Hà Vĩnh Thọ, Satish Kumar, Rehena Harilall

Trong khóa tu về chủ đề giữ gìn đất Mẹ (Earth retreat) vào tháng sáu năm 2023 tại Làng Mai, Pháp, sư cô Lăng Nghiêm đã có buổi trò chuyện với ba nhà hoạt động xã hội và môi trường là bác Satish Kumar, Giáo sư Hà Vĩnh Thọ và Rehena Harilall. Bài chia sẻ dưới đây được trích từ buổi trò chuyện này.

Bác Satish Kumar là người đồng sáng lập trường Cao đẳng Sinh thái Schumacher tại Devon, Vương quốc Anh. Năm 1962, ông đã thực hiện hành trình đi bộ cho hòa bình dài hơn 8.000 dặm trong hai năm rưỡi, từ New Delhi qua Moscow, Paris, London và Washington D.C. Ông là tác giả cuốn sách “Radical Love” (tạm dịch “Tình thương cấp tiến”) mới xuất bản.

Rehena Harilall là một vị Tiếp hiện của Làng Mai từ năm 2016. Cô là thành viên của tăng thân Trái tim London (The Heart of London) và tăng thân Những sắc màu từ bi (Colors of Compassion). Cô rất tích cực trong cả hai phong trào hoạt động vì công bằng chủng tộc và công bằng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Cô đã thành lập cộng đồng “Phật tử xuyên truyền thống” (Buddhists Across Traditions), một đoàn thể thực tập đạo Bụt do người da màu chủ đạo.

Giáo sư Hà Vĩnh Thọ (Chân Đại Tuệ) là một vị giáo thọ của Làng Mai, nhận truyền đăng năm 2001. Ông từng là giám đốc của Trung tâm Tổng chỉ số hạnh phúc quốc gia (GNH-Gross National Happiness) tại Bhutan và cũng là tác giả của tác phẩm “Văn hóa hạnh phúc” (A Culture of Happiness).

Sư cô Lăng Nghiêm: Trước tình trạng thế giới hiện nay, nhiều người trở nên tuyệt vọng, giận dữ, trách móc, chán nản và mất niềm tin. Làm thế nào để chúng ta có thể tiếp tục hành động với tình thương?

Bác Satish Kumar: Điều trước tiên là tôi tự hỏi: Sự giận dữ, trách móc, lo lắng có ảnh hưởng lên chính bản thân mình như thế nào?

Tôi nhìn sâu để thấy rõ những điều làm cho cả con người mình buồn bực, bức xúc và không hạnh phúc. Rồi tôi tự hỏi: Có phải đó là điều mình muốn chọn lựa hay không?

Tình thương cần bắt đầu nơi chính bản thân mình, thấy rằng mình là một thực thể tâm linh, có khả năng yêu thương. Thương chính mình không phải là vì cái ngã, là ích kỷ. Đó là điểm khởi đầu để nhận ra cơn giận, sự lo lắng… ảnh hưởng đến bản thân mình nghiêm trọng hơn nhiều so với ảnh hưởng lên đối tượng của cơn giận. Cho nên tôi bắt đầu từ mình, để bảo vệ mình.

Chúng ta có thể học bất cứ điều gì, thí dụ như học ngoại ngữ, học chơi piano, học thiền. Thế nên ta cũng có thể học thương yêu, học từ bi. Đó là những kỹ năng ta có thể huân tập.

Khi còn nhỏ, tôi xuất gia theo Kỳ na giáo (Jainism) trong chín năm. Hàng ngày tôi huân tập cách nhìn thế giới với tâm tích cực, xem mình có thể phụng sự cho thế giới bằng cách nào và học cách xử lý các cảm thọ giận dữ, sợ hãi, nghi ngờ và tâm phán xét.

