Sư Ông Làng Mai
Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày 14 tháng 10 năm 2010, chúng ta đang ở thiền đường Trời Phương Ngoại, Pak Chong, Thái Lan, trong khóa tu xuất sĩ với chủ đề Vườn Ươm.
Trí tuệ không biên giới
Trời Phương Ngoại tiếng Hán là Phương ngoại phương (方外方). Phương ngoại là không gian. Người tu rất cần không gian. Không gian này là chất liệu tự do, giải thoát. Mục đích của sự tu tập là đem thêm không gian vào trong trái tim, là cung cấp cho mình cũng như những người xung quanh thật nhiều không gian. Không gian này chúng ta đạt được bằng sự tu tập, bằng trí tuệ và từ bi.
Trí tuệ và Từ bi luôn đi đôi với nhau. Người nào có trí và bi thì người đó có nhiều hạnh phúc và không khổ nữa. Nhưng bi và trí không phải là hai cái riêng biệt, nó có liên hệ với nhau. Trí làm bằng bi và bi được làm từ trí, không có cái này thì cũng không có cái kia. Về tình thương, đạo Bụt thường nói tới Tứ vô lượng tâm (Brahmavihāra) gồm Từ (Maitrī), Bi (Karuṇā), Hỷ (Muditā) và Xả (Upekṣā). Bốn tâm này không có giới hạn nên gọi là Tứ vô lượng tâm, là tâm không có biên giới. Tình thương trong đạo Bụt là tình thương không có biên giới. Trong tất cả các tông phái Phật giáo, tông phái nào cũng dạy về Tứ vô lượng tâm và tông phái nào cũng công nhận sự thật là tình thương không bao giờ có biên giới, hễ còn có biên giới thì chưa phải tình thương đích thực của Bụt. Vô lượng tâm là trái tim không có biên giới.
Điều này quan trọng lắm vì chất liệu làm ra tình thương là trí tuệ. Không hiểu thì không thể thương. Đây là điều chúng ta có thể kinh nghiệm được. Nếu người cha không hiểu được những khó khăn, buồn khổ của con thì người cha càng thương càng làm con khổ. Giữa thầy trò cũng vậy. Nếu thầy không hiểu những khó khăn, khổ đau của đệ tử thì thầy chưa biết thương đệ tử, chưa giúp được đệ tử. Thành ra người thầy phải có bổn phận hiểu được đệ tử của mình. Khi vị thầy đã hiểu thấu được những khó khăn, khổ đau, dằn vặt của đệ tử thì lúc đó thầy mới thật sự có tình thương. Và những điều thầy nói, thầy dạy, thầy làm mới có thể giúp được cho đệ tử. Trước đó dầu có muốn thương bao nhiêu đi nữa cũng chưa phải là tình thương đích thực. Đệ tử đối với thầy cũng vậy.
Bây giờ chúng ta đi tới một kết luận rất quan trọng: Nếu cái bi không có biên giới thì cái trí cũng không có biên giới. Nếu cái thương không có biên giới thì cái hiểu cũng không có biên giới. Cho nên phải xét lại những danh từ như là nhất thiết trí hay toàn giác. Cái trí được gọi là nhất thiết trí phải là cái trí không có biên giới. Nếu ai đó nói tôi đã có đầy đủ trí tuệ rồi, không thể có trí tuệ cao hơn nữa thì trí tuệ đó chưa phải là trí tuệ của Bụt. Là đệ tử Bụt, chúng ta hay xưng tụng Ngài là bậc có trí tuệ cao tột, không có trí tuệ của ai cao hơn được là bởi vì ta thương kính Ngài. Nhưng chưa chắc Ngài đã công nhận điều đó. Điều này có thể có nhiều người không chấp nhận được vì đã mấy ngàn năm nay ta đã quen với điều đó rồi. Xưng tụng Ngài là bậc Vô thượng chánh đẳng chánh giác nghĩa là cho rằng trí tuệ của Ngài đã tới mức cùng tột, cao nhất; nghĩa là nó có biên giới, có giới hạn. Điều này chưa chắc đúng vì nếu tình thương không có biên giới thì trí tuệ làm ra tình thương cũng không có biên giới. Nó luôn có thể lớn hơn. Đây là một công án, một chủ đề cho chúng ta quán chiếu. Nếu chúng ta bị kẹt vào thái độ giáo điều thì chúng ta không thể hiểu được.
Bụt có cần thực tập không?
