Sư cô Chân Hoa Nghiêm
Làng của những năm 1980, 1990 như một cái làng ở thôn quê, vẫn còn đơn sơ lắm! Làng khi đó rất ít người, đời sống đơn giản. Phòng chúng tôi chỉ có một cái bàn và một giường ngủ. Giường là một miếng ván được kê trên bốn miếng gạch vậy thôi. Ngày xuất gia, tôi được sư chị Đoan Nghiêm tặng bộ vạt hò màu nâu đã nhạt màu. Sư cô Viên Quang cho tôi một cái áo, sư chị Chân Vị cho tôi một cái quần, tôi chỉ có hai bộ thôi. Sư Ông cho tôi một cái áo nhật bình lam. Tôi thích chiếc áo nhật bình đó lắm.
Lúc đó, tuổi của tôi chỉ bằng nửa số tuổi bây giờ. Một bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, rất năng động, việc gì cũng muốn làm. Tôi xung phong làm vườn, vì chúng tôi ăn uống đạm bạc, tự trồng rau mà ăn. Từ khi sinh ra và lớn lên tôi đều sống ở thành phố, nên việc làm vườn đối với tôi thật là mới mẻ. Tôi theo sư chị Chân Vị để học cách làm vườn. Tôi hăng say cuốc đất, trồng rau, gieo hạt. Đôi khi mê làm vườn quá nên bỏ giờ công phu chiều, chúng tôi bị sư cô Thanh Lương rầy: “Vào đây để đi tu chứ có phải đi làm việc đâu”. Chúng tôi liền đi sám hối với sư cô, vì sư cô là vị chúng trưởng của chúng tôi thời bấy giờ.
Khi những hạt bí, hạt cà nảy mầm non, tôi say mê nhìn chúng lên cao mỗi ngày. Ngày làm biếng sư chị Bảo Nghiêm gọi tôi dậy lúc 6 giờ sáng, rồi chúng tôi cùng sư chị Chân Vị ra vườn bắt những con limace. Limace giống như những con ốc sên, chúng rất mê ăn những cây bí non, cây bầu non, rau non. Chỉ cần chúng gặm nhấm một buổi sáng là thân cây non sẽ bị đứt ngang. Như vậy là uổng công gieo hạt và tưới tẩm trong suốt hai tháng mùa xuân. Mỗi lần bắt đầy một lon thì chị Chân Vị nhìn tôi cười nói: “Hoa Nghiêm, chị em mình đem chúng đi vùng kinh tế mới”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Vùng kinh tế mới là ở đâu vậy sư chị?” Sư chị cười ha hả: “Là đem chúng vô rừng bỏ. Ở đó chúng đâu có gì để ăn, chỉ ăn cỏ thôi”. Thì ra là vậy. Tôi nghĩ tuy rằng chúng sẽ ăn cỏ nhưng chúng không bị giết. Có nhiều người làm vườn đã mua thuốc về xịt trên những cây non và rau xanh, chúng không biết, ăn vào và nứt bụng mà chết. Thầy thường nói với chúng tôi rằng, mình cũng có thể chia cho chúng ăn phân nửa, mình ăn phân nửa chứ đừng giết chúng tội nghiệp. Lòng từ bi đã dạy chúng tôi thương tất cả mọi loài chúng sanh.
Khi Thầy không đi hướng dẫn khóa tu bên Mỹ, chúng tôi hạnh phúc lắm. Thời gian đó, Thầy thường xuống xóm Hạ và dạy chúng tôi những oai nghi của người xuất sĩ. Khi quét nhà thì không được đưa chổi lên cao vì nó sẽ văng bụi, khi ăn thì đầu phải thẳng không được cúi xuống,… Thầy dạy chúng tôi làm thơ nữa. Chị Tịnh Thủy và sư chú Vô Ngại là người học nhanh nhất. Thầy vừa mới dạy xong thì hai vị đã có thơ nộp liền. Mỗi lần Thầy về xóm Hạ là chúng tôi vui như mở hội. Nói sao cho hết những kỷ niệm đẹp! Tất cả những điều đó đã nuôi dưỡng bồ đề tâm của tôi cho đến ngày hôm nay.
