Ngôi chùa xưa trên đỉnh núi

Sư cô Chân Trăng Mai Thôn

Bạch Thầy kính thương,

Thấm thoát mà đã hơn một năm từ khi hai chị em con về tu viện Nhập Lưu để nương chúng tu học và phụng sự. Thời gian tuy không dài, nhưng cũng có thật nhiều chuyện để kể Thầy nghe, cũng như là một chút đóng góp vào ấn bản Lá thư Làng Mai mừng xuân Quý Mão.

Bây giờ, mỗi khi chắp tay lên thưa chuyện với đại chúng, ai cũng nói: “Kính bạch giác linh Thầy (Sư Ông)”, nhưng không hiểu sao, đối với con và một vài chị em, chúng con vẫn thường thưa: “Kính bạch Thầy (Sư Ông)”. Chúng con vẫn thấy Thầy luôn còn đó với chúng con, gần gũi và rất thật trong mỗi hành động, nói năng, tư duy và hành xử. Trong con, không hề có một sự gián đoạn nào trong mối liên hệ thầy trò. Vì vậy, viết thư cho Thầy là một điều gì đó thật tự nhiên, cần thiết và nuôi dưỡng cho con.

Buổi đầu mùa dịch Covid, khoảng ba năm trước, một sáng thức dậy con bỗng nảy ra ý tưởng viết cuốn “Nẻo về của chúng con”, như Thầy từng viết Nẻo về của ý vậy. “Tại sao không nhỉ?”, con thì thầm, dù biết mình hơi tham vọng một tí. Dù lớn hay nhỏ, đó sẽ là những lời tâm tình với Thầy về những gì mà con đã và đang đi qua.

Sau đây là một vài điều nho nhỏ mà con đã ghi chép vào “Nẻo về của chúng con”, giống như mỗi dịp cuối năm người ta thường dâng lên Ngọc Hoàng sớ Táo Quân vậy. “Sớ” này con cũng chỉ xin tổng kết năm 2022 để dâng lên Thầy với hy vọng là Thầy sẽ mỉm cười thật vui.

Điệu nào cũng múa

Khi hai chị em con về Nhập Lưu, số lượng thường trú ở đây từ bốn đã lên sáu. Vì vậy, chúng con có được sáu đội luân phiên. Ai cũng thấy hạnh phúc và thảnh thơi hẳn ra.

Sau những ngày Tâm tang, chị em con bảo nhau rằng có lẽ Sư Ông muốn mình tiếp tục làm những công việc cần làm. Vì vậy, ban ngày chúng con vẫn có mặt với cư sĩ hết lòng nhưng khi trở về phòng, nằm trên đơn mà nước mắt cứ chảy dài khi nghĩ về Thầy.

Tuy ít người nhưng những chương trình sinh hoạt vẫn được duy trì đầy đủ. Chúng con đi tặng chả giò, tổ chức ngày Mở cửa để làm quen với hàng xóm xung quanh nơi ở mới, rồi lên thời khóa cho ngày Giáng sinh, Tết tây với những bài pháp thoại, đốt lời khấn nguyện đầu năm và cùng làm lễ đón năm mới vào nửa đêm. Vào dịp Tết Nguyên đán, chúng con vẫn gói bánh chưng, bánh tét, cúng đại thí thực, tổ chức tất niên, thơ nhạc thiền và có cả chuông trống Bát Nhã đón Giao thừa. Sáng mồng Một Tết, chúng con cùng có mặt để chúc Tết Thầy, bói Kiều và thăm phòng quý sư cô. Chúng con còn mở hội chợ Xuân đón khoảng 200 người đến tham dự. Gian hàng bói Kiều trong hội chợ Xuân làm ăn rất khấm khá. Hai sư cô thay phiên nhau giải Kiều cho đến ba giờ chiều mới xong đó, thưa Thầy.

Sau Tết, mấy chị em mệt nhoài nhìn nhau nói: “Mình ít người mà đúng là điệu nào cũng múa”. Thì quà Tết của chúng con dâng Thầy có gì ngoài mấy điệu múa đó đâu!

Mở ra một chương mới

Tháng Sáu năm ngoái, khi nhân duyên hội tụ đầy đủ, tu viện Nhập Lưu đã được dời về Porcupine Ridge. Chúng con nghe nói nhiều người buồn và tiếc, vì dù sao Nhập Lưu cũng đã có mặt tại vùng đất cũ Beaufort mười năm và đã làm chỗ nương tựa cho rất nhiều người.

Tuy nhiên, khi về địa điểm mới này, quý sư cô và các vị cư sĩ đỡ phải lo lắng hơn vào mùa cháy rừng. Ngoài ra, việc di chuyển tới tu viện đã thuận tiện hơn cho cư sĩ từ Melbourne và các vùng lân cận. Từ thị trấn Daylesford khoảng tám tới mười phút lái xe là có đầy đủ siêu thị, bệnh viện và các dịch vụ cần thiết. Nơi đây, có những ngôi nhà gỗ xinh xắn dùng làm cư xá cho quý sư cô và cư sĩ. Mỗi khi có khóa tu hay mùa lễ hội, mình có thể đón khoảng sáu mươi thiền sinh cùng tới tu tập với chỗ ở khá tươm tất, tuy có hơi lạnh vào mùa đông.

