Sư cô Chân Thao Nghiêm
Sư em thương,
Chị xa Làng đã hai năm rồi, mau quá! Bao nhiêu chuyện đã xảy ra cho cả thế giới và cả đại chúng, cho chị và cho em. Đôi khi trong những giấc mơ hoặc khi ngồi kể chuyện cho nhau nghe, bao nhiêu kỉ niệm trong chị lại trở về. Chị em mình mà, rất dễ bị cuốn đi bởi những câu chuyện. Chuyện này nối tiếp chuyện kia thành những giai thoại trong đó có Thầy, có huynh đệ và có những ngày vui.
Những con đường thiền hành
Xa Làng, chị thường nhớ và thường mơ về những lối mòn mình đã đi. Đi quá nhiều lần và dần dần nó trở thành những lối mòn cả trong tâm thức. Những lối nào chị đi với ý thức sâu sắc thì nó “mòn” hơn, ăn sâu hơn và khi nghĩ về chị có cảm giác thân thương hơn. Đó là những con đường mình thường đi qua trong ngày, nhất là những con đường thiền hành.
Những con đường thiền hành của ba xóm ở Làng sao đẹp quá! Không biết bao nhiêu lần bước đi trên những con đường đó mà sao lần nào chị cũng thấy đẹp. Con đường quanh hồ sen hình trăng khuyết hay con đường nằm giữa những hàng mận hướng lên ngọn đồi của xóm Mới. Con đường xuyên qua Thánh đường Bạch Dương, dẫn vào cánh rừng nơi có hồ nước của xóm Hạ. Con đường đi xuống dốc, qua rừng sồi xuống đồi Bụt của xóm Thượng, và không thể không kể tới con đường thông huyền thoại mà Thầy thường nhắc đến. Còn nhiều con đường nữa, đẹp lắm! Đẹp trong khi mình dạo chơi một mình ở xóm, càng đẹp hơn khi chị em mình cùng được thiền hành với tăng thân. Hình ảnh đại chúng lặng lẽ, bình yên đi với nhau thật sống động, thân thương. Những ngày sắp rời Làng, mỗi lần thiền hành trên những nẻo đường ấy, chị đều có ý thức rất rõ. Chị đi cẩn trọng, gởi lòng biết ơn của mình đến con đường. Đôi lúc chị chạm vào một gốc mận hay một gốc thông để cảm nhận cũng như gửi một lời chào.
Rồi trên chặng đường tiếp theo, sẽ có những lối mòn thân thương mới, nơi ta có những trải nghiệm mới, nơi sẽ mãi ở lại trong lòng ta.
Phật đường
Xóm Mới có một nơi linh thiêng mà chị rất nhớ, đó là Phật đường. Mình thường gọi là thiền đường tím vì thảm trải nền có màu tím, màu đặc trưng của xóm Mới do Thầy chọn. Màu tím tượng trưng cho quốc độ của đức Bồ tát Quán Thế Âm. Ngày chị tới Làng, việc đầu tiên là tới lạy Bụt ở Phật đường. Bước vào, phát hiện ra nền nhà được lót bằng thảm màu tím, tím đậm đấy. Khoảng chính giữa có tượng Bụt màu hồng nhạt ngồi trong vòm đá thật tự nhiên, đẹp và bình yên. Thầy có viết hai câu đối cho Phật đường mà khi đọc lên sẽ cảm nhận được liền nơi mình đang đứng:
Trên đài sen trắng Như Lai hiện Giữa rừng tre tím Quán Âm ngồi
Bước vào Phật đường, chị luôn có cảm giác mình được trang nghiêm và là chính mình. Cách bố trí trong Phật đường lúc nào cũng ngăn nắp và đẹp. Chị thích những bức tranh vẽ hoa mai, những bức thư pháp và thích cả chùm đèn tròn ngay chính giữa nữa. Phật đường trang nghiêm, lại trải thảm nên mọi người được nhắc nhở kỹ là không được ăn uống, không làm ồn,… để giữ nơi đó được sạch và yên.
