Main Hương, Hồng Anh và Janny
Đây là bài chia sẻ của ba bạn trẻ Main Hương, Hồng Anh và Janny về khóa tu “Tìm về ngôi nhà đích thực” (2-9.6.2023) tại Làng Mai dành cho người trẻ Việt lớn lên ở nước ngoài. Ba bạn trẻ này đã từng cùng cha mẹ về Làng khi còn ở tuổi thiếu nhi.
Một khóa tu thật khác biệt!
Khi đến Làng Mai tu tập, trong niềm vui gặp gỡ các bạn thiền sinh đến từ khắp nơi trên thế giới, chúng tôi thường mong muốn được kết nối với những người bạn có cùng cội nguồn văn hóa. Trong những khóa tu khác mà chúng tôi từng tham gia, rất nhiều người trong chúng tôi thường có cảm giác không gian ở đó giống hệt như môi trường mà chúng tôi đã sinh sống và lớn lên, nơi mà chúng tôi chỉ là những nhóm thiểu số. Ở trường học hay công sở, nhìn quanh may ra tìm được vài ba người bạn có cùng nguồn gốc văn hóa.
Tháng Sáu vừa qua, khóa tu Tìm về ngôi nhà đích thực lần đầu tiên được tổ chức tại Làng Mai dành riêng cho những người trẻ Việt Nam và châu Á lớn lên ở nước ngoài. Chúng tôi chưa bao giờ gặp nhiều người trẻ gốc châu Á cùng tham dự một khóa tu ở Làng như vậy. Khi xung quanh đều là những người đã từng lớn lên với những khó khăn và thử thách vì bị mất kết nối với văn hóa Việt Nam và những kinh nghiệm sống của cha mẹ, chúng tôi cảm nhận một năng lượng thật khó tả. Có một niềm cảm thông sâu sắc mà không cần phải nói thành lời.
Trong bài pháp thoại về bốn yếu tố của tình thương đích thực, sư cô Lăng Nghiêm đã nhắc lại lời dạy của Sư Ông, thương yêu nghĩa là hiểu biết. “Tình thương đích thực thì không có giới hạn, hiểu biết cũng như vậy”. Trong suốt khóa tu, chúng tôi cảm nhận được rằng mình luôn được tiếp xúc với tình thương sâu sắc khó diễn tả thành lời: tình thương vô điều kiện từ quý sư cô, tình thương dành cho cha mẹ và tổ tiên, tình thương đối với gốc rễ mà từ lâu chúng tôi cứ tưởng đã bị lấp vùi, tình thương đối với nền văn hóa dân tộc, và tình thương với chính mình.
Trong suốt một tuần của khóa tu, chúng tôi được sống trong một môi trường rất bình an, và ai cũng thực tập hết lòng. Mọi hoạt động dù nhỏ cũng trở nên đầy ý nghĩa và linh thiêng. Một lần khi tập trung trước giờ chấp tác, một sư cô mời chúng tôi hát bài Hạnh phúc trong phút giây và dâng tặng bài hát đó cho cha mẹ. Sư cô chia sẻ rằng có thể cha mẹ chúng ta đã không có cơ hội được “dứt hết âu lo”, cho nên khi hát bài này, mình hãy dâng tặng cho cha mẹ sự bình an và thảnh thơi. Nhiều bạn đã xúc động rơi nước mắt.
Năng lượng tập thể và phẩm chất của sự thực tập cũng rất đặc biệt. Quý sư cô có chia sẻ rằng đối với người châu Á, chúng ta đã được tổ tiên trao truyền lại những hạt giống Phật pháp từ nhiều thế kỷ. Vì vậy, dù nhiều thế hệ không thực tập, nhưng chỉ cần một chút tưới tẩm, những hạt giống đó sẽ nảy nở lên như nấm mọc sau mưa. Nhờ có “tâm ban đầu” rất mạnh, cùng những hạt giống của tuệ giác đã có sẵn trong tâm thức, và với lòng biết ơn sâu sắc đối với khoảng không gian đặc biệt mà tăng thân đã dành tặng, chúng tôi đã tới được với nhau và có một môi trường tu tập thật tuyệt vời.
Đôi khi, chúng tôi không nhận ra mình đã mất đi điều gì cho đến khi nó hiện ra ngay trước mặt. Cảm giác được trở về nhà và kết nối với mọi người thật mầu nhiệm. Điều đó nhắc nhở chúng tôi rằng mình không đơn độc trên hành trình trị liệu và chuyển hóa, và chúng tôi có thể tìm được nguồn cảm hứng cũng như sức mạnh nơi những người hiểu mình sâu sắc.
Trở về tiếp nhận gia tài
Rất nhiều người trong chúng tôi là thế hệ con cháu của những người Việt Nam tị nạn vì chiến tranh. Gia đình chúng tôi đã cố gắng làm những gì tốt nhất có thể, trong khi họ vẫn phải đối mặt với những khó khăn, mất mát vì xa quê hương, đồng thời phải tìm cách hòa nhập với xã hội và văn hóa khác biệt ở một đất nước mới. Trong chúng tôi, ý thức về gia tài văn hóa Việt chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, và di sản văn hóa này thường trở thành thứ yếu so với văn hóa ở nơi chúng tôi sinh sống.
