Linh đan đổi cốt mới ra về
Sư cô Chân Bảo Nghiêm
Sư cô Bảo Nghiêm đến Làng tập sự xuất gia năm 1991. Hiện nay, sư cô đang sống hạnh phúc tại chùa Từ Nghiêm - Xóm Mới. BBT đã có cơ hội được ngồi chơi, cùng sư cô ôn lại những kỷ niệm trong sinh hoạt của Làng từ những năm đầu tiên ấy.
Quê hương tìm thấy
Làng ngày xưa rất nghèo. Khi tới lần đầu, Bảo Nghiêm thấy Làng chẳng có gì cả, chỉ có bụi tre là lạ quá! Bảo Nghiêm cứ quanh quẩn chơi ở bụi tre, rồi thấy khát nước nên hỏi sư cô Chân Không: Em khát nước quá mà không biết lấy nước ở đâu để uống? Dẫn Bảo Nghiêm đi lấy nước ở vòi nước, sư cô nói: Nước này uống vào là hết khát ngay. Bảo Nghiêm uống vào chỉ thấy toàn mùi phèn! Ở Làng hồi đó là như vậy, cái gì cũng cũ kỹ lắm.
Cái mà Bảo Nghiêm thích nhất ở Làng là Làng rất Việt Nam và còn giữ được nhiều cách dạy dỗ, giáo dục theo truyền thống Việt Nam. Hồi ấy, Làng chỉ mở khóa tu mùa Hè vì chỉ khi đó các gia đình mới có thể mang con cháu tới được. Nhiều gia đình có cả ba thế hệ ông bà, cha mẹ và các cháu cùng đến. Vui lắm! Người già thì dọn một chỗ trong nhà để ngủ, người trẻ thì ngủ ngoài lều hết vì trời ấm.
Thầy dạy cho người già cũng có việc làm, người trẻ hay con nít cũng đều có việc làm. Giả dụ người già sẽ giúp làm những ngày lễ giỗ Tổ tiên. Thầy chỉ cách để làm lễ, cách quỳ lạy, cách đặt bàn thờ ngoài trời, ông bà lạy trước, con cái lạy sau, rồi cháu chắt lạy sau nữa, y như ở Việt Nam… Người Việt Nam có truyền thống quý trọng tổ tiên, ông bà, cha mẹ nên khi được làm lễ như vậy họ đều hạnh phúc, sung sướng, tươi mát ra. Những thế hệ đó không bao giờ quên Làng, năm nào cũng về. Các em nhỏ thì được học tiếng Việt. Thầy chỉ cho các em lớn, đã biết chữ, dạy các em nhỏ hơn. Cũng tập viết, làm bài, cũng chấm điểm, trao phần thưởng, có giấy khen, đẹp lắm!
Các em nhỏ được Thầy dạy thực tập chánh niệm: đi cho có chánh niệm, ăn cho có chánh niệm, làm cho có chánh niệm. Các em học nhanh và kỹ. Học xong là làm y chang như vậy chứ không như người lớn mình hay lọng cọng, lẹo quẹo! Khi lớn rồi, mình hay mắc cỡ, không tự nhiên được như các em nhỏ. Thầy còn dạy cả thiền trà cho các em. Các em làm rất hay. Người lớn đến tham dự, được thấy các em nhỏ trình bày các nghi lễ như dâng bánh, trà cho Bụt. Các em đi đẹp thiệt là đẹp! Mình ngồi nhìn bước chân của các em mà mê mải. Tất cả những gì ở Làng đều rất Việt Nam nên người Việt đến đây cảm thấy hạnh phúc, sung sướng như được về quê vậy.
Những khi Thầy đi tổ chức khóa tu ở các nước thì chỉ có vài người đi với Thầy thôi. Trước khi đi, Thầy viết thư dặn các con ở nhà làm giúp cho Thầy các việc: học tiếng Anh cho giỏi, học thêm chữ Hán, chăm sóc thiền sinh cho thật giỏi,…
Bảo Nghiêm là người lớn ở nhà nên bao quát hết các việc: đi chợ, đổ rác, chăm sóc thiền sinh, làm sao cho họ ăn uống ngon lành để giúp họ siêng năng tu tập. Tới ngày thiền sinh ra về, Bảo Nghiêm biết họ đi đường xa thích có thức ăn đem theo nên dậy thật sớm, bắc một nồi xôi thật to, gói thật đẹp cho mỗi người một gói làm quà. Thiền sinh hạnh phúc lắm, cảm được cái tình của mình. Khi làm việc, dù có làm nhiều, Bảo Nghiêm cũng không thấy mệt nhọc gì hết vì mình để hết tâm vào công việc. Làm việc cũng là để cho cái tâm của mình, cho nó có cơ hội thực tập. Các em thấy Bảo Nghiêm làm thường ra làm cùng.
