Sư Cô Chân Thuần Khánh

Tôi đến xóm Hạ vào một ngày cuối thu năm 2000. Xe dừng trước một căn nhà đá thấp mà sau này tôi biết đó là cư xá Mây Tím. Một sư cô dáng người nhỏ nhắn mặc đồ nâu, đeo tạp dề nâu và chít khăn nâu, ra đón hai chị em tôi trước cửa. Thầy Pháp Độ, giúp lái xe, nói: “Sư chị, sư em mới của sư chị nè”.

Đó là sư cô Bảo Nghiêm. Sư cô mỉm cười, mắt nheo nheo rồi nói với thầy Pháp Độ một cách vui vẻ: “Cám ơn sư em nhé”.

Thế là tôi đi vào nhà với sư cô, em tôi thì lên xóm Thượng với thầy. Tôi ở lại xóm Hạ từ đó. Xóm Hạ trở thành một nơi quay về, là quê hương thứ hai của tôi.

Về tới rồi hả con!

Một tuần sau, chị tôi, sư cô Tuệ Nghiêm, từ tu viện Thanh Sơn ở Mỹ về tới, và đưa tôi lên chào Sư Ông trong ngày quán niệm ở xóm Mới. Sư Ông ngồi trên một phiến đá cạnh khóm tre ngay trước Phật đường. Một vị Hòa thượng sao lại có thể ngồi bệt trên đá, sát nền đất vậy nhỉ? Ý nghĩ kia chỉ thoáng qua trong đầu tôi, rồi thay vào đó là một cảm giác quen thuộc và an tâm lạ lùng. Sư chị Tuệ Nghiêm chưa kịp thưa gì thì Sư Ông đã lên tiếng: “Về tới rồi hả con!”

Trong giây phút đầu tiên, tôi tưởng Sư Ông hỏi sư chị, nhưng đâu đó trong tâm thức đang bị khuấy động, tôi biết rằng câu hỏi đó dành cho tôi, dành cho một người mà Sư Ông chưa biết là ai: “Về tới rồi hả con!” Thực sự đó không phải là câu hỏi. Đó là lời chào đón ấm áp, đơn giản, thường nhật và rất gia đình của ôn nội, của ba, của mạ, lúc tôi đi học hay đi chơi đâu đó về. Tôi chắp tay đứng đó, nhìn Sư Ông chăm chú, không trả lời, cũng không kịp nhớ thưa thỉnh Sư Ông bất cứ điều gì. Mọi ý niệm trong đầu rụng rơi đâu mất, y như những tán cây cao lớn chẳng còn một chiếc lá nào xung quanh. Bỗng nhiên, tôi sụp lạy xuống chân Sư Ông, đầu chạm xuống nền cỏ xanh và còn kịp nhìn thấy tia mắt lấp lánh cười. Năng lượng bình an như bao trùm lấy khoảng không gian có tôi trong đó. Tay trái vẫn đặt nhẹ trên đầu gối, Sư Ông đưa tay phải nâng tôi dậy, xoa đầu tôi. Bỗng dưng tôi muốn khóc quá chừng, tâm tưởng dạt dào một niềm xúc động khó tả. Tôi không hề biết đó là cái gì và tại sao tôi lại bị chấn động sâu xa như thế. Sư Ông hỏi han, tôi trả lời, sư chị Tuệ Nghiêm cũng ngồi xuống bên cạnh và góp vào câu chuyện. Vậy nhưng tôi vẫn thấy thật mơ hồ, như bơi trong một giấc mơ đẹp đẽ và không thật nào đó mà tôi cảm thấy thích thú, vui tươi, an lành. Giấc mơ đó dường như đã lặp đi lặp lại nhiều lần với sự bí ẩn của những hàng cây cao lớn rụng hết lá một cách kỳ lạ, với những ngôi nhà đá thấp như ẩn chứa bí mật dưới lòng đất, với những tháp canh tròn mái nhọn có thể xuất hiện một bà phù thủy hay một cô tiên bất cứ lúc nào.