Hồi trước, có một bộ xương người bằng plastic được đặt ở góc Phật đường để đại chúng quán chiếu. Có lần nó cũng được dùng làm ví dụ thế ngồi thiền cho đại chúng thấy rõ. Mỗi lần đi thực tập lạy sám pháp địa xúc một mình mà thấy bộ xương đó hoặc khi lạy xuống mà biết nó đứng đằng sau thì: Ôi sao mà sợ thế! Sau này, khi bộ xương bị hư hỏng, xộc xệch, chân một đường, tay một nẻo, rớt tùm lum thì mình đã “tiễn nó lên đường”.
Ngày xóm Mới bị lụt, nước tràn vào cả Phật đường làm ướt tấm thảm, không thể cứu chữa được nên mình phải buông bỏ. Gắn bó biết bao nhiêu năm trời nên ai cũng tiếc và nhớ tấm thảm tím đó. May sao mình đã tìm được tấm thảm nhựa màu tím khác để lót sàn nhà nên màu đặc trưng của Phật đường vẫn được giữ lại.
Chị thích nhất là hình ảnh mọi người thực tập ở Phật đường. Lâu lâu có công việc, không đi công phu với đại chúng được, khi đi ngang qua nhìn vào thấy đại chúng đang ngồi tụng kinh trong đó, đẹp và hùng hậu quá, ai mà không được đánh động. Sáng sớm và sau giờ ngồi thiền tối, các sư chị, sư em thường vào Phật đường để thực tập cá nhân. Hình ảnh đó đẹp lắm! Đôi khi chị không phải là người đang ngồi đó tâm tình với Bụt, lạy xuống tiếp xúc với đất Mẹ hay kinh hành thong thả, nhưng đứng nhìn thôi chị cũng được hưởng lây năng lượng của sự bình an. Tự nhiên lòng chị cũng có sự buông bỏ và hạnh phúc.
Sơn Cốc
Nhà của Thầy. Tự nhiên thôi, Sơn Cốc trở nên thiêng liêng. Đó là nơi dành riêng cho chúng xuất sĩ và khi đến đấy, lúc nào mình cũng cảm thấy ấm cúng.
Ai cũng thích mùa An cư kiết đông để mỗi tuần đều có ngày xuất sĩ ở Sơn Cốc. Những năm trước đó đại chúng còn vắng người lắm, ngồi lọt gọn trong thiền đường nhỏ trên lầu. Thầy thường ví thiền đường đó như bụng của hoàng hậu Maya, có bao nhiêu người cũng chứa hết. Ngày xuất sĩ, ai vào thiền đường trước thì được… ngồi sau, ai tới sau thì bị ngồi lên đằng trước, ngồi thật sít sao mới đủ chỗ. Ngày nào Thầy cũng nhắc nhở: Đi vào trong, đừng ngồi chận đường. Trong thiền đường có mấy cái cửa sổ nhỏ xíu, thường thì có mở hé hé để cho có không khí. Ai ngồi gần đó thì bị lạnh, còn lại mọi người trong thiền đường đều nóng đỏ mặt. Trong thiền đường có hệ thống sưởi, tối hôm trước Thầy đã bật lên để sưởi ấm sẵn cho các sư con ngày mai đến.
Sau đó vài năm đại chúng đông hơn nên phải chuyển xuống ngồi ở hai phòng phía dưới. Thầy ngồi ở phòng trong nên ở ngoài phải có một máy chiếu mới thấy Thầy. Nhiều khi anh chị em bận bàn tán khi Thầy hỏi về đề tài nào đó sôi nổi quá mà quên im lặng để nghe tiếp nên lâu lâu Thầy hỏi: nhóm “nhà lá” ngoài đó có nghe không?