Thầy cũng rất thích chấp tác. Ở Sơn Cốc thì Thầy trồng xà lách. Khi xuống xóm Hạ mỗi tuần hai lần, thì buổi sáng Thầy dạy kinh rồi đi thiền hành, sau đó ăn trưa, nghỉ một chút rồi thực tập pháp đàm và chấp tác. Chấp tác xong Thầy mới về lại Sơn Cốc. Hồi đó mình chấp tác ở vườn mận là chính. Những cây mận, khi ấy, còn nhỏ lắm. Họ tỉa cành xong để ngay dưới đất. Thầy đi và nhặt những cành mận trên đất, bỏ vào bên trong, sát gốc cây. Thầy đi lần lượt hết hàng này đến hàng khác. Học trò thấy vậy cũng chạy ra, bắt chước Thầy làm y chang. Sau này, có xe xới đất đi qua sẽ cán vụn những cành mận đó ra, trộn vào đất để làm phân cho cây và cũng làm cho đất thoáng, ánh sáng đi vào được, làm những cây mận lên nhanh, mạnh hơn. Sư cô Chân Không có nhiều việc khác nữa. Sư cô xin tiền để nuôi các em bé ở Việt Nam, nên giờ chấp tác sư cô chỉ ra một lúc rồi sau đó đi làm việc của sư cô.
Chăm sóc vườn tâm
Có lần Thầy thử đưa cho Bảo Nghiêm cuốn Con đường chuyển hóa để đánh máy mà Bảo Nghiêm không làm được. Bảo Nghiêm thưa với Thầy là con đánh máy không được vì nước mắt chảy nhiều quá. Thầy bảo: Thôi không sao, không đánh máy nữa, thế giờ con thích làm gì? Bảo Nghiêm mới thưa là cho con ra làm vườn. Ngoài vườn có ánh sáng mặt trời, có nhiều không khí để thở, hợp với tim của con. Từ đó Bảo Nghiêm gắn bó với vườn cho tới bây giờ.
Làm vườn là tiếp xúc với thiên nhiên. Nó trị liệu cho mình rất nhiều về tâm cũng như về thân. Thầy là người biết rõ điều đó. Hễ cư sĩ nào về Làng mà có nhiều khó khăn là Thầy sẽ cho ra vườn, đi theo Bảo Nghiêm. Đi theo làm vườn một thời gian là con người họ thay đổi. Tuy vậy, mình cũng phải biết làm việc có điều độ, chỉ làm đến chừng ấy thôi rồi nghỉ, chứ không nên đắm chìm trong đó.
Tuy thế, sự chuyển hóa của Bảo Nghiêm không hoàn toàn đến do việc làm vườn. Nó đến từ chuyện khác. Khi Thầy dạy Duy biểu, mình biết mình có thức thứ sáu, thức thứ bảy và thức thứ tám. Ba thức này làm mình lên xuống rất nhiều. Thức thứ tám giữ hết các hạt giống của mình, xấu cũng như tốt. Thức thứ sáu thì lượm hết các hạt giống bên ngoài đem về cho thức thứ tám giữ gìn. Thức thứ bảy là người canh gác ở cửa của thức thứ tám. Cái anh chàng canh cửa này rất khó chịu. Anh ta chê hết người này tới người khác: anh chê người này dài quá, người kia ngắn quá, người này giàu, người kia nghèo… làm cho mình cứ mù tịt đi nên mình khó mà chuyển hóa được. Sau này khi biết ra, Bảo Nghiêm thực tập bằng cách cho anh chàng đó đi nghỉ hè! Không cho anh thứ bảy làm việc nữa. Anh thứ sáu làm việc thẳng với anh thứ tám và anh thứ tám muốn cái gì thì đưa thẳng lên cho mình chứ không đi qua anh chàng thứ bảy nữa. Thức thứ tám đưa lên cái gì thì mình nói cái đó, mình không đi qua anh chàng thứ bảy chê khen đủ thứ.