Trong kinh ghi rõ là sau khi thành đạo, Bụt vẫn thiền hành, thực tập an ban thủ ý, ăn cơm im lặng và tham dự các buổi pháp đàm với các thầy. Chúng ta hỏi: Người chưa thành Bụt mới cần thực tập, tại sao thành Bụt rồi mà vẫn phải làm những chuyện đó? Nếu dành thời giờ để quán chiếu, ta sẽ tìm ra câu trả lời. Bởi vì thực tập không phải chỉ để thành Bụt. Thành Bụt thôi chưa đủ.
Những thực tập đó có mục đích gì ngoài mục đích thành Bụt? Câu trả lời rất rõ. Vì những thực tập đó nuôi dưỡng mình. Bụt cũng có một cơ thể, một đời sống hàng ngày và Ngài cũng có nhu yếu được nuôi dưỡng, được trị liệu bằng các phương pháp thực tập.
Dựng tăng - sự nghiệp của các vị Bụt
Mà thành Bụt để làm cái gì mới được chứ? Thành Bụt là để cứu độ chúng sanh. Thành Bụt mới là sự khởi đầu. Mỗi vị Bụt đều có một sự nghiệp cần phải hoàn tất. Vì vậy sau khi thành đạo, ngồi dưới gốc cây bồ đề để dưỡng sức bằng năng lượng tỉnh giác, đức Thế Tôn bắt đầu nghĩ đến sự nghiệp của mình. Sự nghiệp đó là xây dựng tăng thân. Nếu không có tăng thân thì một đức Thế Tôn cũng không làm được gì nhiều. Nhờ có tăng thân mà Bụt hoàn tất được sự nghiệp hóa độ của Ngài. Tăng thân của Bụt có khả năng đem giáo pháp đi vào cuộc đời. Bụt có rất nhiều chuyện để làm, chứ không phải thành Bụt rồi là xong.
Tu với tăng thân
Có một điều chúng ta phải thấy rõ là giáo pháp của Bụt trao truyền không phải để ta thực tập một mình. Từ Kinh cho đến Luận hay Luật, tất cả đều nói rằng giáo pháp của đức Thế Tôn là để thực tập với tăng thân chứ không phải để thực tập một mình. Khi ta thọ giới, dù là giới sadi, giới khất sĩ, hay giới ưu bà tắc, ưu bà di thì ta cũng phải tụng giới. Không tụng giới là phạm giới. Mà tụng giới với ai? Tụng giới với những người cùng tu. Nếu là sadi thì tụng giới với những vị sadi. Nếu là khất sĩ nam thì tụng giới với các vị khất sĩ. Nếu là khất sĩ nữ thì tụng giới với các vị khất sĩ nữ. Nếu an cư thì ta cũng phải tìm đến an cư chung với các bạn đồng tu. Tu là phải có một tăng thân. Tam quy là chuyện căn bản. Khi nói Sangham saranam gacchami - con về nương tựa Tăng, nghĩa là con nguyện không bao giờ ly khai tăng thân. Không nương vào tăng thân là không phải Phật tử. Điều này rất rõ ràng.
Cho nên nghĩ rằng đi vào núi tu cho thành Bụt rồi làm gì thì làm, chứ ở với loài người quá rắc rối phiền nhiễu là một ý tưởng rất sai. Nếu có vị nào ôm ấp ý tưởng muốn đi vào núi tu một mình cho khỏe thì nên buông bỏ ngay lập tức. Theo đạo Bụt, đó là tà tư duy. Tu là luôn luôn phải tu với một tăng thân. Và nếu chúng ta đang sống với một tăng thân còn có những yếu kém, thiếu sót thì ta phải làm thế nào để giúp cho tăng thân đó có phẩm chất hơn.
Giáo lý của đạo Bụt cống hiến cho chúng ta không phải để cho chúng ta tu một mình. Khi tu một mình, năng lượng niệm và định ta chế tác ra có thể còn yếu, không đủ sức giúp cho ta chuyển hóa và đem lại nhiều không gian trong trái tim. Khi tới với một tăng thân có nhiều người biết tu tập, biết chế tác năng lượng chánh niệm, chúng ta sẽ thấy có một nguồn năng lượng tập thể của niệm và định rất hùng hậu. Ta có thể mượn nguồn năng lượng đó để làm công việc mà ta không đủ khả năng làm được khi ở riêng. Cũng như một giọt nước muốn đi ra biển, giọt nước đó phải biết rằng một mình đi ra biển rất khó thành công, nửa đường có thể bị bốc hơi và trở thành một phần của đám mây, rồi sẽ đi loanh quanh hoài không bao giờ ra đến biển cả. Nhưng nếu giọt nước đó đi vào dòng sông, để cho dòng sông ôm ấp và chuyển hóa thì chắc chắn nó sẽ đi ra tới biển. Người tu phải để cho tăng thân dẫn dắt, để cho tăng thân ôm ấp, chuyên chở thì mới thành công.
