Những ngôi trường tỉnh thức

Thầy Chân Pháp Lưu và Orlaith O’Sullivan

Thầy Chân Pháp Lưu, người Mỹ, là một vị giáo thọ của Làng Mai đã có nhiều năm gắn bó với chương trình đem chánh niệm vào giáo dục (còn được gọi là Wake Up Schools). Trong bài viết này, thầy cùng Orlaith O’Sullivan - một thành viên Tiếp Hiện và cũng là điều phối viên của chương trình Wake Up Schools - chia sẻ với chúng ta hoài bão của Thầy về những ngôi trường tỉnh thức cũng như sự phát triển của chương trình này trong những năm qua. Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Là một trong những vị thầy Phật giáo đầu tiên đưa yếu tố khoa học và tâm lí học Tây phương vào chương trình tu học dành cho các vị xuất sĩ, Thầy luôn quan tâm đến cách chúng ta học tập cũng như cách chúng ta có thể chung sống với nhau.

Khởi nguồn từ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh

Vào những năm 1960 trong thời kỳ chiến tranh, Thầy đã thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH) để đào tạo các tác viên làm công tác xã hội, trong đó có việc dạy học cho trẻ em ở vùng nông thôn Việt Nam. Những tác viên này, tay không về làng, trước tiên là chơi với các em nhỏ rồi dần dần dạy cho các em bài học vỡ lòng và cho mỗi em một cốc sữa đậu nành vào buổi trưa. Các tác viên không thuyết phục người dân theo một chủ thuyết nào, phe phái nào, chỉ đơn thuần là giúp đỡ người dân trong làng. Từ từ người dân tin tưởng, có người còn cho mượn nhà để làm phòng học, rồi dân làng cùng đóng góp vật liệu để dựng nhà lá đơn sơ làm phòng học cho các em.

Phong trào này khởi đầu trong chiến tranh và tiếp tục cho đến ngày nay với tên gọi Chương trình Hiểu và Thương. Sư Cô Chân Không cùng rất nhiều tấm lòng trợ giúp, trong đó có Quỹ Thích Nhất Hạnh (Thich Nhat Hanh Foundation), đã hỗ trợ các thầy cô giáo và trẻ em tại các vùng nông thôn hẻo lánh của Việt Nam.

Chúng ta có thể thấy rằng từ lúc còn là một giáo thọ trẻ, Thầy đã bắt đầu công trình đào tạo giáo viên. Điểm khởi đầu ấy chính là gốc rễ của phong trào Wake Up Schools (Trường học Tỉnh thức) ngày nay.

Du nhập qua Phương Tây

Sau khi bị chính quyền Việt Nam vô hiệu hóa hộ chiếu, Thầy được chấp nhận định cư tại Pháp. Cùng với sự trợ giúp của sư cô Chân Không, Thầy thành lập một cộng đồng tu học nhỏ ở ngoại ô Paris. Năm 1982, trung tâm được dời về vùng quê Dordogne (Tây Nam nước Pháp) và trở thành Làng Mai. Trong những ngày đầu, đây không chỉ là một trung tâm dạy thiền tập mà còn là nơi giữ gìn và trao truyền những giá trị văn hóa cho người Việt sống xa quê hương. Đến những năm 1990, khi cộng đồng xuất sĩ đã lớn mạnh tại Làng Mai, Thầy muốn đưa những kinh nghiệm giáo dục này ra với quần chúng. Chính Thầy đã gợi ý giáo viên mang chánh niệm vào trường học, nổi bật trong số đó là Richard Brady, một thầy giáo dạy toán tại một trường dòng gần Washington, D.C. Thầy Richard Brady nay là giáo thọ kì cựu của Làng Mai. Richard đã khởi đầu một mạng lưới giáo dục với tên gọi “Chánh niệm trong giáo dục.” Mạng lưới này vẫn còn hoạt động đến tận ngày nay, hiện đang kết nối trực tuyến với các giáo viên ở nhiều nơi trên thế giới và mỗi năm đều có một buổi gặp mặt. Nhờ hoạt động này mà phong trào đem chánh niệm vào giáo dục dần được hình thành. (Xin đọc thêm bài viết “Hành trình đem chánh niệm vào lớp học” của Richard Brady trong số báo này)

Năm 2008, Thầy có chuyến du hóa tại Ấn Độ. Anh Shantum, một giáo thọ cư sĩ của Làng Mai, khi tổ chức chuyến đi này đã hỏi Thầy về chủ đề của chuyến đi. Thầy trả lời rằng Thầy muốn tập trung vào lĩnh vực giáo dục, cụ thể là: “Chúng ta có thể đóng góp được gì để giúp các giáo viên và học sinh biết cách chăm sóc cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc mạnh.” Đây là một điều vẫn còn thiếu sót trong nền giáo dục hiện nay. Theo tuệ giác của Thầy, hơi thở chánh niệm sẽ mang lại hiệu quả. Năm đó, anh Shantum đã tổ chức một khóa tu cho giáo viên từ khắp đất nước Ấn Độ để được nghe Thầy giảng về chánh niệm trong lớp học.