Khi xa quê hương, gia đình chúng tôi đã cố gắng hết sức trong khả năng có thể để trao truyền cho chúng tôi về ngôn ngữ cũng như về văn hóa. Sinh trưởng trong xã hội phương Tây, chúng tôi thường bị giằng xé giữa ước muốn hòa nhập với văn hóa Tây phương và ước muốn gìn giữ gốc rễ văn hóa của mình. Kết quả là, chúng tôi thường phải từ bỏ gốc rễ để hòa nhập với môi trường mới. Khi trưởng thành, nhiều người trong chúng tôi cảm nhận được sự mất mát về di sản văn hóa và ngôn ngữ. Chúng tôi mong muốn được kết nối và tìm lại những gì mà chúng tôi đã chối bỏ từ lâu. Vì vậy suốt một tuần của khóa tu tại Làng, chúng tôi đã cho phép mình được ôm ấp, nuôi dưỡng và trị liệu vết thương này trong mình bằng cách chế tác những năng lượng tích cực.
Nhờ được tới với nhau và chia sẻ những kinh nghiệm thực tập trong một môi trường đầy sự hiểu biết và cảm thông, chúng tôi không những được trị liệu cho tự thân mà còn có thể nuôi dưỡng tinh thần cộng đồng, cho dù chúng tôi sống ở những nơi khác nhau. Chúng tôi có thể chế tác được chất liệu từ bi sâu sắc hơn cho bản thân và cả cho cha mẹ, bạn bè. Nhờ vậy, chúng tôi có thể tạo được không gian trong lòng, ôm ấp được niềm đau, tăng trưởng niềm vui để chữa lành quá khứ, trân quý nền văn hóa mà cha ông đã để lại, cũng như trở về vun bồi thêm gốc rễ, cội nguồn trong mỗi cá nhân và cộng đồng.
Khi cùng ngồi ăn trưa dưới gốc cây sồi, sư cô Định Nghiêm chia sẻ với chúng tôi rằng Sư Ông đã từng giảng một vài bài pháp thoại đầu tiên ngay tại nơi đây. Những người cùng thế hệ cha mẹ chúng tôi đến Làng Mai từ những năm 1980, chỉ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, đã ngồi xung quanh Sư Ông để nghe pháp. Hồi đó, rất nhiều người Việt Nam tị nạn và những người sống xa quê hương đều tìm về Làng Mai, nơi mà họ có thể tìm thấy một chỗ nương tựa về tâm linh cũng như văn hóa. Họ cũng đã góp phần giúp Sư Ông, quý thầy và quý sư cô xây dựng Làng Mai trở thành như ngày hôm nay.
Trong môi trường thiện lành và nuôi dưỡng này, cha mẹ chúng tôi có cơ hội chuyển hóa những vết thương của họ, cũng như cho thế hệ con cháu như chúng tôi được trở về tiếp xúc với cội nguồn dân tộc. Đám trẻ con chúng tôi được học hát và học nói tiếng Việt, được thưởng thức món ăn Việt, và mọi người đến với nhau để cùng cảm nhận rằng mình thuộc về nơi này, tổ ấm ở ngoài tổ ấm.
Giờ đây, sau bốn mươi năm, chúng tôi được ngồi bên nhau dưới cây sồi đó. Sư Ông vẫn còn hiển hiện quanh chúng tôi – khi làn gió tới khiến cành lá rung rinh vẫy chào, hoặc khi chúng tôi bước những bước chân chánh niệm trong khu rừng ở xóm Hạ. Chúng tôi thật may mắn vì vẫn được thừa hưởng gia tài thật đẹp mà Sư Ông và cha mẹ đã để lại. Làng Mai vẫn luôn là nơi mà chúng tôi, cũng giống cha mẹ mình trước đây, được trở về để tiếp tục trân quý di sản văn hóa và trị liệu những vết thương của cha ông. Thật ý nghĩa biết bao!
Chất liệu thương yêu và chuyển hóa
Tiếng Việt được sử dụng trong tất cả các hoạt động của khóa tu, điều này khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Đây là lần đầu tiên nhiều người trong chúng tôi được nghe hướng dẫn tổng quát bằng tiếng Việt trong một khóa tu của Làng Mai. Chúng tôi ngay lập tức có cảm giác được trở về nhà khi sư cô Biện Nghiêm và sư cô Thùy Nghiêm chào đón chúng tôi bằng tiếng mẹ đẻ. Quý sư cô chia sẻ bằng tất cả tấm lòng, và vì vậy, đi thẳng vào trái tim chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ thấy nhiều người khóc như vậy trong suốt buổi hướng dẫn tổng quát.
Nhờ nghe những lời hướng dẫn bằng tiếng Việt, chúng tôi có thêm chiều sâu trong sự thực tập. Đặc biệt được nghe tụng kinh bằng tiếng Việt là một trải nghiệm rất hùng tráng không thể nào quên. Chúng tôi được kết nối, khám phá và trải nghiệm văn hóa Việt Nam ở mức độ sâu sắc hơn.
Nhiều người trong chúng tôi là một phần của thế hệ sau chiến tranh, chúng tôi chỉ được tiếp xúc với tiếng Việt trong gia đình. Thường thường ngôn ngữ của cha mẹ có chứa đựng chất liệu của khổ đau và bạo động. Nhưng ở Làng Mai, chúng tôi được tiếp nhận ngôn ngữ với rất nhiều chất liệu bình an và thương yêu. Thật khó nói thành lời tấm lòng bao dung, độ lượng, tình thương và sự ân cần mà quý sư cô dành cho chúng tôi. Trong tiếng Việt, chữ “thương” thể hiện một tình thương sâu sắc và vô điều kiện – đó chính là điều chúng tôi cảm nhận được trong suốt tuần lễ của khóa tu.
Chúng tôi mong rằng khóa tu như thế này sẽ được tiếp tục tổ chức để những người Việt xa xứ như chúng tôi được trở về ngôi nhà đích thực của mình.