Thương yêu muôn đời vẫn hạt sương trong

Sư cô Chân Chuẩn Nghiêm

Vừa về đến phòng tôi đã nhìn thấy gói bánh crêpe để trên bàn. Nhìn nét chữ quen thuộc không thể lẫn vào đâu, tôi biết ngay ai là người gửi. Cầm gói bánh lên mời sư chị cùng phòng, tôi không quên nói thêm: Tại Nghiêm gửi quà cho em chị ạ. Nét chữ của Tại Nghiêm đây mà.

Tôi qua Học viện EIAB đã hơn hai năm. Học viện và Làng không cách xa nhau lắm nên thỉnh thoảng vẫn có quý thầy, quý sư cô đi qua đi lại để làm giấy tờ cũng như những công việc khác. Mỗi khi có xe qua về thì việc diễn ra đầu tiên là… gửi quà và nhận quà. Tôi xưa nay ít gửi quà cho ai nhưng lại được nhận rất nhiều quà từ các sư em, sư chị đến quý sư mẹ Bảo Nghiêm, sư mẹ Từ Nghiêm, sư cô Tuệ Nghiêm… Tôi càng thêm thấm thía câu: tình thương không cần điều kiện. Tôi rất trân quý tình thương này và thầm nhắc: mình cũng cứ thương các sư em như quý sư mẹ, quý sư cô lớn đã thương mình, dù cho sư em đó có những tính cách nhiều khi làm mình chưa được hài lòng lắm.

Nhớ về Làng, về xóm Mới, từng khung trời tươi đẹp như hiện về trong tôi.

Sân Chim

Thời gian tôi ở Làng chỉ vẻn vẹn sáu năm, kém hai ngày. Ngày đầu tiên đặt chân đến xóm Mới đúng kỳ làm biếng của đại chúng sau khóa tu mùa Hè nên chị em từ Việt Nam mới qua được tha hồ ngủ. Vì chưa quen giờ nên mấy ngày đầu tôi thường đi ngủ sớm. Nhớ một hôm, khi tôi cùng các chị em vừa buông mùng nhưng chưa ngủ thì nghe tiếng sư mẹ Bảo Nghiêm và sư mẹ Thoại Nghiêm. Hai sư mẹ ghé thăm chị em chúng tôi nhưng thấy đã tắt đèn, buông mùng nên hai sư mẹ đi về. Tôi nghe hai sư mẹ nói với nhau: “Các sư em mới qua nên chưa quen giờ. Thôi mình về cho các sư em ngủ”. Nghe quý sư mẹ nói vậy tôi đã dễ ngủ thì ngủ lại càng thêm ngon.

Nghe kể là vì cái sân có nhiều chim nên quý sư cô tự nhiên đặt tên cho nó là Sân Chim. Tôi thấy đây là nơi vui nhất ở xóm Mới, làm cho tôi nhớ đến câu thành ngữ: đất lành chim đậu.

Sân Chim là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt thật vui và nuôi dưỡng tình huynh đệ. Tôi nhớ mãi những buổi trưa của ngày quán niệm tại xóm Mới. Lâu lâu, nhân dịp nào đó thì đại chúng lại được cùng nhau ngồi quây quần quanh đống lửa đã được chuẩn bị sẵn ở giữa sân thưởng thức tô bún nóng, hơi cay trong tiết trời se lạnh. Lại còn có bánh tráng quết nước tương nướng trên than hồng, ăn giòn tan và thơm phức. Rồi những bữa cơm picnic, chị em cùng nhau quây quần quanh một chiếc bàn tròn cùng ăn và kể chuyện đông tây cho nhau nghe.

Sân Chim cũng có một cái xích đu đặt dưới gốc cây đoàn đã nhiều tuổi, đứng khiêm tốn ở góc sân nhưng cho nhiều bóng mát. Tôi thích nhất là những buổi trưa trong khóa tu mùa Hè. Sau khi đi quán niệm từ xóm khác về, tôi chưa về phòng liền mà vào tủ đá của đại chúng lấy một cây kem (tôi thích loại kem đá, nhiều màu sắc) rồi ngồi xích đu, nhâm nhi cây kem mát lạnh. Ăn mà ăn rất từ từ vì sợ cây kem đó hết. Viết đến đây tôi thấy thèm kem quá chừng. Bây giờ tôi đang ở xứ lạnh, ăn kem không được vì ăn vào là bị ho. Tôi đành cất những kỷ niệm tuổi thơ vào trong ký ức.