Những bài pháp thoại ngày xuất sĩ thường rất gần gũi và thực tế với những gì đang diễn ra trong chúng. Ai cũng ngồi nghe chăm chú và có cảm giác là Thầy đang dạy riêng cho mình. Có những vấn đề trong chúng được nêu lên để Thầy chia sẻ tuệ giác của Thầy trong cách giải quyết các vấn đề đó. Mọi người thường hỏi nhau: làm sao mà Thầy biết vậy?
Sơn Cốc nhỏ nhưng cũng đủ chỗ cho Thầy dẫn đại chúng thiền hành một vòng quanh vườn, đi men theo suối Phương Khê đến hàng bạch dương và vòng về hướng có ba cây thông. Những ngày này Thầy trò thường ngồi quanh bếp lửa ngoài trời, quý thầy lúc nào cũng mang theo đàn và hát những bài thiền ca. Thầy thích ngồi chơi nghe các sư con hát, nhìn cảnh các sư con chơi với nhau rộn rã tiếng cười. Các chị em nhỏ tụi mình hồi đó ít ngồi chơi ở bếp lửa mà núp lui núp tới gần bụi tre, thưởng thức mấy món bữa lỡ, hoặc chạy nhảy chơi trò chơi.
Giờ cơm trưa là vui nhất. Hàng khất thực dài thật dài vì chỉ có hai bàn thôi, đại chúng nếu ai không có công việc gì thì đều tranh thủ đứng xếp hàng trước. Tới đúng giờ ăn là mọi người đều hàng lối ngay ngắn, không thể rời hàng vì sẽ mất chỗ ngay. Nếu đội nấu ăn đem cơm tới, nhờ người đi thỉnh chuông thì ai cũng nhường nhau, không ai chịu đi mới khổ chứ! Bao nhiêu là câu chuyện vui xoay quanh bàn khất thực ở Sơn Cốc. Có những ngày mưa không có đủ chỗ ngồi ăn, đại chúng khất thực và ngồi ăn trong nhà thì ôi thôi là chật chội. Vậy mà ai cũng hạnh phúc và hứng thú với những ngày xuất sĩ mới hay chứ.
Trong những khóa tu lớn, tới Sơn Cốc là dịp thầy trò có mặt cho nhau, sạc lại năng lượng và thắp lại ý thức mình là một người may mắn đang có nhiều cơ hội để thực tập và giúp người. Thầy luôn có đó như một người cha, quan tâm tới từng đứa con, không ai là không nhận được. Chị, em và các anh chị em khác đều mang theo trong mình tình thương ấy tới giờ đó thôi.
Thiền đường “Tình Thầy”
Dãy nhà đó đã có mặt từ khi Thầy có Sơn Cốc. Trong bức hình chụp Sơn Cốc từ những ngày đầu mà Thầy treo ở thư viện, mình đã thấy khu vực phía sau đó rồi. Thế nhưng nó bị hư hỏng nặng và không dùng được nên không ai quan tâm làm gì. Vậy mà không hiểu sao Thầy lại muốn sửa lại. Sau vài lần bảo thị giả đẩy xe vào tự mình xem xét, Thầy bắt đầu ra dấu gọi các thị giả ra dọn dẹp khu nhà bỏ hoang đó. Đầu tiên là hai thị giả theo hầu, sau đó gọi thêm nhóm thị giả còn lại và tiếp theo là cả đại chúng tham gia dọn dẹp. Thầy mời thầy Pháp Dung thiết kế bản vẽ. Thầy là người ra ý, đốc thúc, giám sát công trình. Những ngày thợ bắt đầu tới làm hầu như ngày nào Thầy cũng ra thăm và rất hứng khởi với dự án đó.
