Chăm sóc tăng thân

Thầy Chân Pháp Khâm

Trong cuốn Đường xưa mây trắng, Thầy có dạy: “Kiến hòa đồng giải là trao đổi, chia sẻ những hiểu biết và những kiến thức với nhau, không giấu giếm cho riêng mình để cho mọi người cùng được học hiểu”. Thầy khuyến khích tăng thân chia sẻ cái thấy cho nhau. Thầy đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của tăng thân. Tăng thân đã thỉnh ý Thầy và Thầy cũng đã hội ý với tăng thân khi giải quyết những việc trong chúng. Ban chăm sóc (trước đây gọi là Ban điều hành) được ra đời trong tinh thần Kiến hòa đồng giải. Vào tháng 4 năm 1999, Thầy đã hỏi ý tăng thân phương pháp tổ chức để cho việc tu học và sinh hoạt có thể đem lại nhiều hạnh phúc hơn. Một vài thành viên trong tăng thân xuất sĩ đã góp ý lên Thầy. Thầy đã đưa ra tăng thân xem xét và sau đó chấp thuận thành lập. Bài viết này ghi lại sự ra đời của Ban chăm sóc.

Tăng thân xuất sĩ Làng Mai được thiết lập từ tháng 11 năm 1988, với sự xuất gia của các sư cô Chân Không, Chân Đức và Chân Vị. Đến cuối năm 1991 thì có 3 nam và 9 nữ, cuối năm 1992 thì có 5 nam và 11 nữ, cuối năm 1993 thì có 10 nam và 13 nữ. Số lượng xuất sĩ tăng từ từ, cho đến tháng 4 năm 1999, thì có khoảng 40 nam và 45 nữ đã xuất gia với Thầy. Thầy Nguyện Hải được Thầy bổ nhiệm làm trú trì chùa Pháp Vân, xóm Thượng năm 1996. Sư cô Trung Chính được bổ nhiệm làm trú trì chùa Từ Nghiêm, xóm Mới năm 1996. Sư cô Diệu Nghiêm được bổ nhiệm làm trú trì chùa Cam Lộ, xóm Hạ năm 1998. Khoảng thời gian đó thì Làng Mai đã mở tu viện Rừng Phong cho các thầy và trung tâm Thanh Sơn (Green Mountain Dharma Center) cho các sư cô tại Vermont. Tu viện Rừng Phong do thầy Giác Thanh làm trú trì và trung tâm Thanh Sơn do sư cô Chân Đức làm trú trì.

Lúc đó quý thầy, quý sư cô trú trì điều hành công việc trong chúng, với sự giúp đỡ của các tri phụ trách. Số lượng các thầy, các sư cô không phải người Việt cũng tăng lên nhiều, từ đó có sự khác biệt về cách hiểu biết và ứng xử trong đời sống xuất sĩ tùy theo văn hóa mỗi nơi. Các xuất sĩ gốc Việt đều là Việt kiều sống tại các nước Tây Phương, phần đông là từ Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hòa Lan, Anh (các nước Tây Âu) nên ít nhiều cũng có hai nền văn hóa Việt Nam - Tây phương. Từ đây tăng thân xuất sĩ Làng Mai bắt đầu không phải chỉ có một nền văn hóa và một nếp sống Việt Nam thuần túy. Những vị có kỹ năng đa văn hóa (multi-culture skills) thì có khả năng thích ứng với môi trường tu học tại Làng Mai nhiều hơn.

