Advent - Một truyền thống đẹp cần gìn giữ

Sư cô Chân Trăng Bồ Đề

Lúc con còn nhỏ, mỗi lần Giáng sinh đến, khắp đường phố đều trang trí đèn rất lung linh. Những quầy văn phòng phẩm trưng bày những cây thông Noel, bằng nhựa thôi nhưng trông thật đẹp. Rồi nhà thờ gần nhà, thay vào vẻ vắng lặng thường ngày là không khí tấp nập, vui tươi. Dù không biết Giáng sinh là gì, con cũng thấy vui vì tối đó được đi dạo phố, ngắm cái này, cái kia. Tuy vậy, con chưa từng có can đảm bước chân vào nhà thờ chỉ bởi một lý do: con là Phật tử, ngoại trừ một lần duy nhất vì bị tính hiếu kỳ đưa đường dẫn lối. Có một lằn ranh phân cách giữa chùa và nhà thờ. Ông bà, ba mẹ con đều đồng ý rằng là Phật tử thì không được đi nhà thờ, đi vào đó là hành động phản đạo. Quan niệm ấy cũng được gieo vào đầu chị em con.

Đến khi vào Diệu Trạm, con có cơ hội thưởng thức không khí Giáng sinh nhiều hơn. Từ trang trí thiền đường, tập văn nghệ, bốc thăm tặng quà, gói quà,… cho đến giây phút cả phòng ngồi lại để mở quà cùng nhau, không khí đều thật vui, rộn ràng và ấm áp. Có lần con thắc mắc hỏi một sư cô rằng tại sao mình lại ăn Giáng sinh trong chùa vì những gì được gieo vào đầu thời thơ ấu vẫn còn ghi dấu trong con. Hơn nữa, theo sự hiểu biết của con thì hình như chùa mình là ngôi chùa duy nhất tổ chức Giáng sinh thì phải. Sư cô trả lời con: “Để hòa nhập văn hóa. Giáng sinh của Tây phương cũng quan trọng như Tết trong văn hóa Đông phương vậy. Đó là dịp để các gia đình sum họp, là dịp để nói với nhau những lời tốt lành cũng như gửi những tâm niệm an lành của mình cho thế giới. Sau này khi sang Làng hay các trung tâm khác, em sẽ có cơ hội thấy rõ hơn tinh thần của Giáng sinh”. Tinh thần Giáng sinh? Hơi thắc mắc một chút nhưng lòng đang ngập tràn niềm vui vì nhận được nhiều quà nên con không hỏi thêm. Ấn tượng về Giáng sinh trong con lúc đó chỉ là: vui, rộn ràng.

Cho đến khi sang Làng, được thấy những ngọn nến thắp lên mang theo nhiều ý nghĩa lúc ăn cơm quá đường, được nghe những bài thánh ca, con tiếp xúc được với một khía cạnh khác của không khí Giáng sinh: tĩnh lặng, bình an. Bên cạnh đó, con biết thêm một danh từ mới: advent. Đó là một khái niệm hoàn toàn xa lạ với con. Hai năm trước con không tham dự Advent ở Làng, con có cảm giác hoạt động này không thích hợp với mình. Năm nay, con cho mình cơ hội để trải nghiệm, đi để biết. Một động lực lớn giúp con có cảm hứng tham dự là vì nó được tổ chức ở thất Da Cóc, nơi bình thường con hiếm có cơ hội được đến. Không hiểu sao trong lòng con có sự yêu mến lạ kỳ với nơi này. Chỉ nghĩ đến việc được xuống đó thôi là đã thấy lòng hân hoan. Ngồi trong thất Thầy, cảm nhận sự ấm áp tỏa ra từ lò sưởi, nghe những tiếng trò chuyện, tiếng cười rộn rã của các anh chị em xung quanh, giây phút đó con trở về với mình. Trở về được với mình, sự ồn ào trở nên thật dễ chịu. Đôi khi những khoảng lặng tuyệt đối lại không đến từ giờ thiền tọa… Nơi náo nhiệt nhất, khi ta biết trở về với chính ta lại là nơi ta tiếp xúc được với con người thật của chính mình. Lúc này, bóng tối đã bắt đầu hành trình dạo chơi của mình. Nhìn ra bên ngoài, con không thấy gì khác hơn ngoài những hạt mưa được gió hắt vào khung cửa sổ. Màn đêm giờ đây đã bao trùm lấy cảnh vật.

