Đạo Bụt dấn thân và Đạo Bụt ứng dụng

Sư cô Chân Đức

(BBT phỏng vấn Sư cô Chân Đức - ngày 6.11.2022)

BBT: Đối với Sư cô, đạo Bụt dấn thân và đạo Bụt ứng dụng có ý nghĩa như thế nào?

Sư cô Chân Đức: Mãi cho đến những năm đầu thiên niên kỷ này, Thầy mới dùng cụm từ đạo Bụt dấn thân. Khi nghĩ về Làng Mai, chúng ta hay nghĩ về đạo Bụt dấn thân. Tên tuổi của Thầy nổi lên ở Tây phương cũng gắn liền với đạo Bụt dấn thân.

Ở Tây phương, truyền thống đạo Bụt Nhật Bản đến nước Mỹ đầu tiên và chú trọng nhiều đến tọa thiền. Tới những năm 1960, khi sang Tây phương để kêu gọi hòa bình cho Việt Nam, Thầy nhận thấy có rất nhiều năng lượng giận dữ và bạo động trong những nhà hoạt động cho hòa bình. Vì vậy, Thầy thấy cần phải đem sự thực tập của đạo Bụt vào phong trào này. Đây là một ý tưởng khá mới mẻ lúc bấy giờ.

Năm 2008, tại Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB), Thầy bắt đầu nói về đạo Bụt ứng dụng nhiều hơn đạo Bụt dấn thân. Có lẽ do ta hơi bị kẹt trong tư duy lưỡng nguyên, phân biệt giữa lúc dấn thân và không dấn thân. Nghĩa là ban ngày, ta ra ngoài làm công tác xã hội hoặc tham gia một hoạt động vì hòa bình và trong khi làm những việc đó ta không tu tập; rồi đến cuối ngày, ta về nhà và ngồi thiền sau. Đó không phải là ý của Thầy khi nói về đạo Bụt dấn thân. Kinh nghiệm của Thầy khi hướng dẫn các khóa tu khắp nơi trên thế giới đã cho thấy: chúng ta cần ứng dụng đạo Bụt vào tất cả các lĩnh vực của đời sống, không chỉ ở lĩnh vực hoạt động xã hội hay trong thời kỳ chiến tranh, mà cả trong các lĩnh vực kinh doanh, chính trị, cảnh sát và đặc biệt là trong ngành giáo dục.

Thầy cũng dùng cụm từ Đạo đức ứng dụng (“Applied Ethics”). Năm 2008, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy muốn đưa trở lại các buổi học về giáo dục công dân để giúp học sinh học cách làm một công dân tốt. Một số nhà chính trị đặt câu hỏi: “Nội dung gì sẽ được dạy trong những lớp học này?”, rồi họ nghĩ đến việc trích dẫn tư tưởng của các nhà triết học.

Khi được thỉnh ý, Thầy đã trả lời rằng đạo đức ứng dụng nên bao hàm bốn yếu tố:

Yếu tố đầu tiên là sự buông thư. Có thể mình không thấy thực tập buông thư là vấn đề đạo đức, nhưng Thầy đã thấy rằng biết cách buông thư là một điều rất quan trọng, đối với mỗi cá nhân cũng như đối với các tổ chức hay đoàn thể.

Yếu tố thứ hai là chăm sóc cảm xúc mạnh, để có thể xử lý khổ đau, nuôi dưỡng niềm vui và hạnh phúc.

Yếu tố thứ ba là truyền thông, là học cách giải quyết các mâu thuẫn, thực tập làm mới trong gia đình,v.v.

Yếu tố cuối cùng là sự thực tập Vô úy, nghĩa là không sợ hãi. Cuối tất cả các khóa tu, Thầy thường cho một bài pháp thoại về Không sinh không diệt để giúp cho mọi người bớt sợ hãi, dù là đối với những người chỉ mới bắt đầu thực tập.

