Thầy mỉm cười thích thú
Sư cô Chân Định Nghiêm
Đi xem tuồng Tề thiên đại thánh
Bạch Thầy,
Con nhớ những chuyến đi hoằng pháp ở Trung Quốc vào những năm 1995, 1999, 2000 và 2002 đã mang đến cho Thầy thật nhiều niềm vui và hạnh phúc. Thầy từng nói với chúng con rằng xưa kia, các Tổ đã từ Trung Hoa đi sang Việt Nam hoằng hóa rất nhiều, kinh điển, sách Phật hầu hết bằng tiếng Hán. Hôm nay, Thầy trở lại Trung Quốc giảng dạy là để đền ơn chư Tổ. Phẩm vật cúng dường mà Thầy dâng lên chư Tổ là nhiều bộ sách của Thầy đã được dịch ra tiếng Hoa.
Chuyến đi nào chương trình cũng dày đặc, nào là những khóa tu, nào là những ngày quán niệm dành cho xuất sĩ cũng như cư sĩ. Trong chuyến đi 2002, có một lần sau ngày sinh hoạt, thầy trò mình lên xe đi về. Con và sư em Pháp Niệm làm thị giả nên sư em con ngồi cạnh Thầy, còn con thì ngồi sau lưng Thầy. Phía sau con là sư em Pháp Hải. Sư em con thông thạo tiếng Hoa nên lúc nào cũng có bao nhiêu là chuyện để kể cho các chị em, chuyện chốn chùa chiền cũng như chuyện thế giới bên ngoài. Chiều hôm đó, sư em rủ mấy chị em con đi xem tuồng hát Tề thiên đại thánh đang được diễn tại nhà hát lớn của Bắc Kinh. Các chị em đang thầm thì bàn tán sôi nổi thì bỗng nhiên Thầy xoay qua phía con và lên tiếng thật to: “Định Nghiêm, sao con không mời Thầy đi xem hát với tụi con?” Con sửng sốt và nghĩ trong lòng: “Ủa, Thầy mà cũng đi xem hát sao?” Con còn đang ngạc nhiên và chưa kịp phản ứng thì Thầy lặp lại câu hỏi thêm một lần nữa. Con bèn nhanh nhẩu chắp tay thưa: “Bạch Thầy, tụi con thỉnh Thầy đi xem Tề thiên đại thánh với tụi con.”
Thầy mỉm cười thích thú.
Trong lòng con và sư em Pháp Hải trào dâng một niềm vui khó tả. Không những đã không bị la vì đã dám bàn tính đến chuyện đi xem hát mà lại còn được Thầy hưởng ứng và cùng đi chung nữa chứ. Còn gì vui bằng khi có Thầy cùng tham dự cuộc vui với mình? Nhưng cuối cùng thì thầy trò đều đi về nghỉ ngơi để chuẩn bị cho một ngày dài kế tiếp chứ đâu có đi xem hát gì đâu! Ấy vậy mà cả thầy lẫn trò tràn đầy hạnh phúc, thỏa mãn không khác gì như vừa mới đi xem hát về.
Mở vườn ươm cây
Bạch Thầy, hiếm lắm Thầy mới có mặt ở Làng vào mùa thu, vì đó là mùa của những chuyến đi dài qua Bắc Mỹ hoặc các nước Đông Nam Á. Nhưng mùa thu năm ấy Thầy lại ở nhà với chúng con và đó là một mùa thu đặc biệt nhất, thú vị nhất cho tất cả chúng con.
Thầy có thật nhiều thì giờ để dẫn chúng con đi thiền hành dưới những hàng bạch dương lá vàng óng ánh ở xóm Hạ. Thầy thường ghé chơi ở xóm Mới và dẫn chúng con leo đồi mận, khi cả đồi thơm sực nức mùi mận chín. Thường thì mình không hái mận mà để cho mận chín tới rồi tự rụng xuống đất. Lúc bấy giờ trái mận mới thật ngọt và mọng nước. Nhưng trong số chúng con có những chị em lại thích ăn mận giòn. Thế là Thầy tự cắt một chai nhựa, cột vào một khúc tre khô. Đây là dụng cụ vô cùng tiện lợi và hữu hiệu Thầy sáng chế ra để khoèo những trái mận giòn.