Cũng vào thời điểm đó, Tổng thống Pháp cũng đang kêu gọi các trường học đưa môn Đạo đức vào thời khóa chính thức nhưng có rất nhiều tranh cãi về nội dung cho bộ môn này. Thầy dạy, ý của Thầy là khi các em học được cách thở trong chánh niệm, học dừng lại và trở về để nhận diện những gì đang diễn ra trong thân và trong tâm mình, các em sẽ chạm đến được những phẩm chất tốt đẹp vốn có trong tự thân và học cách để tưới tẩm những phẩm chất này. Các em cũng có cơ hội nhìn sâu để thấy những cảm xúc giận dữ, buồn bã, sợ hãi được nuôi dưỡng bằng những lối tư duy nào trong mình. Chỉ cần nhìn sâu, chúng ta đã có thể sống một cuộc sống có đạo đức hơn. Thầy gọi đó là Đạo đức học Ứng dụng (Applied Ethics). Đó chính là nền tảng cho phong trào Wake Up Schools hiện nay.

Mở rộng đào tạo cho nhiều giáo viên

Trên căn bản đó, chúng ta đã tổ chức nhiều khóa tu cho giáo chức tại châu Á, châu Âu, Canada và Mỹ. Chúng ta đã đóng góp đáng kể cho các trường học tại Anh, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia và nhiều nơi khác trên thế giới. Nhưng trên hết, chúng tôi nhận thấy rằng chính sự chuyển hóa trong tự thân các thầy cô giáo khi tham dự khóa tu mới tạo được ảnh hưởng to lớn đến học sinh và môi trường giảng dạy của họ. Chỉ cần các thầy cô giáo tham dự một khóa tu năm hoặc bảy ngày là đã có được kinh nghiệm chuyển hóa. Sau khi tham dự vài khóa tu, nhiều vị hỏi chúng tôi làm cách nào để tiếp tục nuôi dưỡng và đào sâu vào sự thực tập trong đời sống và trong công việc hằng ngày. Do đó, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến vấn đề phát triển công cụ hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu học hỏi trong lĩnh vực này.

Thầy Pháp Dung, sư cô Châu Nghiêm, thầy Pháp Lai, thầy Pháp Lưu, thầy Pháp Linh, cùng với nhiều vị xuất sĩ khác, đã làm việc trong mấy năm với Giáo sư Katherine Weare, Elli Weisbaum, Yvonne Mazurek… nhằm khai triển sự thực tập căn bản của Làng Mai thành tài liệu hướng dẫn cho giáo viên. Tài liệu này đã được xuất bản thành sách Happy Teachers Change the World: A Guide for Cultivating Mindfulness in Education (sách đã được dịch sang tiếng Việt: Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới). Cuốn sách này đang được dùng như một quyển cẩm nang dành cho giáo viên trong hệ thống Wake Up Schools. Đây không phải là loại sách giáo khoa dạy lý thuyết thuần túy mà là hoa trái thực tập từ hàng trăm giáo viên khi tham dự các khóa tu và kinh nghiệm áp dụng chánh niệm trong đời sống hàng ngày và trong môi trường giảng dạy thực tế.

Không dừng lại ở việc tổ chức các khóa tu cho giáo viên, chúng tôi còn xây dựng chương trình đào tạo một năm dành cho các giáo viên, dựa trên chương trình dành cho các thành viên nòng cốt của dòng tu Tiếp Hiện. Chúng tôi gọi đó là Chương trình đào tạo thầy cô giáo hạnh phúc. Tham gia chương trình này, các thành viên sẽ được hướng dẫn bởi quý thầy, quý sư cô giáo thọ của Làng Mai và một số thầy cô giáo đã có kinh nghiệm với chương trình. Chương trình cũng nhận được sự hỗ trợ của tăng thân Tiếp Hiện tại mỗi nước. Ngày nay khi chương trình đã phát triển, với định hướng xây dựng tăng thân trong lĩnh vực giáo dục, các giáo viên tham dự chương trình đào tạo này sẽ tự tìm tới nhau, tạo thành một tăng thân để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Sáu năm qua, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng từ nhiều giáo viên ở các nước Bắc Mỹ cũng như từ Pháp, Ý, Đức và Tây Ban Nha.

