Một dòng xanh biếc
Sư cô Chân Thoại Nghiêm
Làng Mai bốn mươi năm, Lá Thư Làng Mai (LTLM) cũng đã được 45 số. Từ vài trang giấy gấp đôi được gởi chung với lá hồng điều có chữ viết của Thầy cho các vị thân hữu của Làng nhân dịp năm mới đến một tập san dày đầy màu sắc, cả về nội dung lẫn hình thức, là một chặng đường dài. Những lời tâm tình về đời sống của Làng trong những lá thư đầu chuyển mình thành những bài viết, những chia sẻ từ khắp năm châu. Vẫn mang tên LTLM nhưng hình thức về sau không còn là một lá thư nữa. Ban biên tập muốn tôi viết ít hàng về những ngày đầu của Lá thư khi tôi được làm báo chung với Thầy. Tôi đồng ý ngay, trong đầu hiện lên rõ nét những năm tháng đã qua, nhưng không biết phải khởi đầu như thế nào.
Lá thư nội bộ
LTLM bắt đầu từ năm 1983. Mười năm sau đó tôi xuất gia, bắt đầu được giúp Thầy và sư cô Chân Không trong việc làm báo. Khi làm việc, tôi chỉ biết công việc mình đang làm trực tiếp với Thầy. Nhưng còn những vị khác nữa thì tôi không biết vì Thầy chia công việc ra nhiều phần và mỗi người giúp Thầy một việc. Hồi đó, hầu như phần lớn công việc đều do Thầy đảm trách. Thầy làm chủ bút, sư cô Chân Không phụ tá, tôi đánh máy, dàn trang và duyệt lại lỗi chính tả.
Từ năm đầu tiên, lúc Làng còn chưa đổi tên thành Làng Mai, vẫn còn gọi là Làng Hồng, thì Lá thư đúng nghĩa là một lá thư của “dân Làng” với nhau: kể chuyện xảy ra ở Làng trong một năm và luôn có phần tái bút: “Thư này là thư riêng, xin đừng phổ biến trên báo chí”. Lá thư đầu tiên, chỉ có hai trang, do sư cô Chân Không, lúc đó còn là chị Tiếp hiện Chân Không viết vì sư cô là người mua đất, mở Làng. Thư sau là một lá thư báo cáo do anh Tiếp hiện Chơn Lễ - Lê Nguyên Thiều viết vì anh sống thường trú ở Làng. Lá thứ ba, năm 1984, cũng còn phần tái bút: “Lá Thư Làng Hồng thứ ba này cũng là tài liệu phổ biến trong nội bộ Làng Hồng. Xin đừng đem đăng báo. Rất cảm ơn.” Vì lá thư mang tính nội bộ nên hình thức và nội dung rất thân tình. Người đọc là thân hữu của Làng.
Lá thư là món ăn tinh thần, được gửi đi mỗi năm kèm theo câu đối trên giấy hồng điều như một lời chúc Tết và gửi gắm sự thực tập. Vào năm tôi bắt đầu giúp Thầy làm Lá thư thì nội dung đã phong phú hơn nhiều. Những bài chủ lực thường là một bài pháp thoại hoặc một bài viết của Thầy. Sau đó là bài tường thuật của sư cô Chân Không, ghi lại chuyện trong Làng năm vừa qua và các chuyến đi dạy của Thầy. Sư cô cũng viết báo cáo về tình hình cứu trợ nạn lụt và hoạt động giúp con nít đói tại Việt Nam (sau này phát triển thành chương trình Hiểu và Thương). Tiếp đó là phần giới thiệu sách của Thầy mới được nhà xuất bản Lá Bối phát hành hay các băng cassette pháp thoại trong năm được phát hành ở quán sách của chị Tịnh Thủy. Phần còn lại là những bài đóng góp của các vị thân hữu. Hoặc Thầy chọn đăng một lá thư Thầy nhận được từ các vị thiền sinh mà Thầy thấy có lợi lạc cho người đọc. Như thư của một tù nhân người Mỹ, nhờ đọc sách Thầy mà biết tu tập trong tù, hay thư của học trò viết về sự tu học. Tôi nhớ, vào mỗi cuối thu đầu đông, Thầy sẽ bắt đầu kêu gọi mọi người viết bài. Có một năm, chắc bài ít quá nên Thầy cho đề tài, phát giấy bút để đệ tử làm bài tại chỗ, còn Thầy đi vòng vòng như giám thị canh thi. Lúc đó, đệ tử xuất sĩ của Thầy khoảng mười mấy người thôi, ngồi vừa chật cái “phòng thi”. Viết về sự tu học của mình, ai dám không viết, nhưng viết thì biết sẽ có thể “bị đăng báo” nên tôi nhớ mình ngồi cả buổi mà không viết được bao nhiêu.
