Con gà và quả trứng

Thầy Chân Pháp Ứng

Tình thầy trò đã được trao truyền qua rất nhiều thế hệ, chưa bao giờ đứt đoạn, từ thời đức Thế Tôn cho tới bây giờ. Sự trao truyền ấy là có thật. Con đã tiếp nhận được tình thầy trò giữa Sư Cố với Sư Ông qua một cách nào đó mà tự thân con cảm nhận được. Điều này đã biểu hiện rõ nét trong một khóa tu rất khó khăn đối với con.

Lúc ấy, con mới tu được bốn hay năm năm, sự thực tập chưa vững vàng. Đại chúng đề cử con và một sư chú đi hướng dẫn khóa tu ở Đức. Đó là một khóa tu năm ngày, dành cho người Việt và người Đức. Khổ đau của thiền sinh trong khóa tu rất lớn, thậm chí, có người đã chia sẻ ý định tự tử. Con đã khóc khi nói pháp thoại. Vì biết khả năng của mình còn kém, thành ra con khóc giống như đang “ăn vạ" vậy, giống như đang “cầu cứu" năng lượng tâm linh từ liệt vị tổ sư. Và rồi, khóa tu đã diễn ra thật mầu nhiệm! Trong ngày có buổi lễ tạ ơn Tam bảo, khi cùng đại chúng lạy xuống, bỗng nhiên con cảm được rằng Sư Cố đã luôn âm thầm có mặt trong suốt năm ngày của khóa tu để nâng đỡ cho con mà con không hề hay biết. Ngay giây phút đó, bao nhiêu căng thẳng, bao nhiêu nỗi niềm lo âu đều tan biến. Con cảm được tình thương của Sư Cố, hoàn toàn là tình thương. Sư Cố ôm con vào lòng. Tình thương ấy đã được Sư Ông tiếp nhận và trao truyền lại cho con. Tình thương đó thấm vào thân tâm giúp con nhẹ, khỏe và đầy khiêm cung.

Sau khóa tu, có ngày quán niệm dành cho người Việt và người Đức. Buổi thiền hành diễn ra giữa cái nắng mùa thu rất đẹp. Con nắm tay một em bé người Việt. Bé vừa đi vừa chơi, đưa chân sút những chiếc lá trên đường. Con thì gồng người lên đi cho oai nghiêm vì con đang dẫn đầu đoàn thiền hành mà! Bỗng nhiên con nghĩ: Thôi, mình cũng chơi một chút với đôi chân của mình và những chiếc lá đi. Thế là con thấy thân tâm con mở ra, thấy mình được là mình, không cần gồng căng lên nữa. Lúc đó, con nghe tiếng Sư Ông nói trong lòng: Thầy đâu có muốn gì hơn, Thầy chỉ cần con có hạnh phúc thôi. Con cảm thấy thật biết ơn với tiếng nói sâu thẳm ấy của Sư Ông.

Qua kinh nghiệm đó, con thấy được giai thoại giữa Sư Cố với Sư Ông đang biểu hiện rất thật. Hồi đó, Sư Ông còn là một sư chú ở chùa Tổ. Một ngày nọ, thầy trò cùng nhau chấp tác ngoài vườn. Trời nắng gắt, làm được một lúc, Sư Cố với chiếc nón lá trên đầu, đứng dậy, mồ hôi nhễ nhại. Sư Cố chấp tác cũng mệt. Quay qua nhìn Sư Ông, Sư Cố nói: “Mệt quá! Chắc khi nào chết thì mới hết mệt!” Thông thường, chúng ta quan niệm là khi chết đi, mình sẽ rời xa người thân và đi qua một thế giới khác. Chuyện ở nơi đây không còn dính dáng gì tới mình nữa, mình khỏe rồi. Thành ra mới nói: “Mệt quá! Chết thì hết mệt!” Sư chú Phùng Xuân ngày đó nghe như vậy mà không hiểu gì. Sư Cố nhìn thêm một lần nữa và nói: “Nhưng nếu chết rồi thì ai hết mệt?” Chữ “ai” đó thật quan trọng.

Con cảm nhận rằng, Sư Cố thấy rất rõ, giống như chúng ta cũng thấy, tình thầy trò giữa Sư Cố với Sư Ông là vượt thoát thời gian. Sư Cố có cái nhìn của tương tức, không bị giới hạn bởi cái sống cái chết. Vì vậy Sư Cố luôn luôn có mặt với Sư Ông và với con cháu, đời này và đời sau. Nhờ sự tiếp nối và trao truyền chưa bao giờ đứt đoạn ấy mà cho tới bây giờ, chúng ta vẫn được thừa hưởng tình thương yêu và đùm bọc của các thế hệ Tổ tiên.