Hồi đó Thầy hay hỏi Bảo Nghiêm về đây để làm gì? Thầy dạy mà Bảo Nghiêm làm hoài không được nên Thầy mới hỏi thế. Biết là về đây để học, để thực tập, để chuyển hóa nhưng đâu dễ, mình làm mãi không được. Cho tới khi Bảo Nghiêm nhìn ra cách tâm mình vận hành ra sao thì Bảo Nghiêm chỉ đi theo thức thứ sáu và thứ tám để làm việc thôi, nhất định không theo thức thứ bảy. Và Bảo Nghiêm bắt đầu thấy có sự thay đổi. Thay đổi nghĩa là khổ đau được lắng xuống, mình không bị chạy theo nó nữa, mình cũng nhẹ nhàng hơn và khỏe ra. Khi nó lên, mình không để nó vùng vẫy. Mình nói: À, tôi biết em có mặt ở đó nhưng không làm gì được đâu, đi ngủ hay đi chơi đi. Mình bắt chước Thầy, nói chuyện với nó.
Với Bảo Nghiêm, không phải do làm vườn mà có chuyển hóa, nhưng những lúc làm vườn mình được trị liệu nhiều lắm, và khi đã bắt đầu có chuyển hóa thì nhờ làm vườn mà thân tâm mình khỏe lại rất nhanh.
Con đường chuyển hóa
Những pháp môn Thầy dạy như thiền hành, thiền tọa, ăn cơm yên lặng… pháp môn nào Bảo Nghiêm cũng thích như nhau, không có pháp môn nào đứng thứ hai. Tất cả các pháp môn đó đều là nhất hết. Mình thực tập hết các pháp môn đó thì chánh niệm của mình được giữ gìn. Khi chánh niệm được nuôi dưỡng thì tự nhiên khổ đau được chuyển hóa. Như là khổ đau của Bảo Nghiêm ngày xưa, nhiều lắm, tích tụ trong mấy mươi năm trời. Mình vào đây, chưa chuyển hóa được hết những khổ đau đó thì lại có cái mới cộng thêm vào. Bảo Nghiêm đã khóc rất nhiều, trong lòng cứ nghĩ: không biết bao giờ mới hết khổ, càng ngày càng nhiều thêm thôi, chắc không hết được. Nhưng Bảo Nghiêm đã kiên trì thực tập.
Hồi đó, Bảo Nghiêm sống bên Đức nhiều năm, có tập khí đi nhanh, làm nhanh, ăn nhanh. Nếu mình chậm, người ta sẽ hỏi mình có bị bệnh không, chỉ bị bệnh thì mới chậm. Thầy hay hỏi mọi người không biết sư cô Bảo Nghiêm đi nhanh như vậy để làm gì? Hồi đó Bảo Nghiêm hay nghĩ nếu người ta có bán một đôi guốc nào thật là nặng, mang vào chân sẽ không đi nhanh được thì Bảo Nghiêm sẽ mua ngay, đắt mấy cũng mua. Mua về để đi, để thực tập thiền hành cho được. Rồi theo thời gian, bằng niềm tin và sự kiên trì thực tập, Bảo Nghiêm cũng làm được.
Đối với pháp môn ăn trong chánh niệm, sự thực tập của Bảo Nghiêm là ăn cơm quá đường. Bảo Nghiêm không bỏ một buổi ăn cơm quá đường nào hết. Khi ăn quá đường mình phải rất chánh niệm, ăn chậm. Ngồi ăn trước mặt Thầy, mình không thể nào không ý thức sự chậm rãi được. Mình cứ theo Thầy thôi, Thầy gắp một miếng thức ăn rất nhỏ mà Thầy nhai ít nhất là bốn chục lần, năm chục lần. Cũng có lúc mình quên, mình ăn nhanh hơn một chút nhưng mình nhận ra thì mình dừng lại ngay. Những buổi ăn cơm quá đường là những buổi thực tập hay nhất. Nhiều khi Bảo Nghiêm nấu ăn hay có công việc thì vào ăn trễ, không ngồi phía trên được, ngồi tuốt ở phía dưới nhưng vẫn vào ăn để thực tập. Nhờ những buổi quá đường mà Bảo Nghiêm đã thực tập được pháp môn ăn cơm trong chánh niệm. Ngày xưa, chúng xuất sĩ chưa nhiều. Khi ăn cơm quá đường, cư sĩ đông hơn xuất sĩ và thường ăn rất nhanh. Mình vừa ăn để học ăn chậm mà cũng phải ăn làm sao để làm gương cho thiền sinh.