Gần đây tôi có viết một quyển sách với tựa đề Tình thương cấp tiến (Radical Love). Có hai loại tình thương: tình thương chừng mực (moderate love) và tình thương cấp tiến (radical love). Tình thương chừng mực là thương một người mà mình đồng tình với họ và người đó thương mình trở lại. Đó là một tình thương tốt đẹp và cần thiết. Nhưng tình thương cấp tiến còn tiến thêm một bước nữa. Tình thương cấp tiến là thương vô điều kiện – thương nhưng không cần được đáp lại. Tôi thương bởi vì thương yêu là con đường đúng đắn mà tôi muốn đi theo. Tình thương cấp tiến cũng có nghĩa là tình thương một chiều, bạn thương cả những người không thương bạn, cả những người mà bạn không đồng tình hay không thích.

Thật là một đặc ân và vinh hạnh lớn lao khi tôi được gặp Mục sư Martin Luther King, trong chuyến đi bộ vì hòa bình từ Ấn Độ đến Mỹ. Ông nói với tôi: “Tôi chống phân biệt chủng tộc, tôi chống lại sự bất công, nhưng tôi không ghét ai cả”.

Ông nói rằng hận thù là một gánh nặng rất đỗi khó nhọc để mang theo, bởi vì sự giận dữ đến rồi đi, nhưng hận thù thì đọng lại. Tôi đã thấy ở ông một nhà hoạt động cấp tiến vĩ đại, đấu tranh chống lại sự bất công và phân biệt chủng tộc nhưng vẫn có thể là hiện thân của tình thương. Đối với tôi, ông quả là một tấm gương đẹp tuyệt vời.

Từ đó trở đi, tôi bắt đầu thực tập tình thương cấp tiến. Hận thù, giận dữ và sợ hãi đã tạo ra chiến tranh. Chúng ta đã có chiến tranh Afghanistan, chiến tranh Iraq, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, tất cả đều bắt nguồn từ thù hận. Chúng ta đã làm cho hận thù trở thành tập quán.

Chúng ta phải tìm cách giải quyết vấn đề này. Và câu trả lời là tình thương. Ta cần tập thương ngay cả những người mình không thích. Hận thù, ghét bỏ không đem tới sự chuyển hóa, nó có thể giết người, nhưng tình thương thì có thể đem tới sự cảm hóa.

Hận thù, ghét bỏ bắt đầu khi bạn thấy có sự ngăn cách giữa mình và người khác. Nhưng chúng ta không tách biệt, chúng ta tương tức. Không hề có sự chia cách nào giữa con người với thiên nhiên, giữa người theo đạo Bụt và đạo Cơ Đốc, giữa người da đen và da trắng, giữa nam và nữ, giữa người già và người trẻ, người của quá khứ và người của hiện tại. Tất cả là một dòng chảy liên tục, là cả một mối liên hệ đan xen chằng chịt. Nhận thức được sự thật muôn đời đó, chúng ta có thể đi theo con đường của thương yêu.

Sư cô Lăng Nghiêm: Làm thế nào để chúng ta có thể tránh rơi vào tình trạng nổi giận, tuyệt vọng, thù ghét hay đổ lỗi cho người khác?

Rehena Harilall: Tôi nghĩ mình không thể nào tránh được cơn giận. Đó là một cảm xúc đến rồi đi. Tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình với tư cách là nhà hoạt động cho công bằng xã hội chính từ cơn giận. Khi thực tập chánh niệm, tôi nhận ra rằng giận có thể là một nguồn tuệ giác giúp tôi phân biệt cái gì đang kích hoạt trong cơ thể của mình, điều gì đã làm tôi phản ứng như vậy.

Thầy có dạy cách chăm sóc cơn giận. Nếu tôi phản ứng bằng sự giận dữ thì tác động của nó là gì? Tôi có đang giúp cho năng lượng chia rẽ, giận dữ và căm thù mà người kia trút lên tôi tiếp tục biểu hiện hay không? Chúng ta có thể luyện tập thương yêu tương tự như luyện tập cơ bắp của mình. Nếu ta luyện tập mỗi ngày thì cơ bắp sẽ nở nang. Chánh niệm giúp tôi lắng nghe để thấy, để hiểu tôi là ai. Và tình thương luôn đến từ hiểu biết.