Tăng thân xóm Thượng mùa hè năm 1998

Tăng thân là một xã hội thu nhỏ. Những khó khăn có mặt ngoài xã hội thì trong tăng thân cũng có. Sự khác biệt là trong môi trường tu học, các thành viên xuất sĩ là người nguyện đi theo con đường giải thoát nên có thể có nhiều cơ hội nhận diện được khó khăn, có phương pháp chuyển hóa sớm và thông suốt hơn là môi trường cư sĩ. Vào khoảng mùa xuân năm 1999, có những bất đồng ý kiến về cách sinh hoạt ở một vài thầy trên xóm Thượng. Không biết là bên quý sư cô có những điều làm Thầy quan tâm hay không. Sau đó, Thầy đã triệu tập một buổi họp ở xóm Mới gồm tất cả xuất sĩ của ba xóm để nhìn vào những vấn đề cần quan tâm này. Thầy đã lắng nghe các thầy, các sư cô trình bày về việc xuất gia cho các vị Tây phương, việc ứng xử của tăng thân khi một vài vị rời chúng, mối liên hệ giữa các thầy, các sư cô lớn với nhau và một vài việc khác nữa. Thầy khuyến khích nói lên tất cả những gì xảy ra trong chúng để cùng quán chiếu chung. Trong buổi họp, Thầy hỏi là tăng thân mong đợi sự hòa hợp như thế nào, theo tỷ lệ phần trăm. Thầy Nguyện Hải nói là khoảng 80%. Thầy mỉm cười và nói như vậy là hơi cao, có được sự hòa hợp khoảng 60% là tốt lắm rồi. Điều đó nói lên một sự thật là có ý kiến khác nhau là chuyện bình thường trong cuộc sống và trong tăng thân. Quan trọng là chấp nhận những ý kiến khác biệt và cùng đi đến một giải pháp tốt nhất có thể.

Sau buổi họp sáng hôm đó, Thầy hỏi ý kiến các thầy, các sư cô lớn về một mô thức tổ chức có thể thích hợp hơn với tăng thân xuất sĩ đang lớn mạnh với nhiều văn hóa và nhiều phương diện. Tối hôm đó, sư chú Pháp Khâm vào phòng thầy Pháp Ấn chơi. Từ khi xuất gia vào tháng 2 năm 1998, sư chú Pháp Khâm cùng với thầy Pháp Hội thường hay vào phòng thầy Pháp Ấn để làm việc liên quan đến máy tính. Cả ba đã giúp thiết kế hệ thống máy tính và mạng lưới Internet cho Làng trong thời gian đó. Cứ đến ngày làm biếng hay giờ rảnh là thấy ba vị làm việc chung với nhau về lĩnh vực này. Thầy Pháp Ấn hỏi sư chú Pháp Khâm có ý kiến gì không? Trước khi xuất gia, sư chú Pháp Khâm đã đến Làng vào năm 1987 và đã giúp tổ chức các chuyến đi hoằng pháp của Thầy tại miền Đông Bắc nước Mỹ từ năm 1989 cho đến năm 1997. Ngoài việc đi làm ngày thường, sư chú lúc đó còn là một nhà hoạt động cộng đồng (community activist) cho nên cũng khá rành trong các mô hình tổ chức.

Sư chú Pháp Khâm nói là có thể tổ chức theo mô hình điều hành thành phố gồm có một thị trưởng (mayor) và một hội đồng nghị viên (council members) đại diện các địa phương. Trong mô hình này thì vị trú trì tương đương với thị trưởng, còn một Ban chăm sóc gồm đại diện các thành viên trong tăng thân trong đó có giáo thọ, tỳ kheo, và sa di. Vị trú trì thì nhiệm kỳ lâu hơn, lúc đó là do Thầy bổ nhiệm. Các thành viên Ban chăm sóc thì nhiệm kỳ là hai năm và do tăng thân bổ nhiệm. Thành viên Ban chăm sóc có thể tham gia nhiều nhiệm kỳ. Cần có đại diện của các thầy và sư chú Tây phương. Thầy Pháp Ấn trình ý kiến đó lên Thầy. Thầy đưa ra hội đồng tỳ kheo xóm Thượng xem xét. Sau vài ngày thảo luận, quý thầy đồng ý với ý kiến đó. Một Ban chăm sóc đầu tiên được thành lập trong đó có thầy Pháp Ứng (giáo thọ), các thầy Pháp Hiền, Pháp Sơn, Pháp Hội cùng các sư chú Pháp Khâm và Pháp Minh. Trong Ban chăm sóc đầu tiên đó, một nửa là gốc Việt (thầy Pháp Ứng, Pháp Hội và sư chú Pháp Khâm) và một nửa là Tây phương (thầy Pháp Hiền, Pháp Sơn và sư chú Pháp Minh).

