Sư cô Chân Đào Nghiêm
Sư cô Đào Nghiêm, người Pháp, xuất gia năm 2003 trong gia đình Cây Cẩm Lai tại Làng Mai, Pháp, và được Sư Ông Làng Mai truyền đăng năm 2011 trong Đại giới đàn Lắng nghe. Hiện sư cô đang tu tập và phụng sự tại xóm Hạ, Làng Mai. Trong bài chia sẻ sau đây, chúng ta sẽ được gặp một người bạn đặc biệt của sư cô.
Đã rất nhiều năm, tôi luôn có một người bạn tri kỷ kề cận bên mình. Gần như ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau từ sáng sớm, lúc mặt trời còn chưa ló dạng. Chúng tôi thắp nến, uống trà, tâm sự chuyện vui buồn, chia sẻ với nhau nước mắt, nụ cười. Bạn tôi là người hướng dẫn, yểm trợ và giúp tôi có được cái thấy sáng tỏ, sự hiểu biết cũng như làm cho mối liên hệ của tôi với bản thân mình trở nên sâu sắc và có ý nghĩa hơn. Người bạn ấy chính là quyển sổ công phu của tôi.
Sáng tinh mơ, tôi ngồi xuống và để cho bàn tay mình viết tùy thích mà không cần suy nghĩ, tất cả những gì hiện lên trong trí sẽ biểu hiện trên mặt giấy. Đó là một quá trình rất trị liệu xảy ra trong nhiều năm. Đó cũng là một hành trình rất riêng tư thể hiện qua nhiều hình thức (viết, vẽ, thơ). Trong quyển sổ này, tôi có hình vẽ của những người thương và người thân trong gia đình đã qua đời. Có cả những câu nói hay, truyền cảm hứng, nuôi dưỡng tôi. Thí dụ như:
- “Mong sao cho tôi có thể hiến tặng sự quan tâm săn sóc và sự có mặt của mình cho người khác một cách vô điều kiện, dù người ấy đối xử lại bằng lòng biết ơn, sự thờ ơ, giận dữ hay sợ hãi.”
- “Mong sao cho tôi có thể chấp nhận những hạn chế của mình với lòng từ bi khi chứng kiến những khổ đau của người khác.”
- “Sự thực tập của chúng ta là để hướng tới giải thoát. Chỉ cần thực tập một điều thôi: làm cho tâm được khinh an. Bất cứ điều gì bạn làm trong cuộc sống tâm linh cũng phải có dấu ấn của thảnh thơi và khinh an.”
- “Nơi nương tựa của ta chính là khả năng cảm được niềm vui sống, khả năng chấp nhận sống bất cứ nơi đâu mà vẫn có hạnh phúc. Nơi nương tựa vững chắc nhất của ta chính là bản thân mình. Ta nương tựa nơi Bụt tự thân. Nghĩa là ta nương tựa nơi sự vững chãi, khinh an, thảnh thơi, bình an và niềm vui của chính mình.”
Tôi viết xuống những niềm vui, những lên xuống trong ngày, suy nghĩ, cảm thọ, những điều gây cảm hứng, những tuệ giác mà tôi đọc được trong sách, những người tôi tri ân, những liên hệ khó khăn mà tôi cần thực tập để chuyển hóa, nỗi sợ hãi, những điều yêu thích của mình. Đôi khi những điều này được trình bày qua thơ hoặc họa.
Bài thơ sau đây tôi viết vào tháng Mười một năm ngoái:
Tiếng hát của mưa,
Tiếng hát của đất
Một chén trà
Trời vẫn tối
Trong tim
Một nỗi buồn.