Đóng báo
Ở Sơn Cốc có một cái máy in và một phòng ấn loát dùng để in sách vào những năm đầu của Lá Bối. Ai mới xuất gia đều được lên Sơn Cốc và được Thầy giới thiệu phòng in đó. Tôi nhớ hình ảnh Thầy kê bốn chiếc ghế dài thành một hình chữ nhật rồi đặt kế nhau, theo thứ tự, từng xấp mỗi trang báo mới in. Sau đó, Thầy đi thiền hành vòng quanh dãy ghế và thu gom mỗi trang từ mỗi xấp, xốc cho thẳng, rồi dùng ghim bấm lại. Xem Thầy “biểu diễn” xong là chúng tôi tập làm y như vậy. Tôi nhớ là năm nào ngày ra báo cũng trúng vào ngày gói bánh chưng. Thế là bên này gói bánh chưng, bên kia “đóng báo” rất tưng bừng, náo nức. Người đi gom trang, người xốc lại tập giấy, người bấm, rồi qua người khác gấp tập giấy làm đôi, kẹp vào đó hai lá hồng điều (sau này không chỉ còn màu đỏ mà đủ màu luôn), lại bấm, và sau đó là dán địa chỉ. Thân hữu ở khắp thế giới nên cần thêm một người để riêng thư theo từng châu lục vì giá tem khác nhau. Dán tem xong mới bỏ vào thùng để hôm sau sư cô Chân Không đem đi gửi cho kịp Tết.
Sau này, LTLM dày hơn nên không gấp làm đôi được nữa mà chúng tôi bỏ vào bì thư lớn. Mãi đến năm 2002, LTLM mới bắt đầu có bìa. Lý do là in bìa phải in màu, đắt quá nên thủ quỹ của Làng chùng tay. Nhưng năm 2002 là năm kỷ niệm “Ngày Em 20 tuổi” mà, không biết Thầy thuyết phục ra sao, rốt cuộc LTLM biểu hiện thành một tập san và từ đó trở đi có bốn trang bìa in màu. Dĩ nhiên, có bìa rồi thì cái thú vui xếp báo cũng biến mất vì nhà in làm hết. Chúng tôi phải dàn trang đôi, nhà in dựa theo đó mà in khổ giấy to để đóng lại cho tiện. Những năm ấy chưa có công nghệ kỹ thuật cao như bây giờ nên còn làm thủ công nhiều lắm.
Tài liệu lịch sử
Khi giao cho tôi việc chọn bài để đăng, Thầy nói với tôi LTLM là một tài liệu lịch sử ghi lại hành trình phát triển của Làng Mai. Vì vậy, dù bận bao nhiêu việc sư cô Chân Không cũng viết về sinh hoạt của Làng, về các chuyến hoằng pháp của Thầy và chương trình cứu trợ ở Việt Nam. Năm nào Thầy cũng chọn ra một hay hai bài pháp thoại tiêu biểu để giúp “dân Làng” thực tập. Những thành tựu hay những quyển sách mới của năm đó cũng được ghi lại. Các bài viết với chủ đề “Sư tử núi” của tôi cũng vậy, như là một sự thực tập cá nhân lớn lên theo với Làng. Làng Mai bây giờ không chỉ giới hạn ở Pháp mà ở tất cả những nơi có trung tâm thực tập theo truyền thống Làng Mai.
Có lần, một sư em nhăn mặt nói với tôi: “Đọc LTLM sao giống đọc tài liệu, khô khan quá.” Một người khác than phiền: “Chỉ có một giọng văn, một nội dung, chưa đọc đã biết kết cuộc”. Tôi cười. Đây đâu phải một tạp chí văn nghệ cho “trăm hoa đua nở”. Đây đâu phải “sân chơi” cho những cây bút tập tễnh sáng tác. Những bài được chọn phải dựa trên sự thực tập và những chuyển hóa có thật để mang lại lợi lạc cho người đọc. Có một sư em viết rất hay, nhưng Thầy không cho đăng vì sư em không thực tập những gì sư em viết ra, và Thầy không muốn làm hư con đường tu tập của sư em. Có những bài được viết với bút hiệu, Thầy dạy tôi thuyết phục sư em đó để pháp tự của mình thì mới được đăng. Tôi nghĩ Thầy muốn dạy chúng tôi phải có trách nhiệm với những gì mình viết. Người tu, cái gì cũng cần rõ ràng, minh bạch, nhất là khi “ghi lại lịch sử” của chính mình. Có bài rất cảm động, nhưng quá riêng tư về tình thầy trò cũng không được đăng, vì dễ tạo hiểu lầm Thầy không công bằng và thiên vị trong khi là một thiền sư. Thực ra, đối với mỗi học trò Thầy có một cách dạy khác nhau và ai Thầy cũng thương, cũng quý.
