Cánh cửa đã mở ra
Lilian Cheung
Lilian Cheung là giáo sư về dinh dưỡng tại đại học Harvard. Chị đã cùng Thầy viết nên cuốn sách “Savor: Mindful Eating, Mindful Life” (Ăn trong chánh niệm, Sống trong tỉnh thức). Dưới đây là chia sẻ của chị về những kỷ niệm và những điều chị học được từ Thầy. Bài viết được dịch từ tiếng Anh.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống đạo Bụt tại Hồng Kông, con đường đến với chánh niệm của tôi bắt đầu khá sớm. Trong tôi vẫn còn lưu giữ hình ảnh các vị xuất sĩ, những bài pháp thoại, những buổi lễ với lời kinh và tiếng kệ trầm hùng. Đứa trẻ trong tôi sớm ghi nhận ý niệm rằng thế giới này tràn ngập khổ đau, và ta cần sống trong tình thương và lòng từ bi để giúp làm vơi bớt khổ đau cho nhau. Một thông điệp quan trọng đến vậy mà thời điểm đó tôi chưa cảm nhận sâu sắc gì mấy.
Mãi đến hàng chục năm sau, tôi mới biết đến thiền sư Thích Nhất Hạnh và được tiếp nhận giáo lý của Thầy. Kể từ đó, cuộc sống của tôi có nhiều bình an hơn. Tôi cũng tìm thấy được ý nghĩa của cuộc đời mình khi phụng sự trong lĩnh vực y tế cộng đồng. Điều đó làm tôi mãi mãi biết ơn Thầy.
Cốc cốc cốc, mẹ có ở đó không?
Tháng 8 năm 1993, tôi nhận được một khoản tài trợ vài triệu đô la từ Quỹ Sam & Helen Walton Family để thực hiện chương trình nghiên cứu bốn năm về chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất tại mười bốn trường công lập ở thành phố Baltimore, Mỹ. Dự án này là một cơ hội tuyệt vời, nhưng đồng thời cũng là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trên con đường sự nghiệp của tôi. Danh mục những việc phải làm mỗi ngày cứ dài ra thêm và những mối lo lắng càng thêm chồng chất. Mỗi ngày tôi phải dậy sớm hơn để có đủ thì giờ làm việc. Hai tuần một lần tôi lại đi từ Boston tới Baltimore, đã vậy còn phải vất vả chăm ba con nhỏ ở độ tuổi từ 4 tới 14 tuổi.
Không bao giờ tôi quên được buổi tối hôm ấy. Sau giờ cơm, con trai lớn kể với tôi về những khó khăn mà cháu đang gặp ở trường. Nhưng tâm trí tôi lúc đó hoàn toàn bị xâm chiếm bởi công việc. Đột nhiên, cháu nói: “Cốc cốc cốc, mẹ ơi, mẹ có ở đó không?”. Khoảnh khắc đó cứa sâu vào tim tôi. Tôi nhận ra đến con mình mà mình còn không thể có mặt hoàn toàn cho nó. Tôi biết mình phải thay đổi! Khổ sở vì thiếu ngủ và những khối lo âu, càng ngày tôi càng thu mình lại, lòng tràn ngập cảm giác trống rỗng và vô vọng. Tôi chẳng thiết tha gì đến những hoạt động mình từng rất yêu thích. Tôi cũng chẳng đủ năng lượng để hoàn tất cái danh sách dài vô tận những việc cần làm. Lúc nào tôi cũng cảm thấy mệt mỏi.
Tôi phải tạm nghỉ việc một năm vì không thể làm được gì, nhiều lúc còn không thể ngồi dậy khỏi giường. Bác sĩ cho tôi uống thuốc an thần nhưng cũng không giúp ích được gì. Trong buổi tiệc tốt nghiệp tiểu học của con trai giữa, một người bạn rất thân thì thầm hỏi tôi: “Chị đang dùng thuốc trầm cảm đó à?”. Tôi nghe mà sốc vô cùng. Cô nói: “Nhìn mắt chị là em biết chị đang phải dùng thuốc. Chị thử thực tập thiền với nhóm chúng em xem sao”. Tôi đồng ý và ngồi thiền 30 phút với các bạn. Đêm đó, lần đầu tiên sau một thời gian dài, tôi đã ngủ say như một đứa trẻ.
