Ban biên tập
(Tường thuật những hoạt động chính tại Làng Mai Pháp trong năm 2023)
Đại Giới Đàn Trừng Quang (10 – 14.2.2023)
Trong không khí ấm áp của mùa xuân nơi núi rừng Khao Yai, các giới tử từ các trung tâm của Làng Mai đã có cơ hội trở về cùng một nơi để thọ giới Khất sĩ nam và Khất sĩ nữ trong Đại giới đàn Trừng Quang được tổ chức tại tu viện Vườn Ươm, Thái Lan, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid.
Đại giới đàn năm nay đã cung thỉnh được chư Tôn đức từ Việt Nam vào Hội đồng truyền giới như quý Hòa thượng: Thích Giác Quang - Trú trì chùa Bảo Lâm (Huế), Thích Minh Nghĩa - Viện chủ Tu viện Toàn Giác (Đồng Nai), Thích Bảo Nghiêm - Trú trì chùa Bằng A (Hà Nội), Thích Nguyên Minh - Trú trì chùa Kim Sơn (Nha Trang), Thích Bửu Chánh - Trú trì Thiền viện Phước Sơn (Đồng Nai), Thích Tâm Đức – Thiền viện Vạn Hạnh (Tp. Hồ Chí Minh), Thích Minh Thành - Tịnh xá Trung Tâm (Tp. Hồ Chí Minh); quý Thượng tọa: Thích Tiến Đạt - Trú trì chùa Đại Từ Ân (Hà Nội), Thích Tâm Thuần - Trú trì Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc (Hà Nội), Thích Giác Không - Trú trì chùa Phước Long (Cam Ranh), Thích Trí Chơn - Trú trì chùa Khánh An (Tp. Hồ Chí Minh), Thích Thanh Huân - Trú trì chùa Pháp Vân (Hà Nội); và quý Sư bà: Thích nữ Tịnh Nguyện - Ni trưởng Trú trì chùa Phước Hải (Tp. Hồ Chí Minh), Thích nữ Lưu Phong - Ni trưởng Trú trì chùa Kiều Đàm (Tp. Hồ Chí Minh), Thích nữ Chân Như Minh - Ni trưởng Trú trì chùa Pháp Hỷ (Huế), Thích nữ Chân Như Ngọc - Ni trưởng Trú trì chùa Bồ Đề (Tp. Hồ Chí Minh), Thích nữ Chân Như Huy - Ni trưởng Trú trì chùa Long Ẩn (Huế), Thích nữ Chân Từ Nhu - Ni trưởng Trú trì chùa Từ Đức (Huế), Thích nữ Hương Nhũ – Trú trì chùa Thiên Quang (Bình Dương)…
Trong Đại giới đàn, với sự chứng minh của chư Tôn đức, 19 vị đã tiếp nhận giới Khất sĩ nam và 38 vị tiếp nhận giới Khất sĩ nữ. Sau lễ truyền giới, tăng thân cũng đã làm lễ phó pháp truyền đăng cho 16 vị tân giáo thọ. Ngọn đèn tuệ giác của chư Bụt, chư Tổ vẫn đang tiếp tục được gìn giữ và thắp sáng.
Cũng trong dịp này, đại chúng cùng nhau ăn mừng tu viện Vườn Ươm tròn 10 tuổi và làm lễ đặt đá để xây dựng thiền đường mới, thiền đường Trời Phương Ngoại.
Vững một niềm tin – Khóa tu xuất sĩ
(15 – 23.2.2023)
Mỗi năm vào dịp đầu xuân, đại chúng ba xóm Làng Mai Pháp lại cùng nhau sum họp về chùa Pháp Vân, nơi mảnh đất Thénac (Thệ Nhật) thiêng liêng để có mặt cho nhau trong khóa tu xuất sĩ. Quý thầy, quý sư cô từ Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (Đức), Tu viện Suối Tuệ và Thiền đường Hơi Thở Nhẹ (Paris) cũng về tham dự khóa tu.
Năm nay, với chủ đề “Vững một niềm tin”, khóa tu xuất sĩ diễn ra trong chín ngày đã nuôi dưỡng thêm tình huynh đệ, tiếp thêm năng lượng để các anh chị em trong gia đình áo nâu vững bước trên con đường tu học và phụng sự. Cũng trong khóa tu này, thầy Pháp Ấn, sư cô Chân Không và sư cô Chân Đức đã thay mặt tăng thân để phó pháp truyền đăng cho tám vị tân giáo thọ.
Tiếng hát mùa xuân
Sau ba năm bị gián đoạn vì đại dịch, hơn bốn trăm thiền sinh từ các nước như Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Canada,… lại có cơ hội về Làng tu tập trong khóa tu dành cho cộng đồng nói tiếng Pháp, từ ngày 7 đến ngày 14.4. Cỏ cây, hoa lá cùng nắng ấm mùa xuân cũng hòa chung niềm vui sum vầy của đại gia đình Pháp ngữ. Niềm vui tiếp nối niềm vui khi tăng thân tổ chức mừng Ngày Tiếp nối lần thứ 85 của Sư cô Chân Không và chào đón thêm 18 thành viên mới của Dòng tu Tiếp hiện.
