Thiền và nghệ thuật bảo hộ hành tinh
Thầy Chân Trời Đức Niệm
Chương trình tu học trực tuyến kéo dài bảy tuần với chủ đề “Thiền và Nghệ thuật bảo hộ hành tinh” (“Zen and the Art of Saving the Planet”, gọi tắt là ZASP), lần đầu tiên được xây dựng vào năm 2022 và chính thức mở ghi danh vào tháng 10 năm 2023. Dưới đây là bài chia sẻ của thầy Trời Đức Niệm về trải nghiệm của thầy khi tham gia yểm trợ cho chương trình tu học này cùng với 1600 thiền sinh đến từ hơn 50 quốc gia.
Tôi nhớ rất rõ trong khóa tu mùa hè đầu tiên của tôi ở Làng Mai năm 2013, Thầy chia sẻ trong buổi vấn đáp rằng: “Có thể trong 100 năm tới sẽ không còn con người trên hành tinh nữa nếu chúng ta vẫn tiếp tục sống theo cách như hiện nay”. Tôi rất ấn tượng không chỉ bởi vì Thầy trả lời rất rõ ràng về sự thật đó, mà đặc biệt vì cách Thầy chia sẻ. Dù phải nói ra một sự thật phũ phàng như vậy, nhưng con người Thầy toát lên một vẻ rất nhẹ nhàng và bình an, điều này để lại một ấn tượng sâu đậm mãi trong tôi.
Một câu hỏi lớn và cũng là công án của tôi: Làm thế nào để tôi có đủ sự bình an nội tâm trong khi không phải nhắm mắt trước những khổ đau diễn ra khắp nơi vì sự biến đổi bất thường của khí hậu?
Trong những năm gần đây, ước nguyện trong tôi về bảo hộ hành tinh đã được biểu hiện thành những phương thức thật đẹp: Làng Mai hiện đang tổ chức những khóa học trực tuyến với chủ đề Thiền và nghệ thuật bảo hộ hành tinh cùng với những khóa tu về biến đổi khí hậu. Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ trải nghiệm của mình khi tham gia chương trình ZASP, cũng như sự quán chiếu về vai trò và những đóng góp của tăng thân Làng Mai đối với phong trào về biến đổi khí hậu. Tôi đã có dịp trao đổi với sư cô Hiến Nghiêm và nhà báo Jo Confino, chia sẻ của hai vị cũng sẽ được trích dẫn trong bài viết này.
Một cách nhìn mới
Các nhà khoa học đã nói rất rõ ràng: Loài người chúng ta chỉ còn khoảng vài năm nữa để hành động và duy trì nhiệt độ trái đất dưới 1.5°C, nếu chúng ta muốn tránh thảm họa khí hậu tàn phá và làm mất ổn định sự cân bằng vốn rất mong manh của các hệ sinh thái. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi hoàn toàn cách sống của mình. Đọc những thông tin về tình trạng của trái đất và những thách thức lớn mà chúng ta phải đối diện khiến tôi có rất nhiều lo lắng và sợ hãi. Tuy nhiên, những chia sẻ cùng những tư liệu trong khóa học ZASP cho tôi thêm hy vọng và sự sáng tỏ, giúp tôi nhìn nhận tình trạng từ những góc nhìn mới.
Ngay từ đầu khóa học, các thành viên tham dự được tiếp nhận thông điệp cốt lõi từ Thầy:
“Tôi tin chắc rằng chúng ta không thể thay đổi thế giới nếu chúng ta không có khả năng thay đổi cách suy nghĩ và nhận thức của mình. Vì vậy, sự thức tỉnh và thay đổi của cộng đồng trong cách nghĩ và cách nhìn là điều đặc biệt quan trọng. Và việc học cách thay đổi nếp sống hằng ngày để có nhiều chánh niệm, nhiều bình an và thương yêu hơn trở nên cấp thiết. Chúng ta có thể làm điều đó ngay hôm nay.”
Trích bài phát biểu của Thầy tại Thượng viện Anh (House of Lords) ở London năm 2012.