Chân tăng
Tăng là một đoàn thể những người cùng tu tập với nhau, có khả năng chế tác được năng lượng niệm (Smrti) và định (Samādhi). Khi thở hay đi, chúng ta thở và đi như thế nào để có khả năng chế tác niệm và định. Nếu một tăng thân, một đoàn thể thực tập như vậy thì khi tiếp xúc chúng ta sẽ nhận ra ngay. Đó là một tăng thân đích thực. Khi tới với một nhóm người mà chúng ta không thấy năng lượng hùng hậu của niệm và định thì dầu nhóm người đó có mặc áo nâu, khoác y vàng thì đó cũng không phải là tăng thân đích thực. Có thể đoàn thể đó có hình thức của một tăng thân nhưng nội dung không phải là một tăng thân. Tăng ở đây không phải là một người xuất gia mà là một đoàn thể của những người xuất gia.
Chân tăng (True Sangha) là một đoàn thể có tu tập, một đoàn thể chế tác được chánh pháp. Khi thở, khi đi thì chế tác được chánh niệm và chánh định về hơi thở, bước chân. Khi ăn cơm, uống nước, rửa bát, hay chải răng… đều có khả năng chế tác năng lượng niệm và định. Năng lượng tập thể của niệm và định hùng hậu thì chúng ta biết tăng thân này là một chân tăng và ta phải nương tựa vào đoàn thể đó. Chúng ta là một người may mắn nếu gặp được một tăng thân như vậy. Tăng thân đó chứa đựng chánh pháp (gọi là chân pháp). Pháp ở đây không phải là pháp nói ra thành lời, cũng không phải là pháp viết thành sách. Pháp nói ra thành lời hay viết thành sách cũng là pháp, nhưng chưa quý bằng pháp linh động (living dharma). Pháp linh động là khi ta thở hay bước đi trong chánh niệm, chánh định. Bằng hơi thở, bước chân, mỉm cười, chải răng, giặt áo, chúng ta chế tác được pháp linh động đó, và pháp đích thực đang có mặt. Pháp có mặt thì Bụt cũng đang có mặt. Đây là Bụt thật (chân Bụt), được làm bởi năng lượng của niệm, định và tuệ chứ không phải làm bằng đá, xi măng, tạc bằng đồng hay được vẽ bằng sơn dầu. Đức Thích Ca được gọi là Bụt vì Ngài có năng lượng của niệm, định và tuệ. Nếu một thầy hay sư cô có năng lượng đó, vị ấy cũng là Bụt. Bụt lớn hay Bụt nhỏ là tùy theo năng lượng đó hùng hậu nhiều hay ít.
Có người hỏi: bây giờ tìm Bụt ở đâu? Rất dễ trả lời. Khi ta tìm được một tăng thân có tu học, có chế tác được niệm, định và tuệ, tức là ta tìm được pháp, và tìm được pháp rồi thì Bụt ở trong đó. Bụt đang có mặt đích thực trong pháp và trong tăng.
Nương tựa tăng thân để tu học và độ đời
Sáng nay chúng ta tụng kinh Người biết sống một mình sau giờ ngồi thiền. Chúng ta hiểu rằng người biết sống một mình không phải là người tách rời tăng thân, đi lên núi ở một mình. Trong Trung bộ (Majjhima Nikāya) có nhiều kinh nói về đề tài sống một mình, trong đó có kinh Bhaddekaratta. Có người dịch là kinh Nhất dạ hiền giả. Trong kinh nói rằng không nên để cho quá khứ hay tương lai lôi kéo, chúng ta phải an trú và quán chiếu những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Nhờ sự quán chiếu đó mà ta được gỡ rối và chuyển hóa, từ đó đem lại nhiều không gian trong trái tim để ta có hạnh phúc. Vì vậy, người biết sống một mình ở đây là người biết sống trong giây phút hiện tại, và người đó có thể sống một mình với tăng thân mà không đánh mất mình trong đám đông. Thực tập thiền hành, ngồi thiền hay ăn cơm với tăng thân hai ngàn người nhưng mình vẫn là mình. Chúng ta không tự đánh mất mình, trái lại còn thừa hưởng được năng lượng tập thể của tăng thân. Con về nương tựa tăng hay như vậy đó!