Người làm sách

Buổi chiều sau ngày quán niệm, tôi và em tôi - thầy Trung Hải, được Sư Ông dẫn đi tham quan Sơn Cốc. “Thầy làm hướng dẫn viên du lịch cho con”, Sư Ông nói với chúng tôi như vậy. Những hành lang hẹp dài, những căn phòng cũ kỹ với dáng vẻ rất xưa, những kệ sách cao lên tận trần nhà, bàn ghế và tủ giường y như là được mang ra từ một câu chuyện cổ tích nào đó. Tất cả những thứ ấy làm cho tôi thích thú lắm, giống như tôi đang đứng tại một thời điểm nào đó và chạm tay vào những khoảnh khắc của quá khứ. Sư Ông dẫn hai chị em tôi đến một căn phòng nhỏ, xung quanh còn nhiều trang sách, và vài cuốn sách để mở, nhiều quyển chưa đóng bìa và gáy. Trên bàn có một cái máy đóng sách, Sư Ông nói vậy. Rồi Sư Ông giới thiệu cách thức Sư Ông tự đóng sách, gáy và bìa sách như thế nào. Tôi yêu sách và thích ngửi mùi giấy. Vậy nên đứng trong căn phòng nhỏ hẹp chứa đầy sách và giấy, với sự có mặt thâm sâu, khoáng đạt và thú vị của người làm sách, tôi cảm thấy như có cái gì đó vượt lên trên những điều tầm thường nhỏ nhặt. Tôi không thể giải thích được cảm giác đó là gì, chỉ cảm thấy như cuộc sống xung quanh đẹp đẽ, ý nghĩa hơn lên. Mọi thứ sáng lên, sự vật như lên tiếng nói riêng của chúng và mỉm cười với tôi. Giới thiệu xong, Sư Ông lấy cuốn Nẻo vào thiền họcTuyển tập thơ đưa cho chúng tôi và nói: “Đây là quà cho các con, tự tay thầy đóng cuốn sách này đó con”. Mắt mở lớn và lòng tràn đầy niềm vui, hai tay tôi nhận lấy sách mà mắt vẫn như dán chặt vào Sư Ông. Sư Ông mỉm cười nhìn tôi trong dáng vẻ đó, và quay lưng ra cửa, tiếp tục dẫn chúng tôi khám phá những ngõ ngách khác của tòa nhà cũ kỹ mà lạ lùng, trước khi đưa chúng tôi ra thăm rừng trúc và con suối có tên Phương Khê.

Đón về những đứa con

Phương Khê là suối thơm. Có một con suối đơn giản hiền hòa chảy ngang Sơn Cốc. Bên bờ suối Sư Ông đã trồng trúc từ bao giờ tôi không rõ, chỉ biết Sư Ông gọi đó là rừng trúc. Tôi nhớ đến một đoạn thư ngày xưa Sư Ông đã viết cho các học trò đang làm việc tại Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Tôi cảm thấy đó như là những gì thâm sâu nhất mà Sư Ông muốn xây dựng cho cộng đồng:

“Các em tìm cho ra một nơi có đất tốt, cây xanh, có đá, có nước. Tôi mê những thứ đó. Cây, đá và nước là những thứ đẹp nhất: những thứ đó chữa lành thương tích của chúng ta. Và các em hãy cho tôi một lô đất trong làng ấy nhé. Tôi sẽ làm nhà, và xung quanh tôi sẽ trồng rau và rất nhiều rau thơm: ngò, tía tô, kinh giới, bạc hà, tần ô, lá lốt, thì là, vân vân. Khi em đến chơi thế nào tôi cũng đãi em một bát canh có rau thơm rắc lên trên mặt bát. Mỗi năm, ta có ít nhất một tháng tĩnh tu tại làng, không hoạt động gì hết. Cả ngày ta đối diện với đá, với nước, với cây; cả ngày ta đối diện với chính ta. Trồng rau, tỉa đậu, chơi với các cháu nhà bên, ta tìm lại ta, chữa lành thương tích, trang bị thương yêu để sẵn sàng trở lại môi trường phụng sự… Chúng ta hãy nhìn lại nhau để biết thương nhau hơn.”
Trả về cho non sông, thư viết ngày 18.07.1974

Đối với tôi, Sơn Cốc, Phương Khê trở nên thánh địa từ đó. Sau này trở về lại Làng, thân tâm mang đầy thương tích sau thời gian ở Bát Nhã, tôi đã lạy xuống nền cỏ xanh giữa lòng Phương Khê, dập đầu xuống đất để biết chắc là mình đã được an lành trong sự bình an, thánh thiện của thánh địa, để được ôm ấp và chữa lành.