Đạo Bụt ứng dụng có nghĩa là như vậy, là áp dụng đạo Bụt vào trong tất cả các lĩnh vực của đời sống. Trong tất cả các bài giảng và khoá tu, chúng ta cần trình bày bốn yếu tố này và giúp mọi người đem sự thực tập vào trong đời sống của mình.

BBT: Có người hỏi là Làng Mai đã dấn thân đủ hay chưa? Sư cô sẽ trả lời như thế nào?

Sư cô Chân Đức: Chân Đức rất biết ơn Thầy đã dạy về đạo Bụt ứng dụng. Vì khi dùng cụm từ đạo Bụt dấn thân, mình có cảm tưởng người khác mong đợi mình hành động ở một lĩnh vực hay một hướng đi nhất định nào đó. Thực ra, chúng ta đang ứng dụng đạo Bụt khi bước những bước chân đầy bình an trên đất Mẹ, và khi chúng ta tạo dựng được một nơi như Làng Mai để mọi người có thể đến và học cách buông xuống những khổ đau trong mình.

Hôm qua có một thiền sinh tới gặp Chân Đức, cô vốn làm công việc liên quan đến hòa giải trong các cuộc xung đột. Cô cho biết cô đang hoàn toàn kiệt sức. Khi một người làm trung gian hòa giải không đứng về phía nào trong một cuộc xung đột, người đó sẽ nhận về rất nhiều oán hận. Chân Đức đã khuyên cô nên ở lại Làng Mai cho đến lúc nào cảm thấy sạc đủ năng lượng, vì điều này rất quan trọng. Sư cô Chân Không và các thành viên khác của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội cũng đã cần một nơi như thế để quay về mỗi tuần, để có thể sạc lại năng lượng cho chính mình.

Đối với Chân Đức, chỉ cần hiến tặng một nơi như thế là đủ rồi. Chân Đức không thấy có bất cứ áp lực nào khác hơn việc chăm sóc Làng Mai, để nơi đây luôn là một nơi nương tựa cho những ai cần đến. Tuy vậy, chúng ta cũng cần nhìn lại và tự hỏi chính mình: “Ta đã làm hết những gì có thể làm chưa?”. Và nếu có ai đó nói là chưa, thì ta hãy lắng nghe họ và tự hỏi: “Có điều gì ta có thể làm thêm nữa hay không?”. Hãy thành thật với chính mình! Những gì ta có thể làm được cũng còn tùy thuộc vào sức khỏe của chính ta. Rất nhiều người đã bày tỏ niềm biết ơn rất lớn của họ đối với tăng thân. Chúng ta cũng cần nhắc mình về điều đó!

BBT: Sư cô thấy pháp môn thực tập của Làng Mai có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc khủng hoảng khí hậu hay tình trạng chiến tranh hiện nay?

Sư cô Chân Đức: Sự thực tập không thể có ảnh hưởng và làm thay đổi tình trạng ngay lập tức. Những điều kiện tạo nên chiến tranh và tình trạng biến đổi khí hậu đã tích tụ trong một thời gian dài. Giờ đây, ta phải hết sức cẩn trọng để không làm gì có thể tạo thêm điều kiện cho chiến tranh xảy ra trong tương lai.

Nhớ lại đầu những năm 1980, khi Chân Đức tham gia biểu tình ở khu căn cứ quân sự Greenham Common để phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ. Chân Đức không biết hành động của mình có ảnh hưởng như thế nào, nhưng cuối cùng thì phía Mỹ cũng rút quân. Thật khó có thể nói được những hành động của mình có thể gây ảnh hưởng như thế nào.

Về việc giảm thiểu lượng khí thải carbon, tất nhiên là chúng ta có thể làm hay hơn nữa. Chúng ta cần chia sẻ những ý tưởng cũng như những bước tiến mà chúng ta đã đạt được theo hướng đi này.