Tôi nhớ có một lần đang đi thì bất ngờ gặp Sư Ông ở phòng Telephone khi Sư Ông qua xóm Mới. Tôi vừa vui vừa bất ngờ nên chỉ biết chắp tay chào. Sư Ông nhìn tôi cười và hỏi: “Con đang đi đâu đấy? Thôi, bây giờ con dẫn Thầy đi. Thầy muốn đi ra Sân Chim. Thầy không biết đường. Đây là nhà con mà.”

Tôi chỉ biết nhìn Sư Ông, mỉm cười rồi chắp tay xá và đi trước để mở cửa cho Sư Ông. Từ chỗ đó ra tới Sân Chim thì phải qua hai lần cửa. Thế là tôi có cơ hội mở cửa cho Sư Ông được tới… hai lần! Sư Ông đi dạo quanh xóm Mới và tôi lẽo đẽo đi theo cho tới khi Sư Ông vào lại phòng. Trước khi vào phòng, Sư Ông đã quay lại nhìn tôi mỉm cười và nói: “Cảm ơn con, người dẫn đường.” Tôi cúi đầu, chắp tay xá Sư Ông mà không suy nghĩ gì cả vì tôi lẽo đẽo đi theo Sư Ông mà! Nhưng bây giờ nhớ lại tôi mới thấy rõ, hình như trong câu nói đó, Sư Ông muốn gửi gắm cho mình một điều gì đấy. Tôi nhận ra rằng hễ có cơ hội là Sư Ông lại trao truyền và gửi gắm cho đệ tử những tâm nguyện thật thâm sâu.

Đến khi không còn khỏe, Sư Ông vẫn qua xóm Mới. Tôi nhớ lần ấy, giờ cơm trưa, cũng tại Sân Chim, thầy trò ngồi quây quần bên nhau dưới bóng mát của cây linden. Sư Ông ngồi nhìn các con, và các con có mặt cho Sư Ông. Sư Ông không nói gì cả nhưng qua ánh mắt của Sư Ông thì tôi biết là Sư Ông đã nói thật nhiều. Thầy thị giả rất dễ thương, đã mời Sư Ông ngồi xích đu. Lúc đó, tôi thấy ánh mắt Sư Ông đang cười.

Sau bữa cơm trưa, các sư con đi theo sau Sư Ông cả một hàng dài, tiễn Sư Ông ra xe về lại Sơn Cốc. Quý sư cô và chị em chúng tôi chẳng ai nói với ai câu nào nhưng tôi biết là chúng tôi đều mang chung một tâm niệm: mong Sư Ông có thêm nhiều sức khỏe.

Hồ sen

Một điều đặc biệt ở Làng là xóm nào cũng có hồ sen, và tôi thấy hồ sen nào cũng có hình trái tim. Xóm Thượng đặc biệt hơn vì có hai hồ sen. Cứ hè về là xóm nào cũng có sen thơm dâng Bụt. Thiền sinh về Làng vô cùng hạnh phúc vì được ngắm hoa sen ngay từ tuần đầu tiên của khóa tu mùa Hè. Sen nở nhiều, vậy là có trà ướp sen. Ở tận EIAB nhưng tôi cũng nhận được trà sen từ Làng. Thưởng thức từng ly trà thơm ngát, tôi biết ơn huynh đệ thật nhiều.

Gia đình xuất gia của tôi được Sư Ông đặt tên là Sen Trắng. Khi còn ở Bát Nhã tôi đã được nghe kể xóm Thượng có một hồ sen trắng, hoa rất to. Đúng thật. Khi qua Làng, vào mùa sen, những ngày quán niệm tại xóm Thượng tôi không quên đi ngắm hoa sen.

Hồ sen Hồng tại xóm Mới nhỏ nhất so với hồ sen các xóm. Có một chiếc cầu tre nho nhỏ bắc ngang qua. Khi những bông sen đầu tiên đã nở, chị em chúng tôi thường ra ngồi ngắm sen, uống trà và kể chuyện cho nhau nghe. Đẹp làm sao khi ánh nắng mặt trời chiếu vào những đóa sen còn đọng những giọt sương. Những câu chuyện thường ngày nhưng nuôi dưỡng đời tu. Tôi thấy thật rõ rằng chị em nuôi nhau là đây.