Khi những suy nghĩ cứ trở đi trở lại trong đầu, khi có những điều đánh động tâm tư và làm tôi thấy lòng đau, thấy không thoải mái, ghi chúng xuống giấy cho phép tôi “đi ra khỏi cái đầu”, và tâm tôi không bị quẩn quanh trong đó. Ghi chép giúp tôi xử lý niềm vui, nỗi buồn mà tôi trải qua và học những bài học quý giá từ những kinh nghiệm ấy. Vài tháng hay vài tuần sau, khi đọc lại những điều mình đã viết, tôi có thể nhận ra những đường mòn quen thuộc của tâm, thực tập với nó, và nhờ đó có thể hiểu tâm mình nhiều hơn. Ghi chép cũng là cách để giải tỏa năng lượng nặng nề khi giận dữ, bức xúc hoặc buồn bực. Viết những cảm thọ này lên giấy làm chúng không còn vương vấn trong tâm tôi nữa.
Tôi thường xuyên đọc lại những gì mình đã viết, dù vào năm ngoái hay nhiều năm về trước. Nhờ đó tôi hiểu rõ nỗi đau của mình hơn. Quán chiếu những điều đã viết đem đến cho tôi cái thấy sáng tỏ và đúng đắn. Tôi thấy sự thực tập này thật là mầu nhiệm. Qua việc phản quan tự kỷ này, tôi có thể quán chiếu về những suy tư, ước vọng, ý định và hành động của mình, để sau đó có những bước đi phù hợp.
Chẳng hạn như đọc những gì đã viết vào mùa xuân năm ngoái làm tôi nhớ lại tuệ giác mà mình đã có vào lúc ấy, và sức mạnh khi thực tập thiền hành cùng với đại chúng. Khi ấy tôi đang gặp khó khăn vì bị kẹt trong sự nghi ngờ. Và đây là điều tôi đã chia sẻ với người bạn tri kỷ “sổ công phu” vào sáng hôm sau:
“Ngày hôm qua, trong khi thiền hành với đại chúng, câu hỏi ‘Mình đang làm gì ở đây vậy?’ đi lên. Nghĩa là ‘Mình đang làm gì trong tăng thân này vậy? Tại sao mình lại ở đây?’ Mình đã cho phép câu hỏi đó đi lên, và nó trở thành ‘Mình đang làm gì ở đây vậy?’ trong giây phút hiện tại. ‘Đang đi, đang đi, đang đi’, mỗi bước chân hoàn toàn nằm trong nhịp bước của chính mình, nghĩa là chậm hơn nhịp bước của đại chúng. Tuy vậy, mình vẫn đồng thời được lợi lạc từ năng lượng tập thể. Cánh đồng cỏ ống, điểm hoa xanh, hoa vàng đang đong đưa trong gió nhẹ. Sự vĩ đại của đất Mẹ. Hoàn toàn có mặt! Nỗi đau cùng với bước chân, hơi thở ‘Mình đang làm gì ở đây vậy? Đang thở, đang thở, đang đi, đang đi… Mình đang làm gì? Đang nghe, đang nghe…’ tiếng chim hót, tiếng gió… ‘Mình đang làm gì ở đây vậy? Đang ôm ấp, đang ôm ấp…’ Tâm tĩnh lặng, hoàn toàn có mặt. Từng bước chân. ‘Tôi là gì? Là không. Tôi là ai? Là không…’
Viết sổ công phu giúp tôi hiểu và làm việc với các cảm xúc của mình, nhất là khi tôi lo lắng hay buồn bực. Nó giúp tôi lớn lên, tự ý thức về mình hơn. Đó là một cách cực kỳ hiệu quả để làm việc với nội tâm. Nhờ đó mà tôi có được những tuệ giác vô cùng hữu ích giúp tôi xử lý những cảm xúc mạnh và vượt qua nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Nhờ sổ công phu mà tôi có thể an trú trong hiện tại. Không lo lắng về quá khứ hoặc tương lai làm cho tôi có cảm giác rất bình an, thân tâm thư giãn. Khi đó tôi có cơ hội chậm lại, thưởng thức hơi thở, lật sang một trang mới mà vẫn có thể trung thực với ý nghĩ và cảm xúc của mình.
Giờ đây, trở về với những điều kiện hạnh phúc trong giây phút hiện tại trở thành một điều rất đỗi tự nhiên trong tôi, nhờ có một người bạn thật sự hiện diện với một tâm từ bi vô điều kiện như thế.