BBT: Khi tổ chức các khóa tu và lựa chọn các pháp môn để hiến tặng, chúng ta thường cố gắng đáp ứng các nhu yếu khác nhau của thiền sinh. Nhưng đôi khi việc chọn lựa để hướng năng lượng của mình vào đâu là một điều không đơn giản cho một người tu trẻ. Sư cô thực tập với điều này như thế nào?

Sư cô Chân Đức: Trước tiên, trong tăng thân, ai cũng có khả năng và tài năng khác nhau. Ta thực sự phải tìm cách tận dụng năng lực của mình một cách tối đa. Khi còn ở EIAB, Chân Đức thường tập trung vào các khóa tu cho thầy cô giáo, vì Chân Đức từng là một giáo viên. Chân Đức thấy mình chỉ làm và đóng góp những gì có thể, dựa trên kinh nghiệm và năng lực của mình. Ai cũng có khả năng gì đó để đóng góp, không phải đi ra hướng dẫn khóa tu mới là quan trọng. Mình cũng cần có người chăm sóc Làng Mai, chăm sóc các sư em. Nếu ai cũng đi ra ngoài hướng dẫn khóa tu hết và không ai chăm sóc các con trâu con thì chúng có thể rơi xuống sông và bị nước cuốn trôi, thay vì qua sông một cách an toàn. Vì thế, khi suy ngẫm về những gì ta có thể đóng góp và phụng sự, chúng ta phải tìm cách để giữ được sự cân bằng. Chân Đức vẫn nghĩ việc đào tạo và hướng dẫn là công việc rất quan trọng, giúp chuẩn bị cho thế hệ trẻ đối diện với những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Thầy luôn nói rằng: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Người trẻ cần được trang bị những điều cần thiết như đạo đức ứng dụng, đặc biệt là cách buông thư, chăm sóc cảm xúc và cách truyền thông.

BBT: Thầy dạy chúng ta về tâm bồ đề, về nguyện ước lớn, nhưng cũng đồng thời dạy ta về vô nguyện, vô đắc, không tìm cầu gì nữa. Những giáo lý này đi cùng với nhau được không, thưa Sư cô?

Sư cô Chân Đức: Chân Đức thấy rất đúng khi thực tập không trông chờ, kỳ vọng vào tương lai. Chúng ta chỉ làm hết sức trong hiện tại, vì ta không biết được tương lai sẽ ra sao. Đặt ra một mục tiêu và hướng tâm về tương lai chỉ là một ý niệm trên bề mặt lý trí. Đó không phải là thực tại. Có một ước nguyện sâu sắc và tâm bồ đề lớn mạnh là điều cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, đó không phải là đặt ra mục tiêu hay muốn được thành tựu. Ước nguyện đang có trong giờ phút hiện tại. Khi mình quỳ xuống và nói: “Con sẽ làm bất cứ điều gì con có thể”, là mình đang nuôi dưỡng nguyện ước sâu sắc ấy. Đó là một hạt giống trong tàng thức của ta. Hạt giống ấy giúp cho ta làm được những điều ta có thể làm trong đời sống hàng ngày. Nhưng đó không phải là một mục tiêu.

Ai cũng có hạt giống bồ đề trong tâm, nhưng hạt giống ấy có thể không có đủ nhân duyên để biểu hiện. Mỗi ngày chúng ta có thể làm lớn mạnh thêm ước nguyện của mình. Chẳng hạn, mình có thể nguyện cho mọi loài đều đến đi thong dong. Đây không phải là một mục tiêu, mà là một nguyện ước sâu sắc trong hiện tại. Ví dụ, khi rửa tay và thấy được tình trạng khổ đau của đất Mẹ, mình nguyện có đôi bàn tay khéo để giúp đất Mẹ và mình mong ước ai cũng có được đôi bàn tay ấy.

BBT: Có mâu thuẫn gì không giữa việc sống một cuộc đời bình lặng, ẩn dật và một cuộc đời dấn thân, thưa Sư cô?