Trẻ em cũng rất thích và biết chơi với lá sen. Những năm chưa có đại dịch covid, mùa hè là mùa các em nhỏ rất hạnh phúc được ba mẹ đưa về Làng. Tôi thấy các em xin hái vài lá sen gần bờ, đổ nước vào và chơi với nhau. Lá sen cũng giống như lá khoai môn, không bị thấm nước ra ngoài. Thế là các em chơi với nhau suốt cả buổi trò lá sen đựng nước. Niềm vui của các em chỉ giản đơn vậy thôi nhưng lại là cả bầu trời tuổi thơ tươi đẹp.

Nhắc đến hồ sen làm tôi nhớ đến Sư Ông. Sư Ông có thể trở về với tuổi thơ bất cứ lúc nào. Mùa đông ở Làng, khi hồ sen bị gđóng băng trên mặt Sư Ông rất thích. Đang đi, Sư Ông dừng lại và ngồi xuống cạnh hồ sen để cầm miếng băng lên. Sư Ông thường hay dạy mây, tuyết và nước đều là một và thiên nhiên đã cho tôi thấy thật rõ điều này. Bây giờ tôi đang ở EIAB, tuyết rất nhiều. Đôi khi tôi cũng bắt chước Sư Ông, nghịch một chút để chơi với tuyết và với huynh đệ.

Món quà Noel đặc biệt

Không hiểu vì sao tự nhiên tôi lại nhớ về món quà Noel này. Có lẽ tại vì tôi cứ thèm ăn kem mà đâu dám ăn. Đó là Noel đầu tiên của tôi ở Làng, tôi nhận được rất nhiều quà. Trong số quà đó có một phần quà mà tôi phải đi theo chỉ dẫn được viết trong tấm thiệp thì mới nhận được. Khi đọc lời chỉ dẫn, tôi thấy mình như đang đi tìm kho báu: nào là từ phòng em, qua phòng Telephone, ra Sân Chim rồi đi vào kho, đi vào góc trong cùng, rồi mở tủ đá… sẽ có một phần quà có tên em trong đó. Quả thực lúc ấy tôi rất hạnh phúc vì đã tìm ra được quà. Đó là cả một hộp kem với rất nhiều cây kem nhiều màu sắc. Có lẽ tôi thích kem từ dạo ấy. Tôi rất biết ơn sư chị đã tặng quà cho tôi theo kiểu đặc biệt như thế. Tôi rất ấn tượng. Thế nhưng tôi lại chưa tặng quà theo cách đó cho ai bao giờ.

Vài năm sau, cũng một mùa Noel tôi đã nhận được tới chín đôi tất. Tôi hiểu ra vì sao tôi lại nhận được nhiều như thế. Đó là vì tôi đã mang đôi tất có vá ở gót một tí. Thực ra là vì tất còn tốt mà bị rách một ít, nếu bỏ đi thì hơi tiếc nên tôi mới lấy kim chỉ vá nó lại. Rồi tôi mang đi ngày quán niệm ba xóm một cách rất bình thường. Ai dè, con mắt của tăng thân thật sáng. Tôi vô cùng biết ơn huynh đệ đã dành thật nhiều tình thương cho tôi.

Khi tôi đang ngồi lạch cạch những dòng chữ này thì cũng sắp tới Noel. Tôi sẽ dành tình thương cho huynh đệ - tình thương như tôi đã được nhận. Tôi thấy thương tất cả các anh chị em, vì có huynh đệ cho nên mới có tôi. Chúng ta là con một nhà, cùng mang một màu áo, cùng đi chung một con đường, cùng chung một lý tưởng. Thương lắm áo nâu ơi!

Con là người có phước

Nhìn lại chặng đường 13 năm xuất gia, tôi thấy mình may mắn lắm. Tôi vẫn tin là nhờ vào phước đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà tôi có phước duyên được gặp tăng thân, được làm học trò của Sư Ông. Làm một người tu là tôi thấy hạnh phúc nhất.

Sáng nay, ngày xuất sĩ, tôi được cùng đại chúng nghe pháp thoại DVD vào ngày 18 tháng 2 năm 2002 của Sư Ông. Tôi thấy thấm thía quá và mong mình có thể thực tập thành công. Tôi xin phép được trích ra đây một vài lời mà Sư Ông dạy, cũng là để cho tôi mở ra đọc khi thấy cần quay trở về với sự thực tập.

“Khi mình có một sư em dễ thương, có tâm chí tu học thì mình là một người sư chị có phước! Phải như vậy không? Bây giờ Thầy muốn hỏi, ở đây có bao nhiêu sư chị có phước? Có người nào không có phước không? Mình là sư anh, mình là sư chị, thế nào ít nhất mình cũng có một vài sư em có hạnh phúc và dễ thương, biết tu học.