Mở ra cánh cửa chuyển hoá
Mùa thu năm 1997, tôi nhận được một tờ quảng cáo cho khóa tu bảy ngày về Tâm lý học Phật giáo, “Mở ra cánh cửa trị liệu và chuyển hóa”, do thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn. Không biết thiền sư Thích Nhất Hạnh là ai, nhưng trong tôi vang lên tiếng con trai mình khẩn khoản: “cốc cốc cốc”. Tôi nghĩ đây chắc chắn là cánh cửa tôi phải mở ra. Thêm vào đó, khóa tu còn được tổ chức ở Key West, Floria, một nơi tôi đang muốn đến thăm. Vậy là tôi đăng ký liền lập tức.
Khóa tu diễn ra dưới một cái lều lớn trong sân gôn. Khi các vị xuất sĩ bước vào, tôi rất ngạc nhiên khi thấy họ không phải người gốc Á châu như những gì mình tưởng sau những trải nghiệm về đạo Bụt từ thuở nhỏ. Rồi từ từ, tôi nhận ra và thực sự trân quý tinh thần bao dung, không kì thị trong những lời Thầy dạy. Nhờ vậy, những lời dạy ấy đã đến được với tất cả các tín ngưỡng, tôn giáo, màu da và quốc tịch trên khắp thế giới.
Thầy xuất hiện trên khán đài, bình thản bước tới tọa cụ của mình. Chưa cần nghe tiếng Thầy nói, chỉ cần thấy sự hiện diện của Thầy, tôi đã có cảm giác đây là một vị thánh. Trong khi nghe Thầy dạy, tôi bắt đầu cảm thấy trong mình có một sự biến chuyển. Trong một bài pháp thoại, Thầy giảng rằng khổ đau luôn có mặt ở đó. “Ta cần phải nhìn sâu vào khổ đau để tìm thấy con đường thoát khổ. Ta không thể trốn chạy khổ đau. Hạnh phúc và an lạc chỉ có thể tìm thấy ngay trong lòng khổ đau”. Là một người suốt đời sống trong sự lo âu, thường xuyên không cảm nhận được hạnh phúc, tôi rất xúc động khi nghe lời dạy đó. Cũng trong buổi chiều hôm ấy, Thầy mời đại chúng quán chiếu về năm câu hỏi:
- Mình nghĩ là mình cần thêm những điều kiện nào thì mới có thể hạnh phúc?
- Nếu những điều kiện đó không thể nào có thể thực hiện được, mình sẽ đau khổ cả đời sao? Nếu vậy, mình cần làm gì?
- Điều gì mang lại hạnh phúc cho mình ngay thời điểm hiện tại? Viết xuống những yếu tố hạnh phúc đang có mặt cho mình trong hiện tại.
- Mình cần sắp xếp đời sống của mình như thế nào để có thể nhận diện và được nuôi dưỡng bởi những yếu tố này trong đời sống hàng ngày?
- Đối với những điều mà hiện giờ mình chưa thích, mình có thể làm gì để dễ dàng chấp nhận những điều ấy hơn?
Khóa tu đã đem lại sự chuyển hóa hoàn toàn cho tôi và có lẽ cũng trị liệu cho nhiều người khác nữa. Tôi chứng kiến một thiền sinh bật khóc trong buổi pháp đàm đầu tiên. Khi chúng tôi hỏi thăm, anh kể rằng vợ anh đã bỏ đi không một lời giải thích. Đến ngày thứ ba của khóa tu, anh thôi không khóc trong pháp đàm nữa và khi ngồi ăn trưa với nhau trước ngày chia tay, anh đã cười cùng chúng tôi. Chỉ trong bảy ngày mà đã có sự chuyển hóa không thể ngờ được như thế!
