Phỏng vấn gia đình Cây Hoa Thủy Tiên
Ngày 5.11.2023, tại Làng Mai Pháp, tăng thân vô cùng hạnh phúc chào đón mười cây hoa thủy tiên biểu hiện trong khu vườn tăng thân, những bông hoa thủy tiên “vươn lên chào đón bình minh, theo pháp an ban thở cùng một nhịp”. Ban biên tập (BBT) đã có cơ hội ngồi chơi và phỏng vấn mười bạn trẻ trong gia đình Cây Hoa Thủy Tiên sau lễ xuất gia.
BBT: Những nhân duyên nào đã đưa các sư em đến với con đường xuất gia? Các sư em có nhớ khoảnh khắc mà mình nhận ra rằng “Đây rồi, đây chính là con đường mà mình đã tìm kiếm bấy lâu!”?
Sư chú Chân Nhất Nguyên: Con biết đến Sư Ông và bắt đầu thiền tập khoảng một năm rưỡi trước khi con đến Làng Mai lần đầu. Khi ấy, con đã thấy có nhiều lợi lạc và tìm được bình an trong thân. Trong quyển sách You are here (tạm dịch Bạn đang có mặt đây: Khám phá phép lạ trong hiện tại), Sư Ông giải thích về giáo lý tương tức. Đối với con, đó là điều tuyệt vời nhất mà con từng được nghe. Đây chính là hai dấu hiệu cho biết con đã tìm được con đường sáng đẹp cho cuộc đời mình.
Trước đây con chưa bao giờ cảm thấy mình có một con đường sáng để đi. Thường thì con hành xử bằng sợ hãi và căng thẳng, cố gắng để sống còn. Nhưng khi bước trên con đường này, con thấy mình có bình an và hạnh phúc. Con thấy mình buông được nỗi sợ. Và quyết định xuất gia đến với con một cách thật nhẹ nhàng, thảnh thơi.
Sư chú Chân Nhất Mộc: Con đã đọc nhiều sách của Sư Ông và con cảm thấy muốn trở thành một người xuất gia dù con chưa bao giờ đến Làng Mai. Con nghĩ, dù Làng Mai chỉ đẹp bằng một nửa so với hình dung của con thì đó vẫn là nơi con muốn xuất gia. Vì vậy, vừa tới Làng Mai là con đã tỏ ý muốn trở thành một xuất sĩ ở đây. Đây chính là nơi con tìm kiếm.
Sư chú Chân Nhất Thanh: Vào năm 2019, 2020 con sống và thực tập ở Thiền đường Hơi Thở Nhẹ khoảng chín tháng. Sau đó con trải qua hai năm tại một trung tâm thiền theo truyền thống Tây Tạng tên là Vườn Thiền Samyé ở Bỉ. Năm 2022, con đến xóm Thượng, Làng Mai làm tình nguyện viên cho khóa tu hai mươi mốt ngày — kỷ niệm 40 năm Làng Mai, và ở lại đây cho đến nay. Con thương giáo pháp, thương pháp môn và đạo hạnh của Sư Ông nhưng ý định trở thành một người xuất gia vẫn chưa rõ ràng trong con. Sau khi tham dự lớp học dành cho những người có tâm nguyện xuất gia và được bạn bè khuyến khích, con nghĩ con có thể làm được. Là một người có khuynh hướng căng thẳng và có nhiều khó khăn khi phải cam kết một điều gì, lúc đầu con không thoải mái lắm với cam kết xuất gia trọn đời. Nhưng sau khi nói chuyện thêm với quý thầy con thấy an tâm hơn.
Sư chú Chân Nhất Xuân: Cách đây một năm rưỡi, con là thiền sinh dài hạn ở xóm Thượng. Từ khi biết pháp môn của Sư Ông, con đã buông được rất nhiều thứ, trong đó có những mối quan hệ không nuôi dưỡng. Khi đó con mới hai mươi tuổi, vì vậy chọn con đường xuất gia thực sự là một quyết định lớn của cuộc đời con. Điều làm cho con rất hạnh phúc là gia đình con đã yểm trợ quyết định này. Tháng Tư năm ngoái, một tuần sau khi gia đình tới Làng Mai nhân dịp sinh nhật của con, con đã nói cho mẹ biết ước muốn xuất gia của mình. Mẹ con rất vui, nói: “Ờ, làm thầy tu hợp với con lắm”. Anh trai cũng vậy. Anh ôm con và nói: “Tuyệt quá!”. Quả là một niềm khích lệ lớn cho con khi biết những người mình yêu thương có thể yểm trợ cho mình trên con đường này.