Công trình chưa hoàn tất thì Thầy đi Thái rồi về Việt Nam. Thầy là người khởi xướng còn việc thi công và hoàn tất là của các sư con. Cuối cùng thiền đường mới cũng được “khánh thành”, nhìn rất đơn sơ mà ấm cúng. Ở Từ Hiếu, ban thị giả nhận được những hình ảnh sinh hoạt của đại chúng trong thiền đường mới và đã chiếu lên cho Thầy xem. Bây giờ chị mới hiểu tại sao Thầy muốn làm công trình đó. Còn gì hơn là để cho các sư con của Thầy có một nơi thực tập ấm áp và có mặt cho nhau. Chị nghĩ, “Tình Thầy” là từ thật thích hợp để đặt tên cho thiền đường. Ngồi trong đó chắc hẳn ai cũng nghĩ đến và cảm nhận được tình Thầy.
Ngày popcorn (bắp nổ)
Nói đến Sơn Cốc và Thầy là chị nhớ đến có một ngày đáng nhớ, một ngày rất đặc biệt: Ngày popcorn.
Đó là thời gian Thầy mới bệnh. Suốt một thời gian đại chúng không được gặp Thầy vì Thầy ở Sơn Cốc để tĩnh dưỡng. Đại chúng nhớ Thầy và Thầy cũng nghĩ tới đại chúng, Thầy muốn đại chúng đừng lo lắng cho Thầy quá. Trước đó, Thầy đã muốn có một ngày xuất sĩ để đại chúng được lên Sơn Cốc gặp Thầy cho an tâm, cũng sẵn dịp đó Thầy muốn được nghe đại chúng tụng bài Tâm kinh tuệ giác qua bờ bằng tiếng Anh mà thầy Pháp Linh mới làm nhạc.
Để chuẩn bị cho ngày gặp đại chúng, Thầy đã sắp xếp rất kĩ càng. Không biết Thầy nghĩ gì mà một ngày nọ Thầy đề nghị mua cho Thầy một cái máy làm popcorn. Sư cô Chân Không và anh chị em thị giả nghe Thầy nói vậy ai cũng ngạc nhiên. Mọi người chưa tưởng tượng ra tu viện có một cái máy làm popcorn thì như thế nào. Cái máy đó chắc khó kiếm lắm, mà cũng không biết mua làm gì, để ở đâu? Thầy nói: mua cho Thầy đi, Thầy trả tiền, Thầy có tiền bán thư pháp. Nghe cũng đủ biết Thầy rất thích ý tưởng đó nên sư cô Định Nghiêm tìm trên mạng và mua được một cái máy để làm popcorn thật. Cái máy màu đỏ, không lớn lắm, có bánh xe để kéo.
Ngày máy được chuyển về, Thầy trò háo hức mở ra xem. Khi lắp ráp mới phát hiện ra do vận chuyển nên một miếng kính bị bể, thị giả dùng bao ni lông che tạm. Có được cái máy rồi, Thầy dạy: Bây giờ phải lên mạng học cách làm popcorn. Thầy Pháp Hữu, sư cô Nho Nghiêm, thầy Pháp Áo, thầy Pháp Nguyện và chị là ban thử máy, nổ bắp. Khách hàng là Thầy, sư cô Chân Không và sư cô Định Nghiêm. Thật hồi hộp với giây phút bỏ dầu ăn và bắp vào máy để thử và chờ đợi. Rồi bắp nổ trào ra khỏi cái nồi nhỏ ở trong máy, chao ôi là vui. Thầy thì cười tươi, quý sư cô thì hoan hô còn tụi chị cứ gọi là nhảy tưng lên. Thầy được mời chén bắp nổ đầu tiên và anh chị em cũng hào hứng thử. Thầy còn đề nghị nghiên cứu để vào ít muối và caramel cho bắp có vị nữa. Thế là thị giả lại tất bật nổ hết mẻ này tới mẻ khác để canh đo liều lượng và thời gian cho đúng. Những ngày đó anh chị em tha hồ ăn bắp nổ, còn gởi về cho xóm Mới ăn giùm.