Ngày xưa đức Thế Tôn đã để ra rất nhiều tâm huyết và thời gian xây dựng tăng thân. Sau khi thành đạo rồi, việc đầu tiên Ngài làm là đi tìm những người cùng chí hướng để xây dựng một tăng thân. Nhóm đông nhất mà Ngài thâu nhiếp làm đệ tử xuất gia là 500 học trò của ông Uruvelā Kassapa và đoàn thể của hai người em, vốn theo đạo thờ thần Lửa. Chỉ trong vòng mười ngày mà đức Thế Tôn có trên một ngàn đệ tử xuất gia. Các vị này còn chưa giỏi, vẫn còn ô hợp, chưa biết tu tập. Bụt đã đem tất cả lên núi Tượng Đầu (Gayasisa) để dạy cho họ từng hơi thở, từng bước chân, cách ôm bát, cách đi, đứng, nằm, ngồi. Sau khi tập luyện vài tuần lễ, Ngài mới cho họ về thành Vương Xá (Rājagaha) để đi khất thực lần đầu tiên. Lúc đó Bụt chưa có các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên hay các vị đệ tử giỏi làm phụ tá. Một mình Ngài phải huấn luyện tới cả ngàn vị tân tỳ kheo. Đây là chuyện không dễ, vậy mà Ngài đã làm rất hay. Chưa đầy một năm mà Bụt đã xây dựng được một tăng thân với một ngàn hai trăm năm mươi vị. Đức Thế Tôn là một người dựng tăng xuất sắc.
Tăng thân rất cần thiết cho sự hoàn thành sự nghiệp của một vị Bụt. Cho dù thành Bụt rồi vẫn cần đến tăng thân, huống hồ là mình chưa thành Bụt. Cho nên câu Con về nương tựa tăng không phải là một lời tuyên bố suông. Phải bám lấy tăng thân, phải xây dựng tăng thân, đừng ly khai tăng thân. Nếu chưa có tăng thân thì phải đêm ngày tâm tâm nguyện nguyện làm thế nào để xây dựng một tăng thân. Chưa có tăng thân thì chưa có nơi nương tựa, thành ra xin quý vị đừng nghĩ rằng Sangham saranam gacchami - con về nương tựa Tăng là một lời tuyên bố về đức tin. Đó là công việc xây dựng tăng thân.
Khi thực tập nghe chuông hay thực tập thiền hành, chúng ta ngưng nói và suy nghĩ (suy nghĩ tuy không có tiếng nhưng đó là sự nói năng bên trong) bằng cách để hết tâm ý vào hơi thở và vào tiếng chuông hay bước chân, như vậy ta chế tác được niệm và định. Có niệm và định là ta đang được Tam bảo che chở. Cái đó đích thực là quy y. Không phải khi ta đọc con về nương tựa Bụt, con về nương tựa Pháp, con về nương tựa Tăng mà chắc chắn ta được che chở. Khi thở vào có chánh niệm và lắng nghe tiếng chuông thì tuy ta không nói con về nương tựa Bụt, con về nương tựa Pháp, con về nương tựa Tăng nhưng thực sự ta đang quy y, đang đặt mình dưới sự che chở của Tam bảo. Tam bảo ở đây là năng lượng của niệm và định. Mỗi tiếng chuông, mỗi bước chân như vậy có giá trị trị liệu, nuôi dưỡng, giải phóng. Nếu hành trì cho hay thì mỗi tiếng chuông, mỗi bước chân có thể giúp ta tiếp xúc được với tịnh độ, với vô sinh. Không khó đâu! Chúng ta có thể làm được. Đây không phải là một ước mơ xa vời. Chúng ta có thể chứng đạo bằng cách đi thiền hành, bằng nghe chuông trong chánh niệm. Chúng ta có thể làm cho Tịnh độ có mặt hiện tiền bằng những bước chân, bằng việc đặt hết tâm ý vào tiếng chuông chánh niệm cùng tăng thân.