Trong thời gian tập sự, con tự nhủ: “Mình có được chấp nhận xuất gia hay không, điều đó không thành vấn đề. Trước sau gì mình cũng muốn trở thành thầy tu”. Ý chí muốn đi trên con đường xuất gia càng làm cho cam kết của con vững vàng thêm. Đó là một khoảnh khắc rất đẹp.
Sư cô Chân Đôn Hạnh (Trước khi theo truyền thống Làng Mai, sư cô đã từng là một vị xuất sĩ theo truyền thống thiền Tào Động, Nhật Bản):
Năm 20 tuổi, con trải qua một giai đoạn rất khó khăn trong đời. Con đã tìm đến một trung tâm thiền Tào động Nhật Bản tại Madrid, thành phố con đang sống, với ước muốn tìm được một cách nào đó để lấy lại sự quân bình trong nội tâm. Con nhớ rất rõ ràng cảm giác an lạc có được trong lần thiền tọa đầu tiên. Khi đó dù chưa biết gì về đạo Bụt hay thiền tập, con đã có cảm giác cuối cùng mình cũng tìm ra được một phương pháp hữu ích. Con tiếp tục thực tập một cách kiên trì, ngày nào cũng đến thiền đường, và tham gia các khóa tu hàng tháng. Dần dần con đã có thể thiết lập lại mối quan hệ mật thiết với chính mình và tìm lại được an lạc trong nội tâm.
Con yêu sự thực tập, và chí nguyện xuất gia đã đến thật tự nhiên. Con đã tìm được phương thuốc hiệu quả cho chính mình và vì vậy ước nguyện sâu sắc nhất của con là đem hết cuộc đời mình để tiếp tục tu tập và chia sẻ các pháp môn cho những người đang gặp khó khăn trong cuộc đời của họ. Con rất biết ơn các vị thầy ở Madrid, ở Pháp và tăng thân của con đã nuôi dưỡng hạt giống xuất gia và yểm trợ con trên con đường thực tập.
BBT: Vì sao sư cô lại chọn theo truyền thống Làng Mai?
Sư cô Chân Đôn Hạnh: Giáo pháp của Sư Ông, qua những quyển sách và các bài pháp thoại, đã đồng hành với con và đánh động con từ khi con còn là một thiếu niên. Những lời dạy của Sư Ông rất rõ ràng, đơn giản, tuyệt vời và vô cùng sâu sắc với nhiều pháp môn cụ thể có thể đáp ứng các nhu cầu thực sự của thời đại chúng ta.
Ngoài ra, do tu viện mà con theo tu tập trước đây chỉ có ba vị xuất gia: người sáng lập tu viện, vị trú trì và con, nên con có thể hiểu được tầm quan trọng và sự quý giá của tăng thân. Con ý thức rằng một cá nhân không thể nào đơn độc thực hiện ước nguyện chuyển hóa tự thân và phụng sự chúng sinh.
Vì hai lý do này mà con quyết định nương tựa truyền thống Làng Mai và giờ đây con rất hạnh phúc.
Sư cô Chân Đăng Hạnh: Đã từ lâu con biết rất rõ sự tu tập sẽ là một điều thiết yếu của đời mình. Khi còn sống ở New York, con quyết định mỗi năm sẽ đến tu viện Bích Nham vài hôm vào dịp sinh nhật của mình. Con đã đọc quyển Bước tới thảnh thơi, thậm chí cả quyển Giới bản khất sĩ tân tu nữa. Ý tưởng xuất gia thật hấp dẫn, nhưng khi đó nó chỉ là một lý tưởng nằm trong trí tưởng tượng của con mà thôi.