Hôm đó là buổi sáng. Thầy dẫn tôi và sư chị Tịnh Hằng thiền hành quanh Sơn Cốc, rồi thầy trò cùng ngồi trên những mô đá thấp trong rừng trúc cạnh bờ suối. Đó là thời gian tôi bắt đầu gọi được tiếng Thầy, sau rất nhiều lần Sư Ông dạy tôi rằng Người muốn tôi gọi Người là Thầy. Thầy trò không nói gì nhiều, tiếng suối đổ như reo vui, như an lành, như đón về những đứa con lang thang mệt mỏi. Ngồi như thế dưới chân Thầy bên bờ suối, trong rừng trúc, tôi thấy mình ngồi dưới chân ngọn hùng phong cổ xưa hùng vĩ. Thầy chính là ngọn hùng phong đó, gọi về trong tôi sự khoảng khoát bao la của chính mình.

Hãy đến cùng tôi dưới chân hùng phong không tên gọi
Ngồi trên những tảng đá xanh không tuổi
Lặng nhìn thời gian se từng sợi tơ óng ánh
Dệt thành bức lụa không gian

Uyên nguyên, thơ Thầy

Sau này mỗi lần về Sơn Cốc, tôi vẫn nghe tiếng gọi của con suối thân thương ngọt ngào mà hùng tráng trong tâm can. Có vài sư em hỏi tôi rằng sao con suối nhỏ xíu và có gì đặc biệt đâu mà có tên là Phương Khê? Tôi mỉm cười không biết trả lời ra sao. Sư em nói chính xác về mặt hiện tượng. Những lúc đó, thế nào trong tâm thức tôi cũng hiện lên ngọn hùng phong đỉnh vươn cao vút giữa trời mây, và hiện lên hình ảnh Thầy, ngọn hùng phong của cuộc đời tôi, với nụ cười bình thản và bước chân an nhiên bên bờ suối, trong rừng trúc. Phương Khê là con suối thơm lành đẹp đẽ, cái thơm lành đẹp đẽ của tâm thức được trở về, được chở che. Con suối chảy quanh co dưới chân ngọn hùng phong đó, sư em có thấy không? Con suối này cũng đẹp đẽ không thua gì những con suối rộng lớn chảy dưới chân dãy núi Alps hùng vĩ.

Có những ngày xuất sĩ ở Sơn Cốc, các sư em thường muốn tổ chức sao cho năng động, có sinh khí mới hạnh phúc, mới vui. Tôi thì chỉ cần bước chân vào Sơn Cốc, chạm bước chân đầu tiên vào thánh địa, chắp tay xá Thầy, ngay từ khi đứng ở cổng vào, như ngày xưa tôi dập đầu lạy xuống thánh địa, là đã thấy hạnh phúc rồi. Tôi ưa đi thăm mọi ngõ ngách của Sơn Cốc, đi ngang con đường nhỏ quanh co trong rừng trúc mà Thầy thiền hành mỗi ngày, ngang qua những mô đá nhỏ bên bờ suối, chỗ treo võng Thầy thường dừng lại nằm chơi, cây hoa đào mà Thầy đã dẫn tôi ra thăm dạo nọ,… Đất Sơn Cốc không rộng như đất các xóm, nhưng hễ bước chân vào Sơn Cốc, lọt thỏm giữa lòng Phương Khê, là y như rằng tôi thấy nó thật rộng lớn và an toàn. Tôi thấy như bốn phía của Sơn Cốc được bảo vệ bởi một thứ quyền năng nào đó mà tôi hay bất kì vị xuất sĩ nào khi tiếp xúc được sẽ được bảo hộ trên con đường tâm linh của mình. Tôi vẫn thường tự chế giễu mình vì có vẻ đó là những ý tưởng “trên mây”. Nhưng chưa bao giờ bước vào Sơn Cốc mà tôi không cảm thấy và tiếp nhận được nguồn năng lượng bảo hộ đó, chưa bao giờ ngồi nơi một góc nào bên bờ suối mà không cảm thấy mình được trở về ngồi dưới chân ngọn hùng phong kia và bỗng nhiên bao nhiêu não phiền đều tan biến hết. Ngồi giữa lòng Phương Khê rồi thì tôi được trở về giản đơn với cái tôi nguyên sơ, lành lặn. Có một năm tôi bị bệnh và đang ở Huế, sư em Pháp Nguyện đi Việt Nam nên Thầy đã gửi về cho tôi một tấm thư pháp có chữ Phương Khê.