Giờ chia tay kết thúc khóa tu ở Key West, Thầy có một lời nhắn nhủ đặc biệt: “Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã nếm được một chút an lạc trong khóa tu này, nhưng nếu về nhà ta không giữ sự thực tập thì những an lạc đó sẽ tan biến hết”. Thông điệp này đã ghi sâu vào lòng tôi và tôi quyết tâm sẽ áp dụng những lời Thầy dạy vào đời sống của mình. Tôi bắt đầu thực tập chánh niệm mỗi ngày, dù có lúc tôi chỉ làm được nhiều nhất là 3% thời gian mình có. Vậy mà dần dà thói quen mới đã được hình thành, và tôi thấy mức độ chánh niệm của mình tăng lên theo năm tháng.
Những nhân duyên đưa đến cuốn sách
“Ăn trong chánh niệm, sống trong tỉnh thức”
Trong tuần lễ ở Key West, Thầy đã dạy chúng tôi thực tập về hơi thở, bước chân và ăn trong chánh niệm.
Ăn trong chánh niệm? Suốt chặng đường nghiên cứu và học thuật trong ngành dinh dưỡng học, tôi chưa bao giờ gặp khái niệm này. Ta ăn trong chánh niệm không phải chỉ để có đủ sức khỏe mà còn để duy trì nguồn lương thực lâu dài cho các thế hệ tương lai. Đối với tôi, đó là một tuệ giác thật thâm sâu.
Về lại Boston, tôi hào hứng tìm hiểu xem khái niệm ăn trong chánh niệm đã từng được áp dụng ra sao trong vấn đề sức khỏe cá nhân và sức khỏe cộng đồng. Nghiên cứu các tài liệu khoa học, tôi thấy ăn trong chánh niệm đã được sử dụng trong cơ sở y tế để giúp chữa trị các chứng rối loạn ăn uống và xu hướng ăn uống vô độ. Dầu vậy, chưa từng có nghiên cứu nào tập trung đồng thời vào sức khoẻ của mỗi cá nhân và sức khoẻ của cả hành tinh. Vẫn tiếp tục thực tập chánh niệm và quán chiếu những lời dạy của Thầy về chủ đề này, năm 2008 tôi quyết định viết một cuốn sách về thực tập ăn trong chánh niệm, kết hợp các khía cạnh khoa học với triết lý đạo Bụt.
Trong quá trình tìm đọc tài liệu về chủ đề này, tôi nhận ra Thầy đã viết lời mở đầu cho nhiều cuốn sách của các tác giả khác viết về chánh niệm. Tôi quyết định thử thỉnh cầu Thầy viết lời tựa cho cuốn sách của mình. Buổi chiều hôm ấy, tôi gặp Thầy, sư cô Chân Không và sư cô Chân Đức tại tu viện Rừng Phong ở Vermont để trình bày dàn ý cuốn sách. Một câu hỏi chợt đi lên ngay lúc đó và không hề dự tính trước, tôi đột nhiên hỏi Thầy: “Đằng nào trong sách con cũng sẽ trích dẫn tên Thầy hết trang này qua trang khác… sao Thầy không làm đồng tác giả với con luôn ạ?”. Tôi thấy nét mặt ngạc nhiên của sư cô Chân Không và sư cô Chân Đức, còn chồng tôi thì thúc cùi chỏ vào tôi, ngầm nhắc là hỏi như vậy không đúng chút nào. Sau một hồi lâu im lặng, Thầy quay sang tôi và nói: “Sao lại không được?”. Tôi kinh ngạc trước câu trả lời của Thầy và thế là hành trình cùng viết sách với Thầy bắt đầu!
Quyển Savor – Mindful Eating, Mindful Life (Ăn trong chánh niệm, sống trong tỉnh thức) xuất bản năm 2010, được dịch ra 17 thứ tiếng và năm 2012 còn được đăng trên thời báo The New York Times trong một bài dài ba trang viết về ăn uống chánh niệm. Tôi quá ấn tượng khi thấy tác giả bài báo Jeff Gordinier thậm chí còn dành cả ngày ở tu viện Bích Nham để tự mình trải nghiệm thực tập chánh niệm nói chung và ăn trong chánh niệm nói riêng.