Hành trình thương yêu là một hành trình vừa hướng ngoại vừa hướng nội. Giả sử người kia có những quan điểm hoàn toàn ngược lại với quan điểm của tôi, người đó vẫn là một con người, có liên hệ tới tôi. Cuộc đời của người đó đã định hình cho hạnh phúc và khổ đau của họ, người ấy đang cố gắng làm theo những gì mà họ tin là đúng đắn. Tôi tập nhìn để không đánh đồng hành động của một người với cá nhân người ấy. Bởi vì, tất cả chúng ta ai cũng có hạt giống giận, đồng thời cũng có khả năng thương yêu và có lòng từ bi. Điều quan trọng là mỗi ngày ta đang làm gì để tăng trưởng lòng từ bi, niềm vui và mở lòng ra với tất cả mọi người?

Tôi nghĩ rằng thương yêu đồng nghĩa với phụng sự. Một người mà trong tâm tràn ngập từ bi, và nếu lòng từ bi ấy đi đôi với một hạnh nguyện đẹp, người đó sẽ không bao giờ bị kiệt sức vì lòng từ bi của mình.

Sư cô Lăng Nghiêm: Khi hành động của ta phát xuất từ thương yêu thay cho sự hờn giận thì thực chất chúng ta đang chuyển hóa cơn giận. Và khi được công nhận, không bị đè nén, cơn giận có thể trở thành suối nguồn của tình thương và lòng từ bi. Xin Giáo sư Hà Vĩnh Thọ cho biết điều gì đã giúp Giáo sư duy trì sự dấn thân phụng sự mà không bị mệt mỏi?

Giáo sư Hà Vĩnh Thọ: Chúng ta có thể cùng nhìn vào giáo lý Bốn sự thật mầu nhiệm (Tứ diệu đế) mà Bụt đã dạy. Chúng ta biết gốc rễ của khổ đau là cái nhìn nhị nguyên, phân biệt. Và trong những lời dạy của mình, Thầy luôn nhấn mạnh về tự tính tương tức của vạn vật.

Bác Satish Kumar đã giải thích rất hay rằng tình thương đích thực và cấp tiến là vô điều kiện. Thương không phải là một cảm xúc hay là một ý thích. Nếu ta có thể tiếp xúc với tính nhân bản, với phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn mình, ta có thể nhận ra rằng những cái đó cũng hiện diện trong bất kỳ một chúng sanh nào mà ta gặp, dù đó là con người hay bất cứ hình thái nào của sự sống. Khi ta thương yêu thật sự, ta sẽ trở thành một với đối tượng thương yêu, vượt thoát lưỡng nguyên và chia cách, nhờ đó ta có thể chuyển hóa sự cô đơn bên trong mình.

Tình thương cần phải dựa trên sự hiểu biết. Cô Rehena đã giải nghĩa rất hay về điều ấy. Khi ai đó có ý tưởng, tri giác hoặc quan niệm hoàn toàn khác với tôi, nếu tôi cố gắng để hiểu họ, thì không còn sự phân biệt (lưỡng nguyên) giữa tôi và họ nữa, không còn cảm giác trái chống nhau hay giận dữ nữa. Nhờ có niềm tin sâu sắc về tính nhất như giữa tôi và thế giới, tôi có thể duy trì công việc dấn thân mà không bị mệt mỏi hay kiệt sức.

Chúng ta dễ dàng đổ lỗi cho một nền kinh tế hoặc một chế độ chính trị. Tuy nhiên chế độ chính trị là sự biểu hiện tâm thức cộng đồng của chính chúng ta, là sự biểu hiện của cách chúng ta suy tư, cảm nhận, hành động và liên hệ. Đó là lý do tại sao bằng cách chuyển hóa tâm thức của mình, dù chỉ ở một mức độ khiêm tốn, chúng ta đã có thể giúp chuyển hóa những chế độ kia.

Sự thực tập chánh niệm cho ta sức mạnh để vun bồi lòng từ bi, sự hào phóng và tâm bao dung; giúp chúng ta có được một nguồn năng lượng dồi dào.

Sư cô Lăng Nghiêm: Một số nhà hoạt động hồ nghi về vai trò của tâm linh trong việc giúp thay đổi xã hội. Sự chuyển hóa cá nhân và sự thay đổi xã hội liên quan với nhau như thế nào?

