Thầy Chân Minh Hy

“Hãy nhớ gọi đúng tên tôi
cho tôi giật mình tỉnh thức
và để cho cánh cửa lòng tôi để ngỏ
cánh cửa xót thương.”
Hãy gọi đúng tên tôi,
Sư Ông Làng Mai

Cánh cửa xót thương là cánh cửa của lòng mình. Chúng ta có quyền đóng hay mở cánh cửa đó với bất cứ ai. Mình có quyền thương và mình có quyền được giận, được buồn. Giận hay buồn cũng cho mình cái không gian riêng nhưng có lúc cũng cảm thấy chật chội, tù túng. Đôi khi chúng ta muốn chạy, chạy đi thật xa, muốn thoát ra khỏi sự tù túng ấy. Chúng ta muốn cười một trận cười cho đã cái sự chật chội ấy, cho rỗng cõi lòng.

Cái nóng của miền Trung, nếu không quen sẽ rất khó chịu. Phải ở đó đủ lâu, phải biết ăn cay, ăn mặn thì mình mới có thể quen được cái nóng oi bức ấy. Có khi trời nóng quá, ngồi đâu cũng thấy nóng. Trong nhà hay ngoài vườn cũng thấy nóng, ban ngày đã nóng mà ban đêm cũng nóng. Ban đêm ta mở toang hết các cửa và mong rằng có một cơn gió mát thổi vào nhà để xua đi cái nóng. Thỉnh thoảng có một cơn gió nhẹ đi vào và ta thưởng thức trọn vẹn sự mát mẻ ấy. Đó là một giây phút hạnh phúc.

Cánh cửa xót thương là “cánh cửa đó” mà cánh cửa giận cũng là “cánh cửa đó”, đóng hay mở là tùy vào mình. Nếu muốn học thương yêu thì mình phải để cho cánh cửa lòng bỏ ngỏ. Dù trong lòng mình, nhà mình còn nóng bức, bực bội nhưng nếu cửa lòng mình để ngỏ thì thế nào cũng có một vài ngọn gió mát đi vào, làm mình dễ chịu. Ngọn gió ấy là những cái hay, cái đẹp nho nhỏ của người đó, cứ để nó tự nhiên đi vào lòng mình. Ta chấp nhận và tận hưởng những cái đẹp ấy.

Thường thì chúng ta chỉ muốn đón vào nhà những ngọn gió mát mà thôi, những ngọn gió khó chịu thì mình không ưa, mình muốn đẩy những ngọn gió ấy đi. Nó sẽ đi đâu? Nó sẽ không đi đâu cả, nó vẫn ở đó. Chúng ta có cảm tưởng là nếu ghét nó, giận nó thì những cái khó chịu ấy sẽ ra khỏi ngôi nhà của mình nhưng kỳ thực nó không đi đâu cả. Chúng ta có thể ghét một cơn gió khô khan nhưng ta không thể xua đuổi nó đi được, chỉ có một cơn gió mát mới có thể xua đi cái khô khan ấy mà thôi.

Sự khó chịu ấy có thể không đến từ người ấy. Nó có thể đã đến từ nhiều cái không vừa lòng trong nhiều ngày, nhiều năm. Hãy tính xem, ngày hôm nay có bao nhiêu cái làm mình không vừa lòng? Có bao nhiêu cái đến từ người ấy và bao nhiêu cái đến từ những cái khác? Thức dậy đã có cái không vừa lòng, cho đến khi nằm trên giường ngủ mình cũng thấy chưa vừa lòng, cũng có cái làm mình trằn trọc, băn khoăn. Cái không vừa lòng ấy biết bao giờ mình mới vừa lòng!

Cùng một ngọn gió ấy, nếu có người đến từ một vùng đất khô cằn hơn, nóng bức hơn họ sẽ không thấy khó chịu chi mấy. Vì vậy, bằng lòng hay không bằng lòng đó không phải là vấn đề, nó nằm ở cách tiếp nhận. Nếu biết tiếp nhận vấn đề bằng sự xót thương thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ chịu.

(để đọc mỗi khi buồn)