Ý tưởng về khóa học ZASP đã được hình thành như thế nào?
Sư cô Hiến Nghiêm: Qua những khóa tu trực tuyến trong thời gian đại dịch Covid, chúng tôi nhận ra một điều là mọi người có thể thực tập ngay tại nhà và đạt được những chuyển hóa thực sự sâu sắc, đồng thời đây cũng là cơ hội để pháp môn Làng Mai đến được với nhiều người hơn. Có rất nhiều người từ Mông Cổ, Nam Phi và những nước châu Á chưa hề biết đến Làng Mai, nhưng rất thiết tha học hỏi Phật pháp. Khi Làng mở cửa trở lại đón thiền sinh tới thực tập năm 2023, chúng tôi thấy thật khó khăn để cùng lúc vừa tổ chức khóa tu trực tuyến, vừa hướng dẫn trực tiếp thiền sinh tới Làng thực tập.
Vì vậy chúng tôi muốn thử nghiệm một khóa học trong đó vừa có thể hướng dẫn số lượng lớn những người ở xa, vừa hướng dẫn những người trực tiếp đến Làng thực tập. Nhờ đó chúng tôi có thể hiện thực hóa ý tưởng của Thầy về một ngôi chùa điện tử. Chúng tôi tự hỏi làm sao mình có thể truyền tải những pháp môn thật sự sâu sắc qua khóa học trực tuyến? Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là cần tiến hành khóa học dài hơn một chút so với thông thường. Lý do là những lời dạy của Thầy đối với vấn đề của trái đất thường rất sâu sắc và đầy uy lực, cho nên cần nhiều thời gian hơn để học hỏi, nghiền ngẫm và áp dụng thực tập.
Thông qua khóa học, chúng tôi muốn cung cấp cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, những tuệ giác mà họ có thể áp dụng vào công việc ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Chúng tôi cũng nhận được sự yểm trợ và kinh nghiệm từ Christiana Figueres (một trong những kiến trúc sư chính của Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 và cũng là học trò của Thầy) trong việc thiết kế khóa học để thật sự gắn kết và phù hợp với phong trào hoạt động về biến đổi khí hậu.
Tiếp xúc với sự tĩnh lặng và nhiệm mầu của cuộc sống
Lần đầu tiên tôi tham dự và trải nghiệm về khóa học là vào mùa thu năm 2023. Điều khiến tôi ấn tượng ngay lập tức là vẻ đẹp và sự tao nhã ở phần đầu mỗi video – tư liệu của khóa học. Cảnh những ngọn núi hùng vĩ phủ đầy tuyết, những hàng tre xanh đung đưa trong gió và tiếng triều dâng êm đềm hòa quyện với những âm thanh tuyệt diệu của đàn violon và đàn cello. Điều đó giúp tôi cảm nhận được sự tĩnh lặng, bình an và những vẻ đẹp của cuộc sống – những tiếng chuông chánh niệm từ đất Mẹ gọi mời chúng ta dừng lại và quán chiếu.
Các bài pháp thoại ngắn của nhiều vị giáo thọ khác nhau chia sẻ một cách cô đọng những tuệ giác trực tiếp liên quan, và những thực tập bằng ví dụ sinh động từ chính cuộc sống của họ. Tôi rất thích bài chia sẻ của thầy Pháp Dung nói về vị tu sĩ, nghệ sĩ và chiến sĩ, và làm thế nào chúng ta nuôi dưỡng những phẩm chất đó trong con người mình. Tôi cần để cho chất liệu nghệ sĩ trong mình được biểu hiện nhiều hơn, ví dụ thỉnh thoảng chơi nhạc, nhờ đó sự sáng tạo và sự vui tươi trong tôi được nuôi dưỡng và cân bằng lại với tính nghiêm túc và tỉ mỉ của mình.
Ban tổ chức có được những tuệ giác gì khi thiết kế khóa học?