Gieo rắc niềm tin
Còn nhớ lần đầu tiên đọc LTLM, tới bài báo cáo chuyến đi Mỹ của Thầy, tôi “choáng”. Những con số mấy trăm, mấy ngàn người tham dự khóa tu thật hoành tráng, nhưng cũng làm tôi thấy không thoải mái. Tôi còn thủ cựu, chủ trương “hữu xạ tự nhiên hương”, nên đọc tới đâu phục Thầy tới đó, nhưng nhìn mấy con số, nghĩ bụng đâu cần phải kể ra hết như vậy. Nhưng tôi không dám nói. Hai năm sau khi xuất gia, đến khi được đi theo Thầy hoằng pháp ở Bắc Mỹ, tôi mới hiểu. Lần đó, trước khi vào khóa tu chúng tôi được theo Thầy đi chơi. Đi chơi nghĩa là không vào chỗ tổ chức khóa tu mà là vào tiệm sách. Tới đâu Thầy cũng đi thăm tiệm sách và vườn trồng cây. Đó là một tiệm sách lớn, trên kệ có bán sách của Thầy. Trên đường đi ra cửa, tôi thấy có tờ bướm quảng cáo các khóa tu của Thầy bằng tiếng Anh, do ban tổ chức thực hiện. Có cơ hội gần Thầy, tôi bạo dạn hỏi Thầy vì sao phải giới thiệu các khóa tu trong tiệm sách như vậy. May quá, Thầy từ bi nên khi tôi hỏi một câu ngốc nghếch và có vẻ “chất vấn” thì Thầy chỉ nhìn tôi rồi đáp: “Người ta khổ nhiều lắm con. Đôi khi, chỉ một cơ hội được gặp mình, được đi dự khóa tu mà cứu được đời họ. Nên khi mình có mặt thì mình báo cho họ biết, chứ họ đọc sách rồi không biết tìm mình ở đâu.” Tôi dạ. Trong khóa tu, khi nghe thiền sinh khóc, chia sẻ nỗi khổ của họ và hạnh phúc có được sau khi tham dự khóa tu thì tôi hiểu ra và thương Thầy quá chừng. Tôi thấy Thầy từ bi và rất vô ngã, còn mình thì cứ bị kẹt vào lề lối suy nghĩ so đo nên phán xét theo cái ngã to đùng. Rồi nghe Thầy giảng, tôi cũng dần dần hiểu ra: những tin vui như có bao nhiêu người hạnh phúc, bao nhiêu người chuyển hóa khi đi dự khóa tu thì không ai nói đến mà tin buồn, tin bạo động, tin hận thù thì tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Công việc của Thầy trò là gieo rắc niềm tin để quân bình lại những năng lượng tiêu cực đó. LTLM phản ánh sự thật là vẫn còn nhiều người có được duyên may để biết sống vui, sống bình an và hạnh phúc dù khổ đau vẫn còn có mặt. Những con số không còn là một sự khoa trương, mà là niềm tin của cái tâm hướng thiện, sống lành vẫn đang hiện hữu, dù còn nhỏ nhoi khiêm tốn so với nỗi khổ mà nhân loại đang đối mặt.
Uống trà đi con
Nói tới LTLM là nói tới những ngày miệt mài làm cho kịp Tết vì khi nào bắt đầu cũng trễ. Bao giờ cũng vậy, tới giai đoạn gần cuối là tôi lên “văn phòng làm việc” của Thầy để cùng làm và dàn trang theo ý của Thầy. Cái vốn kỹ thuật của tôi chỉ có “cắt dán”, và chút ít kinh nghiệm làm báo trong Gia đình Phật tử. Những năm đầu, nó cũng tạm đủ xài. Thật ra lúc đó, có khi còn cắt dán thủ công nữa cơ. Sau này, có thêm nhiều sư chú xuất gia giỏi về kỹ thuật hơn, máy móc Làng tân tiến hơn thì tôi không làm công việc dàn trang nữa.
