Thầy Chân Pháp Dung

Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Có một đêm, tôi đã mơ thấy Thầy thỉnh chuông mời gọi tất cả chúng ta quay về với giây phút hiện tại. Khi thức giấc, tôi hình dung ra bức tranh như các bạn đang thấy. Khi Thầy thỉnh chuông, ta có thể thấy không chỉ có một bàn tay mà có nhiều bàn tay cùng chuyển động, hòa quyện vào nhau, mỗi bàn tay nâng một nhạc cụ khác nhau.

Tác phẩm của thầy Pháp Dung

Tôi đã vẽ bức tranh trong những ngày bạo động đang xảy ra tại tòa nhà Quốc hội Mỹ (Điện Capitol). Một lần nữa, người dân Mỹ phải chứng kiến mặt trái của xã hội mà họ đang sống. Tôi cảm thấy buồn cho những người đang phải đảm đương trọng trách lãnh đạo và đoàn kết toàn dân trong một đất nước đang bị chia rẽ trầm trọng. Do vậy, thực hiện tác phẩm này đã trở thành niềm an ủi và trị liệu cho tâm hồn, giúp tôi xoa dịu niềm đau khi nghĩ về đại gia đình nhân loại. Nhìn sâu về cuộc đời Thầy và những khổ đau, chia rẽ mà Thầy đã đi qua, trong tôi trào dâng một ước muốn mãnh liệt hơn bao giờ hết. Đó là giúp Thầy thực hiện giấc mơ xây dựng những cộng đồng sống chánh niệm trong đó mọi người thuộc tất cả các tầng lớp xã hội có thể sống hài hòa với nhau, cho dù có những khác biệt về quan điểm và giá trị sống.

Cả ngày hôm ấy, trong tôi luôn đi lên hình ảnh bàn tay Thầy và tiếng chuông vang vọng. Tôi cầu nguyện cho những người con của đất nước này, từ thành thị sầm uất tới miền nông thôn hẻo lánh, đến tận những vùng núi hiểm trở xa xôi. Tôi hướng năng lượng an lành của tiếng chuông đến mọi người. Mong cho những ai đang cảm thấy lạc lõng tìm được bình an. Mong cho trái tim họ được lắng dịu và tâm hồn họ được thảnh thơi. Mong cho hận thù, trách móc, chia rẽ (vì tri giác sai lầm) trong lòng người được vơi nhẹ.

Nhiều năm trước, trong một bài pháp thoại Thầy có kể về một giấc mơ. Trong giấc mơ đó, Thầy là sinh viên của một trường âm nhạc danh tiếng. Hôm ấy, Thầy và các sinh viên phải chơi một loại nhạc cụ tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp. Thầy hơi bối rối, không biết phải vượt qua kỳ thi này như thế nào vì chưa bao giờ Thầy chơi nhạc cụ. Tới lượt mình, Thầy vừa hồi hộp nhìn mọi người vừa đưa tay vào túi áo, và bất ngờ Thầy chạm phải một vật bằng kim loại. Đó chính là cái chuông nhỏ mà Thầy vẫn thường mang theo.

Thầy đã được dạy cách thỉnh chuông và trong chùa ngày nào Thầy cũng dùng đến nó. Ngay lúc đó, Thầy chợt nhận ra cái chuông cũng là một nhạc cụ. Rồi Thầy lấy chuông ra, nâng chuông trước thính chúng và thỉnh lên một tiếng như Thầy đã làm trong suốt cuộc đời mình. Âm thanh của tiếng chuông ngân vang khắp khán phòng, đem lại nguồn năng lượng an lành, thanh thoát cho người nghe.

Rồi Thầy quay người về phía cánh cửa khán phòng, háo hức chờ vị thầy của mình xuất hiện. Khi vị thầy sắp sửa đi vào thì Thầy lại tỉnh giấc. Cho dù Thầy chưa kịp nhìn thấy bóng dáng vị thầy của mình nhưng, chắc hẳn trong lòng, Thầy vẫn biết người đó là ai. Thầy đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện này vài lần rồi và lần nào Thầy cũng bỏ ngỏ câu trả lời. Ai là người thầy trong giấc mơ đó? Thầy để chúng ta chủ động tham gia vào câu chuyện và tự tìm ra lời giải cho bản thân. Có lẽ vì thế mà câu chuyện đã ăn sâu vào tâm trí rồi biểu hiện trở lại trong giấc mơ của tôi.