Sư cô Chân Đức: Đúng là mình phải có bình an, như lời dạy trong Kinh Người biết sống một mình. Có thể mình thích được ở một mình bởi vì cảm thấy dễ chịu và bình an. Nhưng mình cũng cần có bình an ngay trong trong các buổi họp, hay khi cố gắng giải quyết những vấn đề khó khăn trong tăng thân. Quả thật, ta cần nuôi lớn bình an trong lúc ngồi thiền. Nhưng ngồi thiền trong lòng tăng thân không phải chỉ để nuôi dưỡng bản thân ta, mà còn để nuôi dưỡng toàn thể tăng thân. Bình an của ta và của mọi người không thể tách biệt. Có người nói là họ cần thêm sự yên tĩnh, nhưng liệu họ có sự tĩnh lặng trong nội tâm họ hay không? Nếu trong đầu ta vẫn còn ồn ào thì đó không phải là tĩnh lặng đích thực.

Cá nhân Chân Đức không trở thành người tu chỉ để được ngồi thiền hay xa lánh cuộc đời. Được kề cận với Thầy và Sư cô Chân Không, hai vị Bồ tát lớn có đời sống dấn thân và phụng sự, Chân Đức nguyện đi theo những bước chân ấy.

BBT: Có mặt trong tăng thân từ những ngày đầu, Sư cô đã thực tập như thế nào trong những tình huống khó khăn, đòi hỏi nhiều về thể chất cũng như tinh thần?

Sư cô Chân Đức: Thời kỳ đầu, Làng chỉ có vỏn vẹn bốn người là Thầy, sư cô Chân Không, sư cô Chân Vị và Chân Đức. Hướng dẫn khóa tu không dễ dàng chút nào, vì thiền sinh còn rất mới. Chẳng hạn, có thiền sinh thắc mắc: “Tại sao tôi phải dừng lại khi nghe chuông? Làm vậy tôi thấy mất hết tự do”. Tuy nhiên, qua năm tháng, năng lượng của sự thực tập trong tăng thân lớn mạnh hơn rất nhiều. Nhiều thiền sinh trở lại Làng và tiếp tục thực tập dài hạn, điều đó giúp ta có thêm niềm tin vào sự thực tập. Hiện nay, chúng ta đang có một tăng thân xuất sĩ và tăng thân cư sĩ lớn mạnh. Các khóa tu diễn ra rất suôn sẻ, dễ dàng. Trước đây thì không được như vậy, sự tổ chức trong tăng thân lúc đó khá lộn xộn. Truyền thông giữa các xóm không phải lúc nào cũng tốt. Thầy thường hay nói: ở Làng, tổ chức không phải là tài năng hay điểm mạnh của chúng ta. Có nhiều cư sĩ tổ chức hay hơn chúng ta nhiều.

BBT: Khi Sư cô cảm thấy mệt mỏi, những pháp môn nào đã giúp Sư cô lấy lại năng lượng và tiếp tục đi tới trong những năm tháng qua?

Sư cô Chân Đức: Đi thiền hành rất quan trọng đối với Chân Đức. Lúc nào không đi ra ngoài trời được, Chân Đức đi lên đi xuống cầu thang trong nhà. Chân Đức đi rất chậm, có thể bước một bước trong hai hơi thở. Ngồi yên và đúng tư thế cũng giúp ích cho Chân Đức rất nhiều. Chân Đức không cố gắng mà chỉ thở và ngắm nhìn cảnh vật qua khung cửa sổ. Những lúc như thế, nếu ép bản thân phải thiền quán về một đối tượng nào đó có thể khiến Chân Đức rất mệt.

Thời điểm Chân Đức có được những cái thấy rất sáng tỏ thường là trong những đêm Chân Đức không ngủ được. Xung quanh hoàn toàn tối đen, Chân Đức nằm đó theo dõi hơi thở và chăm sóc những chỗ đau nhức trên cơ thể mình. Nhưng bất chợt, Chân Đức thấy rõ là thân này không phải là mình. Cái thấy này đến rất tự nhiên, không hề có sự cố gắng để đạt được.

