Nơi hẹn về là chốn an vui

Sư cô Chân Tuệ Nghiêm

Em thương của chị,

Ngày chị đến Làng, cách đây 30 năm, em mới lên một tuổi. Em sẽ không tưởng tượng được Làng Mai lúc đó ra sao và cũng không hình dung được chị là một cô gái 22 tuổi, phải không em? Em sẽ hỏi lý do vì sao chị đến Làng trong thời điểm dân chúng Làng Mai rất ít và nhà cửa rất đơn sơ. Cái gì đã khiến chị chọn Làng Mai làm nơi nương tựa và sống đời xuất sĩ. Ba mươi năm thật dài nhưng cũng trôi qua thật nhanh!

Lần đầu chị đến Làng Mai, lúc đó còn gọi là Làng Hồng, vào khoá tu mùa Hè năm 1992. Làng tổ chức ăn mừng 10 tuổi. Ấn tượng đầu tiên của chị là được trở về quê hương Việt Nam. Lớn lên ở Mỹ từ năm 10 tuổi nhưng chị luôn thấy mình không thực sự hòa nhập được vào môi trường và xã hội ở đó. Mình không thể được công nhận là người Mỹ vì mái tóc đen và nước da vàng của mình. Đến Làng năm ấy, chị đã làm quen với những người trẻ Việt Nam lớn lên từ nhiều nước Tây phương. Có thể ai cũng có tâm trạng như chị, vì vậy khi đến với nhau, ai cũng thấy được chấp nhận hoàn toàn con người của mình. Ai cũng mở lòng để yểm trợ, nâng đỡ và thương yêu nhau. Không khí của Làng, cũng như những bài pháp thoại của Sư Ông và sự hiện diện của các thầy, các sư cô đã tạo nên một môi trường thật hiền lành, thật trong sáng, đầy bình an, yên ổn và thương yêu. Trong một tuần thôi, chị và những người trẻ đã trở thành bạn rất thân. Tình thương và tình bạn đó nuôi dưỡng chị rất nhiều suốt 30 năm qua. Đây là quê hương đích thực của chị vì ở đây có tình thương, có tình người, có sự chấp nhận, có niềm vui, có sự an toàn, có giáo pháp giúp chị ôm ấp khó khăn và sống hiền lành.

Sư Ông thích người trẻ mặc áo dài, dù đó là con gái hay con trai. Mỗi tuần, trong các buổi sinh hoạt, mình có nhiều cơ hội mặc áo dài: khi đi nghe pháp thoại Sư Ông giảng bằng tiếng Việt, hay trong buổi thiền trà và trong những buổi lễ. Lần đầu tiên trong đời chị mặc áo dài thường xuyên như vậy đó em. Sau giờ cơm trưa và chiều, các bạn trẻ xúm lại với nhau để ca hát dưới hai cây sồi ở xóm Hạ, bên cạnh khóm trúc. Mỗi ngày chị được nuôi lớn bằng tiếng ca, bằng những lời nhạc thiền và những tiếng cười giòn tan trong tình thương bè bạn. Sau một tháng chị trở về Mỹ với rất nhiều niềm vui và một trái tim ấm áp khi biết rằng mình đã có con đường đẹp và lành. Lại có thêm những người bạn rất dễ thương, hiền lành từ Âu châu, Mỹ châu cùng đi với mình.

Chị quyết định trở lại Làng sống một năm vì đây là thời gian để chị khám phá cuộc đời sau khi tốt nghiệp đại học và trước khi tiếp tục việc học của mình. Chị về Làng trước khóa tu mùa Đông. Sự khác biệt giữa mùa hè và mùa đông quá rõ ràng. Lần này chỉ có khoảng 15 thầy và sư cô cùng một vài cư sĩ. Chị là người trẻ duy nhất ở xóm Hạ. Không khí lạnh lẽo, mưa ẩm ướt, bùn lầy. Không có những người bạn bao quanh, không tivi, phim ảnh, không internet, không bận rộn để trốn tránh đối diện con người của mình. Chị đã đi qua giai đoạn này rất nhọc nhằn. Những khó khăn trong lòng, những khổ đau xưa đã có đủ điều kiện và không gian để biểu hiện. Không còn cách nào khác, chị phải tìm cách xoa dịu những khó khăn và khổ đau đó. May quá, những lời dạy của Sư Ông, tình thương của quý sư cô cũng như của người anh ruột là thầy Pháp Đăng đã giúp chị có đủ dũng cảm để trở về ôm ấp và nhìn vào tâm mình.