Đặc biệt vào mùa thu, những hàng cây thay lá đẹp như cảnh thần tiên. Thị trấn Daylesford cũng khoác lên mình một chiếc áo đẹp huy hoàng không kém gì cảnh mùa thu mà Thầy đã tả trong Nẻo về của ý. Con đã thưởng thức mùa thu ấy bằng đôi mắt của Thầy. Năm nay thầy trò mình lại cùng nhau thưởng thức tiếp, Thầy nhé!

Kính ngưỡng

Hôm đó, trong khi đi thiền hành, đôi mắt con bỗng dừng lại nơi một cây khuynh diệp. Tuy đã già cỗi, vỏ đã bị mọt ăn khá nhiều nhưng dáng cây rất vững chãi và cành lá vẫn còn đang xanh tốt. Con chợt nhớ đến Bồ tát Thường Bất Khinh, với hạnh nguyện của mình, chắc hẳn Ngài sẽ chắp tay xá cây và nói: “Tôi không dám coi thường bạn, bạn là một nhiệm mầu của vũ trụ. Bạn đã có mặt ở đây rất lâu rồi. Ai mà biết được bạn đã đi qua những khó khăn nào, mà vẫn đứng vững sau bao nhiêu cơn bão. Biết bao thế hệ chim muông, côn trùng đã xem bạn là nhà, là thức ăn, là nơi nương tựa? Rễ của bạn đã vươn đến đâu? Bao nhiêu cành lá của bạn đã rơi rụng trở về với đất và biến chuyển thành bao hình thái của sự sống? Bạn thật sự là một biểu hiện mầu nhiệm của vũ trụ, làm sao tôi dám coi thường bạn!”.

Sau khi ngắm nhìn cội cây khuynh diệp với đôi mắt của một vị bồ tát, con tiếp tục buổi thiền hành cùng đại chúng. Lạ thay, mọi thứ dưới mỗi bước chân con dường như đang đổi thay. Lòng con dâng lên niềm kính trọng khi tiếp xúc với từng hòn sỏi, chiếc lá hay một cọng cỏ non. Tất cả, dù chỉ là những hiện hữu nhỏ nhoi, nhưng ai mà biết được chúng đã đi qua những cung bậc nào, đã là chứng nhân cho những điều gì.

Và con liên tưởng đến các sư anh, sư chị, sư em của con, đến các bạn thiền sinh, đến tất cả mọi người. Ai mà biết mỗi người đã đi qua những gì, đã chứng kiến những gì, đã vượt qua những gì. Thi thoảng họ hé mở cho ta đi vào thế giới của họ một chút. Ta đâu thể thấy hết được phải không, thưa Thầy?

Mỗi người là một bài thơ
Say mê đọc hoài đọc mãi
Vẫn không hết những bất ngờ

Trích thơ Vui giấc đại đồng
Sư cô Uyển Nghiêm

Mỗi người không những chỉ là một bài thơ mà còn là những bí mật của vũ trụ, là nhiệm mầu của sự sống.

Con xin nghiêng mình kính ngưỡng.

Vướng dù

Đi thiền hành dưới mưa lâm râm với cây dù là thực tập mà con rất thích. Đi như thế con có cảm giác thích thú như một con ốc sên hay một căn nhà di động. Chắc là khi con ốc sên bò chậm rãi dưới mưa, nó cũng có cảm giác tương tự như vậy. Mưa rơi trên vỏ nó như đang rơi trên chiếc dù con cầm trên tay.

Buổi thiền hành hôm đó, con đi phía sau một sư cô. Con bỗng thấy dù của sư cô vướng vào một cành cây khuynh diệp trụi lá phía trên đầu. Sư cô phải nghiêng dù và né qua một bên. Thấy vậy, con bèn đi tránh qua bên khác để khỏi bị vướng dù. “Nếu sư cô không đi trước thì có lẽ dù của con cũng sẽ bị vướng. Đầu óc con vẫn còn đang quẩn quanh trong chiếc vỏ ốc, vậy nên không thể nào thấy cành cây đó được”, con thầm nghĩ.

Con luôn muốn cảm ơn những người đi trước. Cảm ơn những va vấp, vụng về của họ và của cả chính mình. Tập tha thứ, chấp nhận những vụng về của mình và tìm đường đi tới. Biết đâu cũng có ai đó đang ở sau lưng mình quan sát và họ không chìm đắm trong chiếc vỏ ốc. Nhờ vậy, họ cũng sẽ tránh được chuyện chiếc dù bị vướng, như con.

