Phạm Minh Hương (Chân Thu Lâm)
Cuộc đời là một hành trình trải nghiệm và chế tác hạnh phúc hay khổ đau là tùy thuộc vào chính mình. Mãi khi đến Làng Mai con mới kinh nghiệm được điều đó.
Tuổi thơ của con lớn lên thường trực với những tiếng còi báo động máy bay Mỹ ném bom; với niềm vui rất hiếm của bữa cơm có thịt mặc dù chỉ là một mẩu bé xíu, mỏng tang; với những bài học dạy làm người rất nghiêm khắc của ông bà và bố mẹ mà những đứa trẻ như chúng con không thể cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến trong đó. Sự sợ hãi chiến tranh, nỗi lo thiếu ăn, sự cô đơn của những đứa trẻ luôn bị phạt vì những lỗi lầm mà chúng không thể hiểu theo cách của người lớn, đã làm nên một thế hệ chúng con.
Nhưng điều đó không làm mất đi những tuệ giác của tổ tiên mà ông bà, bố mẹ đã truyền trao cho chúng con trong nếp sống và những bài học hàng ngày. Khi lớn lên, được đi du học ở nước ngoài, được tiếp xúc với các nền văn minh của thế giới, con vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Con vẫn luôn tìm cầu những kiến giải cho các xung đột giá trị giữa những chuẩn mực của nền kinh tế vật chất và những giá trị đẹp ngày xưa. Mãi cho tới khi đến Làng Mai Thái Lan vào mùa xuân năm 2017, con mới thấy được ký ức tuổi thơ một thời vẫn còn nguyên ở đó, trọn vẹn. Con nhận ra nếp sống của người Việt mà con được tiếp xúc và lớn lên, những hạt giống được gieo trồng bên trong mà con đã để chúng ngủ vùi từ lâu. Con thấy một quê hương thân thương trong lòng đang trình hiện vào mùa xuân năm đó, nhưng lại không phải ở Việt Nam mà tại nước láng giềng Thái Lan.
Sư Ông thường nhắc tới di sản của tổ tiên và sự nghiệp hoằng pháp của Sư Ông là một minh chứng của sự tiếp nối di sản đó. Con thấy cốt tủy lời Bụt dạy được Sư Ông làm mới để thế hệ chúng con có thể dễ dàng tiếp nhận. Và những đóng góp của Sư Ông cho nhân loại mang theo trong đó gia tài tâm linh của người Việt. Một đất nước nhỏ bé, luôn phải chịu sức ép của các cuộc chiến tranh, những thách thức của thiên tai và sự đa dạng sắc tộc đã làm nên một tuệ giác dân tộc, tuệ giác của sự bao dung, chấp nhận, kiên nhẫn và bền bỉ vượt qua khó khăn. Chính tuệ giác ấy đã tạo nên sức mạnh dân tộc để đứng vững trước mọi thử thách. Tuy vậy, chúng con, những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh ngoại xâm đang làm mờ đi những giá trị tâm linh của tổ tiên nên luôn bị đối diện với những xung đột nội tâm về các giá trị và chuẩn mực. May mắn thay, hạt giống tổ tiên trao truyền vẫn còn nguyên đó. Chỉ khi đến Làng Mai, đọc câu thư pháp Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ con mới nhớ lại ngày xưa bà ngoại con luôn dạy: “Con phải sống nếp sống của một người có Đạo: đói cho sạch, rách cho thơm; giữ khí phách của một người quân tử, nói là làm và tự chịu trách nhiệm với kết quả; có phẩm chất của một người làm nghề chân chính; luôn tích lũy phước đức để phụng sự đất nước”. Phước là phận sự ở đời, đức là điều kiện để thực hiện được phận sự đó. Phước đức của con cháu là do tổ tiên trao truyền lại. Con chợt nhận ra mình thật may mắn khi có được phước đức đó. Phước đức của một người con đất Việt, phước đức được trải nghiệm chiến tranh và sự thay đổi của dân tộc để có thể hiểu về vô thường và trân quý những gì mình đang có, phước đức của một doanh nhân có cơ hội được tham gia đóng góp vào huyết mạch tài chính quốc gia. Và con cần tiếp nối, làm tròn bổn phận đó.