Ai làm báo rồi cũng biết, dù làm kỹ đến đâu đọc lại cũng thấy còn lỗi, và Thầy gọi đó là “những con sâu”. Một xấp giấy tôi phải lật qua lật lại “bắt sâu” muốn mờ mắt. Và lúc nào cũng vậy, sau một thời gian làm việc, Thầy luôn luôn ngừng lại, rủ học trò đi thiền hành hoặc pha một ly trà nóng đẩy đến trước mặt tôi: “Uống trà đi con”. Rồi thầy trò nói chút chuyện gì đó không liên quan đến cái tờ báo trước mặt cần hoàn thành cho đúng hạn. Tôi hồi đó khờ lắm, được uống trà với Thầy nhưng niềm hạnh phúc với sự có mặt của Thầy rất ít, chỉ thảnh thơi được khoảng mươi phút là cái tâm lại duyên tới tờ báo, câu chuyện với Thầy lại kéo về phía ấy. Thầy bật cười, xoa đầu tôi rồi đi ra, để cho tôi tiếp tục chúi mũi vào công việc. Có lẽ câu thần chú Thầy dùng với tôi nhiều nhất là “uống trà đi con" vì tôi vốn ít uống nước và lại ít uống trà. Được đi thiền hành với Thầy thì tôi “làm ăn” khá hơn. Tôi yêu cảnh Sơn Cốc và, bao giờ cũng vậy, lâu lâu Thầy lại ngừng để kể cho tôi nghe một chút chuyện gì đó. Ai được thiền hành với Thầy đều biết, năng lượng bình an và thảnh thơi tỏa ra từ Thầy khiến cho mỗi bước chân đúng là “đi không cần tới”. Đi một vòng về là đầy năng lượng để làm việc tiếp.
Tôi thường cố gắng hoàn thành báo trước Tết mấy ngày để sư cô Chân Không kịp đem ra nhà in cho đúng cái hẹn với họ. Mọi sinh hoạt chuẩn bị cho Tết tôi đều bỏ qua một bên, tham dự thời khóa xong là ôm cái máy đến khuya. Vậy mà, năm nào cũng làm tới giờ chót và vẫn mong có thêm chút giờ để đọc lại thêm lần nữa. Vì lần nào báo ra tôi cũng chộp được một vài “con sâu” mà không hiểu sao lại bị sót. Có một năm, tôi nhớ là sáng hôm sau báo phải đưa in mà tối đó vẫn còn tìm ra vài lỗi kỹ thuật, vài “con sâu” to đùng. Tôi làm riết đến khi đóng máy lại là ba giờ sáng, lấy xe đi với một sư cô làm đệ nhị thân qua Sơn Cốc. Trời mùa đông rất lạnh. Hai chị em đậu xe ngoài cổng để không đánh thức Thầy rồi rón rén đi vào, nín thở kéo cửa kiếng và để xấp báo vào nhà kiếng trồng hoa, đóng lại nhẹ nhàng rồi thở phào đi ra cổng. Cứ như đi ăn trộm !
Hình thức trình bày
Thầy làm báo chuyên nghiệp nên rất kén chọn mẫu chữ. Thầy thường chỉ dùng một mẫu chữ xuyên suốt từ đầu đến cuối để khỏi loạn mắt người đọc. Có năm, một sư em giúp làm kỹ thuật dùng đủ mẫu chữ, tôi nói mà sư em không chịu nghe. Thế là tôi phải ngồi làm lại hết tất cả các bài, và dĩ nhiên toàn bộ sự phân bố đoạn, trang cũng bị ảnh hưởng nên tờ báo mất thêm cả tuần mới xong. Thầy cũng không làm đầu đề hoa mỹ. Thường thường tôi xin Thầy một dòng thư pháp là đủ cho một cái đề. Cảm giác rất sung sướng khi Thầy sẵn sàng giúp đỡ, mỗi đầu đề Thầy viết cho mấy kiểu để chọn lựa. Sau này kỹ thuật tiên tiến, các sư em cũng màu mè hơn. Và, vì làm trên máy, không in ra (ngày xưa sợ in nhiều tốn mực) nên trang hoàng bắt mắt hơn, nhưng phần nào đánh mất sự bình dị thuở ban đầu. Có một sư em rất thích làm nền cho nổi nên làm chữ trắng trên nền đen đọc rất nhức mắt. Tôi cũng hiểu các sư em thích thiết kế, thích sáng tạo, nhưng vô tình làm cho người đọc không còn tập trung vào nội dung nữa.