Với con, màn đêm là nơi dễ phát sinh những điều mờ ám và xấu xa nhất nhưng đồng thời là nơi khởi đầu cho những gì linh thiêng và thuần khiết nhất. Màn đêm có thể là cỗ xe đưa con người thẳng tiến về địa ngục mà cũng có thể là nơi chắp cánh cho lời nguyện cầu chạm đến được những vì sao. Trong giây phút này, mọi người đang cùng nhau hát và thắp lên cây nến thứ hai của mùa Vọng. Giữa sự tĩnh lặng của đêm, bài Thánh ca càng thêm trang nghiêm, mở lối cho con người trở về nơi đẹp đẽ nhất của tâm hồn. Nhắm mắt lại, con buông thư, để những thanh âm mát dịu kia rơi mãi, rơi mãi vào lòng. Trong khung cảnh an lành đó, dường như mọi tư tưởng bất thiện đều phải tan biến hết. Lòng người phút chốc trở nên trong trẻo như sương sớm, thánh thiện như Chúa Hài Đồng. Những ngọn nến cứ lung linh múa ca, mang lời nguyện cầu của các anh chị em đi xa:

“Con cầu nguyện bình an cho những nạn nhân Covid ở Việt Nam và trên thế giới.”

“Con mong ước bình an cho những người dân ở Afghanistan nơi đang chịu khổ đau vì chiến tranh.”

Học theo mọi người, con cũng chắp tay lại giới thiệu tên mình và rồi để trái tim nói lên lời nguyện cầu của nó:

“Con mong cho những ai đang phải xa nhà có thể trở về và có được những giây phút hạnh phúc như chúng con đang có trong giờ phút này.”

Sau những khoảng lặng, lắng yên, các anh chị em bắt đầu kể cho nhau nghe những câu chuyện vui về Giáng sinh. Hầu như ai cũng từng có ít nhiều kỉ niệm liên quan đến một nhân vật được gọi là Ông già Noel. Lắng nghe là cơ hội để con nhìn kĩ hơn gương mặt của huynh đệ mình, hiểu hơn một chút về những người mà bình thường mình ít khi có cơ hội trò chuyện. Sống trong một đại chúng lớn, sự kết nối nhiều lúc chỉ dừng lại ở việc gặp nhau, chắp tay chào, mỉm cười. Cơ hội tiếp xúc, tương tác giữa các anh chị em với nhau phần nhiều là qua một cây cầu mang tên công việc. Thậm chí, với những sư cô, sư chị, sư em đang sống cùng, có những khoảnh khắc con đã ngỡ ngàng khi nhận ra mình chưa từng nhìn kỹ gương mặt của người đó, chưa từng thực sự có mặt với người đó. Mình chỉ nhận diện, phân biệt các chị em qua tên gọi mà thôi.