Sư cô Hiến Nghiêm: Chúng tôi – những vị tham gia thiết kế khóa học – đều có chung một cái thấy là nên chia sẻ những giáo pháp thâm sâu ngay từ đầu. Vì vậy, ngay từ tuần thứ hai của khóa học, chúng tôi đã mời mọi người cùng quán chiếu về nền văn minh của loài người đang đến chỗ bị diệt vong, cùng với những tuệ giác trong kinh Kim Cương, v.v. Chúng tôi có niềm tin là mọi người có khả năng tiếp nhận những giáo pháp thâm sâu đó. Chính Thầy cũng giảng những điều sâu sắc nhất về không sinh không diệt trong tất cả các khóa tu. Tôi thấy cần phải tiếp tục di sản của Thầy, không chỉ hướng dẫn những thực tập chánh niệm căn bản để đối diện với những cảm xúc mạnh, mà cần chia sẻ cho thiền sinh những tuệ giác thâm sâu để giúp họ chuyển hóa những cảm xúc đó.
Con đường chuyển hóa
Dưới đây là một vài phản hồi của những người tham gia khóa học, chia sẻ hành trình chuyển hóa của họ, và những giây phút họ chạm tới được tuệ giác thâm sâu trong bản thân:
“Tôi nhận ra rằng chỉ có tinh thần bất bạo động mới đối trị được với bạo động – trong bản thân tôi cũng như trong mối quan hệ gia đình; hy vọng điều này cũng đúng đối với các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Thứ mạnh mẽ nhất trên đời không phải là vũ khí, dù là vũ khí nào đi chăng nữa, mà chính là trái tim của chúng ta.”
Một bạn trẻ đến từ Trung Hoa
“Khi một vài bộ phận trong cơ thể tôi đau nhức, vẫn còn có những bộ phận khác đang khỏe mạnh, cái thấy này thực sự giúp tôi nhẹ nhàng hơn. Đối với thiên nhiên và với phong trào hoạt động xã hội cũng giống như vậy. Tuy có những nỗi tuyệt vọng, nhưng ở nhiều nơi khác trên thế giới vẫn còn có niềm hy vọng, có những tấm lòng tận tụy, và những hoạt động giúp hành tinh này trở nên tươi đẹp hơn. Tôi học được rằng cả hai khía cạnh đó đều là hai mặt của cùng một đồng xu.”
Thiền sinh Columbia
“Thành quả lớn nhất tôi gặt hái được từ khóa học là tôi nhận được tất cả những công cụ cần thiết để trị liệu cho bản thân. Tôi có thể trở về kết nối với chánh niệm và với đất Mẹ bất cứ khi nào tôi cần. Cuộc sống của tôi trở nên chậm hơn, nhiều ý nghĩa hơn và nhiều màu sắc hơn kể từ khi tôi tham gia khóa học.”
Thiền sinh Nam Phi
“Khóa học này quả thật tuyệt vời và sâu sắc đối với tôi. Nhiều năm qua tôi đã giảng dạy và hướng dẫn sinh viên của tôi trong các hoạt động xã hội… Khóa học này giúp tôi nhận ra là tôi đang theo đuổi những giấc mơ và sự thức tỉnh xa vời mà không phải là thức tỉnh từ chính mình… Tôi thực sự thích thú với khóa học và có cảm hứng thay đổi những điều liên quan đến bài giảng của tôi… Những bài pháp thoại đánh động mỗi người, gợi lên những thử thách và sự tò mò, cùng với sự cởi mở. Sự có mặt trực tuyến của những xuất sĩ và giáo thọ cư sĩ dần dần trở nên thân thiện hơn sau mỗi ngày, mỗi tuần.”
Thiền sinh Hoa Kỳ
Làng Mai có vai trò và những đóng góp như thế nào trong phong trào hoạt động chống biến đổi khí hậu và bảo hộ trái đất?