Trước đây, con đã chạy trốn khỏi cuộc đời mình trong một thời gian dài vì không thể đối diện được với những áp lực trách nhiệm từ công việc và cuộc sống cá nhân. Con đã có những hiểu lầm đáng tiếc khi tiếp nhận những lời dạy của Phật. Con hiểu cuộc đời này là tạm và không thật. Muốn tu thì phải buông và, hay quá, mình chỉ cần buông là tu được. Con buông hết trách nhiệm mình đang đảm trách, buông cả những tài sản mình được giao gìn giữ và bắt đầu con đường tìm thầy học đạo. Bảy năm “buông ”, con đi tất cả các nơi có di tích Phật giáo, tham dự các bài giảng của các đạo sư và các khóa thiền của các trường phái Phật giáo, được gặp gỡ các vị cao tăng nổi tiếng. Vậy mà con vẫn thấy bế tắc và không thể kiến giải những gì đã xảy ra với mình để có khả năng đối diện được với nó.
Đối với Làng Mai, ban đầu con chỉ đến với cái tâm tìm gặp thêm một người thầy nổi tiếng, làm đầy thêm kho kiến thức Phật học của mình. Con chưa từng được diện kiến Sư Ông. Đọc sách Sư Ông, con không thể nhận ra những lời dạy rất đỗi thâm thúy bởi vì chúng quá đơn giản. Con chưa buông được cái muốn được biết thêm. Con cũng chưa buông được nỗi sợ hãi, cô đơn bên trong. Còn những tài sản bên ngoài, con biết, nếu có buông được cũng chẳng giúp con thấu hiểu những phước đức tổ tiên trao truyền cho mình để tu tập và trưởng thành.
Thế rồi, dần dần, con thấy mình bắt đầu thấm sự thực tập của Làng Mai. Sư Ông có chia sẻ: tu tập là để mình trở nên đẹp hơn chứ không phải để trở thành một thầy tu trong gia đình hay một thầy tu trong công ty. Mình phải là một chủ tịch công ty có hiểu và có thương để thực hiện bổn phận mà cuộc đời đã trao tặng cho mình. Con thấy Sư Ông trong từng lời dạy, từng lời chia sẻ của quý thầy, quý sư cô; trong những câu kinh bằng tiếng Việt trong sáng; trong lời mỗi bài thiền ca; trong nếp thực tập chánh niệm của cuộc sống hàng ngày ở Làng. Những câu thư pháp bên con đường thiền hành đã đánh thức những hạt giống trong con. Con chợt nhận ra hạnh phúc từ những điều thật đơn giản nhưng vô cùng mầu nhiệm. Con có hỏi thầy Pháp Niệm: “Thưa thầy, điều gì là vĩ đại nhất ở Sư Ông? Thầy trả lời: “Di sản lớn nhất Sư Ông để lại là tăng thân. Sư Ông có một giấc mơ đại đồng, giấc mơ về hạnh phúc cho muôn loài và giấc mơ về sự giác ngộ tập thể.”
Con đã hiểu được sứ mệnh của con, sứ mệnh được tổ tiên trao truyền, sứ mệnh được Sư Ông đánh thức. Lúc đó ở Việt Nam, con thấy chưa có nhiều người hiểu được tầm vóc của Sư Ông và những gia tài tâm linh mà Sư Ông cùng Tăng thân đang gìn giữ cho đất nước. Con quay về Việt Nam và liên tục tổ chức các chuyến đi đến Làng Mai Thái Lan cùng với những người bạn, những doanh nhân đang tìm cầu một con đường để có thể làm đẹp bổn phận của mình. Từ một người muốn chạy trốn khỏi cuộc sống và trách nhiệm công việc, con đã tìm thấy con đường. Đó là con đường tiếp nối Sư Ông xây dựng một giấc mơ đại đồng. Giấc mơ trong đó các doanh nghiệp đều biết thực tập, phụng sự cho đất nước đi lên. Những vướng mắc trong con tự nhiên được cởi trói, những câu hỏi trong con tự được trả lời. Con không còn cần bất cứ lời giải đáp nào nữa.
