Ngôi nhà xưa trên đất mới

Thầy Chân Trời Minh Lượng

Thầy Trời Minh Lượng, người Mỹ, xuất gia trong gia đình Cây Xô Thơm vào năm 2018 và hiện đang tu học tại tu viện Lộc Uyển. Bài viết được dịch từ tiếng Anh.

Tôi không thể tin rằng mình đã ở Thái Lan được năm tháng rồi! Chỉ còn một tháng nữa là tôi trở về tu viện Lộc Uyển bên Mỹ. Lúc đó tôi sẽ được nếm lại vị bánh mì kẹp, sinh tố trái cây của Nam Cali và để lại đằng sau hương vị thơm ngon của món phở, bánh canh và mì quảng của Làng Mai Thái.

Các vị xuất sĩ ở Làng Mai Thái phần lớn là người Việt. Nhờ vậy khi sống trong nền văn hóa nơi đây, tôi thấy cách nhìn của mình thay đổi một cách không ngờ. Tôi bị chấn động trước sự tôn kính của mọi người đối với con đường xuất gia và đối với các vị tổ sư dù còn tại thế hay đã qua đời. Chưa bao giờ tôi được bao quanh bởi năng lượng yêu thích học hỏi giáo pháp và khám phá kho tàng tuệ giác của tổ tiên tâm linh như ở đây.

Buổi sáng hôm ấy, một nhóm quý thầy, quý sư cô đã giới thiệu với tăng thân ấn phẩm mới có tên Giếng nước thơm trong, tập san Đạo Bụt ứng dụng của Làng Mai Thái. Trong đó có bài khảo cứu về các câu đối ở Tổ đình Từ Hiếu. Các câu đối này được dùng để trang trí nhiều nơi trong chùa, từ cổng tam quan cho đến chánh điện. Nhưng vì các câu đối được viết bằng chữ Hán nên nhiều quý thầy, quý sư cô không hiểu hết được ý nghĩa.

Bài khảo cứu với bản dịch và chú giải rõ ràng đem đến cho người đọc cơ hội được học hỏi và hiểu một cách sâu sắc hơn ý nghĩa của các câu đối. Cặp mắt của người huynh đệ ấy sáng lên khi chia sẻ về bài viết. Mỗi ý lại được nhấn mạnh bởi nụ cười đầy cảm hứng. Bài viết đã giúp cho đại chúng khám phá ra một viên ngọc quý trong kho tàng quý giá của gốc rễ tâm linh Từ Hiếu.

Tôi có thể cảm nhận được niềm tự hào và hân hoan nơi người huynh đệ về gốc rễ tâm linh của mình và sự giàu có của truyền thống tâm linh ấy. Làm sao không tự hào, không vui cho được! Có quá nhiều thứ để khám phá về những công trình mà các vị tổ sư đi trước đã khai mở. Ai có thể nói được có bao nhiêu pháp bảo chứa đựng trong những đôi mắt sáng rỡ ấy của đệ huynh? Khi nghĩ tới gốc rễ tâm linh của Làng Mai, tôi cảm giác như một người lữ hành sau một chuyến đi dài xuyên qua một cánh rừng rậm rịt, tối tăm, bỗng tìm thấy một ngôi nhà đá cổ xưa. Ngôi nhà tuy đã cũ nhưng vẫn trang nghiêm. Nó đứng vững chãi, nhẫn nại và kiên định bất chấp năm tháng trôi qua. Tôi tự hỏi: Nếu ngôi nhà cổ ấy biết nói, nó sẽ kể chuyện gì cho chúng ta? Ai đã sống trong ngôi nhà này? Họ trông ra sao? Họ đã từng hy vọng và ước mong những gì? Cái gì làm họ sợ hãi? Khi quan sát những phiến đá cũ của ngôi nhà cổ này, tôi chợt nhận ra rằng tất cả những người đã từng có mặt nơi đây dường như đang biểu hiện, đang có mặt đó cùng tôi. Tôi không thể thấy hoặc nghe họ một cách trực tiếp, nhưng khu rừng cho tôi biết là họ đang có đó. Tôi nghe thấy họ qua tiếng rì rào của cây lá, hay trong ngôi nhà mà họ đã từng góp phần dựng lên.

Tại tu viện Lộc Uyển, đôi khi ta bắt gặp những chỗ trũng hình tròn trên đỉnh những tảng đá lớn. Chúng tròn một cách hoàn hảo, nhưng không phải được tạo ra bởi mưa hay bị xói mòn tự nhiên. Chúng là những cái cối được tạo nên bởi người bản địa đã từng sinh sống và phát triển trên mảnh đất này, nơi mà ngày nay ta gọi là Lộc Uyển. Khi nhìn thấy những cái cối ấy, chúng ta không thể không kinh ngạc và kính ngưỡng. Quá khứ xa xăm dường như vươn tới và nắm lấy tay chúng ta khi ta chạm vào bề mặt nhẵn nhụi của cối đá. Tổ tiên của chúng ta đã khéo léo thế nào, đã tháo vát ra sao? Làm sao ta có thể hình dung nổi người bản địa xưa kia có thể sống ở thung lũng này mà không có những tiệm tạp hóa và nguồn nước được bơm lên từ thành phố? Lòng ta tràn đầy niềm biết ơn vì có những người đi trước đã mở đường cho chúng ta. Dù không biết tên tuổi họ, chúng ta vẫn cảm nhận được sự kết nối ấy.

Khi tôi lớn lên trên đất Mỹ, lễ Giáng sinh và lễ Quốc khánh là những ngày lễ mà tôi cảm thấy có sự kết nối nhiều nhất với nền văn hóa của mình. Tôi nhớ không khí vui tươi khi trang trí cây thông Noel hay ngắm pháo hoa. Là một cậu bé được bao quanh bởi niềm vui gia đình trong bầu không khí lễ hội, tôi cảm thấy rất bình an và ấm áp. Cuộc sống thật ý nghĩa. Tôi có một nơi chốn để trở về, để thấy mình thuộc về nơi đó.

Ngồi trong thiền đường Làng Mai Thái sáng nay, tôi nhận ra mình đang ở cách xa mảnh đất quê hương cả nửa vòng trái đất. Tôi đang ở một đất nước khác, nghe một ngôn ngữ khác, vậy mà tôi vẫn có cảm giác mình thuộc về nơi này.

Tôi mỉm cười và nhìn ngắm các huynh đệ của mình. Những thầy, những sư cô người Việt trẻ đầy năng lượng và sức sống tâm linh. Thật tuyệt diệu khi được là một phần của dòng tuệ giác vĩ đại này, được sinh ra trên mảnh đất với nhiều ngôi chùa cổ, và có những vị tổ tiên tâm linh nổi tiếng đã trao truyền lại những giáo pháp sâu sắc và uyên thâm. Thật tuyệt vời khi có một ngôi nhà, như ngôi nhà đá cổ trong rừng, giữ cho mình được ấm áp và an toàn. Một ngôi nhà đã đứng đó qua hàng ngàn năm.

Nhìn vào đôi mắt sáng của người huynh đệ hôm nay, tôi biết ngôi nhà này sẽ còn tiếp tục đứng vững cho đến mai sau để soi sáng cho các thế hệ con cháu tâm linh của chúng tôi và là nơi nương tựa cho tất cả các thế hệ tương lai.

Tôi tin một ngày nào đó sẽ có người đi qua khu rừng này, thấy được những phiến đá xưa và sẽ lại thắc mắc: Nếu như ngôi nhà biết nói, nó sẽ kể cho ta những câu chuyện gì?