Bữa tiệc của người tu

Thầy Chân Minh Hy

Có một giai thoại kể rằng, trong một lần quý thầy đang chuẩn bị đắp y cho lễ tụng giới tại chùa Từ Đàm, Hòa thượng Thiện Siêu quay sang hỏi quý thầy rằng:

“Quý thầy có biết vì răng mình gọi ‘pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm’ không?”

Đợi một lúc, rồi Ngài nói tiếp:

“Vì nó ở ngay trước mặt quý thầy đó.”

Tôi đã nghe giai thoại ấy trong một lần Hòa thượng chùa Bảo Lâm kể tại Ni xá Diệu Trạm. Câu nói ấy cứ ở mãi trong tôi. Tại sao cái cao siêu mầu nhiệm lại có thể ở trước mặt mình được. Sao mình không thấy? Có phải chăng, chung quanh mình có nhiều thứ bình thường quá đỗi nên mình không nhận ra?

Trong mỗi bữa tiệc, chúng ta thường đãi những món rất đặc biệt, nếu chỉ có cơm và rau thì không thể gọi là bữa tiệc. Dù là món đặc biệt nhưng lâu lâu mới ăn một lần chứ không ai có thể ăn mỗi ngày như cơm. Cơm và rau luộc là những thứ rất bình thường. Chúng ta ăn mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, ăn quanh năm suốt đời. Nhiều người thiếu cơm và rau một hai ngày là không chịu nổi. Thế thì cơm, rau là đặc biệt chứ, bởi vì ai cũng dùng được và không thể sống thiếu cơm, thiếu rau. Không ai thương mình bằng cơm.

Giáo pháp của Bụt cũng như thế. Có những pháp môn mình thực tập mỗi ngày nên mình cho rằng nó bình thường. Nhưng sự thật nó rất đặc biệt, vì ở bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào, ai cũng có thể dễ dàng thực tập và có được lợi lạc từ đó.

Những phép thiền quán thâm sâu như vô thường, vô ngã, không, vô tướng, vô tác, tương tức,… sau khi học hỏi và thiền quán cũng cần được nuôi dưỡng bởi sự vững chãi, thảnh thơi trong đời sống hằng ngày. Và những bước chân, hơi thở có khả năng phản chiếu, nuôi dưỡng những nguồn năng lượng hùng hậu của công phu thiền quán ấy.

Mình cần tập nhìn như thế. Mỗi bước chân đi, mỗi hơi thở, mỗi sự buông thư, không phải là những thực tập bình thường mà đó là những phép thực tập rất đặc biệt. Nó chuyên chở được những nguồn tuệ giác to lớn của thiền tập.

Cơm và rau luộc đã trở thành những thứ bình thường có thể do cách mình ăn. Nó đặc biệt thật đó nhưng mình chưa một lần cảm nhận được “hạt cơm là hạt ngọc của trời”. Nếu có một lần mình nâng bát cơm lên, cho phép mình nhìn vào bát cơm với sự trân quý thì lòng biết ơn và hạnh phúc sẽ có mặt ngay trong giây phút ấy. Hạnh phúc sẽ đến rất mau, chỉ trong một hơi thở. Mình sẽ mỉm cười và thấy mình thật may mắn.

Vạn vật tranh sống
Trên trái đất này
Nguyện cho tất cả
Có bát cơm đầy.

Vậy đó, có những thứ rất quen mà không bao giờ cũ. Mỗi bước chân đi, mỗi hơi thở vào ra, mỗi bát cơm mình ăn mỗi ngày sẽ là những bữa tiệc nếu mình có lòng trân quý.

Một lần nọ, thầy thị giả của Sư Ông phát hiện thấy hôm nay Sư Ông hơi khác lạ. Sau pháp thoại, Sư Ông đi về thất, uống một ly trà và cầm nón lá đi thiền hành ngay. Mọi khi Sư Ông thường nghỉ thêm một chút nữa. Đến nơi, Sư Ông xá đại chúng và dẫn đi thiền hành. Từng bước chân thong thả, Sư Ông dẫn đại chúng đến đồi Bụt, nơi Sư Ông rất thích ngồi nghỉ chân giữa buổi thiền hành. Đại chúng vừa ngồi xuống thì chuông nhà thờ vừa thỉnh. Thầy thị giả nhìn sang thấy Sư Ông cười rất tươi. Thì ra, có một phái đoàn các thầy ngoại quốc đến thăm Làng. Đây là lần đầu họ đến xóm Thượng và tham dự thiền hành nên Sư Ông đã đãi các thầy một giây phút huyền thoại. Sư Ông rất ưng ý khoảnh khắc ấy, mọi thứ đều vừa đúng lúc. Đâu cần phải bày món hay có trà ngon mới gọi là đãi khách.

Một giây phút đẹp có thể giúp mọi người làm lớn lên niềm hạnh phúc trong mình là một bữa tiệc mà mình có thể đãi những người thương của mình nhiều lần trong ngày. Nhưng trước hết mình phải có khả năng cảm nhận, có khả năng đãi cho bản thân mình những bữa tiệc như thế. Làm sao có thể đãi cho người bạn đến thăm một ly trà ngon nếu mình không biết uống trà. Một người quá bận rộn khó có thể đãi người khác một giây phút thảnh thơi.

Hôm nay, bạn có đãi cho mình một giây phút hạnh phúc nào chưa?