Khi dùng từ “thầy cô giáo hạnh phúc”, Thầy muốn nói rằng giáo viên cần biết chăm sóc bản thân để chế tác hạnh phúc, không phải với ý nghĩa là giáo viên đó lúc nào cũng hạnh phúc. Thầy vẽ một vòng tròn cùng với mũi tên hướng vào tâm vòng tròn và chỉ cho chúng ta: “Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm” (The way out is in). Nếu giáo viên biết chăm sóc bản thân thì sẽ có khả năng chăm sóc được gia đình, đồng nghiệp, học trò, thậm chí là phụ huynh của học sinh. Như vậy, vòng tròn sẽ mở rộng thành một vòng lớn hơn.

Một người không có khả năng chăm sóc bản thân thì không thể giúp người khác làm được điều đó. Chính vì vậy, chương trình Wake Up Schools, các giáo viên tham dự được nghe chúng tôi nhắc đi nhắc lại: sự thực tập phải bắt đầu từ tự thân mỗi người. Giáo viên phải là người thay đổi trước tiên.

Ba trụ cột của chương trình Wake Up Schools

Trụ cột thứ nhất: Thân giáo. Chúng ta phải là hiện thân của sự thực tập. Trong một khóa tu, chúng tôi bắt đầu bằng cách mời thầy cô giáo tiếp xúc với sự thảnh thơi, niềm vui và hạnh phúc. Nếu một giáo viên tiếp xúc được với khung trời tự do thênh thang trong lòng họ và có chuyển hóa thì họ sẽ muốn đem kinh nghiệm của mình chia sẻ với người khác. Rất có thể khi trở về nhà sau khóa tu, đồng nghiệp sẽ hỏi giáo viên ấy: “Dạo này chị làm gì mà vui hơn vậy?” hay gia đình của vị ấy sẽ hỏi: “Trông em nhẹ nhàng hơn trước. Em đã làm gì vậy?”

Nhờ niềm vui trong tu học mà người đó sẽ nuôi dưỡng được tâm phụng sự - trụ cột thứ hai. Phụng sự có nghĩa là đưa chánh niệm vào cuộc sống để giúp thay đổi xã hội theo hướng tích cực hơn, chứ không có nghĩa là sử dụng các phương pháp chánh niệm để kinh doanh kiếm lợi cho bản thân. Các phương pháp thực tập đã được hiến tặng với tinh thần không vụ lợi và tinh thần đó có mặt trong mọi khía cạnh của Wake Up Schools. Chúng tôi hướng đến sự thay đổi toàn diện trong cộng đồng trường học. Bắt đầu bằng sự chuyển hóa tự thân của mỗi giáo viên rồi mở rộng đến gia đình, đồng nghiệp, học trò và các vị giáo chức trong ngành. Từ sự thay đổi trong nhà trường chúng ta có thể đạt tới sự thay đổi ở mức độ xã hội.

Điều này tạo cơ hội cho trụ cột thứ ba: xây dựng đoàn thể tu học. Đây là điều mà chúng ta đã và đang thực hiện khá tốt. Các trung tâm tu học của Làng Mai trên khắp thế giới là những cộng đồng sống chánh niệm. Đối với chúng tôi, chánh niệm là con đường, không phải là phương tiện. Chúng tôi có mặt không phải để trao truyền những kỹ năng. Đây là một con đường, một lối sống mà chúng tôi cùng đi với nhau chứ không phải đi riêng lẻ. Chúng tôi đang xây dựng một tăng thân quốc tế với những con người có nguồn gốc xuất thân và văn hóa khác nhau. Đến từ châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ,… tất cả chúng tôi cùng chung sống, cùng ngồi thiền, đi thiền, ăn cơm im lặng, tháng này qua năm nọ. Đời sống tăng thân đã ăn sâu vào trong mỗi tế bào mỗi chúng tôi. Việc mở rộng đời sống này đến giáo viên, học sinh và gia đình của các vị là điều diễn ra hết sức tự nhiên.