Những ngày đầu tiên quay lại làm việc sau khi bỏ công ty quá lâu, con gặp vô vàn khó khăn. Câu thư pháp Đã về đã tới của Sư Ông luôn là lời hướng dẫn giúp con thực tập. Để xây dựng một doanh nghiệp với sứ mệnh phụng sự, chúng con phải thay đổi lại toàn bộ nguyên tắc và triết lý kinh doanh của công ty. Điều này gây ảnh hưởng khá lớn tới VNDIRECT. Con đã phải chấp nhận sự ra đi của 70% nhân sự trong vòng hai năm đầu. Con thực tập quan sát để giữ chánh kiến, thực tập lắng nghe sâu để kiên trì giữ truyền thông với từng người và kết nối mọi người lại với nhau. Con nhận ra rằng con đường chúng con thực hiện đang tiếp nhận phước đức cao quý từ tổ tiên và VNDIRECT cũng chính là một tăng thân. Sự nghiệp mà chúng con đang đảm trách thật cao quý. Đó cũng là sự nghiệp của trí tuệ - Wisdom to Success. Mọi người trong VNDIRECT dần thay đổi và thấy được lý tưởng phụng sự đất nước trong mỗi công việc mình làm. Đó là động lực to lớn cho mỗi chúng con đối diện được với mọi khó khăn thách thức, sẵn sàng dấn thân học hỏi và hoàn thiện bản thân, toàn tâm toàn ý với trách nhiệm mình đang được giao phó. Nhờ vậy, chúng con đã đáp ứng được mọi nhu cầu, góp phần kiến tạo và đảm bảo thịnh vượng tài chính cho mọi khách hàng thông qua những phẩm chất của người làm nghề trung thực cũng như thông qua năng lực đồng sự và trí tuệ tập thể.
Với con, mỗi người trong công ty như một người em, người cháu, người con của mình. Và niềm vui của một người lãnh đạo, đúng như Sư Ông dạy, là niềm vui của người làm vườn: liên tục chăm sóc vun bồi, thấy được sự trưởng thành của những cây khác nhau và nếm được hạnh phúc của quá trình đó. Kết quả của mỗi ngày làm việc là la bàn định hướng cho công việc của ngày tiếp theo. Kế hoạch làm việc được tập trung toàn tâm toàn ý ở hiện tại thay vì mong muốn ở tương lai xa xôi. Sự thành công của công ty đến với con cũng rất bất ngờ vì chúng con không cần phải đặt ra kế hoạch kinh doanh tham vọng mà chỉ liên tục nhận diện những điểm cần khắc phục và hoàn thiện ở hiện tại để tạo được một môi trường làm việc có nhiều niềm vui cho những ai có cùng lý tưởng phụng sự. Chúng con thực tập dừng lại khi có lo lắng, an trú ở hiện tại để biết đủ, chế tác được niềm vui từ cả những bài học thất bại hay thành công, và nhận diện được thách thức vướng mắc để chuyển hóa. Tình đồng nghiệp là tài sản của mỗi chúng con trên con đường phụng sự. Đó là thức ăn để chúng con có đủ năng lực làm không biết mệt với tinh thần “Vô sự”.
Từ năm 2016, nhiều khóa tu Doanh nhân hạnh phúc được tổ chức. Rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã đưa thực tập chánh niệm vào công ty và con cũng học được rất nhiều từ những chia sẻ của họ. Trong các khóa tu, mọi người ai cũng rạng ngời hạnh phúc, biết ơn Bụt Tổ, biết ơn Sư Ông và quý thầy, quý sư cô Làng Mai đã mang đến cho doanh nhân sản phẩm của hạnh phúc đích thực.
Bây giờ, mỗi lần cùng quý thầy, quý sư cô tổ chức khóa tu Doanh nhân hạnh phúc, con đều được nếm niềm vui khôn tả khi thấy những người tham gia khóa tu thấy được những điều con đã thấy, hiểu được những điều Sư Ông dạy để chế tác niềm vui, đối diện và chuyển hóa được khổ đau. Tăng thân doanh nhân chúng con mỗi năm lại đón thêm những thành viên mới, có thêm gia đình tăng thân mới và hạt giống giác ngộ đã được lan tỏa ở chính quê hương tâm linh Việt Nam nơi Sư Ông đã luôn hướng về và dành trọn cuộc đời gìn giữ. Con đã có con đường. Con đường cùng tăng thân xây dựng giấc mơ đại đồng, cùng thực tập để hướng tới hạnh phúc và giác ngộ cho tất cả mọi người.