Sư cô Hiến Nghiêm: Tôi nhớ có lần tôi hỏi Christiana Figueres: “Chúng tôi có thể giúp gì cho quý vị?”. Bà trả lời: “Quý thầy, quý sư cô chỉ cần tiếp tục duy trì hoạt động của Làng Mai. Phong trào chống biến đổi khí hậu cần một nơi nương tựa về mặt tâm linh, nơi chúng tôi có thể trở về chăm sóc bản thân và chăm sóc những người khác, cũng như tiếp xúc sâu sắc với sự bình an và trị liệu”.
Về cơ bản, cái mà Làng Mai có thể hiến tặng là tạo dựng một ngôi nhà tâm linh, nơi có những tấm lòng rộng mở, có sự can đảm và không sợ hãi, có khả năng nhìn sâu vào những vấn đề thực tế. Điều đó cũng có nghĩa rằng cùng với nhau như một tăng thân, chúng ta cần cập nhật thông tin về biến đổi khí hậu để hiểu rõ hơn tình hình thực tế. Nhờ đó, cùng với những nhà hoạt động, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, chúng ta có thể đưa ra những hiểu biết thực sự sâu sắc về nỗi khổ của họ, và cung cấp những pháp môn thực tập để ôm ấp nỗi khổ đó.
Jo Confino: Tôi nghĩ điều quan trọng nhất ở đây là, hầu hết mọi người trong phong trào hoạt động chống biến đổi khí hậu đang cố gắng thay đổi những công nghệ và chính sách, họ làm tất cả những việc đó như những vấn đề bên ngoài họ. Họ không hề quan tâm tới những vấn đề nội tâm, hoặc không nhìn thấy những thay đổi nội tâm có khả năng tác động tới những thay đổi bên ngoài. Tôi nhận thấy rất nhiều nhà hoạt động trở nên kiệt sức, bất lực, họ luôn cảm thấy sức ép của thời gian. Họ cố gắng thuyết phục mọi người về sự cần thiết phải thay đổi. Điều này giống như đẩy một tảng đá lớn ngược lên triền núi dốc đứng. Họ thấy có quá nhiều việc cần phải làm, những gánh nặng đang đè trĩu lên vai họ. Họ rất đau buồn và thấy không thể thay đổi thực trạng, đó là tình trạng khủng hoảng hiện sinh trong mỗi cá nhân.
Trước thực trạng đó, Thầy và tăng thân Làng Mai đang đóng vai trò đồng hành, đưa ra phương thuốc trị liệu những vết thương đó, và chỉ ra rằng cách hay nhất ảnh hưởng đến thế giới là sống chậm lại. Thầy và tăng thân đưa ra những thực tập đơn giản nhưng thực tế để giúp mọi người ôm ấp nỗi khổ của họ và tìm ra lối thoát. Trong lúc vội vã và hoảng loạn để thay đổi, họ sẽ mất kết nối với xung quanh và trở nên căng thẳng, theo đúng nghĩa đen. Vì vậy, trong các khóa tu ở Làng Mai, việc đầu tiên các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu được mời thực tập là dành thời gian cho nhau, buông thư thân và tâm, nhờ đó họ bắt đầu có thể có những tuệ giác mới. Họ nhận ra được tầm quan trọng của việc trở về nơi hải đảo tự thân – một nơi bình an và lắng dịu, nơi đó họ có thể lấy lại sức lực và năng lượng. Rất nhiều người trong số họ nói về tầm quan trọng của việc tái tạo và phục hồi thế giới tự nhiên nhưng họ không nhìn thấy giá trị của sự tái tạo, phục hồi đối với chính bản thân họ. Một điều khác nữa Làng Mai đang làm là tạo ra không gian và năng lượng của cộng đồng cùng nhau thực tập. Vì vậy khi tham dự những hội nghị như Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu (COP), họ có thể sắp xếp thời gian để thực tập ngồi thiền, thiền hành, điều đó tạo cơ hội cho họ có những cái nhìn mới về thế giới, có những phương thức hành động mới và những cách thức mới để đi đến sự đồng thuận.
Lời dạy nào của Thầy có tác động lớn đối với những người hoạt động về biến đổi khí hậu?