Sống một hồi trong tu viện, con cũng dần yêu nếp sống tĩnh lặng, yên bình. Sự yên tĩnh giúp con nhìn rõ tâm tư mình hơn, nuôi dưỡng bình an trong con. Nhưng khi con bắt đầu hình thành tư tưởng “con thích yên tĩnh, ồn ào mệt lắm” thì một bức tường được dựng lên ngăn cách con với thế giới, hạn chế hơn nữa những cơ hội hiếm hoi để có mặt với anh chị em mình. Những lúc như vậy, những lúc con thấy mình “lười chơi”, con hay nghĩ đến sư cha. Sư cha là một người rất chịu chơi, luôn đến góp mặt với một tấm lòng rất cởi mở, hòa đồng. Buổi tối hôm đó, khi sư cha đội mưa đến, con không kiềm chế được sự ngạc nhiên của mình: “Sư cha cũng đi advent nữa à?” Sư cha đáp một cách tự nhiên: “Đi chứ”. Đọng lại trong con đến bây giờ là hình ảnh sư cha cầm bổn, miệng thì nhẩm theo lời và giai điệu của những bài Thánh ca nhưng đôi mắt thì phải cố gắng mở to, to lắm để chống lại cơn buồn ngủ. Bắt gặp ánh mắt và nụ cười tinh nghịch của con nhìn sang: “Sư cha buồn ngủ lắm rồi phải không?”, sư cha làm bộ giương to thêm đôi mắt vốn đã mở hết cỡ để nhìn lại, thay cho câu trả lời, khiến con không khỏi bật cười. Khoảnh khắc ấy con hiểu được rằng: “Đi chơi không phải vì ham chơi mới thật là đi chơi.”

Những ấn tượng đầu tiên về Advent đẹp đến nỗi lúc vừa bước chân vào cổng nhỏ, sư cô hỏi con: “Lần đầu tham dự, em thấy sao?” Không do dự, không cần suy nghĩ, con đáp ngay: “Dạ vui và nuôi dưỡng ạ”. “Lần sau đi nữa không?” “Dạ đi”. Con gật đầu một cách quyết đoán.

Tham dự lần này giúp con tháo gỡ được những tri giác trước đó của mình về sự kiện này, cũng như cho con bài học lớn về việc cẩn thận với tri giác của mình. Nếu chưa biết rõ thì đừng vội phán xét, hãy cho mình cơ hội trải nghiệm để khám phá sự thật. Con cũng thấy rằng bất cứ sự kiện nào, tự thân nó là vô ký. Chính tâm thức của những người tham dự và người tổ chức tạo nên màu sắc của sự kiện đó. Dù là lần đầu tham dự, nhưng con thấy rằng Advent đẹp là nhờ chất liệu tâm linh mà nó chứa đựng. Do đó, để gìn giữ được vẻ đẹp cũng như linh hồn của nó, các anh chị em con phải gìn giữ được chất liệu tâm linh trong chính mình. Nhưng chất liệu tâm linh đó là gì và làm sao để gìn giữ? Ngay lập tức, đôi lông mày giãn ra, con buông xuống mớ ngôn từ đang viết. Mỉm một nụ cười nhẹ, ngôn từ dù đẹp đến đâu cũng chỉ là ngôn từ thôi. Cách mình sống quan trọng hơn nhiều lắm. Nhắm mắt lại, hơi thở dẫn đường cho con trở về suối nguồn bình an, tĩnh lặng trong tự thân. Suối nguồn dịu ngọt này luôn có đó với tình thương vô điều kiện; kiên nhẫn, thủy chung đợi con trở về dù cho trong đời sống, có những lúc vì ham chơi, con vô tình lạc lối để người bạn hiền phải mòn mỏi ngóng trông. Đám mây trong ly trà con uống sáng nay nhắc con rằng: Câu trả lời chính xác nhất không đến bằng trí năng đâu, cũng không đến từ bên ngoài, nó đến từ tự thân mỗi người.

Con nhớ buổi tối hôm đó, khi ngồi yên nghe đọc kinh Thánh, một chuỗi hình ảnh về Chúa hiện lên trong con. Đó là hình ảnh Chúa Hài Đồng nằm ngủ an lành trong máng cỏ mà con nhìn thấy thời thơ ấu; là tranh vẽ Chúa đeo gông, bị áp giải trên đường trong cuốn sách đọc ở nhà thờ Monségur; là khung cảnh Chúa bị đóng đinh trên Thập tự giá trong bộ phim con xem vào mùa làm biếng trước… Hình ảnh nào cũng đẹp. Đường nét trên gương mặt Người hiền từ như những đường nét mà các nhà điêu khắc thường dùng để diễn tả tình thương vô biên của Bụt vậy. Bụt cũng đẹp, Chúa cũng đẹp. Người là một đóa hoa Ưu bát đã nở ra trong thời kỳ tăm tối của nhân loại. Con có cảm tưởng giây phút đó mình tháo tung được chiếc lồng chật hẹp và giải phóng được cho ông bà, cha mẹ con ra khỏi khái niệm “là Phật tử”. Con thấy mình vươn cao hơn, bay xa hơn trong khung trời tâm linh thênh thang, không có giới hạn…