Vào khóa tu mùa Hè, thiền sinh đến tu học thật đông. Ngày xưa, xóm Hạ dành cho thiền sinh Việt Nam. Khóa tu mùa Hè đầu tiên tham dự với tư cách là một sư cô, tôi có bổn phận giúp sư cô Chân Không chăm sóc về thiền trà. Tôi phải lấy danh sách thiền sinh để làm thư mời, rồi chuẩn bị ly trà và kiêm luôn trà giả. Tôi làm như vậy suốt cả khóa tu. Bên cạnh đó, tôi còn giúp chị Tịnh Thủy bán quán sách, rồi vào đội nấu ăn với Thanh Tuyền (bây giờ là sư cô Hương Nghiêm). Khi mới vào tu, làm sao tôi biết nấu ăn cho số lượng người đông như vậy. Lúc đó, mỗi tuần có sáu, bảy chục người, có khi lên đến cả trăm thiền sinh. Trước khóa tu mùa Hè, sư cô Thanh Lương đã huấn luyện chúng tôi một khóa nấu ăn. Nồi nào nấu cơm cho 50 đến 100 người. Chuẩn bị bao nhiêu dao, bao nhiêu thớt cho thiền sinh cắt gọt. Tôi và Thanh Tuyền bàn với nhau, cứ mỗi tuần mình nấu lại y chang món đó, vì mỗi tuần thì thiền sinh khác nhau, đâu ai biết! Chỉ có các sư chị là kêu trời. Sư chị Chân Vị nói: “Lần nào mà đến hai đứa nấu thì y như rằng bổn cũ soạn lại. Các em không thấy ngán hả?” Tôi nhủ thầm trong bụng, mỗi tuần ăn có một lần mà ngán chi không biết? Tôi không còn nhớ món gì nữa, nhưng tôi chỉ nhớ món mà tôi rất thích là cháo đậu đen chan với nước cốt dừa và muối rang đậu phộng. Đó là món tôi nấu mỗi tuần cho buổi ăn chiều.
Có tuần người Việt về rất đông, Thanh Tuyền xếp các bác vào phòng tôi. Tôi chia phòng cùng với bảy bác gái. Lúc đó, tôi thấy vui lắm. Ở chung phòng, nên tôi được nghe các bác tâm sự về chuyện gia đình, con cái. Tôi thấy mình may mắn quá vì đã đi tu, nếu không thì cũng sẽ khổ như các bác đây, chẳng khác gì.
Khu rừng của xóm Hạ có một cái hồ dài, nước trong veo. Cây trong rừng rất đẹp với những nhánh nương nhau, như tăng thân chúng tôi vậy. Sau khóa tu mùa Hè chúng tôi có mười ngày làm biếng. Những ngày này, tôi thường đeo một cái túi nhỏ, trong đó có một miếng bánh mì, một trái chuối, một bình nước nóng rồi đi vào rừng. Tôi tìm một khoảng đất trống trải tọa cụ, ngồi thiền rồi ăn trưa. Sau đó, tôi đánh một giấc ngủ thật dài cho đến khi chiều xuống thì tôi thu dọn đi về lại xóm. Thời sadini của tôi ngày xưa thật trong sáng, thánh thiện, chỉ biết tu thôi, chẳng biết gì.
Ngày xưa ở Làng, chúng tôi chỉ tiếp xúc với thiền sinh. Thiền sinh lại chỉ lo tu học theo thời khóa, rất ít nói chuyện về xã hội bên ngoài. Những tin tức về thế giới, chính trị, bạo động,… chưa từng xuất hiện một lần trong trí não của tôi, chứ đừng nói rằng tôi đã tưởng tượng hay nghĩ về chúng. Mỗi tháng chúng tôi được phát tiền túi đủ để mua những thứ cá nhân căn bản, như một cuốn tập để ghi chép lời Thầy dạy, sang lắm thì một hộp bánh LU khi mình thèm ăn bánh ngọt. Hai từ “cúng dường” thật xa lạ và mới mẻ đối với tôi. Tôi nhớ mình chỉ nhận được duy nhất một lần tiền cúng dường sau bao nhiêu năm ở Làng, khoảng năm mười đô gì đó. Tôi luôn tự nói: Mình đi tu đâu phải để tìm sự cúng dường. Thầy có dạy trong một khóa tu xuất sĩ rằng mục đích của người tu không phải là cơm áo, cũng không phải đi tìm vật chất tiện nghi. Thực tập của Làng Mai là để có hạnh phúc.