Jo Confino: Một trong những lời dạy của Thầy thực sự giúp được nhiều người là về tính dị thục (sự chín muồi) của mọi hiện tượng trong sự sống. Rất nhiều người trong phong trào hoạt động về biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng sự giận dữ, buồn chán và thất vọng vì họ đã hành động mà mãi không nhìn thấy kết quả. Lời dạy của Thầy về tính dị thục giúp mọi người thấy rằng chúng ta không thể xác định thời gian cụ thể khi nào một sự thay đổi có thể diễn ra, nhưng chúng ta có thể góp phần đem lại sự thay đổi. Điều này giúp mọi người có được sự bình an.
Điều thứ hai tôi thấy thực sự hữu ích là những lời dạy của Thầy về tích môn, bản môn, và sự buông bỏ. Mọi người nhận ra rằng buông bỏ thành quả không có nghĩa là chúng ta không còn quan tâm, không còn nỗ lực, mà thật sự chúng ta vẫn tiếp tục nỗ lực nhưng không bị kẹt vào ý niệm thành công hay thất bại. Thành công hay thất bại không phải là điều quan trọng, vấn đề là chúng ta cùng nhau tiếp nối và cùng làm những điều tốt nhất trong khả năng của mình để bảo hộ sự sống trên hành tinh.
Sư cô Hiến Nghiêm: Một vài người dẫn đầu trong hoạt động loại trừ nhiên liệu hóa thạch ở Hội nghị COP-28 vừa qua đã từng tham dự khóa tu về biến đổi khí hậu ở Làng Mai. Vì vậy sự can đảm kiên trì và chịu đựng, cũng như niềm tin và lý tưởng thực hiện những điều mới đến từ những người đã từng thực tập ở Làng Mai, rồi sau đó họ tiếp tục yểm trợ nhau. Nhiều người nói rằng điều này đã làm thay đổi cục diện tại Hội nghị, bởi vì giờ đây đã có những người có khả năng thở cùng nhau, cùng nhìn về lý tưởng, về tình trạng hiện tại và tinh thần đoàn kết. Điều đó bắt đầu thực sự ảnh hưởng đến chính cơ chế của Hội nghị.
Tiếp xúc với bình an và sự chấp nhận
Làm thế nào để có được sự bình an sâu lắng bên trong mà không nhắm mắt và bị choáng ngợp trước khổ đau do khủng hoảng khí hậu gây ra, đó là một công án mà tôi vẫn tiếp tục quán chiếu trong lòng. Nhìn sâu vào chủ đề này cùng với sự tham gia vào khóa học ZASP giúp tôi thấy được câu trả lời đang dần xuất hiện: Bằng cách chăm sóc cơ thể, cảm xúc và tâm thức của mình trong thời điểm hiện tại, bằng cách nhận thức được bản chất vô thường của bản thân và nền văn minh của chúng ta, đồng thời cho phép khổ đau trong bản thân và trên thế giới được ôm ấp bởi lòng từ bi trong trái tim, tôi có thể chạm đến sự bình an và chấp nhận. Tiếng chim hót cùng vẻ đẹp của đất Mẹ vẫn đang tiếp tục nuôi dưỡng trái tim tôi, mỗi khi tôi có mặt và tiếp xúc.
Tuy nhiên, nếu không hành động, tôi sẽ trải qua điều mà các nhà khoa học gọi là sự bất hòa về nhận thức (cognitive dissonance), một cảm giác bất an vì có một khoảng cách lớn giữa những gì chúng ta biết và những gì chúng ta làm – hay như Thầy nói: Tuệ giác cần đi liền với hành động. Vì vậy, chỉ khi tôi có thể đóng góp điều gì đó cụ thể để cứu hành tinh – chẳng hạn như hỗ trợ phong trào khí hậu bằng cách góp phần tổ khóa học ZASP hoặc các khóa tu về khí hậu – thì tôi mới có thể hoàn toàn bình yên, bởi vì trong thâm tâm tôi biết rằng tôi cũng như tăng thân chúng tôi đã cố gắng làm tốt nhất phần việc của mình.