Vài ngày sau, Thầy viết thư mời đại chúng đến dự ngày xuất sĩ và ăn popcorn. Những ngày đó, ngày nào Thầy cũng nhắc thị giả phải lấy máy ra tập luyện cho thật nhuần nhuyễn để trình diễn trước đại chúng.
Trước ngày hẹn vài ngày Thầy phải đi kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện. Khi các bác sĩ đề nghị Thầy ở lại thêm, Thầy nói: Không được, Thầy đã có hẹn ngày popcorn với các sư con rồi. Vậy là cả ban thị giả phải năn nỉ Thầy ở lại và liên lạc với đại chúng hoãn lại vài ngày để Thầy an tâm chăm sóc sức khỏe.
Rồi ngày đại chúng tập trung cũng tới. Ai cũng hào hứng. Từ trưa anh chị em thị giả đã chuẩn bị sẵn sàng nào là máy nổ bắp, bếp để thắng đường làm caramel, một ít muối và thùng để đựng khi ra sản phẩm. Ai cũng lo là đại chúng đông, làm không kịp. Còn Thầy thì chuẩn bị xuất hiện sao cho đẹp và Thầy cũng sắp xếp để lúc nào mình đem xe popcorn ra cho ấn tượng. Có cả một chương trình hẳn hoi, công nhận Thầy kỹ thật!
Chị cứ nhớ các thị giả nổ bắp ở trong phòng nghỉ phía sau, chỗ nhìn ra ba cây thông của Thầy (Thầy thường gọi đó là ba sư anh của các con). Đại chúng thì tập trung tụng bài Tâm kinh tuệ giác qua bờ, nghe hùng và hay lắm. Rồi thầy Pháp Áo đẩy xe chở Thầy ra ngồi ngắm đại chúng tụng kinh. Nhìn từ trong ra có thể thấy một số quý thầy, quý sư cô không tụng kinh được, chỉ đứng nhìn, một số đứng núp đằng sau… khóc.
Sau khi giới thiệu, Thầy ra dấu gọi đem xe popcorn tới và nổ cho đại chúng xem. Mọi người cùng được ăn popcorn. Đó là quà của Thầy và công thực hiện của ban thị giả. Thầy rất hạnh phúc được thấy đại chúng và đại chúng cũng hạnh phúc, cảm động được thấy Thầy. Popcorn ngon hay không ngon không quan trọng mà cái quý là ai cũng nhận được tình Thầy. Sau này cái máy được chuyển về xóm Mới, lâu lâu chị em lại mang ra nổ bắp chung ăn cho vui và ai cũng nhớ lại kỉ niệm ngày ấy.
Chuyện cũ thì kể bao giờ mà hết được em ha! Bây giờ chắc chắn Làng đã và đang thay đổi nhiều rồi. Khi chị rời xóm Mới, mấy khu nhà đang được sửa chữa, khi nào có dịp về lại chắc chị sẽ nhận không ra đó chứ. Nói vậy thôi, có thay đổi bao nhiêu đi nữa thì Làng vẫn nằm ở miền quê xinh đẹp đó, nơi yên bình, tách xa sự nhộn nhịp, vẫn với sự đơn giản trong không khí sinh hoạt đầm ấm, vui tươi.
Những ngày ở chùa Tổ, chị và các anh chị em thị giả thường kể chuyện cho nhau nghe bao nhiêu chuyện của Thầy, của Làng, của các trung tâm. Cốc Thầy yên bình mà cũng đầy ắp tiếng nói, tiếng cười. Chị em mình còn có Thầy, được về trong lòng tăng thân, có những tháng ngày để rong chơi. Mình còn trông chờ gì hơn? Chúc sư em tận hưởng những ngày vui, cười với những khó khăn đang có và là sự tiếp nối đẹp của Thầy, của Làng. Chị cũng chỉ làm chừng đó thôi.
Thương nhiều.