“Như một người làm công đào đất, khám phá được châu báu trên một khoảnh đất nhỏ. Người ấy liền về nhà, bán hết gia sản, bán hết tất cả những đất đai khác chỉ để mua mảnh đất nhỏ ấy thôi”. Những ngôn từ quen thuộc đưa con rời khỏi thế giới nội tâm của mình. Mở mắt ra, con nhìn về phía người đang đọc. Giây phút đó con thấy rất rõ người đó là huynh đệ mình. Đoạn kinh này con đã nghe Thầy giảng trong một bài pháp thoại nên không quá khó hiểu. Nhớ đến Thầy, lòng con ấm áp sự biết ơn, một sự ấm áp không làm bằng nhiệt lượng vật lý. Thầy là cánh cửa mở ra cho những tinh hoa của đạo Bụt đi vào xã hội Tây phương và song song với điều đó, người Phật tử cũng khám phá được những nét đẹp trong những truyền thống tâm linh đang hiện diện nơi đây như Thiên Chúa giáo, Do Thái hay Hồi giáo. Nhờ Thầy mà gia tài tâm linh của thế hệ anh chị em chúng con giờ đây rất giàu có khi tiếp nhận được rất nhiều dòng chảy tâm linh khác nhau mà dòng chảy nào cũng đẹp, truyền thống tâm linh nào cũng đáng tôn trọng. Con tin rằng nếu nhìn cho kỹ, bỏ đi lớp vỏ ngôn từ và hình thức diễn đạt, ta sẽ thấy rằng không có cái gọi là tuệ giác riêng của từng tôn giáo. Tuệ giác là tuệ giác chung của toàn thể nhân loại…

Đồng hồ đã điểm 9 giờ kém 10, con ghé tai sư cô thì thầm: “Sư cô ơi, sắp đến giờ về rồi ạ”. “Ừ, hát xong bài này rồi mình về.” “Sao mà mấy cô trò mình giống công chúa Lọ Lem quá”, ý nghĩ đó bất chợt đi lên trong đầu khiến con thấy vui vui. Vì nhà xa nên xóm Mới lúc nào cũng về sớm hơn xóm khác. Cứ thấy một chị em nào đó đứng lên là tất cả đều đồng loạt thu dọn đồ đạc, mang ba lô lên vai và đồng thanh nói lời tạm biệt để ra xe, dáng vẻ khẩn trương như thể nếu không về kịp thì xe mình sẽ biến thành những quả bí ngô trong truyện cổ tích vậy. Dần dần con cũng quen với nhịp điệu và rèn luyện được những thao tác nhanh nhẹn đó. Làm cô bé Lọ Lem cũng vui lắm. Biết mình không có nhiều thời gian nên con trân quý từng giây phút hiện tại, có mặt một cách trọn vẹn và hết lòng hơn. Vì vậy mà khi “đến giờ phải về rồi”, con thanh thản đứng dậy, quay đi với những bước chân thong dong. Với con, giá trị của sự có mặt không đo bằng thước đo thời gian. Không phải có mặt bao lâu mà là có mặt như thế nào…

Xe đang bon bon chạy về nhà. Lòng con chỉ thầm mong năm sau xóm Mới sẽ có thêm nhiều “Lọ Lem” đi tham dự Advent hơn. Chung tay, mình cùng gìn giữ truyền thống đẹp này cho thế hệ tương lai.