chắc chắn tôi sẽ tiếp tục thực tập bởi vì tôi phát hiện ra rằng trong ngày, tôi thấy mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn và một ngày của tôi mà suôn sẻ hơn thì cuối ngày tôi cảm thấy hạnh phúc hơn khi về nhà. Nhờ vậy tôi không mang về nhà những bực bội, khó chịu đã diễn ra trong ngày. Tôi nghĩ, những hơi thở sâu lắng giữa các ca bệnh, những bước chân chánh niệm mà tôi thực tập có tác dụng rất tuyệt vời.”
Bác sĩ chuyên về thấp khớp

“Hơi thở chánh niệm giúp tôi đối mặt với hầu hết tình huống khó khăn. Trong những lúc tương tác với bệnh nhân, nhờ hơi thở, tôi có thể lựa chọn: phản ứng ngay hay có thể dừng lại (dù chỉ trong một giây thôi). Khi thực sự được buông thư, ngay lập tức ta có thể lựa chọn để hành động khác đi, tốt đẹp hơn.”
Bác sĩ Phẫu thuật

Tôi vô cùng biết ơn mỗi thành viên trong chương trình đã chia sẻ những trải nghiệm và câu chuyện riêng của họ. Khi viết xuống những dòng này, tôi nhớ đến một chuyên viên phẫu thuật. Ngay buổi đầu tiên của chương trình, vị ấy đã phát biểu rất thẳng thừng là không tin vào “mấy cái thứ chánh niệm” này. Và rồi trong buổi phỏng vấn sau khi chương trình kết thúc, chính vị ấy lại khẳng định rằng mình đã cảm thấy “phải lòng tiếng chuông” và dự tính cuối chương trình sẽ “trộm chuông mang về” để thỉnh cho các đồng nghiệp thực tập trước mỗi buổi phẫu thuật.

Không bắt đầu, không kết thúc

Trong phạm vi bài viết, tôi không thể chia sẻ hết được công việc mang pháp môn thực tập của Thầy vào lĩnh vực y tế. Nhưng Thầy cũng dạy rằng nếu biết nhìn sâu thì ta sẽ không thấy có điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Cho nên trong tích môn, dù bài viết đang được khép lại, nhưng khát khao được tiếp nối công trình này, được phối hợp với cộng đồng xuất sĩ và cư sĩ của Làng Mai mang thực tập chánh niệm đến với ngành y tế để góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, đầy tình thương, vẫn đang được tiếp tục nuôi lớn trong tôi.

WakeUp Toronto, năm 2018