Sư cô Chân Văn Nghiêm
Thầy kính thương,
Con đã về lại tu viện Mộc Lan sau những ngày đi biển cùng huynh đệ. Chuyến đi chơi lần này, con như được Thầy động viên: “Con có làm biếng không đó?”. Câu hỏi của Thầy như một tiếng chuông gióng lên giữa thinh không. Nhớ những ngày tranh thủ học hỏi, thực hành theo sự hướng dẫn của Thầy ở Làng, con đã bỏ lỡ những cuộc chơi cùng huynh đệ. Ngày ấy, ý thức vô thường hiện rõ trong con khi thấy sức khỏe Thầy ngày một xuống mà còn bao nhiêu điều Thầy muốn làm. Vậy nên những ngày làm biếng con thường ở lại xóm Mới, thưởng thức cái yên tĩnh của Làng theo cách riêng của mình và quán chiếu lời nhắn gửi của Thầy.
Một bàn tay đưa cho nắng ngọt
Mỗi lần bắt gặp hình ảnh Thầy nhìn bàn tay là lòng con lại xốn xang khi Thầy dạy: “Con hãy tập viết hai tay, để khi đau tay này thì mình còn tay kia nữa!”. Rồi Thầy nhìn bàn tay đau của Thầy với vẻ đầy thông cảm. Câu nói ấy đã cho con cảm hứng để cầm bút với chủ đề: “Một bàn tay đưa cho nắng ngọt, một bàn tay giữ con đường mây” (trích từ tác phẩm Trời phương ngoại của Thầy).
Bàn tay đưa cho nắng ngọt là bàn tay nào trong đôi tay tài hoa của Thầy? Con cảm nhận nhiều hương vị ngọt ngào của quê hương trong Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt. Những khi xa quê, con như được trở về cùng tuổi thơ qua những câu thơ:
Nắng trên không gian và thơ trên nắng,
Thơ làm ra nắng, nắng ra thơ
Mặt trời cất chứa trong lòng trái khổ qua
… Khói ấm đưa thơ về trên trang ngoại sử…
… Mồ hôi giọt xuống đất khô, thơ bay trên luống cày…
Những ngày sau khóa tu Tâm tang, con có cơ hội ngồi một mình trong những lúc cách ly. Hình ảnh Thầy ngồi yên bên trang sách cùng nụ cười hiền và ánh mắt tỏa sáng như khắc lại trong lòng con bền bỉ và sống động. Để rồi lời kinh, câu thơ và tiếng nhạc như đọng lại trong hư không yên lắng tình Thầy. Con cảm nhận một tình thương dịu ngọt như lời ca dao mẹ thường ru cho con ngủ ngon trong vòng tay an toàn của mẹ. Bàn tay Thầy chuyển pháp nhẹ nhàng khi chỉ vào đóa hoa, cây bút hay tờ giấy làm minh họa bên nụ cười hóm hỉnh tươi vui. Giờ đây, mỗi khi nhìn bông hoa, chiếc lá… con như thấy nụ cười cùng ánh mắt ngời sáng của Thầy. Bàn tay ấy đã giữ lại con đường mây cho chúng con hôm nay.
Những ngày ở biển, mỗi khi con nhìn lên bầu trời, con thật sự thấy Thầy đang rong chơi cùng huynh đệ chúng con.
Gối nhẹ mây đầu núi
Nghe gió thoảng hương trà
Thiền duyệt tâm bất động
Rừng cây dâng hương hoa.
Thầy đang gối trên mây thật thong dong và tự tại. Bài thơ Đề thiền duyệt thất đã cho con cảm được niềm thương chân thành của một người tu trẻ đầy nhiệt huyết năm nào, ra đi kêu gọi hòa bình bằng tình thương bất bạo động.
Một sớm mai thức dậy
Sương lam phủ mái nhà
Hồn nhiên cười tiễn biệt
Chim chóc vang lời ca
…
Niềm tin còn gửi gắm
Ta vui lòng đi xa.
…
Chất liệu của người chiến sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, bác sĩ và tu sĩ trong mỗi dòng thơ như thắp lên ánh sáng tâm linh, soi đường cho tuổi trẻ chúng con hướng về niềm tin tỉnh thức. Con nhớ về mùa thu năm ấy, Thầy viết xuống chiếc lá thu vàng dòng chữ: “Con có tuổi trẻ, con có lý tưởng, con có niềm vui sống”. Đó như là một khẩu ngữ để mỗi khi con ngồi chơi với các bạn trẻ có khổ đau, con cũng trao lại lời nhắn gửi này của Thầy.
Một bàn tay giữ con đường mây
Thầy kính thương,
Những ngày chơi đùa, uống trà trên biển, con thấy mình như đổi thay trước không gian bao la của đất trời và nụ cười của sư chị, sư em. Con cũng lại thấy nụ cười, ánh mắt Thầy biểu hiện nơi quý sư anh, sư chị, sư em của con thật gần gũi và thân thương. Với con, pháp môn đi chơi là một pháp môn khó thực tập khi con không có nhiều sức khỏe, lại trong mùa dịch Covid. Nhưng rồi với lời nhắn gửi: “Nhớ chơi với các sư em giúp Thầy!” đã cho con động lực đồng hành cùng tăng thân như lời Thầy dặn.