Tại xóm Thượng, Thầy thích nhất đi thiền hành giữa những hàng sồi lá đỏ rực mà nhìn xa con cứ ngỡ là rừng hoa. Ở Sơn Cốc, từng chậu hoa, từng cụm cây đều hạnh phúc vì được Thầy chăm chút mỗi ngày. Cuối thu ở Pháp là mùa cúc, Thầy đang đợi những chậu cúc đại đóa thật to, thật tròn màu hỏa hoàng, hoặc những bông cúc thanh cảnh với những cánh hoa thon thả, cong vào cong ra như những bàn tay Bồ tát đang bắt ấn.
Sáng hôm đó ngoài vườn Sơn Cốc, Thầy đi gom hết lại những bụi cúc tàn của năm ngoái, còn con thì đi thu thập lại hết những cái chậu cây cũ bằng nhựa. Dưới sự hướng dẫn của Thầy, con bỏ đất vào chậu, chuẩn bị sẵn sàng cho Thầy chiết cúc vào đó. Ngồi trên chiếc ghế trắng bằng sắt dưới cây linden, Thầy thong thả làm công việc với tất cả sự bình an và thích thú. Chậu nào làm xong, Thầy chuyền qua con, để con lại rải thêm một lớp mỏng phân bón. Cuối cùng, hai thầy trò sẽ mở ống nước để tưới hết tất cả các chậu một lần.
Không khác gì lúc còn bé trong vườn nhà, con chỉ chú ý đến hai bàn tay mình đang vọc đất với tất cả sự thích thú. Thỉnh thoảng con ngước lên nhìn xem tay Thầy đang làm gì. Thì ra những tia nắng yếu ớt còn sót lại trong năm đang tìm cách len lỏi qua tán lá để chạm nhẹ vào hai bàn tay Thầy, chúng cũng muốn được phụ Thầy một tay! Thỉnh thoảng, vài chiếc lá chín rơi nhẹ lên đôi vai Thầy như muốn gây sự chú ý: “Thưa Thầy, có con đây, Thầy cho con chơi với!” Những chiếc lá chậm rãi nhảy xuống chân Thầy rồi đáp xuống nền đất để tạo thành một lớp thảm mỏng màu vàng nhạt. Trong vài ngày hay một tuần nữa, tấm thảm vàng sẽ dày hơn và êm hơn cho bước chân thiền hành của Thầy. Ngoài kia, những cây thông Thầy trồng năm xưa nay đã thật cao, thật mạnh mẽ, vẫn giữ chiếc áo xanh tươi của chúng. Sơn Cốc vào mùa thu đủ màu đủ sắc, và năm nay - Thầy ở nhà - đất, trời, cây cỏ, tất cả đều hớn hở, đua nhau khoe những vẻ đẹp đặc sắc nhất của mình để Thầy mặc tình thưởng thức.
Không đủ chậu để Thầy chiết tiếp, con phải về lại xóm Mới gom thêm chậu cho Thầy. Cuối cùng, chiều hôm đó, xung quanh hai thầy trò chỉ toàn là chậu với chậu, hơn cả trăm chậu. Bỗng nhiên con hình dung những nhánh cúc con này trong khoảng hai tháng nữa sẽ cứng cáp và mạnh khỏe để cho ra đời bao nhiêu là bông hoa thật to, thật tròn. Cao hứng, con thưa Thầy: “Bạch Thầy, nếu thầy trò mình thành công với những chậu hoa này, mình có thể mở được một tiệm bán cây con!”
Thầy mỉm cười thích thú.
Ngay trong khoảnh khắc ấy, con cảm thấy vui quá, giống y như thầy trò mình vừa mới khai trương được một tiệm bán cây con!