Mới đầu thì tên tiếng Việt là Ban điều hành, nhưng thầy Pháp Hiền nói tên đó dịch qua tiếng Anh không hay lắm (Executive Council), cho nên mới đề nghị lấy tên là Care Taking Council, dịch là Ban chăm sóc. Hai tên Ban chăm sóc và Ban điều hành được dùng lẫn lộn cho đến năm 2003 thì chính thức đổi qua tên Ban chăm sóc. Lý do là lúc đó xóm Thượng có mở thêm Sơn Hạ. Hai vị lớn là thầy Giác Viên và thầy Thông Tạng được Thầy cử lo tu học ở đó, với sự phụ tá của thầy Ananda (người Pháp gốc Lào) và thầy Pháp Khâm. Thầy Pháp Khâm thấy dùng tên Ban điều hành không ổn vì có hai thầy lớn. Chăm sóc cho hai thầy chớ làm sao mà điều hành hai thầy được. Với lại, có ai mà điều hành được ai, chỉ có chăm sóc thôi. Chăm sóc cho con người và cho cả công việc.

Nền tảng của Ban chăm sóc là nơi các thành viên có thể đóng góp những tài năng của mình cho tăng thân. Ban chăm sóc là sân chơi của tăng thân. Ngoài phương diện tu tập, tăng thân có nhiều người có kỹ năng chuyên môn về nhiều phương diện, ví dụ như làm văn phòng, công nghệ thông tin, nấu ăn, làm vườn, làm báo,… Mùa an cư năm 2013, Làng Mai Thái Lan có tổ chức các lớp kỹ năng cho các thầy, các sư cô trẻ phụ trách về chương trình trẻ em, thiếu niên, và thanh niên (Wake-Up). Sư cô Toại Nghiêm (mẹ của các thầy Pháp Lâm, Pháp Anh và sư cô Lộc Nghiêm) hỏi: Vậy các vị lớn tuổi thì sao, có chương trình gì cho họ không? Sau đó, một lớp đào tạo kỹ năng tổng quát cần thiết cho một khóa tu được mở ra, trong đó những vị phụ trách thiền đường, đội rửa dọn, nấu ăn, làm vườn, chuyển hóa rác… được nói rõ vai trò của họ là có thể hướng dẫn các thiền sinh tu học trong những công việc của mình. Không chỉ vào trong các chương trình trẻ em, thanh thiếu niên hay hướng dẫn pháp đàm mới gọi là hướng dẫn tu học. Ai cũng có kỹ năng và khả năng đóng góp trong việc phụng sự. Ông bà ta có nói “dùng người như dùng gỗ”. Ban chăm sóc cần khám phá và sử dụng các tài năng đó.

Cách vận hành của Ban chăm sóc và mối liên hệ giữa Ban chăm sóc với Hội đồng giáo thọ và các thầy, các sư cô trú trì được nêu rõ trong cuốn Sống chung an lạc. Ban chăm sóc giống như là Hội đồng Bộ trưởng của một nước, trong đó có thủ tướng, các phó thủ tướng và các bộ trưởng. Vị tri sự giống như bộ trưởng bộ lao động, bảo đảm các công việc thường ngày được thực hiện và ai cũng được chia công việc, không để ai đó thất nghiệp. Các bộ thì như là các ban chuyên môn, như là ban tài chánh, ban văn phòng, ban đối ngoại, ban làm visa,… Hội đồng giáo thọ có vai trò chính là hướng dẫn tu học và thực tập. Vị trú trì (hay rộng hơn là văn phòng trú trì vì trong đó có vị phó trú trì và các phụ tá) thì vai trò chính là chăm sóc đời sống tinh thần và chuyện nội bộ của tăng thân, như Thầy đã nói: “Vị trú trì là người mà ai cũng có thể đến với được”. Thầy thường ví vai trò của vị trú trì như là vai trò của Nữ Hoàng Anh, không điều hành đất nước (đó là việc của thủ tướng) nhưng rất được dân chúng thương yêu và tin cậy. Các vị giáo thọ có thể tham gia vào các ban chuyên môn để giúp cho tăng thân và cũng để có cơ hội gần gũi và đào tạo thế hệ trẻ hơn. Ba bộ phận trên nếu làm việc với những vai trò và trách nhiệm rõ ràng, tương trợ lẫn nhau trong tinh thần hòa hợp thì việc tu học và sinh hoạt trong tăng thân sẽ rất suôn sẻ.