Từ xưa tới giờ, Làng vẫn ăn cơm quá đường vào Chủ nhật. Thứ Năm thì không ngồi theo hạ lạp, và nếu ngồi cạnh Thầy, có tài gì Thầy sẽ hỏi về cái tài đó của mình. Có lần Bảo Nghiêm lén lén đến ngồi cạnh Thầy. Dùng cơm xong, Thầy quay sang hỏi Bảo Nghiêm: Năm nay cải có được nhiều không con? Có to không?
Thầy là Bụt sống của con
Lần đầu tiên gặp Thầy, Bảo Nghiêm rất ấn tượng với sự giản dị của Thầy. Thầy mặc một bộ đồ lam ngắn, bên ngoài có một cái áo len nâu đã rách, đội một cái nón lá cũ và đi chấp tác với mọi người. Khi Thầy ăn cơm, Thầy lấy một cái đĩa để đựng cơm, một cái bát để đựng súp rồi Thầy tự đi khất thực chứ không cần có một mâm dọn sẵn, thịnh soạn. Ăn xong Thầy tự ôm bát đi rửa.
Những cái giản dị đó làm Bảo Nghiêm cảm động vô cùng. Thấy thương Thầy quá! Bảo Nghiêm cứ đến năn nỉ Thầy cho con rửa bát nhưng Thầy không cho. Thầy bảo: đây là thực tập của Thầy, để Thầy làm. Thầy làm, các con nhìn rồi học theo. Mà đi đằng sau Thầy là một lũ dài con nít. Thầy rất thương các em nhỏ. Chúng nó biết là Thầy thương nên cứ bám theo Thầy. Thầy đi trước, theo sau là một lũ dài con nít, không có ai chen vô đó được. Những cảnh tượng như vậy khiến mình cảm động lắm!
Hồi đó, Bảo Nghiêm viết thơ cho Thầy kể với Thầy là: Thầy ơi, con thấy người ta cứ gọi đức Đạt Lai Lạt Ma là Bụt sống. Thực ra ý của Bảo Nghiêm là Bảo Nghiêm cũng muốn gọi Thầy là Bụt sống nhưng không dám nói thẳng nên viết thơ, gợi ý như vậy. Thầy trả lời Bảo Nghiêm: Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng sống như mình thôi chứ có gì đâu. Thế là Bảo Nghiêm không dám nói gì thêm nữa!
Sau này, khi Thầy bệnh rồi, Bảo Nghiêm viết thơ cho Thầy và đã kể cho Thầy rằng: Bạch Thầy, ngày xưa con đã viết thơ cho Thầy, đã hỏi Thầy như vậy để nói ý của con là con muốn được gọi Thầy là Bụt sống, nhưng khi Thầy trả lời như thế thì con không dám nữa. Nhưng bây giờ con viết lên giấy, thị giả nào đọc cho Thầy nghe để Thầy biết là con muốn được gọi Thầy là Bụt sống của con. Thầy là Bụt sống nên Thầy đã nuôi con từ lúc con về Làng cho đến bây giờ. Bao nhiêu khổ đau của con Thầy biết hết, ôm ấp hết. Thầy kiên trì dạy dỗ con, không gạt con ra ngoài. Nhiều khi Thầy cũng dọa con, nói là gửi con đến sư bà này hay sư bà kia nhưng Thầy không làm. Nhờ được Thầy nuôi mà khổ đau của con đã được chuyển hóa.
Bây giờ Bảo Nghiêm rất mong các sư em thực tập làm sao để có thảnh thơi và an lạc. Nếu mình có thảnh thơi thì hạt giống vô minh không có mặt. Có an lạc thì tự nhiên có sự chuyển hóa. Mà muốn có an lạc và thảnh thơi thì cứ các pháp môn căn bản mà thực tập thôi. Thầy đã dạy cho mình hết rồi.