Bác Satish Kumar: Tại trường Cao đẳng Sinh thái Schumacher, chúng tôi cho rằng sự chuyển hóa nội tại và sự chuyển hóa ngoại tại là hai mặt của một đồng xu. Người ta không thể có sự chuyển hóa ngoại tại: hệ thống thay đổi, chế độ chính trị thay đổi, kinh tế hay xã hội thay đổi, mà nội tâm con người lại không thay đổi để vun bồi những phẩm chất như từ bi, thương yêu, bao dung và hiểu biết.

Khi tâm thức ta bao trùm cả vũ trụ, ta sẽ cảm thấy cả vũ trụ này là quê hương, cả trái đất này là nhà của ta. “Eco” có nghĩa là nhà. Con người cũng chính là thiên nhiên, không khác gì cỏ cây, rừng núi. Trước khi tôi trở thành một Phật tử, một tín đồ của đạo Cơ Đốc, hay tín đồ của bất cứ một tôn giáo nào, thương yêu chính là đạo của tôi. Khi có cái thấy đó, ta có thể mang lại công bằng xã hội, xây dựng sự bình đẳng và biết làm cách nào để đem lại sự công bằng kinh tế. Không có sự phân biệt nào giữa ta và thế giới. Cho nên việc thay đổi thế giới và thay đổi chính bản thân là hai khía cạnh của chỉ một thực tại mà thôi.

Rehena Harilall: Tôi lớn lên dưới chế độ Phân biệt chủng tộc (Apartheid) của xã hội Nam Phi. Từ khi lên bốn cho đến nay, cả cuộc đời tôi hoàn toàn tập trung vào việc đem lại công bình xã hội. Tôi đã nhận ra rằng các nhà hoạt động xã hội cần để ý đến loại năng lượng nào mà mình mang vào trong công tác đó. Có phải chúng ta đang dùng thứ năng lượng mà người ta đang dùng để tạo nên sự đàn áp, chia rẽ trong khi chúng ta muốn thay đổi những hệ thống ngoài kia hay không? Nếu như thế thì chúng ta chỉ đang thay thế hệ thống này bằng một hệ thống khác tương tự mà thôi. Chúng ta không thật sự thay đổi điều gì cả. Bởi vì chúng ta vẫn còn bám chặt vào cái thấy của mình, cho rằng nó là đúng đắn, là duy nhất, là hay nhất. Nhận thức này chính là điều quan trọng nhất trong sự nghiệp hoạt động xã hội của tôi.

Pháp môn Làng Mai giúp tôi hiểu ra rằng tôi đã bị cái ngã chi phối, tôi đã từng cho rằng phải nên theo cách của mình vì đó là cách đúng. Bây giờ tôi đã có thể buông bỏ được phần nào cái thấy đó. Khi tham gia vào công trình thay đổi xã hội, chúng ta đang đi theo hướng hành động từ bi thay vì tàn phá. Một phần của cách thay đổi xã hội là sử dụng năng lượng và ý hướng tích cực để tạo ra một cái khác hữu hiệu có thể thay thế những gì cần thay đổi.

Sự tuyệt vọng thường đến từ những suy tư tiêu cực: “Mình chẳng có thể làm thay đổi được gì. Tình trạng là vậy rồi, làm gì cũng thế thôi”. Trên thực tế, mỗi một nỗ lực dù nhỏ bé đến đâu cũng đem lại sự thay đổi. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân, hay hành động đều đem lại sự thay đổi. Ý thức này đem hy vọng đến cho chúng ta, bởi vì ta luôn luôn có thể làm một điều gì đó ngay trong giây phút hiện tại.

Sư cô Lăng Nghiêm: Trong nỗ lực đem yếu tố đạo đức vào bối cảnh thời đại mới, quý vị có gặp sự chống đối nào không, và quý vị làm thế nào để đi tiếp trước sự chống đối ấy?