Điều rất đáng mừng là quyển sách ấy và những giáo lý của Thầy vẫn tiếp tục gây thêm tiếng vang. Gần đây, thông điệp Ăn trong chánh niệm để giữ gìn sức khoẻ cho ta và sức khỏe cho hành tinh này vừa được chọn cho một chiến dịch trong mười năm có tên là Our Planet Our Future (“Hành tinh của chúng ta, Tương lai của chúng ta”) hướng đến tiếp cận 1.5 tỷ người trên toàn thế giới. Các nhà tổ chức rất có cảm hứng với cuốn sách Ăn trong chánh niệm, sống trong tỉnh thức với cách tiếp cận rất cởi mở của Thầy - tín ngưỡng, tôn giáo nào cũng có thể đón nhận. Họ nói với tôi rằng ai cũng cần ăn. Vậy nên ăn chánh niệm chính là con đường lý tưởng có thể giúp mọi người trên thế giới thay đổi thói quen ăn uống vì sức khỏe của bản thân cũng như của cả hành tinh này. Hơn nữa, giải pháp ăn trong chánh niệm còn giúp đảm bảo đủ thực phẩm cho thế hệ tương lai. Đây là bài học Bụt đã tiên đoán và dạy ta trong kinh Tử Nhục.
Dạy nhân viên Google ăn trong chánh niệm
Trong nhiều năm, Tiến sĩ Walter Willett - Giáo sư và cựu Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học tại trường Y tế Công cộng T.H. Chan thuộc đại học Harvard, đã tư vấn cho Google về chế độ dinh dưỡng cho nhân viên. Năm 2011, tôi nhận được một cú điện thoại của Olivia Wu, đầu bếp chính tại trụ sở Google ở Mountain View, tiểu bang California. Cô muốn tìm cách giúp các nhân viên Google giảm lượng đồ ăn tráng miệng trong bữa ăn. Tôi gợi ý cho cô nhiều cách để cải thiện chất lượng món tráng miệng và giảm khẩu phần nhưng Olivia báo cô từng áp dụng những cách đó mà tình hình không tiến triển gì mấy, bởi vì ở Google thức ăn được miễn phí cho nhân viên. Lúc đó tôi mới hỏi cô đã từng nghe tư vấn về phương pháp ăn có chánh niệm như đã giới thiệu trong quyển sách Ăn trong chánh niệm, sống trong tỉnh thức chưa? Cô bảo chưa và hỏi liệu tôi có thể mời Thầy đến nói chuyện ở Google không. Tôi trả lời rằng tôi sẽ thử nhưng không chắc là mời được, vì Thầy chưa từng tổ chức khóa tu nào ở thung lũng Silicon. May mắn là đề nghị của Olivia đưa ra cùng với thời điểm Thầy đang hướng dẫn khóa tu ở tu viện Bích Nham. Thầy có vẻ thích thú với đề nghị đó. Thầy trả lời Thầy sẽ cho pháp thoại nếu như Google đồng ý để Thầy và tăng thân hướng dẫn nửa ngày thực tập chánh niệm ở đó.
Sự kiện này đã làm thay đổi hẳn văn hoá công sở ở Google. Nhân viên Google thực tập thiền, nghe pháp thoại của Thầy, hát thiền ca, rồi cùng thiền hành khắp khuôn viên của Google và ăn cơm im lặng trong chánh niệm.Những phép màu trong khóa tu tại Google được ghi lại qua đoạn video này: youtube.com/watch?v=Ijnt-eXukwk
Thầy vẫn tiếp tục biểu hiện
Tôi rất biết ơn vì đã có cơ duyên được tiếp nhận những lời dạy từ Thầy và tăng thân. Thầy là một vị thầy tuyệt vời, người đã hiện đại hóa những giáo lý đạo Bụt vốn tồn tại hơn 2500 năm qua. Nhờ những lời giảng của Người, chúng ta có thể thừa hưởng được lợi lạc từ sự thực tập chánh niệm và thấy được tầm quan trọng của bản chất tương quan, tương tức của vạn vật. Tuy sắc thân đã ẩn tàng nhưng Thầy vẫn còn sống mãi với chúng ta! Thế giới của chúng ta thực sự có phước lắm mới được tiếp nhận giáo lý và năng lượng của Thầy.