Năm đó, sau sinh nhật của con tại Bích Nham, con ngồi trong thiền đường lớn. Thấy tâm mình thật tĩnh lặng, con tự nhủ “Đây là lúc mình có thể đặt câu hỏi từ đáy lòng mình”. Con mời Sư Ông (trong con) cùng ngồi với con, rồi hỏi: “Bạch Sư Ông, con có một vòng luẩn quẩn vui vui. Dù cho con chọn làm cư sĩ hay xuất sĩ thì con vẫn phải tu. Vậy thì con nên chọn cái nào ạ?” (Cho đến giờ phút đó, trong con vẫn còn những nghi ngại nho nhỏ như là “Không biết mình có thể buông bỏ nhạc, váy áo, và các thứ đồ đạc của mình không?”; “Nếu mình vẫn còn muốn đi du lịch bất cứ khi nào mình nổi hứng thì sao?”; “Không có tóc không biết nhìn mình có ổn không?”) Khi đó có một giọng nói vang vang trả lời con: “Con đang chú tâm vào những nghi ngại vặt vãnh chứ không chú tâm vào đại nguyện của con”. Câu trả lời của Sư Ông quá rõ ràng làm con bật khóc. Nhưng trong lòng thấy nhẹ nhõm, con thưa: “Dạ, bạch Sư Ông”. Ngay lập tức con đi tìm một sư cô lớn để hỏi cách xuất gia.
Trong lễ xuất gia, khi chúng con ngồi chờ để được gọi lên trình diện trước Tam bảo, con tự nhủ: “Giờ mình hãy buông hết những nghi ngại để phát túc siêu phương”. Con biết mình đã mong chờ giây phút này quá lâu rồi, cho đến nỗi con nghĩ nếu con có qua đời ngay ngày hôm đó, con cũng hạnh phúc. Bởi vì con đã cố gắng hết khả năng của mình rồi. Tất cả những điều khác nằm ngoài khả năng của con. Giờ thì không còn có giọng nói thì thầm ở trong đầu “Ồ, nhưng mà…” nữa. Thật nhẹ nhõm làm sao!
Sư chú Chân Nhất Lương: Làm thế nào con có mặt ở Làng Mai là một câu hỏi thú vị, giống như một cái hộp chứa đầy những điều bất ngờ vậy. Hai mươi năm về trước, khi còn ở tuổi thiếu niên, con đã muốn xuất gia rồi. Đầu tiên con đọc sách của một vị thiền sư Trung Hoa ở Vạn Phật Thánh Thành (the City of Ten Thousand Buddhas), California. Con rất ấn tượng khi đọc sách của ngài.
Nhưng vì không xin được visa để sang Mỹ, con đến một tu viện ở Malaysia. Đó là một trải nghiệm khá khó khăn bởi vì văn hóa ở đó khác xa với văn hóa của con, hơn nữa đạo Bụt ở đó rất là truyền thống, nặng về nghi lễ và hình thức. Con hơi thất vọng vì thấy mình không hoà nhập được nên cuối cùng con đã trở về nhà.
Sau đó, con đến một tu viện trên núi ở Hồng Kông và ngụ ở nơi này ba tháng. Rất là tuyệt vời nhưng con cũng không dừng lại ở đó. Vào năm 2012, con tham gia truyền thống hành thiền trong rừng của Thái Lan (Thai Forest tradition), và cuối cùng đã xuất gia được bốn tháng. Thế nhưng một lần nữa, con lại không hòa nhập được văn hóa và sự thực tập ở đây đối với con có vẻ quá khuôn khổ. Cho đến lúc con bị mất ngủ triền miên, trở nên trầm cảm và con quyết định phải rời đi.
Con đã dành ra mười năm sau đó để suy xét lại tình hình của mình. Nhưng dù con có mở lòng ra để trải nghiệm cả những thực tập bên ngoài đạo Bụt, ước nguyện xuất gia vẫn chưa bao giờ phai nhạt trong con. Từ đó đến nay con đã có những bước tiến khá xa và mối liên hệ với tự thân đã rất khác xưa. Con không biết tin khi Sư Ông viên tịch, nhưng không hiểu sao hôm đó con khóc khi đang ngồi thiền. Con tự hỏi: “Tại sao mình khóc? Chẳng lẽ có ai mất hay sao?”. Sau đó con được tin là Sư Ông đã viên tịch. Cuối cùng con đến Làng Mai dự một khóa tu và nghĩ rằng có lẽ đây là một nơi thích hợp để sống đời xuất sĩ.
Sư cô Chân Diệu Hạnh: Bảy năm về trước con may mắn phát hiện ra Thiền đường Hơi Thở Nhẹ nên thường đến đó tu tập. Con cũng thường hay về Làng dự các khoá tu, nhất là mùa hè và mùa an cư. Con không nhớ chính xác là khi nào ước muốn xuất gia nhen nhóm. Con thấy rất rõ ràng đây là con đường thật sự con muốn đi bởi vì nó vô cùng có ích cho con.