Bác Satish Kumar: Một điều cốt yếu cần lưu ý là sự chuyển hóa nội tâm bao gồm luôn cả sự thay đổi quan niệm của chúng ta về thế giới. Hiện giờ chúng ta cho rằng con người thống lĩnh thiên nhiên. Cho nên chúng ta cho phép mình muốn làm gì thiên nhiên tùy thích. Thiên nhiên đối với con người chỉ là một nguồn tài nguyên kinh tế, là phương tiện để đạt tới mục đích. Quan niệm của chúng ta về thiên nhiên là một vấn đề về đạo đức. Chúng ta cần chuẩn bị thay đổi quan niệm này.

Thiên nhiên có hồn thiêng riêng của nó, thiên nhiên chính là sự sống.

Thế giới quan duy vật và công nghiệp hiện đại của chúng ta không chỉ biến thiên nhiên thành nguồn tài nguyên cho nền kinh tế mà còn biến con người thành nguồn tài nguyên cho nền kinh tế nữa. Thế giới quan đó phải thay đổi. Phẩm giá con người và tính toàn vẹn của thiên nhiên là một phần thiết yếu của thế giới quan đạo đức mới. Nền kinh tế cần phải phục vụ con người và thiên nhiên chứ không phải là ngược lại.

Giáo sư Hà Vĩnh Thọ: Phần lớn những cuộc xung đột trên thế giới đều bắt nguồn từ kinh tế, từ tham vọng thống trị và quyền lực. Chúng ta hành xử cứ như việc phát triển kinh tế và làm giàu là mục tiêu tối hậu. Nhưng hệ thống kinh tế chỉ là một phần trong cấu trúc của xã hội loài người, nói cách khác, nó chỉ là một trong các hình thái của đời sống. Cho nên chúng ta cần phải viết lại câu chuyện và tập trung trở lại vào mục tiêu đích thực của chúng ta. “Hạnh phúc của mọi người và sự an lành cho tất cả mọi loài” là một trong những mục tiêu đó. Đây là một sự chọn lựa mang tính đạo đức. Chúng ta đánh giá điều gì cao nhất: sự phát triển kinh tế, cạnh tranh, … hay sự tử tế, lòng từ bi và sự rộng lượng? Đó là lý do tại sao tôi đã xây dựng chương trình Tổng Giá trị Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness program) ở Bhutan.

Theo tôi, thay đổi các hệ thống xã hội gồm ba khía cạnh. Thứ nhất, chúng ta cần một câu chuyện mới hay một “kịch bản” trong đó những giá trị đúng đắn được đặt vào vị trí chủ đạo. Thứ hai, chúng ta cần phải có những thử nghiệm nhỏ để chứng minh điều đó có thể thực thi. Thí dụ như Làng Mai là một minh chứng cho thấy việc sống đơn giản mà hạnh phúc là điều có thể làm được. Các thầy và các sư cô không có nhiều tiền mà vẫn hạnh phúc, vì vậy có thể nói là không phải càng giàu càng dễ có hạnh phúc. Điều này, đối với rất nhiều người từng đến Làng Mai, là một kinh nghiệm làm thay đổi cuộc đời. Bởi vì ở đó, họ nhận ra rằng việc một cộng đồng cùng sống chung hòa hợp trong chánh niệm và từ bi là điều có thể làm được. Cũng với tinh thần đó, chúng tôi đã thiết lập một tăng thân cư sĩ ở Việt Nam có tên là Tịnh Trúc Gia, mà thành viên bao gồm cả những người khuyết tật.

Khía cạnh thứ ba là thay đổi hệ thống từ bên trong. Đây là điều mà đề án Trường học hạnh phúc ở Việt Nam đang nỗ lực thực hiện để góp phần chuyển đổi hệ thống giáo dục từ nội tại.

Sư cô Lăng Nghiêm: Trước khi kết thúc buổi trò chuyện này, xin quý vị chia sẻ một vài điều có thể giúp thắp sáng niềm tin và hy vọng trong trái tim của mọi người.

Giáo sư Hà Vĩnh Thọ: Ba nguồn cung cấp hạnh phúc và sức khỏe thân tâm của tôi là sống hòa hợp với chính bản thân, với những người xung quanh và với thiên nhiên.