Thong dong vạn nẻo đường
Tiếp nối hạnh nguyện hoằng hóa của Sư Ông đem đạo Bụt ứng dụng đến muôn nơi, “bầy ong siêng năng” đã bắt đầu lên đường với những chuyến hoằng pháp tại châu Âu (Anh, Ireland, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, CH Séc, Áo, Tây Ban Nha…); châu Mỹ (Mỹ, Canada, Mexico, Colombia, Ecuador, Argentina, Brazil, Chile) và châu Á (Ấn Độ, Đài Loan).
Trung tâm Chánh niệm vì Sức khỏe Cộng đồng Thích Nhất Hạnh tại Harvard
Ngày 26.4.2023, Trường Y tế Cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard (Harvard T.H. Chan School of Public Health) đã chính thức khai trương Trung tâm Chánh niệm vì Sức khỏe Cộng đồng Thích Nhất Hạnh (Thich Nhat Hanh Center for Mindfulness in Public Health). Hơn ba mươi xuất sĩ của Làng Mai, trong đó có thầy Pháp Ấn và sư cô Chân Không, đã có mặt cho sự kiện quan trọng này.
Trung tâm được thành lập với 25 triệu đô la Mỹ do một nhà hảo tâm ẩn danh hiến tặng, đây là một trong những khoản tài trợ lớn nhất từ trước đến nay cho trường. Sứ mệnh của trung tâm là giúp cho mọi người trên thế giới sống có mục đích, chan hòa và vui tươi thông qua việc thực tập chánh niệm; thúc đẩy các nghiên cứu trên cơ sở thực chứng nhằm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần thông qua chánh niệm; giáo dục và phổ biến cho mọi người về chánh niệm. Hai lĩnh vực chính của trung tâm là nghiên cứu về dinh dưỡng và môi trường sống.
Giáo sư Lilian Cheung, giám đốc nghiên cứu và thực hành chánh niệm tại Khoa Dinh dưỡng của Trường Y tế Cộng đồng T.H. Chan, đã gặp Sư Ông Làng Mai vào năm 1997 tại một khóa tu chánh niệm và sau đó bà đã cùng viết chung với Sư Ông một cuốn sách có tựa đề Savor: Mindful Eating, Mindful Life (tạm dịch: Thưởng thức: Ăn trong Chánh niệm, Sống trong Tỉnh thức).
Giáo sư Cheung cho biết: “Trong những năm qua, tôi rất quan tâm đến việc tìm phương thức áp dụng chánh niệm vào lĩnh vực y khoa, tìm cách ngăn ngừa bệnh tật và thúc đẩy an lạc ở quy mô đại chúng. Đó chính là điều mà Trung tâm sẽ thực hiện”.
Trung tâm Chánh niệm Thích Nhất Hạnh ra mắt bằng một hội nghị chuyên đề kéo dài trọn ngày 26.4, với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học nhằm chia sẻ những nghiên cứu, khám phá khoa học về mối liên hệ giữa chánh niệm với sức khỏe thân tâm. Thầy Pháp Ấn, thầy Pháp Lưu và sư cô Hiến Nghiêm đã đại diện tăng thân chia sẻ trong Hội nghị. Ngoài ra, còn có một buổi vấn đáp do thầy Pháp Dung, thầy Pháp Linh và sư cô Lăng Nghiêm chủ tọa.
Theo thông cáo của Đại học Havard, tính tới đầu năm 2023 đã có gần 25.000 công trình nghiên cứu về chánh niệm được xuất bản trên nhiều tạp chí chuyên ngành khác nhau. Tuy nhiên lĩnh vực này vẫn còn khá mới mẻ, và các nhà nghiên cứu của Trung tâm Chánh niệm Thích Nhất Hạnh sẽ tiếp tục tìm kiếm những công cụ khoa học để đánh giá tác động của chánh niệm tới sức khỏe và hạnh phúc con người.
Làng Mai tại Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo toàn cầu
Sáng ngày 20.4, Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu năm 2023 do Liên minh Phật giáo Thế giới (International Buddhist Condeferation - IBC) tổ chức đã khai mạc trọng thể tại New Delhi, Ấn Độ với sự tham dự của khoảng 171 đại biểu đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng với khoảng 150 đại biểu đại diện cho các tổ chức Phật giáo của Ấn Độ. Hội nghị diễn ra trong hai ngày 20 và 21.4 với chủ đề “Ứng xử với những thách thức đương đại từ triết học đến thực tiễn”. Phái đoàn Làng Mai có thầy Pháp Khởi, thầy Nguyên Lực, sư cô Biện Nghiêm và sư cô Trăng Lộc Uyển đã tham dự Hội nghị. Sự kiện diễn ra cùng với thời điểm quý thầy, quý sư cô đang có chuyến hoằng pháp tại Ấn Độ.
Gieo mãi hạt yêu thương
Kết hợp với sự kiện thành lập Trung tâm Chánh niệm Thích Nhất Hạnh tại Harvard, Sư cô Chân Không đã có một số hoạt động hoằng pháp tại ba tu viện của Làng Mai tại Mỹ.