Những sáng kiến từ tăng thân

Khi thực tập, chúng tôi cũng thực tập như một đoàn thể. Tăng thân Giáo viên Hạnh phúc (Happy Teachers Sangha) bao gồm nhiều thành viên đến từ các quốc gia khác nhau - Nhật, Nga, Pháp, Đức, Mỹ, Philipin, Hà Lan, Kenya và Brazil - chính là sự biểu hiện cụ thể của tinh thần tăng thân. Các giáo viên họp mặt trực tuyến, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn cho nhau, để từ đó thêm thấu hiểu và tìm cách nâng đỡ nhau tốt hơn. Chúng ta hiện có một tăng thân Giáo viên Hạnh phúc vùng Bắc Mỹ và một tăng thân Giáo viên Hạnh phúc toàn cầu.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, một giáo viên chánh niệm cũng đồng thời là một nhà hoạt động giúp chuyển hóa xã hội tận gốc rễ. Để yểm trợ điều này, chúng tôi đã tổ chức một khóa tu Wake Up Schools quốc tế trực tuyến, từ ngày 25 đến 27 tháng 2 năm 2022. Đây là cơ hội cho các giáo viên cùng thực tập chung với nhau, kết nối với các thành viên khác và cùng nhau lên chương trình hướng dẫn cho học sinh. Bên cạnh đó, khóa tu còn là một khoảng nghỉ cuối tuần cần thiết để mỗi người dừng lại và nhìn sâu vào những yếu tố làm nên một người giáo viên chánh niệm. Khi các trung tâm của Làng Mai được phép mở cửa trở lại sau đại dịch, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những khóa tu cho giáo viên ngay tại tu viện. Chúng tôi muốn các thầy cô giáo biết rằng họ luôn luôn có một nơi để trở về, một nơi nương tựa. Trở về để được nghỉ ngơi sau bao mỏi mệt của đời sống. Trở về để thấy đời sống tăng thân vẫn đang tiếp diễn.

Gần đây, sự thực tập của Wake Up Schools được trình bày lại trong một phiên bản mới. Giáo sư Katherine Weare cùng với Adrian Bethune đã viết một cuốn sách hướng dẫn tổng quát với tựa đề “Implementing Mindfulness in Schools: An Evidence-Based Guide” (Ứng dụng chánh niệm trong trường học: Hướng dẫn dựa trên thực nghiệm). Sách được tổ chức The Mindfulness Initiative (Sáng kiến Chánh Niệm) của Vương quốc Anh xuất bản. Hai tác giả đã tham khảo rộng rãi với những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có điều phối viên quốc tế của hệ thống Wake Up Schools, Tiến sĩ Orlaith O’Sullivan. Cuốn sách nhấn mạnh tầm quan trọng khi toàn trường đều tham gia thực hành chánh niệm, và có một hướng tiếp cận lâu dài để sự thực tập chánh niệm có thể thấm sâu vào nếp sinh hoạt của trường.

Những hoạt động của Wake Up Schools ngay trước và trong thời gian đại dịch

Vào tháng Một năm 2019, thầy Pháp Dung, sư cô Hiền Hạnh, sư cô Thanh Nghiêm, thầy Pháp Lưu, sư cô Thao Nghiêm, thầy Bảo Tạng và thầy Phạm Hạnh đã mang Wake Up Schools đến Uganda. Trong số 250 giáo viên tham dự, phần lớn là người Công giáo, và mỗi ngày trong khóa tu họ vẫn có lễ cầu nguyện. Đây là một điều khá mới mẻ đối với chúng tôi. Nhưng thực ra, trong khóa tu không hề xảy ra một trở ngại nào. Chúng tôi ở đó để chia sẻ về sự thực tập chánh niệm, về sự vận hành của tâm, cách nhận diện trực tiếp những cảm xúc tiêu cực và giúp họ thấy được những loại thực phẩm nào đã làm xuất hiện những cảm xúc đó.

Các thầy cô giáo trong khóa tu nhận ra rằng người dân Uganda đang rất cần sự thực tập này, một phương pháp mà mỗi con người đều cần thực tập để giúp họ sống an lành và hạnh phúc. Những giáo viên này hiện đang mang những kinh nghiệm chuyển hóa của tự thân về lại trường học, chia sẻ với học trò và đồng nghiệp của mình. Chuyến đi đã được anh Wouter Verhoeven thuộc hãng truyền thông Evermind Media ghi lại và dựng thành một bộ phim tài liệu.