Nguồn thứ nhất là có sự hòa hợp với chính mình, cho phép mình đủ thời gian để thực tập chánh niệm, từ bi; cố gắng sống theo những giá trị mà mình trân quý và thực hiện hạnh nguyện sâu sắc nhất của mình.

Thứ hai là sống hòa hợp với những người xung quanh mà gần nhất là những thành viên trong gia đình và bạn bè, dành thời gian để có mặt với họ. Mới đây, vào cuối tuần, tôi đã dành thời gian để cùng với các con và các cháu ăn mừng người bạn đời yêu quý của tôi tròn 70 tuổi. Vun bồi mối liên hệ có ý nghĩa, trong tình thương mến và tử tế với tất cả những ai mà tôi gặp là suối nguồn mang lại hạnh phúc và sự khỏe khoắn cho thân tâm tôi.

Và thứ ba là sống hòa hợp với thiên nhiên, cho mình thời gian để thưởng thức thiên nhiên, vào rừng, lên núi, có khi chỉ cần ra dạo chơi ở khu vườn nhỏ của mình là đã đủ.

Rehena Harilall: Chúng ta cần nuôi dưỡng hy vọng. Và đối với tôi, khả năng phục hồi, sự bền bỉ, dẻo dai chính là một dấu hiệu của hy vọng. Tôi thích nhảy múa, thích âm nhạc. Vì vậy bắt đầu ngày mới bằng một điệu múa hay một bài hát là hạnh phúc lớn của tôi, giúp tôi vui vẻ cả ngày. Trong ngày, có thể đủ loại cảm xúc đến rồi đi, nhưng tôi vẫn luôn có thể nhớ lại niềm vui đầu ngày đó của mình.

Tôi cố gắng nhận diện tâm mình ở phía sau mỗi hành động. Bởi vì nếu tôi hành động với ý thức là mình không cầu lợi, nghĩa là tôi đang phụng sự, thì hành động đó sẽ đem lại lợi lạc cho người khác. Như vậy tôi đã làm việc với tinh thần mà tôi muốn nhìn thấy nơi người khác. Điều đó đem tới cho tôi hy vọng và niềm vui.

Khi cảm thấy tuyệt vọng, tôi ra ngoài đi dạo để tiếp xúc với thiên nhiên. Đôi khi tôi nằm dài trên đất và nói với đất: “Chỉ cần ôm con là được rồi”. Thiết lập được liên hệ với một cái gì đó lớn lao hơn tự thân sẽ giúp chúng ta có được cái nhìn rõ ràng hơn về mọi sự. Cuộc sống cứ tiếp diễn dù tôi có mặt ở đây để gặt hái những gì mình đã gieo trồng hay không.

Theo truyền thống của người Zulu ở Nam Phi, khi một người qua đời, họ nói người ấy đang “quỳ xuống”. Quỳ xuống để người khác có thể đứng trên hai vai họ. Nghĩa là khi chúng ta mất đi, trong giai đoạn chuyển tiếp ấy, chúng ta lót đường để làm nền tảng cho người khác đứng lên và tiếp tục công trình. Điều đó đem đến cho tôi hy vọng.

Bác Satish Kumar: Tôi bắt đầu hoạt động xã hội từ lúc 18 tuổi – tham gia vào phong trào do Thánh Gandhi và Vinoba Bhave lãnh đạo. Bây giờ tôi 86 tuổi nhưng vẫn muốn tiếp tục làm nhà hoạt động xã hội cho đến hơi thở cuối cùng. Là một người hoạt động xã hội, bạn cũng phải đồng thời là một người có tinh thần tích cực. Sự yếm thế không thể dẫn ta đến hành động được. Chuyện thế giới có thay đổi hay không, điều đó không nằm trong sự kiểm soát của tôi, nhưng tôi có thể kiểm soát được hành động của mình. Tôi hành động vì từ bi, thương yêu, lân mẫn và vì tinh thần trách nhiệm. Cho nên tôi là một người có tinh thần tích cực. Và hy vọng của tôi là một hy vọng mang tính hành động. Tôi hành động mỗi ngày để phụng sự nhân loại, phụng sự trái đất. Điều đó đem lại cho tôi sự mãn ý và niềm vui bởi vì tất cả đều là tương tức.