Con chỉ gặp Sư Ông được một lần khi tham gia khóa tu đầu tiên. Con học được cách tu tập là từ tăng thân. Con thật sự nghĩ rằng tăng thân chính là sự tiếp nối của Sư Ông. Nếu không có quý thầy, quý sư cô tu tập và hướng dẫn cho con với tất cả tình thương, con không thể nào có mặt ở đây và không thể học hỏi được nhiều điều như thế.
Hơi tiếc là ba mẹ con không yểm trợ cho con xuất gia. Con biết là họ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chấp nhận quyết định của con. Cho nên con cần thực tập nhẫn nại. Sau khi lắng nghe lòng mình thật kỹ, con thấy rất rõ ràng là con sẽ ân hận nếu không trải nghiệm đời sống xuất gia. Con rất hạnh phúc trong lễ xuất gia và cảm thấy thật nhẹ lòng.
Sư chú Chân Nhất Vân: Mười một năm trước có một sự kiện quan trọng xảy ra trong đời làm con thức tỉnh và thấy mình cần một đường hướng tâm linh. Con tham dự khóa tu tâm linh đầu tiên ở Bồ Đào Nha và rất ấn tượng bởi môi trường bình an và thương yêu, đặc biệt là lòng từ bi và sự hiểu biết của quý thầy khi đối diện với những thử thách trong cuộc sống hằng ngày.
Con thường liên lạc với các vị xuất sĩ qua một số việc như tình nguyện dạy tiếng Anh căn bản cho trẻ em, yểm trợ một ngôi làng sinh thái, giúp nhà hàng chay trong một sự kiện, tham gia các buổi tập yoga và thiền. Con cảm thấy có một tiếng gọi tâm linh rất mạnh và có những tín hiệu đến với con, dẫn dắt con đến với con đường xuất gia, và cho con biết đây chính là một chọn lựa đúng đắn. Khi con “tìm ra Sư Ông”, con có rất nhiều bình an, nhiều niềm vui và vững chãi nhờ sự thực tập. Con bước vào cuộc sống xuất gia với một sự tin cậy. Con rất hạnh phúc được ở đây.
Sư chú Chân Nhất Vũ: Con đã thực tập, và thậm chí còn dạy chánh niệm trong một thời gian dài cho những bệnh nhân đau nhức mãn tính trong các bệnh viện và cho nhân viên trong các công ty. Làm việc đơn thân độc mã, không lâu sau con bị đuối sức vì người ta có quá nhiều khổ đau. Đó là lý do tại sao con nghĩ đến việc xuất gia tu học cùng với tăng thân, trải nghiệm và cắm rễ trong tăng thân để hiểu, để thương, và để làm lớn thêm niềm vui và hạnh phúc trong con. Khi đó con mới giúp người có hiệu quả hơn.
BBT: Sống tập thể trong tăng thân là một thử thách cho khá nhiều người, nhất là người Tây phương. Xin các sư em chia sẻ trải nghiệm của mình trong thời gian sống với tăng thân Làng Mai, đặc biệt là khi phải sống chung phòng với nhiều người khác.
Sư chú Chân Nhất Vân: Từ năm mười tuổi, con đã sống tại trường nội trú và chỉ về thăm nhà vào cuối tuần. Con đã sống trong các cư xá có từ ba mươi đến một trăm học sinh. Mặc đồng phục, cắt tóc ngắn, hành vi phải mực thước, các nghi thức và cuộc sống tập thể rất quen thuộc đối với con. Nhờ sống tập thể mà con có được những tình bạn lâu bền, học được thế nào là tình huynh đệ. Vì vậy khi vào sống trong đại chúng Làng Mai con thấy thật sự như trở về nhà và rất hạnh phúc.
Sư chú Chân Nhất Mộc: Nhiều người cho rằng Thuỵ Điển — quê hương con — là một nước thiên về chủ nghĩa cá nhân. Con từng có một căn hộ rất đẹp và khá hài lòng với nó, nhưng con lại cảm thấy quá cô đơn. Cho nên năm ngoái, trước khi tới Làng, con quyết định tới sống với mấy người bạn. Qua Làng, sống chung phòng với nhiều người, đôi khi con ước gì có thêm chút không gian. Nhưng con nghĩ đâu có cái gì hoàn hảo. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là không có nhiều không gian còn dễ chịu hơn là cảm thấy cô đơn.