Trong đại dịch Covid, nhóm cộng sự của hệ thống Wake Up Schools đã dùng nền tảng đào tạo trực tuyến Webinar hỗ trợ các cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch ở Việt Nam, trong đó có một hội thảo kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu Cải thiện Sức Khỏe (Center for Healthcare Improvement) và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng thuộc Đại học Oxford (OUCRU). Hai tuyến đầu cam go nhất trong việc cứu chữa và điều trị Covid tại Việt Nam là Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Hà Nội và Bệnh viện Chợ Rẫy Tp. Hồ Chí Minh. Các y bác sĩ và cán bộ y tế của hai bệnh viện đã tham dự các chương trình trên.

Vào thời điểm các trường học chuẩn bị mở cửa trở lại, chúng tôi đã tổ chức hai buổi đào tạo qua webinar và một chương trình trực tuyến “2020 Noble Semester - Học kỳ cao quý” vào Chủ nhật, ngày 03.05.2020 dành cho giáo viên và phụ huynh ở Việt Nam. Chương trình có phần chia sẻ của sư cô Bội Nghiêm từ tu viện Mộc Lan, Mỹ.

Ngày 12.5.2020, nhóm cộng sự Wake Up Schools đã tổ chức một cuộc hội thảo cho giới giáo chức Việt Nam. Hơn một ngàn giáo viên, giáo chức của các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (THPT) và mẫu giáo tại Việt Nam đã tham gia. Diễn giả khách mời bao gồm nhiều giảng viên đại học, cố vấn tâm lý và ban giám hiệu các trường THPT. Nội dung chia sẻ xoay quanh những thách thức và cơ hội trong học đường thời đại dịch Covid-19. Trong buổi hội thảo này, cô Orla O’Sullivan và chị Lê Thị Mỹ Hằng trong nhóm Wake Up Schools đã giới thiệu về thực tập chánh niệm, hướng dẫn các học viên cách chăm sóc cảm xúc mạnh và tiếp xúc với năng lượng bình an bên trong mỗi người.

Ngày 20.5.2021, Wake Up Schools được nhận giải thưởng giáo dục Laureate năm 2021 do Quỹ Hạnh Phúc Thế Giới (WHF) và Đại học Liên Hiệp Quốc vì Hòa Bình (UPEACE) trao tặng. Giải thưởng được công bố trong Tuần lễ vì Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Week) - một lễ hội quốc tế kéo dài một tuần lễ với mục đích hướng mọi người đến một đời sống an lành và hạnh phúc hơn. Đây là giải thưởng vinh danh những tập thể có nhiều đóng góp cải thiện môi trường giáo dục nhằm nuôi lớn hạnh phúc, sự lành mạnh cho học sinh và phụ huynh. Ông Luis Gallardo - nhà sáng lập, nguyên chủ tịch Quỹ Hạnh phúc Thế giới (WHF) đã trao giải thưởng này. Ông phát biểu: “Wake Up Schools và những điều các bạn đang làm thực sự rất ấn tượng. Các bạn thực sự là một tấm gương, giúp cho chúng tôi thấy rõ việc xây dựng một thế giới hạnh phúc hơn, tỉnh thức hơn và tự do hơn cho tất cả mọi người có ý nghĩa như thế nào.”

Ông cũng bày tỏ sự trân trọng đối với công trình xây dựng tăng thân của Làng Mai: “Cách các bạn giúp các thầy cô giáo có mặt cho nhau, tạo nên một môi trường an toàn là điều rất quan trọng đối với các giáo viên. Các bạn thực sự là những bậc thầy về điều này”. Trước ngày nhận giải thưởng, tăng thân Thầy cô giáo Hạnh phúc đã gặp mặt nhau. Đây là dịp để chúng tôi thăm hỏi, thực tập cùng nhau và giao lưu với các thầy cô giáo từ nhiều quốc gia. Niềm vui gặp mặt đó là một phần của Tuần lễ Hạnh phúc Thế giới.

Thứ Ba, ngày 20.5.2021, nhóm Wake Up Schools đã tham dự chương trình truyền hình Tâm hồn và Cuộc sống châu Âu (Mind and Life Europe), trong khuôn khổ của một sê-ri chương trình khám phá chánh niệm trong giáo dục.

Trong tất cả những sự kiện này chúng tôi luôn nhắc các thầy cô giáo rằng: Hạnh phúc là điều có thể! Chúng tôi phải nói lên vì rất nhiều người không tin vào điều này. Hạnh phúc là điều có thể. Ngay trong giây phút này!