Nếu chúng ta muốn là đệ tử của Bụt thì phải học cách xây dựng tăng thân. Nếu Thầy muốn là một học trò giỏi của Bụt thì Thầy cũng phải học cách xây dựng tăng thân. Thầy xây dựng một tăng thân thật dễ thương, có nhiều người có ý chí muốn tu. Và kết quả sẽ là một phần thưởng rất lớn.
Tình huynh đệ - thức ăn quan trọng của người tu
Hồi còn là một ông thầy tu trẻ, một vị tân tỳ kheo mới ngoài hai mươi tuổi thì ước muốn sâu sắc nhất của Thầy là xây dựng một tăng thân dễ thương. Thầy đã dùng cụm từ tăng thân dễ thương, nơi đó anh em sống với nhau trong tình huynh đệ, thương nhau như anh em ruột thịt và cùng nhau đi tới như một đoàn thể. Thầy đã không có ý thích làm sư trưởng hay trụ trì. Những điều đó không có gì hấp dẫn Thầy. Và giấc mơ ấy sau này đã thực hiện được. Năm 1954-1955, Thầy có cơ hội thực hiện giấc mơ đó lần đầu tiên. Hồi đó, đất nước Việt Nam bị chia đôi, Phật học đường Ấn Quang đang bị khủng hoảng, tinh thần học tăng rất hoang mang và xáo động, không biết con đường đi tới như thế nào. Các vị thượng tọa trong Ban giáo thọ không trấn an được học tăng. Các thầy đã cầu cứu Thầy, nhờ Thầy trấn an tinh thần học tăng, tổ chức lại nếp sống của Phật học đường Ấn Quang. Thầy đã gần gũi với các thầy, các sư cô trẻ và chỉ cho họ đường đi nước bước để đi qua giai đoạn khó khăn đó. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết tại chùa Ấn Quang đã yểm trợ rất nhiều cho Thầy bằng tình thương và sự tin tưởng.
Cách đây mấy tháng, tại Làng Mai, Thầy có một giấc mơ đơn sơ nhưng làm cho Thầy rất hạnh phúc. Thầy mơ thấy Thầy thức dậy ở một ngôi chùa hay một trung tâm thực tập nào đó mà Thầy cảm thấy không khí thực tập rất vui. Còn nằm trên giường, Thầy hỏi một vị đang có mặt gần đấy: cái gì mà vui vậy hả con? Vị ấy trả lời: bạch Thầy, có mấy huynh đệ vừa về tới. Chúng con đang nấu một nồi cơm để ăn chung cho vui. Vẫn trong giấc mơ, Thầy ngồi dậy, bước ra sân chùa, đi thiền hành, nhận diện từng chậu lan, khóm trúc, gốc cây, chồi hoa mà lòng vui như mở hội, vì cảm thấy mình đang được sống trong lòng tăng thân. Có gì đâu, chỉ có vài huynh đệ vừa về tới, chỉ có một nồi cơm sắp chín để huynh đệ có dịp ngồi ăn với nhau. Chỉ có những chậu lan, khóm trúc ngoài sân chùa. Nhưng tại sao mà vui đến thế? Tại vì chúng ta đang còn có nhau, chúng ta có tình huynh đệ. Một giấc mơ nhỏ, đơn sơ nhưng làm Thầy hạnh phúc trong bao nhiêu ngày. Chính tình huynh đệ, chính cái hạnh phúc đơn giản ấy làm cho ta tu được suốt đời. Người tu cũng cần thức ăn, và thức ăn quan trọng có thể giúp cho người tu thành công được suốt đời chính là tình huynh đệ. Chúng ta cần nhớ rằng, ngoài tăng thân ta không thể có tình huynh đệ.
Thầy muốn trao truyền hạnh phúc và kinh nghiệm của Thầy cho các con. Nếu các con muốn làm người xuất gia có hạnh phúc, nếu các con muốn tu trọn đời, hoàn thành được sự nghiệp của người xuất gia thì các con phải tâm niệm xây dựng được một tăng thân hòa hợp, có tình huynh đệ. Có một tăng thân như vậy thì không những chúng ta được nuôi dưỡng mà còn có thể giúp đời nhiều hơn. Nếu Bụt không có tăng thân thì Ngài đã không thể hoàn thành được sự nghiệp vĩ đại và trao truyền nó cho chúng ta. Bây giờ cũng vậy, là con cháu của Bụt, chúng ta phải phát lời nguyện đó: con nguyện theo đức Thế Tôn, nguyện xây dựng một tăng thân có tình huynh đệ, có hạnh phúc để con được nuôi dưỡng và có cơ hội độ đời.