Chuyện con vịt

Một hôm đi thiền hành bên hồ nước, chúng con phát hiện ra một con vịt con đang bơi một mình giữa hồ. Thông thường vịt đi có đôi, có đàn. Lâu lâu bị lạc đàn, chúng kêu cạc cạc cạc rồi nghiêng đầu lắng nghe xem có tiếng đáp lại hay không. Rồi những con vịt khác theo hướng của tiếng gọi mà bay đến bên cạnh. Vịt mà hạ cánh thì không thanh tao lắm đâu. Nó làm một cái “đụi” nếu ở trên mặt đất, còn nếu trên nước thì sẽ làm nước văng tung tóe. Đứng ngắm con vịt, con đoán nó mới chỉ đang tuổi lỡ nhỡ, mới lớn nên chưa có đôi. Chắc rồi nó cũng sẽ tìm ra đàn của nó thôi.

Cứ ngỡ là như vậy cho đến hôm sau, khi đi thiền hành ngang qua bờ hồ con vẫn thấy nó, một mình đang rỉa cánh với vẻ cam chịu. “Hay bố mẹ nó để lại một cái trứng bên hồ này trong một chuyến du lịch ngang Nhập Lưu, rồi cất cánh bay đi, để lại em vịt tự nở, tự lo thân này? Có trời mới biết!”. Quý sư cô tự hỏi nhau và đưa ra rất nhiều giả định.

Ngày nào các sư cô cũng cố ý đi thiền hành ngang qua hồ, dừng lại ngắm nó một hồi rồi đi tiếp. Riết rồi thành thói quen. Đôi khi đại chúng chấp tác bên bờ hồ vài ba ngày liên tiếp đều thấy nó bơi thong dong, không sợ hãi mà cũng không thân thiện. Lâu lâu, con dừng tay ngắm nó, thấy lòng vui vui.

Bỗng một buổi sáng đi thiền hành, chúng con không thấy nó đâu nữa. Dường như không tin vào mắt mình, chúng con dừng lại, quan sát thật lâu. Vài ngày sau, con vịt cũng không xuất hiện. Có lẽ nó đã đi thật rồi hoặc gặp một điều không may nào đó. Chạnh lòng, con nhớ đến con thằn lằn của chú Tâm Quán trong cuốn sách Tình Người. Một kiếp sống hiện lên ngắn ngủi trên biển hiện tượng, rồi biến mất. Lòng con chợt thấy thương thương và man mác buồn.

Con tự hỏi: “Tại sao mình lại có cái tâm trạng buồn thương như vậy cho một con vịt trời, nay đi mai ở?”. Rồi chợt nhận ra hình ảnh con vịt lẻ loi đã chạm tới nỗi cô đơn, tủi thân nằm thật sâu trong lòng. Có lẽ nỗi cô đơn này đã được truyền từ đời này sang đời khác. Vậy nên mới có một quyển sách có tựa đề là Trăm năm cô đơn. Mình đến trong đời này một mình thì khi ra đi cũng sẽ là một chuyến độc hành. Mình tự thương cho sự cô đơn, lẻ loi của mình cho nên nỗi niềm đó cũng lan tỏa đến với con vịt. Nhưng thật ra, tự thân con vịt đâu có thấy vậy. Nó được sinh ra, lớn lên và sống cuộc đời của nó như một lẽ thường tình. Vậy nên, có gì đâu mà nó phải buồn, phải hờn hay phải trách.

Khi nhận diện và gọi tên được những cảm xúc tủi thân, cô đơn và lẻ loi, lòng con bỗng thấy nhẹ nhõm. Cái man mác buồn thương cũng tự dưng biến mất. Con mỉm một nụ cười, thấy thấm thía lời Thầy: “Gọi được tên thật của nó rồi thì mình sẽ tự do”. May mắn cho con, bây giờ đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ nữa. Con có thể cô đơn nhưng không cô độc.

Chuông đại hồng

Thầy kính thương,

Hiện tại, những hàng xóm xung quanh đang ở khá gần trung tâm mới. Cho nên hy vọng trong vài năm nữa, khi họ đã quen biết và chấp nhận mình hơn, chúng con mới có thể thỉnh chuông đại hồng được.

Với con, mảnh đất này chính là ngôi chùa xưa trên đỉnh núi, nơi có chuông đại hồng là Thầy của chúng con. Thầy đã khua vang mở đầu cho một bình minh mới của đạo Bụt. Chẳng phải nhờ nghe được tiếng Thầy gọi, mà biết bao người đã có thể nở lại được nụ cười, đã biết đem mắt thương nhìn cuộc đời, đã biết thở vào tĩnh lặng, thở ra mỉm cười hay sao?

Khi trong lòng đã có tiếng chuông đại hồng sớm tối rồi, dù ở đâu đi chăng nữa thì theo thời gian, mình cũng sẽ thương được đất, thương được người. Để rồi, đất và người ở đó cũng sẽ thương lại ta. Khi đó, chắc hẳn con sẽ có nhiều điều để viết thư cho Thầy lắm. Con xin hẹn Thầy thư sau.

Kính thương,
Con của Thầy
Chân Trăng Mai Thôn