Sư chú Chân Nhất Thanh: Đối với con, rõ ràng việc sống chung phòng với nhiều người không phải dễ. Nhưng con cũng thấy rằng đó là cơ hội để cho mình lớn lên. Con luôn cố gắng nhắc nhở mình rằng sống chung với nhiều người khác giúp con truyền thông hay hơn, học cách giải quyết các xung khắc và bớt đòi hỏi người khác.
Sư cô Chân Đôn Hạnh: Sống chung với nhiều người đối với con là một thực tập rất quan trọng bởi vì nhờ đó con có thể mở lòng, hiểu được nhu cầu của người khác và học cách yểm trợ lẫn nhau. Con cũng học được cách lắng nghe và tôn trọng những giới hạn của chính mình. Những ngày hè bận rộn, con rất thích vào rừng mắc võng để thư giãn và làm mình tươi mới lại.
Sư cô Chân Đăng Hạnh: Từ năm mười một tuổi, con đã có phòng riêng. Sống một mình một cõi là cách để con phòng thủ, bởi vì thường thường con hay nhìn quanh để đoán xem người khác có đang phán xét mình hay không. Sống trong tăng thân là một sự thực tập miên mật giúp con chuyển hóa nỗi lo lắng đó. Con đang được bao bọc bởi những người dễ thương trong một môi trường cũng dễ thương.
Sư chú Chân Nhất Nguyên: Hồi còn nhỏ, có thời gian con đã được sống trong một đoàn thể tâm linh nên lúc nào con cũng muốn quay lại đó. Xuất thân từ Thuỵ Điển, con biết cô đơn là như thế nào. Rất là đáng sợ. Từ góc nhìn đó, con không hiểu tại sao người ta lại không tìm cách để sống trong một đoàn thể.
Một trong những khó khăn khi sống trong đoàn thể là con không biết cách ứng xử sao cho phù hợp. Chào, hay không chào? Người kia có muốn nghe mình chia sẻ về niềm vui của mình không nhỉ? Sống tập thể là cách hay nhất để con hiểu chính mình, mình là ai, mình nên hành xử ra sao. Khi đi ngủ, con thích nghĩ về những người sống cùng phòng và gửi tình thương đến cho họ. Điều này làm cho con thấy rất hạnh phúc.
Sư cô Chân Diệu Hạnh: Con thấy rất rõ ràng là sống trong đoàn thể và nhất là cùng phòng với người khác yểm trợ sự thực tập của con và con rất vui. Một môi trường bình an và chánh niệm giúp mình tu dễ hơn nhiều. Dĩ nhiên là con cần thời gian để làm quen với mọi người. Con luôn thích được kết nối với nhiều người mới, nhưng con cũng cảm thấy hơi căng một chút vì không biết phải hành xử thế nào cho phải, e làm phiền người khác. Nhưng con cũng thấy mình có khuynh hướng thích nghi với môi trường đẹp này một cách nhanh chóng, đôi khi lại lo lắng thái quá về những khó khăn lặt vặt. Khi đó con tự nhắc mình về những điều kiện thuận lợi mình đang có. Nếu con không có hạnh phúc khi ở đây thì con có thể sống ở đâu được nữa?
Sư chú Chân Nhất Vũ: Sau hai mươi năm sống độc thân, con phải thú thật là năm đầu tiên sống trong phòng tập thể có bảy người còn hơn cả thử thách. Tiếng ồn, nhịp điệu của cuộc sống hàng ngày, cảm giác không có một nơi riêng tư để nương tựa — con phải học làm quen với tất cả những điều mới mẻ này, và buông bỏ tất cả những điều trước đây mình đã quen thuộc. Một thực tập rất tốt cho cái tâm cá nhân chủ nghĩa của con. Về mặt tích cực thì chia sẻ đồ dùng và nương tựa tăng thân làm con thấy khỏe và vui.
BBT: Gia đình và bạn bè đã đến dự lễ xuất gia của các sư em. Khi tiếp xúc với gia đình, các sư em có nhận thấy điều gì thay đổi nơi mình không?