Một yếu tố giúp chị rất nhiều chính là thiên nhiên, là đất Mẹ. Cả ngày, ngoài giờ ngủ nghỉ, ăn, hoặc ngồi thiền, chị đã sống ngoài thiên nhiên với cây cối, trời đất. Thiên nhiên trở thành người bạn giúp chị có đủ niềm vui, đủ sức mạnh để đối diện với những khổ đau trong lòng.

Lúc đó, Làng còn nghèo lắm. Nhà cửa đơn sơ, nghèo nàn. Chị ngủ trong căn nhà mà trước đó là nơi người ta phơi thuốc lá. Căn nhà này có vách tường gạch đỏ và sàn bằng xi măng. Giường ngủ cũng chỉ là một tấm ván kê trên bốn tấm gạch đỏ. Giữa đêm lạnh buốt mà muốn đi vệ sinh thì phải đi ra ngoài trời mới đến được nhà vệ sinh. Không có nước nóng ở những vòi rửa mặt. Có nước nóng để tắm đã là một sự nhiệm mầu và hạnh phúc lắm rồi. Em tưởng tượng đi, một điều chị luôn luôn trân quý và biết ơn là những căn phòng này có máy sưởi trung ương (central heating). Có những căn nhà khác chỉ dùng lò đốt củi thôi. Giữa đêm mà củi đốt hết thì căn phòng lạnh như ngoài trời vậy.

Quý sư cô: Định Nghiêm, Tuệ Nghiêm và Giải Nghiêm

Tuy chỉ mười mấy thầy và sư cô thôi nhưng không khí như một gia đình ấm cúng. Ngày nào cũng có tiếng hát, tiếng ngâm thơ, tiếng cười. Trước khi thiền hành, đại chúng hát với nhau. Đôi khi sau bữa ăn cũng ngồi lại để uống ly trà thơm, ca hát, ngâm thơ, kể chuyện. Mỗi thời khóa của chúng, ai cũng có mặt. Tuy Làng nghèo và thiếu đủ điều nhưng rất giàu tình thương, tình huynh đệ, tình bạn. Chị được nuôi dưỡng mỗi ngày trong không khí bình an, thương yêu, trong cái đẹp và lành của đời sống tâm linh. Trái tim chị mở ra rất nhiều. Chị trân quý mỗi ngày, trân quý mọi cơ hội trở về nếp sống đơn giản, lành mạnh mà nhờ đó chị có nhiều thì giờ để làm mới tự thân. Nếp sống này đã làm cho chị thấy rất mãn nguyện, giống như đã thực hiện được một ước mơ gì đó trong mình.

Sau một năm ở Làng, chị trở về Mỹ. Trở về nhà như là đi xuống núi để vào cuộc đời nhiều phiền phức và rắc rối. Lần này, rất khác, chị đã đi vào cuộc đời với đôi mắt sáng để thấy những gì trước kia mình không thấy hoặc đã coi đó là chuyện thường. Điều đầu tiên chị thấy là ai cũng lo làm để có nhiều tiền. Hình như đó là cách đi tìm hạnh phúc của mọi người. Sự tiêu thụ tạo ra nhiều rác thải trên đất Mẹ mà ít ai lưu tâm. Điều thứ hai, chị thấy rằng ai cũng có những khó khăn và khổ đau nhưng không biết cách xử lý mà chỉ tìm cách chạy trốn để quên lãng, rồi từ đó làm khổ chính mình và những người mình thương. Chị cũng thấy các anh chị của chị khổ đau rất nhiều trong liên hệ vợ chồng và con cái, trong khi người anh xuất gia của chị lại có nhiều niềm vui và giúp nhiều người khác hạnh phúc. Nếp sống đơn giản và sâu sắc của một xuất sĩ ở Làng Mai trở thành hướng đi, là con đường chị chọn lựa. Đó là những nguyên do mà chị đã quyết định trở về Làng Mai và xin trở thành một người xuất sĩ.