BBT: Khi chứng kiến những khổ đau rất lớn như là nạn phá rừng, chiến tranh hay nạn ô nhiễm môi trường đang diễn ra, Sư cô giữ gìn tâm mình ra sao để có thể hành động dựa trên tình thương?

Sư cô Chân Đức: Điều đầu tiên, nếu cần khóc, Chân Đức sẽ để cho mình khóc. Chân Đức ý thức rất rõ về những tác động tiêu cực của ngành nông nghiệp hiện đại đối với môi trường. Đôi lúc, Chân Đức cảm thấy không vui với những người nông dân. Gần đây, khi thấy họ lái xe đi ngang, chở theo những bình lớn đựng hóa chất độc hại, Chân Đức ý thức họ là những người đầu tiên chịu khổ đau, vì họ tiếp xúc trực tiếp với nó. Chân Đức cũng nhận ra họ buộc phải ở trong vị trí đó. Người nông dân chỉ gánh một phần trách nhiệm mà thôi. Những ai trong chúng ta đã nhìn sâu vào vấn đề này và thấy được những hậu quả đó, hãy ra tay giúp đỡ những người nông dân. Chính phủ phải giúp đỡ những người nông dân để họ có thể có phương tiện sinh sống mà không cần tàn phá hành tinh này.

Điều tồi tệ nhất mà Chân Đức từng chứng kiến xảy ra khi tăng đoàn đang trên đường đi về phía Nam của San Francisco. Khi ấy, xe đi ngang qua những nông trại gia súc với hàng ngàn con bò ủ rũ, không có chút cỏ nào mà chỉ được ăn đậu nành. Mùi hôi kinh khủng bốc lên từ khí metan. Thực sự, Chân Đức rất đau lòng và cảm thấy bất lực. Tất cả những gì Chân Đức có thể làm là gửi tình thương đến những con bò và hy vọng chúng không phải chịu quá nhiều đau đớn. Mong rằng trước khi vào lò mổ, chúng được chết liền mà không phải chịu nhiều vết đạn. Chân Đức có thể làm gì khác đây? Những gì Chân Đức có thể làm được là tiếp tục giữ sự thực tập ăn thuần chay, không trứng và không sữa.

BBT: Khi mình nhìn thấy người khác đang gây hại cho môi trường, có ích lợi gì không khi mình nổi giận với người đó? Theo Sư cô, mình phải đối diện với hoàn cảnh đó như thế nào ?

Sư cô Chân Đức: Mình giận vì mình nghĩ người mà mình giận là người đang gây hại. Đó là vấn đề đầu tiên. Mình xem người kia là người đang gây hại. Nhưng nếu nhìn sâu vào điều người đó đang làm và những nguyên nhân, điều kiện cũng như tất cả những người có liên quan tới hành động gây hại đó, mình sẽ thấy rằng đó không phải là vấn đề cá nhân. Ví dụ, tổng thống Bush hay tổng thống Trump có cả hệ thống chống lưng cho họ, đó là những người dân đã bỏ phiếu hay những người đang cố vấn cho họ. Vì thế lên án hay chỉ trích một cá nhân là khờ dại. Nếu nhìn cho sâu, ta thấy họ cũng là nạn nhân. Chúng ta có thể nói tình trạng hâm nóng địa cầu là do khai thác nhiên liệu hóa thạch hay do ngành nông nghiệp, v.v. Nhưng đằng sau đó là gì? Chính là lòng tham và sự vô minh. Loài người chúng ta có những tâm hành như tham đắm và si mê. Khi không biết cách để chuyển hóa thì chúng sẽ gây cho ta rất nhiều khổ đau. Vậy nên việc chúng ta có khả năng trở về với tự thân và chăm sóc những tâm hành của mình, để không góp phần tạo thêm chiến tranh, hành động tàn phá hay gây hại nào nữa là một điều rất quan trọng.