Câu nói này như một công án mà Sư Ông tiếp nhận từ Sư Cố. Bằng công phu thiền tập qua năm tháng, cuối cùng nó đã vỡ ra, giống như quả trứng nở ra con gà. Tây phương có câu hỏi tưởng như rất triết lý: Con gà có trước hay quả trứng có trước? Câu hỏi đó dựa trên cái thấy là con gà và quả trứng là hai thực thể riêng biệt, cho nên mới hỏi cái nào có trước, cái nào có sau, và bắt đầu vướng kẹt vào ý niệm đó. Theo tuệ giác của đạo Bụt, giữa con gà và quả trứng có mối liên hệ mật thiết, không thể nào tách rời hay chia chẻ được. Con gà và quả trứng có mặt cùng một lúc, và trong nhau. Nói theo danh từ chuyên môn là vô sinh, con gà biểu hiện từ quả trứng, quả trứng biểu hiện từ con gà. Vô sinh, bất diệt là như vậy.

Sư Ông đã đưa cái thấy này vào sự thực tập đã về - đã tới, bây giờ - ở đây, cửa vô sinh mở rồi. Cái thấy đó rất rõ ràng và xuyên suốt trong quá trình hành trì và giảng dạy của Sư Ông. Sư Ông đã nuôi dưỡng và trao truyền tuệ giác này cho không biết bao nhiêu đệ tử xuất sĩ cũng như cư sĩ khắp nơi trên thế giới. Chính nhờ cái thấy đó, chúng ta có thể thực tập để có được tình thương và an lạc đích thực. Quê hương của chúng ta là bây giờ, ở đây và khắp mọi nơi.

Và tuệ giác ấy giúp Sư Ông an trú trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Khi sống, chúng ta tập sống trong giây phút hiện tại, trong quê hương đích thực của mình. Và khi chết, chúng ta cũng chết trong giây phút hiện tại, trong quê hương đích thực của mình. Giây phút này có tính chất vượt thoát thời gian và tóm thâu cả ba thời: quá khứ, hiện tai, tương lai. Đến một hôm nào đó, khi sự kiện nhất kỳ vô thường xảy ra với Sư Ông, chúng ta chứng kiến, và chúng ta tạm gọi là Sư Ông tịch, nhưng thật ra khả năng an trú trong niệm định tuệ vẫn giúp Sư Ông có mặt đích thực trong giây phút hiện tại, bây giờ ở đây, trong quê hương của mình. Như vậy, Sư Ông có mặt cho chúng ta ngay bây giờ, và đời đời, mãi mãi về sau. Chư Bụt, chư Tổ cũng vậy. Đó là lý do tại sao chúng ta nói rằng sự truyền thừa chưa bao giờ và không bao giờ bị đứt đoạn. Đây chính là tuệ giác tương tức.

Con nhớ, có lần một sư cô gặp rất nhiều khó khăn và muốn ra đời. Sư Ông giúp không được, con thấy Sư Ông cũng khổ lắm. Trong một buổi pháp thoại, Sư Ông nói: “Thầy sẽ có mặt cả ngàn đời cho con.” “Ngàn đời” chỉ là cách nói nôm na về thời gian. Câu nói đó có nghĩa là Thầy luôn luôn có mặt cho con, bây giờ và mãi mãi. Sư Ông có tuệ giác đó, có khả năng an trú trong niệm định tuệ. Chúng ta đang tiếp nhận gia tài của chư Bụt, chư Tổ và của Sư Ông. Mỗi người trong chúng ta là một sự tiếp nối của chư Bụt, chư Tổ, và của Sư Ông trên một khía cạnh nào đó.

Nếu nghĩ hơi xa hơn một chút, Sư Ông có tịch thì chúng ta tiếp xúc với Sư Ông ở đâu? Câu trả lời là trong từng hơi thở, trong từng bước chân của chúng ta, ngay trong giây phút hiện tại, ngay nơi sự sống này. Chúng ta đừng nghĩ rằng Sư Ông về Niết bàn là sẽ ở một nơi nào khác, hay Sư Ông sẽ tái sinh nơi một hiện tượng nào khác trong đời sống. Những suy nghĩ đó chỉ là cái nhìn thông thường. Cái nhìn mà Sư Ông đã thực sự trao truyền cho chúng ta là Sư Ông đang có mặt bây giờ, ở đây, trong sự sống, trong tất cả chúng ta. Sư Ông đã nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần cho chúng ta khắc cốt ghi tâm tuệ giác ấy. Trong bài thơ Hãy gọi đúng tên tôi, Sư Ông cũng đã diễn bày tuệ giác này cho chúng ta thấy: Sư Ông là con chim, con kiến, là người này hay người kia, là cái thấy của bao dung… Sư Ông chính là sự sống, là ở đây, chưa bao giờ từng sinh, chưa bao giờ từng diệt, trong tất cả các hiện tượng khổ đau hay hạnh phúc.

Nếu duy trì được cái thấy đó thì chúng ta mãi mãi có Sư Ông. Sư Ông, cũng như chư Bụt, chư Tổ qua bao thế hệ, mãi mãi có mặt cho chúng ta và đưa chúng ta đi tới trên con đường thực tập và hành đạo.