Tại tu viện Bích Nham, Sư cô đã hướng dẫn một ngày quán niệm cho tăng thân tứ chúng vào ngày 16.4, và cho một bài pháp thoại công cộng với chủ đề “Từ bi trong hành động” (Compassion in Action) do Hội Chủng viện Thần học Hoa Kỳ (Union Theological Seminary) cùng quý thầy, quý sư cô tu viện Bích Nham tổ chức vào ngày 18.4. Ngay sau đó, Sư cô hướng dẫn khóa tu Tiếp hiện, từ ngày 19 đến ngày 23.4.2023, với chủ đề “Nghệ thuật thương yêu” (The Art of Compassion).
Tại tu viện Mộc Lan, một khóa tu năm ngày đã diễn ra từ ngày 3.5 đến ngày 7.5 với chủ đề “Tình thương đích thực” (Learning True Love). Khóa tu có chương trình dành cho trẻ em và thiếu niên.
Tại tu viện Lộc Uyển, Sư cô đã tham gia hướng dẫn một ngày quán niệm vào ngày 14.5. Ngoài ra, còn có một ngày quán niệm đặc biệt, được gọi là ngày quán niệm Dana, được tổ chức vào sáng Chủ nhật ngày 21.5, tại công viên Mile Square Fountain Valley, quận Cam. Có khoảng 600 người đã đến tham gia ngày thực tập chánh niệm đặc biệt này. Nhiều người trong số đó không phải là người gốc Việt. Do vậy, ngôn ngữ chính được sử dụng trong ngày quán niệm là tiếng Anh, có thông dịch sang tiếng Việt trong phần pháp thoại.
Ngày Quán niệm Dana có chương trình bao gồm những phần thực tập căn bản nhất theo truyền thống Làng Mai: nghe chuông, quán niệm hơi thở, thiền hành, thiền buông thư… Đặc biệt, có thêm nghi thức tăng đoàn đi khất thực, để những người tham gia có thể thực tập hạnh cúng dường, bố thí. Ngày quán niệm Dana cũng là dịp tăng thân gây quỹ cho công trình xây dựng tăng xá của tu viện Lộc Uyển.
Theo tờ Việt Báo: “Ngày quán niệm của tăng đoàn Lộc Uyển đã đem lại niềm an lạc lớn lao không chỉ cho những người tham gia, mà còn cho cả không gian, cây cỏ, muôn loài chung quanh. Bầy ngỗng trời ở hồ nước bên cạnh cũng lên tiếng, giống như để chào đón tăng đoàn cùng những người tham dự. Lâu lắm rồi, ở Mile Square Park mới có một sự kiện cộng đồng với một không khí bình an như vậy”.
Khóa tu nấu ăn tại xóm Mới (26.5 – 2.6.2023)
Một trong những khóa tu ở Làng được rất nhiều thiền sinh trông đợi là khóa tu nấu ăn, thường được tổ chức tại xóm Mới. Năm nay, với chủ đề “Giây phút nấu ăn — Giây phút hạnh phúc” (Cooking moment, Happy moment), khóa tu đã thu hút hơn 200 thiền sinh về tham dự. Các bạn thiền sinh được học cách nấu những món ăn ngon và lành, học cách chế tác niềm vui trong khi làm bếp và cả những sự thực tập cần thiết để tạo nên một đời sống lành mạnh, hạnh phúc cho bản thân. Khi ta biết nấu ăn trong chánh niệm, nhà bếp sẽ trở thành thiền đường. Lúc ấy, an vui và hạnh phúc sẽ tỏa chiếu trong ta và xung quanh ta. Được nấu cơm nuôi sống tăng thân hay gia đình, đó là một hạnh phúc.
Khóa tu dành cho doanh nhân Việt
(26.5 – 2.6.2023)
Trong khi khóa tu nấu ăn diễn ra tại xóm Mới thì tại xóm Thượng có khóa tu dành cho doanh nhân Việt với chủ đề “Có bùn mới có sen”. Hơn 50 doanh nhân đến từ Việt Nam đã có một tuần được trải nghiệm nếp sống chánh niệm ở Làng, được học cách sống chậm lại và có mặt nhiều hơn cho chính mình. Đồng thời, họ cũng có thời gian nhìn lại những giá trị sống và động lực thúc đẩy cuộc đời mình cũng như của doanh nghiệp: mình có muốn thực sự trở thành “Số Một” (Number One) hay mình muốn hạnh phúc? Mình có đang trở thành “nạn nhân” cho sự thành công của chính mình? Mình có đang đưa doanh nghiệp đi về hướng thiện lành?
Các doanh nhân còn được học về nghệ thuật ái ngữ và lắng nghe, nghệ thuật làm mới do Sư cô Chân Không hướng dẫn để có thể áp dụng trong gia đình cũng như trong doanh nghiệp. Sau khóa tu, có hơn 20 vị đã tiếp nhận Năm giới quý báu để tiếp tục nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mình.