Mô hình về mối liên hệ giữa Ban chăm sóc, Hội đồng giáo thọ và Văn phòng trú trì được mô tả dưới đây. Hội đồng tỳ kheo tương tự như quốc hội, đưa ra những chính sách và dự án chung cho tăng thân. Ban chăm sóc là do Hội đồng tỳ kheo bổ nhiệm và được ủy quyền để thực hiện những công việc mà Hội đồng tỳ kheo giao phó. Có một khuynh hướng cho rằng trong Ban chăm sóc có những vị còn trẻ, được đề cử vào Ban chăm sóc để được đào tạo, từ đó có yêu cầu là những gì Ban chăm sóc quyết định phải được Hội đồng giáo thọ hay Hội đồng tỳ kheo chấp thuận. Điều này là không cần thiết vì tạo thêm nhiều công việc cho Hội đồng giáo thọ và Hội đồng tỳ kheo và lấy đi thẩm quyền quyết định của Ban chăm sóc. Những gì cần phải có quyết định chung của Hội đồng tỳ kheo thì đã được nêu rõ. Ban chăm sóc được ủy quyền làm những công việc mà không cần phải có sự chấp thuận một lần nữa của Hội đồng tỳ kheo, vì đã được chấp thuận trong những buổi họp tỳ kheo trước rồi. Quan trọng là Hội đồng tỳ kheo phải bổ nhiệm người có trách nhiệm và có kỹ năng vào những vị trí đó. Trong Ban chăm sóc đã có đại diện của các vị giáo thọ, tỳ kheo và sa di rồi. Theo nguyên tắc là Ban chăm sóc biết rõ những gì cần phải làm, biết cần tham vấn những ai cho công việc được giao phó.

Thầy có nhắc đến vai trò của các thầy, các sư cô lớn trong tăng thân qua sự có mặt của Hội đồng trưởng lão, kết hợp truyền thống thâm niên với truyền thống dân chủ. Thành viên của Hội đồng trưởng lão thường là các vị giáo thọ lớn trong trú xứ đó. Hội đồng trưởng lão có vai trò cố vấn và giúp giải quyết những việc cần đến uy đức của tăng thân, như Bụt đã dạy trong Bảy phương pháp diệt trừ tranh chấpBảy phương pháp bất thoái. Những khi có việc cần giải quyết lập tức mà không thể triệu tập buổi họp của Hội đồng tỳ kheo ngay được, đại diện của Hội đồng trưởng lão, vị trú trì, đại diện của Ban chăm sóc có thể hội ý với nhau để đưa ra quyết định. Có một lần vào ngày quán niệm thứ Năm tại xóm Thượng, hôm đó trời đẹp nên Ban chăm sóc xóm Thượng đề nghị cho ăn picnic. Thầy không biết gì về quyết định đó vì không thấy xin phép, cho nên Thầy yêu cầu phải ăn trong thiền đường như mọi khi. Trong trường hợp này Ban chăm sóc có thể làm hay hơn. Thời khóa ngày quán niệm là của chung ba xóm Làng Mai đã quy định. Có muốn thay đổi cho ngày hôm đó thì cần phải hội ý giữa các vị giáo thọ lớn, thầy trú trì và Ban chăm sóc. Có đồng ý đổi thì mới vào xin phép Thầy. Thầy đồng ý thì mới được đổi. Ban chăm sóc được ủy quyền tổ chức ngày quán niệm chớ không được ủy quyền thay đổi thời khóa.

Tinh thần kiến hòa đồng giải đã tạo ra những niềm cảm hứng, phát sinh những chương trình tu học và sinh hoạt phong phú cho tăng thân. Những chương trình như Nông trại hạnh phúc (Happy Farm), phong trào Người trẻ (Wake-Up)… được thành lập cũng có sự đóng góp của các thành viên trong tăng thân. Việc thành lập Ban chăm sóc chỉ là một trong những đóng góp đó thôi. Cơ hội đóng góp cho những sáng tạo có rất nhiều trong đời sống tăng thân.