Ngày xưa, khi thế giới chưa có hệ thống internet, chưa có Iphone, Ipad, computer, sự truyền thông còn giới hạn, nên con người ít sợ hãi. Còn thời đại bây giờ, càng văn minh, sự truyền thông được mở rộng, thì con người càng thích gom góp những thông tin. Nhưng những thông tin này đa số đem đến cho chúng ta nhiều lo âu, phiền não và sợ hãi. Đời sống luôn bận rộn không một chút bình yên.
Nhớ hôm nào, chúng tôi ăn mừng Làng Mai hai mươi tuổi. Năm ấy, chúng tôi đã lớn hơn và đã nhận truyền đăng. Lúc đó, chúng tôi như những con chim non tập bay ra khỏi tổ ấm của mình. Thầy giao phó nhiệm vụ đi xây dựng các trung tâm tu học Làng Mai, từ Âu, Mỹ rồi sang Á. Làng Mai bây giờ đã bốn mươi tuổi, chúng tôi cũng đã đến thời trung niên. Những hiện tượng sinh diệt, đổi thay là thế giới tích môn. Cũng đã đến lúc mình phải chuẩn bị cho mình một chốn để đi về, tôi luôn tự nhắc mình như thế. Như sư em Chỉ Nghiêm của tôi đã đi trước tôi rồi. Sáng nay, sau bao nhiêu ngày chống chọi với căn bệnh ung thư, giờ phút này sư em đã thực sự vẫy tay chào đại chúng trong tiếng niệm Bụt. Điều kiện đã mãn trong kiếp này, để rồi khi nhân duyên hội tụ sư em sẽ biểu hiện ở một đời sống mới đẹp hơn. Khi tu viện Lộc Uyển mới thành lập, sư em đã nghe theo lời chỉ dạy của Thầy đi về đó để cùng với quý sư cô khác xây dựng Lộc Uyển. Khi Bích Nham mới thành lập, sư em cũng tình nguyện về Bích Nham để cùng giúp xây dựng tăng thân. Sư em đã không phụ lòng Thầy Tổ. Giờ phút cuối sư em đã ra đi thanh thản. Tối qua khi chúng tôi làm lễ tẩy tịnh, Ôn Minh Tuấn đem một cây quạt màu vàng sậm, trên quạt có hình vẽ vòng tròn, trong vòng tròn là bút pháp của Thầy: “Con hãy mỉm cười đi để bước qua bờ bên kia”.
Trên con đường đến thiền đường Đại Đồng, tôi thấy tăng xá của quý thầy đã lên đèn màu rất đẹp. Mùa Giáng sinh đang về, các sư em đang treo đèn đón mừng, không khí sinh động như chưa từng hiện hữu một tang lễ vừa mới xảy ra mấy ngày trước đây. Bóng thời gian!
Mới hôm qua đây, tôi còn thấy Thầy đang ngồi trên bục giảng pháp. Mới hôm qua đây, tôi thấy mình đang giúp Thầy bón phân cho cây cúc đại đóa. Mới hôm qua đây, tôi thấy mình cùng với phái đoàn đi từng bước chánh niệm sau lưng Thầy lên đỉnh núi Linh Thứu… Bây giờ tất cả như là giấc mộng đẹp. Tôi phải chấp nhận sự đổi thay để thấy có những cái không bao giờ thay đổi. Đó là tình thầy trò, là tình huynh đệ, là bồ đề tâm. Những điều này sẽ sống mãi trong lòng tôi, kiếp này cho đến mãi những kiếp về sau.