Khóa tu “Tìm về ngôi nhà đích thực”
(2 – 9.6.2023)
Đây là khóa tu lần đầu tiên được tổ chức tại Làng Mai dành riêng cho những người trẻ Việt Nam và châu Á lớn lên ở nước ngoài. Xin đọc bài viết “Trở về nguồn cội” của Main Hương, Hồng Anh và Janny trong số báo này để hiểu thêm về cảm nhận của các bạn trẻ khi được trở về và tiếp xúc với gốc rễ của mình.
Khóa tu “Thương yêu là tự do”
(16 – 23.6.2023)
Lần đầu tiên tại Làng Mai đã diễn ra một khóa tu kết hợp cả hai hình thức: tham gia trực tiếp tại Làng và tham gia trực tuyến thông qua mạng Internet. Khóa tu này là sáng kiến của cộng đồng tăng thân Trì Địa quốc tế (Earth Holder). 700 thiền sinh đã trực tiếp tham gia khóa tu tại Làng và 800 thiền sinh tham gia trực tuyến từ năm châu lục trên thế giới. Một số tăng thân địa phương tại Đức, Mỹ, Singapore, Chile… đã đến với nhau để cùng tu tập và tham gia các sinh hoạt trực tuyến của khóa tu.
Thật cảm động khi nhìn thấy hình ảnh hơn một ngàn người từ các quốc gia khác nhau trên hành tinh cùng nhau thắp lên ánh sáng tỉnh thức và nhìn sâu vào liên hệ giữa mình với thiên nhiên, với đất Mẹ. Càng nhìn được bằng tuệ giác tương tức, ta càng thức tỉnh, có đủ sức mạnh và tình thương để bảo hộ đất Mẹ. Tâm thương yêu càng rộng lớn, ta càng có nhiều tự do.
Một trong những điểm nổi bật của khóa tu là Lễ hạ chí – lễ đón mừng ngày có mặt trời chiếu sáng dài nhất và đêm ngắn nhất trong năm – với sự tham gia của đại diện nhiều truyền thống tôn giáo, trong đó có những thổ dân từ Amazon, Mexico và Châu Phi.
Công chiếu bộ phim tài liệu “Respire, Souris, Vis” (22.6.2023)
Ngày 22.6, bộ phim tiếng Pháp của đạo diễn Yen Le Van có tựa đề “Respire, Souris, Vis” (Thở, Cười và Sống) với những tư liệu về cuộc đời của Sư Ông, cũng như của một số nhân vật nổi tiếng như Jon Kabat-Zinn, Laurent Debacker, Eline Snel, Mira-Baï Ghatradyal, Jean-Gérard Bloch, đã được công chiếu tại Paris. Bộ phim là một lời mời đối với những ai muốn trở về với chính mình và tìm lại ý nghĩa của cuộc sống: Sống để làm gì? Làm người nghĩa là gì nếu không phải là khả năng vượt qua nỗi sợ hãi trước cái chết, để sống và để yêu thương? Sư cô Chân Không cùng một số quý thầy, quý sư cô đã có mặt trong buổi công chiếu.
Khóa tu mùa Hè (9 – 29.7.2023)
Khóa tu mùa Hè là khóa tu đông vui nhất trong năm vì có cả trẻ em và thiếu niên về Làng tu tập cùng cha mẹ. Làng đã trở thành điểm hẹn của nhiều gia đình trong dịp hè. Năm nay, tổng cộng có hơn 2000 người từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có 170 thiếu niên và 480 thiếu nhi, đã về Làng tu tập trong ba tuần của mùa hè. Nhờ có sự yểm trợ của 120 tình nguyện viên, trong đó có nhiều đồng bào từ Việt Nam qua, nên khóa tu diễn ra khá suôn sẻ và vui tươi.
Khóa tu Wake Up “Thương yêu trong hành động” (4 – 11.8.2023)
Khóa tu mùa hè vừa kết thúc thì mận ở Làng cũng vừa chín. Đi dạo quanh xóm, bạn sẽ cảm nhận được mùi mận chín ngọt thơm lừng trong nắng ấm. Hơn 600 bạn trẻ từ 18 — 35 tuổi, đến từ hơn 30 quốc gia, đã về Làng trong dịp này để tham dự khóa tu “Love in Action” (Thương yêu trong hành động). Một bạn trẻ đến từ Tây Ban Nha chia sẻ: “Năng lượng tập thể của khóa tu rất hùng tráng, thật đáng kinh ngạc. Tôi rất xúc động khi nghe những chia sẻ rất thật lòng của các bạn thiền sinh cũng như của quý thầy, quý sư cô. Thật tuyệt vời biết bao khi được đến với nhau như thế này và chia sẻ những nỗi sợ hãi sâu sắc nhất, nỗi đau buồn, khát vọng và cả niềm vui chung với nhau”. Cuối khóa, hơn 200 bạn trẻ đã tiếp nhận Năm Giới, coi đây như kim chỉ nam giúp các bạn đi về hướng bình an và hạnh phúc chân thật.