Thậm chí có sư em vì để bài viết được in trọn trong cái khung mình thiết kế, nên cắt bớt câu, chữ. Và khi tôi khám phá ra thì đã quá trễ. Tôi năn nỉ sư em sửa lại nhưng khi báo ra thì vẫn y nguyên. Bị tác giả trách, tôi chỉ biết xin lỗi. Làm báo hay bị trách móc, hờn giận, nhưng không buông tay được. Với lại, không có những sư em biết kỹ thuật, tờ báo chắc không hoàn thành sớm được. Bởi vậy, mỗi người góp một tay, tinh thần huynh đệ là quan trọng nhất.
Tiếp nối
Tôi được làm báo với Thầy cho đến năm 2000 thì đi Lộc Uyển. Đi xa nên khỏi làm báo, thỏa chí trèo lên sân khấu làm văn nghệ và đón Tết. Tôi nhớ cảm giác lần đầu tiên cầm tờ báo trong tay đọc rất sướng, thấy bài nào cũng hay, cũng lạ. Khi mình trong ban biên tập, phải đọc đi đọc lại bài để biên tập hay sửa lỗi chính tả thì mất đi cái thú được thưởng thức tờ báo mới. Nhưng khi xa Làng, đọc những hàng chữ nói về Làng thì cảm giác thân thuộc tràn về. Tôi biết ơn các sư em đã giúp Thầy để tờ báo có mặt.
Làm việc với Thầy, tôi học được rất nhiều vì Thầy kỹ lắm, cẩn thận từng dấu phẩy, dấu chấm. Mỗi khi đọc bản thảo và phần Thầy sửa lại tôi đều học được cách làm cho câu văn gọn hơn, rõ hơn, dùng từ đơn giản mà súc tích, đúng văn phạm hơn. Sau một năm ở Lộc Uyển, tôi về lại Làng và lại tiếp tục làm LTLM với Thầy. Thầy đưa xuống rất nhiều tài liệu, bắt tôi tự tìm bài và sửa. Tôi phải làm quyết định nhiều hơn chứ không còn chỉ giúp sửa lỗi chính tả và kỹ thuật nữa. Khoảng tháng Mười, Thầy kêu gọi nộp bài, lần này Thầy tuyên bố trước chúng là “nộp bài” cho tôi khiến tôi ngẩn ngơ và rất khó xử. Rồi đến năm 2005, tôi rời Làng để về giúp xây dựng tu viện Bát Nhã. LTLM vẫn ra đời đều đặn, ngày càng phong phú về cả nội dung lẫn hình thức. Các sư em sau này giỏi kỹ thuật, tiếng Việt cũng chuẩn mực nên Thầy có nhiều phụ tá hơn. Năm 2010 trở về Làng, nghĩ là đã “thoát”, tôi xin Thầy (cho chắc ăn) cho tôi ra khỏi ban biên tập. Thầy im lặng. Rồi Thầy lại công bố tôi lo cho LTLM (Thầy làm con đau tim quá chừng!) Không dám trả giá với Thầy, tôi mời thêm các sư em vào làm việc. Năm sau, tôi có một danh sách đề nghị để xin Thầy đồng ý và công bố ra cho chúng biết. Thầy gật đầu. Ngày công bố danh sách tôi đang hí hửng thì nghe tên mình cũng lại bị nêu lên như người chịu trách nhiệm. Biết là Thầy đang đào tạo học trò nhưng tôi cũng thấy bị áp lực. Bao nhiêu năm rồi tôi ăn Tết với những lo toan của việc làm báo, có năm nào rảnh rỗi ngồi gói bánh tét, bánh chưng với đại chúng được đâu.
Rồi Thầy bệnh, tôi mời các sư em có khả năng vào ban biên tập và công bố cho đại chúng biết. Dần dần các sư em đứng vào vai trò chủ chốt, tự điều hành việc làm LTLM hàng năm, tôi chỉ còn nhiệm vụ phải nộp bài (mà luôn luôn nộp trễ). Áp lực của việc làm báo rơi vào đại chúng. Ban biên tập ngày càng hùng hậu. Bài vở quá nhiều để chọn lựa, lại làm thêm bản tiếng Anh cho các sư em người Tây phương. Nhưng LTLM vẫn luôn mang tinh thần nội bộ, tinh thần Làng Mai. Nên đừng ai “phàn nàn” sao chỉ một giọng văn, chỉ một nội dung, chỉ một dòng chảy…
Thầy cũng sẽ mỉm cười vì sự tiếp nối luôn có mặt và ngày một hay hơn.