Trên tảng đá xanh không tuổi

Sáng hôm đó, ngồi trong rừng trúc, Thầy dang hai cánh tay ra hai bên ôm lấy chúng tôi như an ủi vỗ về. Tiếng suối vẫn róc rách, bình thản. Chợt Thầy nhìn xuống tà áo nhật bình của tôi và hỏi: “Con có cái áo nào mới và đẹp hơn cái áo này không con?” Tôi giật mình, không hiểu Thầy muốn nói gì. Hôm đó, tôi mặc chiếc áo nhật bình cũ mà tôi thích, nơi vạt áo chỗ đầu gối, không biết vì một “tai nạn” vấp ngã nào đó mà bị rách và được vá lại với hình mấy ngôi sao. Tôi chưa kịp trả lời thì Thầy đã dạy: “Thầy muốn con của Thầy ăn mặc thật đẹp. Thầy đủ sức nuôi con và cho con chiếc áo đẹp mà, phải không con?” Tôi cúi đầu dạ nhỏ và không dám nói gì thêm, nhưng tâm can xúc động mãnh liệt trước tình thương của Thầy. Thầy ơi, Thầy cho con cả cuộc đời tâm linh, Thầy đã sinh con ra thêm một lần trong cuộc sống xuất gia sáng đẹp này, Thầy cho con nhiều hơn như vậy nhiều lắm! Kể từ đó, không bao giờ lên Sơn Cốc gặp Thầy mà tôi còn mặc áo cũ nữa. Tôi cũng để ý để ăn mặc đàng hoàng tươm tất cả trong những ngày quán niệm. Vì nếu có gặp, Thầy sẽ vui khi thấy con của Thầy được mặc áo mới.

Thầy, trong tôi, mãi mãi vẫn là ngọn hùng phong không tuổi cho tôi nương tựa, hướng về. Hễ lắng lòng thì sư em sẽ nghe thấy tiếng hải triều vẫn trầm hùng vang vọng. Ngọn hùng phong vẫn muôn đời còn đó, uy nghiêm, che chở, hùng anh.

Một buổi mai
Thức dậy
Dưới chân ngọn hùng phong
Đầu ngẩng lên đỉnh non cao vút
Mây trắng từng cụm thong dong
Nụ cười nở trên tảng rêu ngàn năm tuổi
Ấm áp
Đến vô cùng
Thơm một cõi Phương Khê.

Có mặt với Phương Khê, tôi sẽ chẳng bao giờ cần phải lớn lên. Ở Phương Khê có nắng, có mưa, có cây, có suối, có đá, có Thầy và có cả rừng áo nâu. Phương Khê đang cất giữ bao nhiêu là kỷ niệm tình thầy trò, bao nhiêu là niềm thương, tiếng cười, tâm nguyện. Phương Khê còn cất giữ những bước chân tự do và hơi thở an lành của Thầy để trao tặng và gửi gắm gia tài cho các con. Tôi biết Thầy ở đâu thì Phương Khê ở đó, tôi ở đâu thì Phương Khê ở đó, sư em ở đâu thì Phương Khê ở đó. Những lúc ở xa Phương Khê về mặt địa lý, tôi cũng đã nuôi Phương Khê như vậy trong lòng.