Khóa tu dành cho các thầy cô giáo
(18 – 25.8.2023)
Nghỉ ngơi được một tuần sau khóa tu Wake Up, các thầy, các sư cô lại chào đón hơn 300 giáo viên và những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục từ khắp nơi về tu tập. Những bài pháp thoại do sư cô Định Nghiêm, thầy Pháp Lý và sư cô Chân Đức đã giúp cho các thầy cô giáo thấy được tầm quan trọng của sự thực tập chánh niệm đối với tự thân cũng như nuôi dưỡng ước nguyện của mình. Trong bài pháp thoại cuối cùng dành cho thầy cô giáo (27.10.2014), Sư Ông từng căn dặn: “Quý vị có sứ mệnh ươm mầm và nuôi dưỡng những người trẻ lành mạnh, có khả năng tạo dựng hạnh phúc cho mình và cho xã hội. Sứ mệnh của chúng ta không chỉ là trao truyền kiến thức mà còn là xây dựng con người, xây dựng một xã hội nhân bản để có thể chăm sóc và bảo hộ hành tinh xinh đẹp của chúng ta”. Trong khóa tu còn có buổi chia sẻ của các giáo viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực đem chánh niệm vào trường học, trong đó có Orlaith O’Sullivan và Richard Brady — hai điều phối viên của chương trình đem chánh niệm vào trường học (Wake Up Schools).
Sau khi khóa tu kết thúc, một số thiền sinh tình nguyện ở lại thêm để phụ các thầy, các sư cô hái mận. Sau khi thu hoạch, mận sẽ được sấy khô hoặc làm mứt để dành. Nếu có dịp tới Làng, bạn sẽ được thưởng thức mứt mận vào mỗi bữa sáng. Đó là một món đặc sản mộc mạc mà các thiền sinh sau khi tham dự khóa tu thường thích mang về làm quà.
Khóa tu “Trở về nương tựa đất Mẹ”
Kể từ năm 2022, quý thầy xóm Thượng cùng các bạn thiền sinh thường trú tại Nông trại Hạnh Phúc (Happy Farm) đã tổ chức các khóa tu “Trở về nương tựa đất Mẹ”, mỗi khóa tu kéo dài hai tuần. Mục đích của khóa tu là giúp cho mọi người trở về kết nối sâu sắc với thiên nhiên, với đất Mẹ để được nuôi dưỡng và trị liệu. Trong năm nay, khóa tu được tổ chức hai lần vào tháng 5 (5-19.5) và vào tháng 9 (15-29.9). Dưới đây là phản hồi từ một thiền sinh:
“Trong hai tuần qua, chúng tôi được khám phá ruộng đồng, rừng cây, ăn những món ăn thuần chay ngon miệng, được tiếp xúc với những người thực sự tốt bụng và chu đáo, đọc sách, lắng nghe, làm nông, ca hát, thiền định và sống chánh niệm một cách có ý thức. Nghe có vẻ giống như một sự thay đổi nhịp độ rất đột ngột so với nếp sống bình thường, nhưng bằng cách nào đó, năng lượng tu tập của cộng đồng nơi đây đã giúp tôi thay đổi bản thân. Một người bạn miêu tả Làng Mai giống như lá gan hay quả thận của xã hội, lặng lẽ lọc đi những độc tố. Đó chính xác là cảm giác của tôi sau khóa tu. Tình trạng sức khỏe của tôi được cải thiện sau bốn ngày đầu tiên. Tôi thấy mình bình tĩnh hơn, dễ tha thứ hơn cho bản thân và người khác, và tôi đã cười rất nhiều. Tôi không mong đợi trạng thái tâm trí này sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng tôi hy vọng mình sẽ nhớ cảm giác đó và có động lực để hướng tới một nếp sống an lành hơn.”
An cư kiết đông 2023 - 2024
(19.10.2023 – 16.1.2024)
Sáng ngày 19.10, tứ chúng Làng Mai đã vân tập về thiền đường Nước Tĩnh, chùa Pháp Vân, xóm Thượng để làm lễ đối thú An cư kiết đông. Số người an cư tại đạo tràng Mai Thôn trong mùa an cư kiết đông năm nay là 225 vị (141 xuất sĩ - 48 tỳ kheo, 78 tỳ kheo ni, 9 sadi, 6 sadi ni; và 84 cận sự nam và nữ). Trong mùa an cư này, đại chúng được nghe lại những bài giảng của Sư Ông về những đóng góp của đạo Bụt cho một nền đạo đức toàn cầu. Chương trình ngày thứ Năm dành cho xuất sĩ thật đặc biệt với nhiều lớp học theo các chủ đề đa dạng: đạo đức học so sánh, tâm lý học Phật giáo, văn hóa xuất sĩ,… Điều này đem lại một sinh khí mới đầy cảm hứng cho các xuất sĩ trong mùa an cư năm nay.