Ba mươi năm trôi qua là một quãng đường dài. Nhìn lại, môi trường ở Làng đã có nhiều thay đổi và chị cũng đã đi qua nhiều giai đoạn trong lòng. Chị nhớ trước khi bước vào đời sống tâm linh, chị cũng có những lo sợ. Liệu chị có hạnh phúc suốt đời và đi trọn con đường này không? Tuy vậy, khi nhìn vào anh của chị và Sư Ông - những người đang bước đi vững chãi, có hạnh phúc và giúp được bao người bớt khổ - chị vững niềm tin để bước vào đời sống của một xuất sĩ trẻ. Có những thăng trầm đến trong cuộc đời tu của chị. Những lúc như vậy giúp chị thấy rằng: mình đi tu cũng vì muốn hiểu được gốc gác của những khó khăn trong mình và chuyển hóa chúng. Có những lúc chị thấy mình hơi yếu trước những liên hệ tình cảm. Chị đã tranh đấu với nội tâm rất nhiều và chị xác định rất rõ rằng chị đi tu là để được tự do khỏi những tình cảm vướng bận, để nuôi lớn tình thương của Bụt trong mình. Dần dần chị thấy được mục đích cao cả của đời sống xuất gia là chuyển hóa khổ đau, đi đến vùng ánh sáng của hạnh phúc và tự do, trở thành pháp khí để giúp nhiều người thấy con đường đẹp và lành. Nhìn lại, chị thấy những khó khăn đó là chất liệu củng cố và nuôi lớn tâm ban đầu, giúp chị tiếp xúc được không gian trong lòng và hiểu sâu hơn về chính mình.

Khó khăn có đó, nhưng đồng thời niềm vui, hạnh phúc và bình an luôn có mặt. Chị đã được nuôi lớn mỗi ngày bằng những chất liệu lành mạnh của những bài thiền ca, những bài thơ, những bài thi kệ, thiên nhiên, tiếng cười và tình huynh đệ. Chị đâu cần gì nữa. Chị đã có những gì mình ước mơ cho cuộc đời mình rồi. Chị đâu phải chạy quanh để tìm hạnh phúc nữa. Hạnh phúc, bình an là chất liệu chị có thể tiếp xúc và nếm được mỗi ngày. Dần dần những khó khăn xưa kia của chị được chuyển hóa khi nào không hay.

Càng sống lâu trong tăng thân, chị càng thấy mình được lột xác. Càng thực tập, chị càng thấy những nhiệm mầu biểu hiện xung quanh và bên trong mình, cũng như hiểu được những điều mà xưa nay chỉ hiểu trên lý thuyết. Mẹ qua đời là điều đánh động sâu sắc nhất trong cuộc đời chị. Mẹ chị đã bị bệnh sáu năm trước khi qua đời. Thân thể mẹ càng ngày càng yếu và hết khả năng hoạt động bình thường. Khi mẹ qua đời, tuy rằng chị biết đã đến lúc mẹ phải bỏ cái thân già bệnh đó và mẹ đang tiếp nối trong các con, các cháu nhưng chị vẫn cảm thấy trống vắng, mất mát và buồn nhớ vô cùng. Chị sẽ không còn thấy hình dáng của mẹ, nghe tiếng nói của mẹ, ôm mẹ, và chạm đến thân thể mẹ. Khi mới tới Làng, chị được dạy rằng chỉ khi nào ôm ấp được cảm giác buồn nhớ và mất mát này thì mới có thể hiểu, làm lắng dịu và chuyển hóa được. Những bài học đó đã trở thành tiếng chuông chánh niệm cho chị trở về và nhận ra rằng: mẹ đang có mặt trong mình. Chị đã chạm được vào mẹ. Mẹ đang có mặt. Mẹ luôn luôn có mặt. Mình là sự tiếp nối của mẹ qua những đức hạnh và tập khí của mình. Chỉ cần trở về với hơi thở, với thân tâm, với giây phút hiện tại để thấy mẹ trong mình. Đây là một sự thật, sự thật tương tức, mẹ và con là một. Con là sự tiếp nối của mẹ.

Khi chạm được sự thật này, niềm buồn nhớ, cảm giác mất mát đã dần dần chuyển hóa. Mỗi khi bất an, chị trở về với thân thể và hơi thở, thầm gọi “Mẹ ơi mẹ” thì mẹ có mặt ngay để thương yêu và giúp chị đối diện với những tâm hành bất an đó. Chị thấy chị tu cho chị, mà đồng thời cũng tu cho mẹ. Thấy được mẹ con tương tức là cửa ngõ để chị có thể đi tới cái thấy tương tức giữa mình và mọi người, giữa mình và vũ trụ.

Em à, nếu mình nếm được tuệ giác vô ngã và tương tức nơi thân tâm mình thì mình có thể nếm được hạnh phúc và tự do lớn ngay bây giờ và ở đây. Đây chính là con đường của một người xuất sĩ đó em.