Vị thầy thuyết pháp bằng sự tĩnh lặng

Tâm Tuệ Viên

Nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã từng nói: “Trong âm nhạc có những dấu lặng, tức dấu nghỉ không có âm thanh, nếu không có những dấu lặng đó thì là một tai họa. Âm nhạc mà không có khoảng cách im lặng thì chẳng qua đó là một sự rối loạn mà thôi”. Giống như vậy, trong một mối quan hệ, chia sẻ bằng lời nói không phải lúc nào cũng là điều hay. Nhiều khi, ngồi tĩnh lặng bên nhau mới quý. Và tôi tin rằng những người có thể ngồi tĩnh lặng bên nhau mới đích thị là tri kỷ của nhau.

Tháng 9 năm 2018, tôi tham gia một khóa tu học tại Làng Mai Thái Lan do Thiền sư Thích Nhất Hạnh lập ra. Trong khóa tu học đó, ngoài những giờ yên lặng ngồi thiền, chúng tôi còn thực tập ăn cơm trong yên lặng, thiền hành trong yên lặng, nghe giảng pháp trong yên lặng. Cứ 15 phút, chuông đồng hồ lại điểm ba tiếng. Khi nghe chuông, ai đang đi thì dừng đi, ai đang nói thì dừng nói, ai đang ăn thì dừng ăn, ai đang rửa bát thì dừng rửa bát. Tiếng chuông nhắc nhở mọi người dừng lại, lặng yên quan sát hơi thở của chính mình. Ngoài ra, từ chín giờ tối đến khoảng bảy giờ sáng ngày hôm sau là thời khóa “Im lặng hùng tráng”. Tất cả mọi người ở Làng giữ yên lặng hoàn toàn, trường hợp thật cần thiết phải nói thành lời thì nói rất khẽ và ngắn để không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

Ngày thứ năm của khóa tu là một kỷ niệm không thể nào quên đối với tôi khi được diện kiến Thiền sư. Hôm đó thời tiết rất đẹp, sức khỏe của Thiền sư cũng tốt lên sau một thời gian dài tĩnh dưỡng trong tịnh thất riêng. Vậy nên, các vị thị giả đưa Thiền sư ra ngoài, đi thiền hành và dùng bữa sáng tại khu nhà ăn cùng với quý thầy, quý sư cô và toàn thể đại chúng. Lần đầu tiên được diện kiến Thiền sư, nhiều người trong đoàn bật khóc vì xúc động. Với ánh mắt sáng, trong và định tĩnh, Thiền sư chăm chú nhìn từng người rồi giơ cánh tay còn khỏe lên xá chào đại chúng rất trang nghiêm. Thiền sư giữ sự trang nghiêm như vậy từ khi Người xuất hiện cho đến khi Người rời đi. Pháp thân tĩnh lặng của Người chính là bài pháp không lời tuyệt diệu dành cho tôi và những ai có mặt ở Làng ngày hôm đó.

Khu nhà ăn của Làng được thiết kế rất thoáng, không có tường ngăn cách với thiên nhiên. Như mọi ngày, chúng tôi xếp hàng ngay ngắn đi lấy đồ ăn rồi tìm một chỗ ngồi cho mình, chờ khai chuông để bắt đầu thọ nhận bữa sáng. Chỉ khác là sáng nay có sự hiện diện của Thiền sư. Tôi không nghe được bất cứ một tiếng động bát, đũa, thìa hay tiếng nhai thức ăn nào, tất cả đều im phăng phắc. Mọi người đặt toàn tâm toàn ý vào từng cử động của mình, dù rất nhỏ. Tôi nghe thấy tiếng xào xạc của gió đùa trên lá, tôi nghe tâm mình thỉnh thoảng lại trồi lên ý muốn rời mắt ra khỏi bát cơm trước mặt để ngước nhìn về phía Thiền sư. Một sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối của không gian giúp tôi có thể nhận diện rất rõ các ý phát khởi trong tâm mình.

Trong sự tĩnh lặng ấy, chú chó vàng của Làng, vốn rất hiền lành và thân thiện, đột nhiên xuất hiện, cất tiếng sủa rú rít, chạy tới chạy lui ngay phía trước mặt Thiền sư. Tôi đã rất bất ngờ và ngỡ sẽ có quý thầy, quý sư cô nào đó nhắc chú chó đừng sủa nữa, hoặc có thể xua chú chó ra khỏi khu nhà ăn để không phá hỏng cái không gian tĩnh lặng tuyệt vời đó. Nhưng không! Không một ai phản ứng lại với tiếng sủa khó chịu đó, tất cả đều yên lặng, tuyệt đối yên lặng. Chỉ có tâm tôi là dậy sóng thôi!

Sau khoảng 30 vòng chạy đi chạy lại liên tục như vậy, chú chó vàng không sủa nữa, chú ngoan ngoãn tiến tới phủ phục trước mặt Thiền sư. Và tôi lại ngỡ ngàng thêm một lần nữa, khi lần đầu tiên nhận ra rằng sự tĩnh lặng ẩn chứa trong đó một sức mạnh vô cùng lớn lao và hùng tráng. Sự quỳ phục của chú chó vàng trước mặt vị Thiền sư tĩnh lặng là minh chứng cho điều đó.

Sau này tôi mới biết, tôi đã may mắn nhường nào khi được diện kiến Thiền sư ngày hôm đó vì đã từ rất lâu, Thiền sư không ra khỏi tịnh thất. Tôi cũng đồng cảm hơn với hành xử của chú chó. Quá phấn khích khi đã lâu lắm rồi mới được diện kiến và đảnh lễ Thiền sư nên đã “vui sướng” đến như vậy.

Ngày cuối cùng ở Làng, chúng tôi - những người đến từ nhiều nơi khác nhau, nói những thứ ngôn ngữ khác nhau, người trẻ người già - đều chia tay nhau trong hân hoan và an lạc. Tất cả đều tươi mát hơn ngày đầu tiên đến Làng. Tôi cũng vậy.

Tôi đã suy ngẫm rất nhiều về những thay đổi ngoạn mục nơi tôi. Tôi nhận ra rằng chính môi trường tĩnh lặng và việc thực tập im lặng là cứu cánh tạo nên những khoảng lặng của tâm, giúp tôi biết dừng lại để quay về với chính mình, yên lặng bên chính mình và hiểu hơn về chính mình.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vì bạo bệnh nên không thể thuyết pháp bằng lời trong bảy năm cuối đời, nhưng Người đã thuyết pháp bằng chính pháp thân trang nghiêm và nội tâm tĩnh lặng của Người. Những bài pháp không lời ấy đã thu phục mọi người, mọi loài. Đó chính là sự hùng tráng cao tột, đến vô cùng.

Lễ Tâm Tang của Thiền sư Thích Nhất Hạnh diễn ra trong im lặng. Nhưng lễ tang ấy đã tạo nên tiếng vang hùng tráng chấn động cả năm châu, thức tỉnh mọi người dừng lại để quay về với chính mình và trở thành tri kỷ của chính mình.