Chương trình tu học trực tuyến
“Thiền và nghệ thuật bảo hộ hành tinh”
(15.10 – 3.12.2023)
Với năng lượng tu tập hùng hậu của mùa an cư, tăng thân xuất sĩ còn đồng thời yểm trợ cho chương trình tu học trực tuyến kéo dài bảy tuần với chủ đề “Thiền và nghệ thuật bảo hộ hành tinh” (Zen and the Art of Saving the Planet, gọi tắt là ZASP), mở đầu vào ngày 15.10 và kết thúc vào ngày 3.12. Đây là lần đầu tiên tăng thân có được một chương trình tu học trực tuyến được xây dựng công phu từ hình thức cho đến nội dung như vậy. Khoảng 1600 thiền sinh đến từ hơn 50 quốc gia đã tham gia khóa học bảy tuần này. Chương trình được xây dựng trong vòng một năm, từ năm 2022, và bắt đầu đưa vào thử nghiệm vào tháng Hai và tháng Năm năm 2023. Để biết thêm về ý nghĩa của chương trình ZASP, xin đọc bài viết “Thiền và nghệ thuật bảo hộ hành tinh” của thầy Trời Đức Niệm trong số báo này.
Lời thỉnh cầu cùng ngồi yên yểm trợ hòa bình thế giới
Trong bối cảnh xung đột ngày càng leo thang ở Trung Đông, ngày 19.10.2023, tăng thân Làng Mai đã có lời thỉnh cầu mọi người cùng ngồi yên yểm trợ hòa bình thế giới. Trong thư có đoạn:
“Với cách nhìn của đạo Bụt, những cuộc chiến ở Trung Đông, Ukraine cũng như những cuộc chiến khác đang xảy ra khắp nơi trên thế giới là một biểu hiện của tâm thức cộng đồng, của năng lượng hủy diệt tập thể có mặt trong chiều sâu tâm thức của cả nhân loại. Năng lượng hủy diệt này là nền tảng tạo ra khổ đau cho loài người. Là con cháu trong đại gia đình nhân loại, mỗi người trong chúng ta phải có trách nhiệm nhận ra khổ đau nơi chính mình và phải có bổn phận chuyển hóa những hạt giống bạo động thành năng lượng bình an thực sự trong tự thân.
…
Trong giai đoạn khủng hoảng hiện tại, điều quan trọng nhất cho mỗi người chúng ta là trở về thực tập cắm rễ vào tự thân để có được sự vững chãi và để có thể làm lắng dịu những cảm xúc bất an và dao động của chính mình. Chúng tôi xin mời những người bạn Israel, Palestine, Ukraine, và tất cả những ai đang gánh chịu khổ đau trong các vùng đang có chiến tranh mâu thuẫn, hãy cùng ngồi yên với chúng tôi để cùng nhau chúng ta có thể làm lắng dịu ngọn lửa hận thù, để có thể dừng lại những hành động gây đau khổ và tàn hại, để có thể trải rộng tình thương, phát khởi tâm lượng từ bi và để tỏa chiếu sức mạnh, năng lượng của hòa bình và an lạc…”
(Để đọc toàn bộ lời thỉnh cầu này, xin vào trang nhà Làng Mai: https://langmai.org/cong-tam-quan/thong-bach/loi-thinh-cau-cung-ngoi-yen-yem-tro-hoa-binh-the-gioi/)
Kệ truyền đăng trong năm 2023
Trong năm 2023, tăng thân đã chào đón 27 vị giáo thọ mới, cả xuất sĩ và cư sĩ. Dưới đây là tổng hợp những bài kệ truyền đăng được trao trong năm qua:
Kệ truyền đăng trong đại giới đàn Trừng Quang (10-14.2) tại tu viện Vườn Ươm, Thái Lan:
Thầy Thích Chân Phương Cần
(Nguyễn Xuân Lộc; Pháp danh: Nhuận Thọ)Chân pháp mở bày muôn vạn lối
Đường vào phương ngoại chẳng ngoài tâm
Công phu cần mẫn trong nhật dụng
Gương trí soi tròn nghĩa uyên thâm.
Thầy Thích Chân Trời Kỳ Ngộ
(Phạm Hùng; Pháp danh: Tâm Đức Khang)Muôn dặm không mây muôn dặm trời
Nhân duyên kỳ ngộ bước thảnh thơi
Ở đây gặp gỡ bao tri kỷ
Mở hội tăng thân cứu độ người.
Thầy Thích Chân Trời Lĩnh Nam
(Lê Dũng; Pháp danh: Tâm Đại Niệm)Chân trời Lĩnh Nam đất xưa
Tổ tiên xây dựng truyền thừa mai sau
Bước chân cẩn trọng cho nhau
Mỉm cười tương kính làm giàu tương lai.
Thầy Thích Chân Trời Bình An
(Trần Công Danh; Pháp danh: Tâm Từ Thủy)Pháp thân tỏa sáng rạng chân trời
Bình minh rực rỡ ánh hồng tươi
An nhiên từng bước là dừng lại
Mắt biếc hồn thơ rộn tiếng cười.
Thầy Thích Chân Trời Linh Cảm
(Lai Thanh Vũ; Pháp danh: Tâm Khuyến Thiện)Chân xuân thắp sáng cả trời xuân
Ứng hiện tâm linh đẹp tuyệt trần
Có nhau nhiệm mầu trong tương cảm
Cử xướng tăng thân thực pháp thân.