Sư chú Chân Nhất Xuân: Khi con hai mươi hai tuổi thì anh trai con hai mươi lăm tuổi. Hai anh em ở chung phòng và khá gần gũi nhau, nhưng không phải lúc nào cũng thuận thảo. Trong vài năm trở lại đây, thực tập pháp môn Làng Mai giúp con không còn đòi hỏi anh con nữa. Thí dụ như muốn anh phải như thế này hay thế kia. Những đòi hỏi đó làm con khổ. Khi không còn đòi hỏi nữa thì quan hệ của hai anh em vui vẻ dễ chịu. Con không muốn chờ đến mười năm sau mới có thể thưởng thức trọn vẹn sự có mặt của anh trai mình.
Sư cô Chân Đăng Hạnh: Sau vài năm thực tập ở Mỹ, con thấy mình có nhiều chuyển hoá. Con có thể lắng nghe mẹ của con sâu hơn, chấp nhận ba nhiều hơn và có nhiều không gian trong lòng hơn. Bây giờ con tương tác với mọi người xung quanh rất khác với ngày xưa.
Có lần con hỏi ba: “Ba thấy trong năm vừa qua con có thay đổi gì không?”. Con thấy hai cha con bớt cãi cọ với nhau hơn trước rất nhiều. Nhưng ba chỉ nói: “Không”. (cười) Nhưng con thấy con có khác.
Hai năm trước đây, khi con nói với ba là con muốn trở thành một sư cô, ba rất sốc. Ba là một người di dân làm việc rất cực nhọc. Ba nói: “Con à, ba đã sống lối sống này, và ba đã thành công trong cuộc sống, nhưng ba không chắc là ba sẽ gợi ý cho người khác sống giống ba hay không. Con làm ba phải nhìn lại cách sống mà ba từng nghĩ là đúng đắn. Thậm chí ba cũng không biết là tại sao lối sống đó là đúng nữa”.
Có lẽ hai cha con sẽ không bao giờ nói chuyện với nhau theo kiểu đó nếu con không quyết định đi tu.
Sư chú Chân Nhất Nguyên: Một trong những nguyên nhân chính làm con thích truyền thống này là gia đình huyết thống luôn được quý trọng. Thực tập quán chiếu cha mẹ là em bé năm tuổi đã làm thay đổi cuộc đời con. Ở trong tăng thân một năm, con có thể nhìn ba mẹ bằng một đôi mắt khác. Sự thực tập của con vững chãi hơn, nhờ đó con có đủ can đảm đối diện với sự bất an của họ. Trước đây con đè nén hoặc nổi giận với họ mà không hiểu tại sao. Trong con có sự đòi hỏi ba mẹ là nơi vững chắc, an ổn cho con nương tựa. Còn bây giờ thì con thấy ba mẹ không nhất thiết phải luôn luôn như vậy nữa. Con có thể nhìn thấy những bất ổn của ba mẹ và thấy thương ba mẹ vô cùng. Con không đòi hỏi mẹ phải là một người hoàn hảo nữa. Điều đó làm cho quan hệ giữa hai mẹ con được hàn gắn. Con rất hạnh phúc về điều này. Mẹ của con rất ngọt ngào.
Sư chú Chân Nhất Vân: Gia đình con không đến dự lễ xuất gia được nhưng có theo dõi buổi lễ trực tuyến. Lúc ban đầu, họ hỏi: “Chừng nào con về nhà?”. Nhưng bây giờ con nghĩ là gia đình đã hiểu. Con cho họ biết là con thấy rất bình an ở đây. Gia đình trước giờ luôn chấp nhận những chọn lựa của con. Hy vọng năm tới họ có thể tới thăm và sẽ thấy là ở đây hay hơn những gì họ hình dung rất nhiều.
Sư chú Chân Nhất Vũ: Con đã có gia đình trước khi con đi tu. Con trai con chính là gia đình huyết thống của con. Con trai con đã biết từ lâu con đường mà con muốn đi vì con đã nuôi dạy con trai theo Năm giới. Nó cảm được con, nó thấy con “nở ra như một bông hoa” trong tăng thân, trong cuộc sống mới này. Tháng Tám năm ngoái, nó nói với con: “Thương yêu — một nghề thật là chịu chơi, ba!” (“To Love — this is a cool job, Dad!”).
BBT: Cảm ơn những lời chia sẻ rất chân thành của các sư em. Xin chúc các sư em luôn có nhiều niềm vui trên con đường sáng đẹp này!