Ngày ấy sau sự kiện tượng đài Bông hồng cài áo tại Bát Nhã bị đập, Thầy đưa cho con một tập các bài pháp thoại bằng tiếng Anh mà Thầy từng dạy cho trẻ em và nhắn nhủ rằng Thầy muốn các con dựa trên những tài liệu này để viết một cuốn sách dành cho thiếu nhi Việt Nam. Cuốn sách đó nhắc đến tình bạn của Lưu Bình - Dương Lễ, những câu chuyện trong Văn Lang Dị Sử, trò chơi dân gian, những điều Thầy dạy cho Gia đình Phật tử… Thầy nói: “Tượng đài bên ngoài không quan trọng, cái chính là các con phải phục hồi lại tuổi thơ và mỗi người phải dựng cho được một tượng đài của mình, một gia đình hạnh phúc có ba mẹ và các con…”. Câu nói ấy đã trở thành công án cho chúng con trong công trình thiết lập truyền thông với gia đình huyết thống.
Lý tưởng của một người tu trẻ và tình yêu của một người trẻ thật là khác biệt, chỉ có tuổi thơ và gia đình hạnh phúc là điểm chung mà người trẻ nào cũng quan tâm. Nhớ về tuổi thơ, tức là vọng về quá khứ. Nghĩ về hạnh phúc gia đình, tình yêu và lý tưởng là mơ tưởng về tương lai. Con loay hoay hoài mà như bị kẹt cứng trong lời kinh:
Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới.
…
Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơi
Hãy tinh tiến hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp
Cái chết đến bất ngờ
Không thể nào mặc cả
…
trích Kinh Người biết sống một mình
Trong những lúc chơi với chính mình như vậy, lời Thầy lại vang vọng: “Đừng làm một cặp đôi hoàn hảo của Nguyễn Văn Sợ cùng Lê Thị Lo nhé!”, “Sự nghiệp của Thầy trò mình là sự nghiệp giải phóng khổ đau ngay ở đây và trong kiếp này!”, “Cho nên một vị Bụt không đủ mô con”, “Con hãy giúp Thầy một tay nha!”, “Thầy cần những giáo thọ trẻ giúp Thầy chơi với các em để khơi nguồn hiểu biết và mở lối thương yêu…”, “Hãy chỉ các em cách dừng lại mà đừng tiêu thụ và tiếp nhận thêm khổ đau nữa…”. Lời Thầy như những con sóng vỗ vào bờ đều đặn. Con tự hỏi đó là tiếng sóng biển hay tiếng lòng của Thầy hóa thân trong từng con sóng nhỏ?
Hàm tiếu thiền
Ngày ấy có cơ hội phụ làm tri khách nên con đi dò tên từng phòng. Con đã bật cười thích thú một mình khi mắt con chạm vào tấm bảng Biển Mây, rồi Sao Biển. Thật sự lúc đó con mắc cỡ mỗi khi đi vào những phòng ấy, vì thấy chẳng ăn nhập gì với khung cảnh núi đồi ở xóm Mới.
Hôm đó con có dịp qua Sơn Cốc. Thầy kéo ghế ngồi chơi với vẻ hào hứng muốn nghe các sư con kể chuyện nên Thầy hỏi ngay: “Hôm nay có gì vui, kể cho Thầy nghe với!”. Tủm tỉm cười với tên phòng Biển Mây, con thưa lại với Thầy chuyện con làm tri khách. Thầy không nói gì, chỉ hòa vào câu chuyện của chúng con bằng nụ cười hàm tiếu.
Một lúc sau, Thầy đong đưa chân và chậm rãi nói: “Tên Biển Mây rất đẹp. Tuy ở đây không có biển nhưng mùa hè khi đưa mọi người tới phòng Biển Mây, người ta cảm tưởng rất mát mẻ. Cái tưởng của mình cũng hay lắm đó con. Con hãy làm tri khách đi!”. Rồi Thầy tủm tỉm cười nói tiếp: “Thầy thấy tên Sao Biển cũng hay. Trên trời có sao mà dưới biển cũng có sao. Bàn tay mình cũng là một ngôi sao nữa đó con”.
Lời khai thị mộc mạc của Thầy đã đưa con về với tuổi thơ cùng hộp bánh lu đựng đầy vỏ sò, vỏ nghêu mà mẹ gửi tặng chị em con. Tối nào chúng con cũng quây quần bên hộp bánh lu để chơi trò gia đình sò biển. Con nhặt lấy những vỏ sò, vỏ nghêu mang về để làm những con chim hòa bình trong khóa tu nghệ thuật, và gửi tặng các bạn thiền sinh như gói theo trời mây non nước cùng nụ cười ấm áp của Thầy. Con chắp tay lại cảm ơn tình Thầy trong đôi tay nhỏ của mình.
Con nguyện là sự tiếp nối đẹp của Thầy!