Thầy Thích Chân Trời Nguyện Ước
(Nguyễn Bá Nhật; Pháp danh: Tâm Nhuận Minh)Chân tâm soi tỏ trời cao rộng
Nguyện ước năm xưa vững một lòng
Tăng đi từng bước xây mầm tuệ
Nghĩa trả ơn đền vẹn núi sông.
Thầy Thích Chân Trời Đâu Suất
(Đặng Ngọc Hồng Quyết; Pháp danh: Tâm Minh Đăng)Mắt thương nhìn thấu cõi trần
Từ Trời Đâu Suất hiện thân giữa đời
Bồ đề chiếu rạng muôn nơi
Mở bày phương tiện độ người trầm luân.
Thầy Thích Chân Trời Tương Lai
(Phạm Quang Hà; Pháp danh: Tâm Đức Tĩnh)Khung trời hiện tại đã về tới
Ôm cả tương lai sáng nếp nhà
Tình xưa gửi gắm từng huynh đệ
Ơn nghĩa truyền trao vẫn đậm đà.
Sư cô Thích nữ Chân Đán Nghiêm
(Phan Thị Minh Tuyền; Pháp danh: Tâm Quảng Bích)Một trời xuân đán bình an
Uy nghiêm vọng tiếng thâm ơn nghìn trùng
Lối về có thủy có chung
Từ bi chiếu rạng khắp cùng thế gian.
Sư cô Thích nữ Chân Nhẫn Nghiêm
(Nguyễn Thị Bích Lê; Pháp danh: Tâm Nguyên Tịnh)Chân tâm một nẻo đi về
Hành trang ẩn nhẫn xá hề gian truân
Nghiêm phong hoạt thái chuyên cần
Quê hương lối cũ bước chân vững vàng.
Sư cô Thích nữ Chân Thiện Nghiêm
(Văn Thị Kiều Oanh; Pháp danh: Tâm Chơn Khai)Thiện nghiệp gieo trồng cõi lạc bang
Nghiêm giới trì đức tuệ vững vàng
Dong thuyền bát nhã ra khơi vớt
Cỡi gió về mây giữ an ban.
Sư cô Thích nữ Chân Đế Nghiêm
(Vũ Thị Minh Đức; Pháp danh: Tâm Diệu Chuyên)Xuất lưu pháp bảo từ chân đế
Một dạ giữ nghiêm phép chỉ trì
Mỗi khi trời đất lên tiếng gọi
Hoa lòng thơm ngát giọt từ bi.
Sư cô Thích nữ Chân Dương Nghiêm
(Phạm Thị Hồng; Pháp danh: Tâm Phương Minh)Chân thân vốn hoàn hảo
Rạng ngời ánh dương quang
Một lòng thường nghiêm cẩn
Lan tỏa pháp An ban.
Sư cô Thích nữ Chân Công Nghiêm
(Hoàng Lê Kim Loan; Pháp danh: Tâm Nhật Kim)Đức sáng nằm ngay công tu luyện
Nghiệp lành vun tưới tướng uy nghiêm
Thông điệp từ bi về mọi nẻo
Tha hồ thỏa chí chốn an nhiên.
Sư cô Thích nữ Chân Trăng Nga Mi
(Chew Yee Lee; Pháp danh:
Noble Fulfillment of the Heart)Trăng không tròn không khuyết
Núi Nga Mi lưu danh
Phổ Hiền mười hạnh nguyện
Làm lợi lạc chúng sanh.
Sư cô Thích nữ Chân Trăng Đông Hải
(Tsui Miu Ling; Pháp danh: Tâm Quán Ân)Trăng tỏa sáng bầu trời Đông Hải
Biển trần gian phản ánh não phiền
Đem tay tế độ bao người khổ
Sóng bước bên Ngài Quán Thế Âm.
Kệ truyền đăng trong khóa tu xuất sĩ “Vững một niềm tin” (15-23.02) tại Làng Mai Pháp:
Thầy Thích Chân Trời Nội Tâm
(Phạm Văn Tài; Pháp danh: Tâm Phúc Lộc)Trời nội điển, ngày pho thủ tự
Nhập tánh không, đêm quán tâm kinh
Ơn thầy tổ nguyền xin tiếp nối
Một lên đường, sông núi chứng minh.
Sư cô Thích nữ Chân Trợ Nghiêm
(Hoàng Thị Minh Nguyệt; Tâm Liên Du)Chân tâm vắng duyên trợ
Nghiêm từ chẳng đến đi
Như Lai bậc như thị
Chánh niệm vượt thị phi.
Sư cô Thích nữ Chân Trăng Quê Hương
(Nguyễn Thị Kim Thạnh; Tâm Nguyện Hòa)Chân trăng là quê hương
Chiếc lá vốn bản môn
Pháp nhiệm ấy con đường
Lắng nghe hiểu và thương.