Tôi hoàn tất bức vẽ vào cuối ngày làm biếng, thứ Hai- 18 tháng Giêng, đúng ngày tưởng niệm Mục sư Martin Luther King. Vì vậy, tôi đã thành tâm dâng tặng bức vẽ này để tưởng nhớ mối thâm tình giữa Thầy và Mục sư King. Cả hai vị đều có chung hoài bão xây dựng “cộng đồng yêu quý” trên khắp địa cầu, nơi mà mọi người đều xem nhau như anh em một nhà. Phía dưới bức tranh, tôi viết:

Nguyện tiếng chuông này làm vơi nhẹ niềm đau trên thế gian. Nguyện người nghe tỉnh giấc, vượt thoát ảo tưởng về một cái ngã riêng biệt.

May the sound of this bell bring relief to the world. May the hearers awake from their delusion of a separate self.

Trong khi viết những dòng chữ này, tôi nghĩ đến sự nghiệp làm mới đạo Bụt mà Thầy trao truyền cho chúng ta. Thầy đã hết lòng làm lan tỏa trên thế giới thông điệp về ý nghĩa của tiếng chuông, cũng như sự thực tập thỉnh chuông và lắng nghe chuông. Có biết bao nhiêu bài pháp thoại Thầy đã giảng về đề tài này. Thầy đã phát triển một cách cụ thể pháp môn thực tập dừng lại mọi hành động của thân, miệng, ý và hướng sự chú tâm hoàn toàn đến hơi thở trong khi nghe chuông. Trước đó ở các chùa, chuông chủ yếu được dùng trong tán tụng, lễ lược. Ý nghĩa và tầm quan trọng của tiếng chuông chưa được nhấn mạnh. Con người của đời sống hiện đại có xu hướng chạy theo và nắm bắt một đối tượng ở tương lai. Chúng ta không còn khả năng an trú trong giây phút hiện tại, lúc nào đầu óc cũng bị chi phối bởi quá nhiều suy tư. Vì vậy, sự thực tập dừng lại và lắng nghe chuông mà Thầy hướng dẫn có ý nghĩa như một liều thuốc để đối trị với căn bệnh phóng thể của thời đại.

Thầy còn dạy ta áp dụng sự thực tập nghe chuông đối với tiếng chuông đồng hồ. Ở hầu hết các trung tâm của Làng Mai, đều có đồng hồ treo tường. Mỗi mười lăm phút, khi chuông đồng hồ vang lên, mọi người đều dừng lại mọi hành động, lặng yên theo dõi hơi thở vào ra và thầm niệm: “Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm”. Trong giây phút ấy, ta an trú trong hiện tại và nhận ra mình đang sống là một điều mầu nhiệm.

Để tiếp nối gia tài mà Thầy đã trao truyền, trong giây phút này, tôi xin mời các bạn hết lòng thực tập nghe chuông, dù bạn đang ở nhà, ở nơi làm việc hay ở bất cứ nơi nào. Các bạn có thể đặt trong phòng khách hay nhà bếp một chiếc đồng hồ treo tường có chuông báo. Các bạn còn có thể cài đặt tiếng chuông vào máy tính hoặc điện thoại thông minh để có thể giúp bạn dừng lại trong cuộc sống thường nhật đầy bận rộn.

Trong lúc dừng lại, các bạn có thể nhắm mắt và thầm đọc bài kệ nghe chuông để trở về với ngôi nhà đích thực trong mình và hình dung tất cả mọi người khắp nơi trên thế giới cũng đang thở cùng bạn. Nguồn năng lượng bình an, yêu thương mà mỗi người chế tác đang kết nối chúng ta lại với nhau. Đây không phải là một điều gì huyền bí, cũng không phải là một sự tưởng tượng. Hiệu quả mà sự thực tập này mang lại là có thật. Bạn thực tập thì bình yên liền có mặt, những người gần bạn hay chỉ là những người đi ngang qua, thậm chí những người bạn không hề biết đến, họ cũng thừa hưởng được năng lượng an lành từ bạn.

Năng lượng mà chúng ta tạo ra trong không gian vẫn luôn có đó mà không hề mất đi. Những tư tưởng mang lòng yêu thương và sự chấp nhận trong lòng chúng ta cũng vậy. Một gợn sóng nhỏ trên mặt hồ cũng tạo ảnh hưởng đến xung quanh.

Vì vậy, tôi xin mời các bạn hãy cùng chúng tôi duy trì nguồn năng lượng tập thể tích cực này để chúng ta thay đổi những năng lượng tiêu cực đang hiện hữu ngoài kia. Hãy giữ cho con tim ta đủ sức mạnh để ôm lấy những giận dữ đang có mặt trong cuộc đời. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng được một cộng đồng đầy yêu thương, mang đến sự đổi thay và góp phần vào sự thức tỉnh chung của toàn nhân loại.