Con hướng dẫn khóa tu, Thầy đi theo chơi
Đó là vào năm 2006. Sau khóa tu mùa Hè, các chị em xóm Hạ và xóm Mới chúng con tổ chức đi chơi núi Pyrénées chung với nhau. Ban ngày, chúng con leo núi và rong chơi với thiên nhiên. Về đêm, con ngủ chung lều với sư em Anh Nghiêm ngay kế con suối bắt nguồn từ một thác nước. Đến ngày về, chúng con vẫn còn quyến luyến cảnh núi rừng nên trên đường, xe van chúng con đã dừng lại tại một ngôi làng nhỏ tên là Gavarny. Chị em chúng con đi thiền hành vào hướng núi khoảng một hay hai cây số chi đó. Ban đầu, chúng con chỉ nghe tiếng gió và tiếng chim hót, nhưng càng đi, chúng con nghe từ xa vọng lại tiếng nước càng lúc càng rõ hơn.
Rồi bất chợt, chúng con dừng lại sửng sốt trước một dãy núi thẳng đứng hình vòng cung bao quanh chúng con. Cả nhóm chúng con không ai nói gì với ai, chỉ đứng lặng người thật lâu để chiêm ngưỡng cảnh tượng trước mắt. Từ những sườn núi, có cả mấy trăm con thác đang đổ xuống ào ạt. Có những dòng thác to và dày, bắn nước tung tóe; nhưng cũng có những dòng rất mỏng và thanh tao như những chùm tơ thật dài, lơ lửng giữa không gian, nửa chừng bị gió thổi cong nhẹ sang một bên. Ô hay, lại có những con thác đang đổ xuống từ mây! Thì ra là phía trên, ngọn núi cao quá, đã bị che khuất bởi sương và mây. Nếu ai đó muốn đếm xem tổng cộng có bao nhiêu con thác trước mặt thì cũng không tài nào mà đếm được. Mấy trăm thác nước, mỗi thác mỗi vẻ, không thác nào giống thác nào. Tuy vậy, tất cả đều liên tục đổ về một hướng, hòa vào nhau để tạo nên một bản hòa tấu vang rền không bao giờ gián đoạn. Sau khi đứng yên lặng ngắm một hồi lâu, chúng con lên tiếng gọi nhau ra về. Nhưng dù đứng cách nhau một sải tay, và có lấy hết sức bình sinh để hét thật to thì cũng không ai nghe thấy, ngay cả mình cũng không nghe được tiếng hét của chính mình. Ôi, chưa bao giờ chúng con thấy mình nhỏ bé đến thế, trong không gian và trong thế giới của âm thanh.
Về đến Làng, vừa gặp lại Thầy, con kể liền cho Thầy nghe về cảnh đẹp hùng vĩ chưa từng thấy trên đời. Thầy phải thấy cảnh đẹp này! Con muốn đưa Thầy đến đó. Con suy nghĩ cách nào để có thể đưa Thầy đi. Chắc chắn Thầy sẽ không bao giờ muốn đi du lịch. Tịnh độ của Thầy là Sơn Cốc, là thất Ngồi Yên, là xóm Hạ, xóm Mới… Nếu có đi thì Thầy chỉ đi khóa tu mà thôi. Thầy thường nói Thầy không còn nhiều thì giờ nữa, vì thế Thầy chỉ nhận lời đi dạy những khóa tu lớn cho ngàn người. Tổ chức một khóa tu tại Gavarny, một ngôi làng nhỏ như vậy trong nước Pháp thì chỉ có đủ chỗ cho 100 người là cùng. Con chợt nảy ra một cao kiến: “Bạch Thầy, con sẽ đi hướng dẫn một khóa tu tại Gavarny. Con mời Thầy đi theo con. Thầy chỉ đi theo chơi thôi mà không cần phải làm gì hết, con sẽ làm hết cho Thầy, Thầy chỉ cần ghé xem những thác nước tuyệt vời đó thôi”.
Thầy mỉm cười thích thú.
Còn con thì cảm thấy mãn nguyện khi đã tìm ra phương cách để đưa Thầy đi xem cảnh đẹp.