Sư cô Thích nữ Chân Trăng Mới Lên
(Yuliana Wijaya; Tâm Hướng Quang)Out of darkness the moon has just risen
Its guiding light illuminates our steps.
In this pure land of mindfulness and joy
I offer my service to all beings.
Sư Cô Thích nữ Chân Trăng Hoa Tiên
(Nguyễn Thị Quế Trâm; Tâm Huệ Anh)Gót sen thiền tập cùng trăng
Hoa tâm nở rộ thoát vòng thị phi
Dáng tiên hiện nét uy nghi
Lắng nghe nhẫn hạnh từ bi cứu đời
Sư Cô Thích nữ Chân Trăng Thong Dong
(Bùi Hồng Thu Quý; Tâm Diệu Vinh)Trăng xưa lập nguyện đại bi
Sao cho muôn loại tổng trì vô sanh
Thong dong cùng chúng đồng hành
Ân đền nghĩa đáp dạ thành khắc ghi.
Sư cô Thích nữ Chân Trăng Chí Thành
(Lê Thị Tư; Tâm Hạnh Niệm)Vén mây trăng lộ diện
Tu tập dạ chí thành
Công phu không xao lãng
Sen nở cõi Trời Tây.
Sư cô Thích nữ Chân Trăng Lý Tưởng
(Châu Thị Thu Sương; Pháp danh: Tâm Tuệ Như)Hé nụ cười chân, thật tuyệt vời
Trăng sao chiếu sáng khắp muôn nơi
Long lanh ánh mắt ngời lý tưởng
Sưởi ấm tình người giữa trùng khơi.
Kệ truyền đăng ngày 11.4.2023 tại Bringelly, Úc (do thầy Pháp Hải và sư cô Lương Nghiêm thay mặt tăng thân truyền đăng):
Thầy Thích Chân Trời Bình Minh
(Trương Văn Sen; Pháp danh: Tâm Đức Lượng)Tâm tạo trời bình minh
Tỏa sáng khắp mười phương
Xuyên suốt qua ba cõi
Hiện tại là quê hương
Đức căn dày muôn kiếp
Thành quả bậc trượng phu
Được hương gió lan tỏa.
Chân Minh Hải
(Daya Heather Jepsen;
Pháp danh: Peaceful Courage of the Heart)The ocean of wisdom is our ancient and true inheritance
The bright eyes of the Awakened One contemplate the nature of all things and see no coming and no going
On her path of return, she carries the peaceful light of the moon
As a gracious offering to each living being.
Chân Hỷ Tạng
(Faye Nhi Nguyen; Pháp danh: Tâm Hướng Dương)By seeing the nature of affinities planted since beginningless time
The authentic fruit of insight reveals itself as a storehouse of joy
Walking this ancient path suddenly we realize that there was never a time when we were not wonderfully together
Sunflowers waving in the gentle breeze quietly reveal the wondrous Dharma Body.
Năm lễ xuất gia
Trong năm 2023, tăng thân xuất sĩ đã chào đón thêm 31 thành viên mới:
- Cây Nhãn (ngày 18.5 tại tu viện Vườn Ươm, Thái Lan) gồm các sư chú: Chân Nhất Giác, Chân Nhất Ngữ.
- Cây Toyon (ngày 24.9 tại tu viện Lộc Uyển, Mỹ) gồm các sư chú: Chân Nhất Lâm, Chân Nhất Thiên, Chân Nhất Điền, Chân Nhất Sơn; và các sư cô: Chân Ân Hạnh, Chân Thuần Hạnh.
- Cây Hoa Thủy Tiên (ngày 5.11 tại chùa Pháp Vân, Pháp) gồm các sư chú: Chân Nhất Vân, Chân Nhất Vũ, Chân Nhất Thanh, Chân Nhất Lương, Chân Nhất Nguyên, Chân Nhất Mộc, Chân Nhất Xuân; và các sư cô: Chân Đôn Hạnh, Chân Diệu Hạnh, Chân Đăng Hạnh.
- Cây Hoa Chuông Vàng (ngày 17.12 tại tu viện Vườn Ươm, Thái Lan) gồm các sư cô: Chân Cung Hạnh, Chân Chuyên Hạnh, Chân Cẩn Hạnh, Chân Chuẩn Hạnh, Chân Chỉnh Hạnh, Chân Chỉ Hạnh, Chân Chí Hạnh, Chân Cư Hạnh, Chân Chánh Hạnh, Chân Chiêu Hạnh, Chân Chung Hạnh, Chân Cần Hạnh, Chân Cát Hạnh.
Đầu năm 2024, vào dịp lễ Đại tường của Sư Ông, tăng thân chào đón thêm 11 thành viên của gia đình xuất gia:
- Cây Bàng (ngày 23.1 tại Ni xá Diệu Trạm, Huế) gồm các sư chú: Chân Nhất Trú, Chân Nhất Âm, Chân Nhất Lạc, Chân Nhất Giới; và các sư cô: Chân Mật Hạnh, Chân An Hạnh, Chân Hiếu Hạnh, Chân Lập Hạnh, Chân Quán Hạnh, Chân Đoan Hạnh, Chân Khánh Hạnh.