“Tất cả chúng ta đều là sư anh, sư chị, chỉ trừ có một người thôi, đó là sư út Chân Pháp Hữu. Nhưng mà trong vòng bốn tháng nữa thì mất chức sư út. Thầy muốn hỏi một câu hỏi rất tầm thường, là ở đây có người nào vô phước không? Không có ai vô phước cả. Tất cả chúng ta đều là những người có phước. Người nào cũng có sư em dễ thương. Thầy cũng là một người có phước vì Thầy có những người đệ tử rất dễ thương, có tâm tu học. Vậy nên Thầy không bao giờ nói: tôi là người vô phước, vì điều đó không đúng với sự thật, không đúng với nhận thức của Thầy.

“Và khi nghĩ rằng mình là người có phước thì tự nhiên hạnh phúc sẽ tới. Có những người không có được một sư em hạnh phúc, không có được một sư em dễ thương. Và mình phải thương những người như vậy. Bây giờ Thầy hỏi con thêm một câu hỏi nữa: Có người nào không có được một sư anh, sư chị dễ thương? Có người nào vô phước không? Trong chúng ta, người nào cũng có ít nhất một vài sư anh hay một vài sư chị dễ thương. Và như vậy thì cả anh, cả chị cũng có phước và cả em cũng có phước.

“Khi chúng ta nói: Tôi là một người vô phước thì điều đó không đúng trong trường hợp của tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta ở đây, dù là sư anh, sư chị hay sư em thì chúng ta đều là người có phước. Nếu mình chịu khó, nếu mình tập suy tư theo kiểu này thì mỗi giây phút mình đều có hạnh phúc. Hạnh phúc của Thầy được xây dựng trên những điều như vậy.

“Mình không cần phải có một ngôi chùa rất lớn, một tượng Phật sơn son thiếp vàng bóng loáng, hay một sự khen ngợi, sự giàu sang, sự cung phụng của người ta. Chỉ cần suy nghĩ: mình có sư anh dễ thương, mình có sư chị dễ thương, mình có đệ tử dễ thương là mình đã có hạnh phúc rồi. Và hạnh phúc đó là hạnh phúc thiệt, chứ không phải tự kỷ ám thị. Làm thầy, làm trò, làm anh, làm chị, làm em, chúng ta đều phải có hạnh phúc. Chúng ta quy định với nhau điều đó. Sự thực tập hàng ngày làm cho ta có hạnh phúc thêm nữa, vì ta có khả năng giúp cho anh em ta dễ thương hơn. Anh em ta dễ thương 50%, bây giờ ta làm cho người đó dễ thương 60%. Đó là kết quả của sự thực tập. Và chúng ta có vốn liếng của hạnh phúc. Vốn liếng đó mỗi ngày đều lớn lên. Hạnh phúc đó đến một lúc mình chịu không được nữa vì nó nhiều quá, và mình phải tìm cách chia sẻ, phân phát cho người khác. Đó là việc của chúng ta. ‘Khi lá hoa thật nhiều, trái yêu thương đầy cành, hái đem cho mọi người.’ Chúng ta hãy nhìn bằng con mắt như vậy, con mắt hiểu và thương. Đừng đòi hỏi. Mình đâu có nghèo đói gì đâu về phương diện hạnh phúc. Mình là người có phước, mình là người có hạnh phúc. Và với vốn liếng của hạnh phúc đó ta có thể đi tới mỗi ngày, nhất là khi ta đã có những pháp môn tu tập rất cụ thể.”Sư Ông

Tôi viết đã dài nhưng liệu tôi thực tập được bao nhiêu? Tôi hy vọng rằng lời Sư Ông dạy sẽ giúp tôi, làm đuốc soi đường cho tôi. Hạt giống nóng tính của tôi chưa được chuyển hóa bao nhiêu, nhưng tôi hy vọng rằng với sức mạnh và sự soi sáng của tăng thân thì tôi cũng sẽ phần nào chuyển hóa, như lời thiền sư Quy Sơn đã dạy:

“Người ta nói rằng, cha mẹ tuy sinh ra ta nhưng chính bạn hữu lại là kẻ tác thành cho ta. Sống gần gũi với các bậc thiện tri thức thì cũng như đi trong sương, tuy áo không ướt nhưng cũng có nhuần thấm.”

Tôi thầm cảm ơn Sư Ông, cảm ơn tăng thân, cảm ơn bố mẹ cùng anh chị em trong gia đình huyết thống đã yểm trợ và nâng đỡ tôi rất nhiều trên con đường tu học. Tôi thương yêu tất cả.