Thầy Chân Trời Lĩnh Nam
Đất Tổ linh thiêng
Ba ơi, Ba là đệ tử của Bụt, của Sư Ông.
Mỗi người có một phước phần khác nhau. Riêng con, niềm vui, may mắn cũng như phước phần lớn nhất là gặp được tăng thân, bước những bước đầu tiên trên con đường tâm linh, trải nghiệm cảm giác thảnh thơi, an lạc khi sống trong giây phút hiện tại. Và quan trọng là trong từ điển cuộc đời có thêm ba chữ tình huynh đệ.
Ba ơi, trước đây, mỗi lần con thực tập tiếp xúc với bản thân là mỗi lần con ý thức mình cũng đang tiếp xúc với ba. Nhưng ba biết không, mỗi lần như vậy, cảm xúc trong con đi lên một cách mãnh liệt như cơn đại hồng thủy sẵn sàng phá tan những gì cản trở trước mặt nó. Ký ức trở về, mang theo nhiều kỷ niệm được chôn sâu trong tàng thức. Ngày ba mất, vô thường đến quá nhanh, con chưa sẵn sàng đón nhận. Nhưng bây giờ, nhờ có pháp môn tu tập nên con có khả năng quán sát và ôm ấp những cảm xúc ấy cho đến khi nó tan dần, tan dần. Không như những ngày đầu mới tu, bị nó xoay như chong chóng ba ạ!
Nghĩ về những ngày ba bị bệnh, con cảm thấy hối hận. Con đã chẳng giúp được gì, mà đôi lúc còn quên luôn sự có mặt của ba để đi tìm những hạnh phúc giả tạo bên ngoài. Con cũng giận bản thân vì lúc ba trở bệnh nặng, đã nắm tay ba nhưng con lại không nói được câu: Ba ơi, con thương ba lắm!
Ba biết không, từ khi vào tăng thân cho đến nay, cuộc đời con thay đổi rất nhiều. Bây giờ, con là đệ tử của Bụt, sống đời xuất gia, ăn chay, theo tăng thân học hỏi cách tổ chức khóa tu. Người ta đến tham dự khóa tu từ khắp mọi nơi, và có những người khổ đau nhiều lắm. Ấy vậy mà sau mỗi khóa tu, họ đã có sự thay đổi. Họ cười được, vui vẻ trở lại. Con hay thấy họ đến chắp tay cảm ơn quý thầy, quý sư cô. Những điều đó như một phép lạ vậy đó ba, như thể những khổ đau của họ tan biến đi đâu hết rồi vậy!
Ba biết không, tu cũng vui nhưng không dễ đâu. Thỉnh thoảng vẫn có những khó khăn, trở ngại trong nội tâm. Con không biết phải diễn tả sao cho ba hiểu… Giống như, sau khi mình phát một lời nguyện nào đó thì trở ngại bắt đầu hiện ra trước mắt liền. Rồi thân tâm được rèn luyện từ đó, như vàng được nung trong lửa. Và nhờ lửa nung vàng như vậy mà vàng trở thành vật hữu dụng. Đôi khi nung lâu quá nên cũng cảm thấy hơi nóng trong người ba ạ!
Ba biết không, có những lúc Bụt phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong tăng đoàn: bị hiểu lầm, bị vu oan giá họa, thậm chí còn bị đệ tử làm hại. Ấy vậy mà Ngài vẫn giữ được nét mặt hiền hòa, an nhiên. Bụt dạy các đệ tử rằng dư luận phát sinh, dư luận tồn tại rồi dư luận sẽ hoại diệt. Điều con tâm đắc nữa là Bụt không hề giận hay ghét những người gây khó khăn cho mình mà còn độ cho các vị ấy. Điều đó còn hơn cả thần thông nữa phải không ba? Có lẽ nhờ ngọn đèn từ bi trong Ngài đã được thắp sáng cho nên Ngài mới hành xử được như vậy. Ba biết không, có lúc Bụt cũng buồn, nhưng không buồn lâu. Ngài chỉ vào rừng chơi vài ngày, thăm con hươu, con nai, thăm mấy bông sen, thăm mấy con khỉ con. Rồi sau đó lại về với tăng thân để tiếp tục công việc của mình. Bụt không nản chí, vẫn nuôi dưỡng niềm tin ở mỗi người đệ tử. Vẫn tin rằng ai cũng có một ngọn đèn sáng trong tâm. Chỉ cần nhân duyên hội tụ đầy đủ, Bụt sẽ chỉ cho họ thấy được ngọn đèn ấy, thắp nó lên, và rồi bóng đêm sẽ tự nhiên biến mất, họ trở thành một pháp khí trong tăng thân. Bụt đã giữ trọn vẹn ước muốn giúp đời của mình. Nói đến đây con nhớ tới sư tổ Liễu Quán với câu kệ:
Tảo tri đăng thị hoả
Phạn thục dĩ đa thời
Sớm biết đèn là lửa
Cơm đã chín lâu rồi.
Tức là, trong nhà có sẵn ngọn đèn dầu mà cứ chạy đi xin lửa. Bụt có phải là người đi ban đèn, ban lửa đâu mà cứ chạy tới xin đèn xin lửa hoài, Bụt cũng biết mệt chứ bộ! Nói vậy thôi chứ nồi cơm của con cũng chưa chín. Nhưng con biết, nếu còn ở trong tăng thân thì một ngày, hay một giây phút nào đó, nó sẽ chín ba ạ!
Có cái này hay, con cũng muốn kể cho ba nghe. Thời gian gần đây, con luôn tự hỏi niềm vui thật sự của mình là gì? Có phải những trò thể thao, những buổi nói chuyện không có điểm dừng…? Đối với con bây giờ, những thứ ấy chỉ hỗ trợ cho đời tu thôi, chưa phải là niềm vui chân thật. Kẹt vào đó là chết liền. Khi có buồn giận, trách móc hay phán xét ở trong lòng, chính thiền duyệt đã đưa con về với giây phút hiện tại, thiết lập lại sự ổn định nội tâm, không bị những tri giác sai lầm đánh lừa để rồi vung vãi những yếu kém, làm tổn thương huynh đệ mình. Cho nên nếu một ngày mà không dành riêng nửa giờ hay một giờ đồng hồ cho việc ngồi yên, đi thiền để nhìn lại tự tâm mình, như câu nói của Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ phản quang tự kỷ bổn phận sự thì quả thật mình chưa thật sự muốn tìm cái hạnh phúc chân thật. Mình còn đang loay hoay với vọng tâm, hết thương rồi ghét. Đặt những câu hỏi vẩn vơ: Trời ơi, tại sao hôm nay gặp, bạn không chào tôi, không nhìn tôi, không cười với tôi? Tại sao bữa giờ không qua uống trà với tôi?… Vậy là tiêu rồi phải không ba? Một thứ hạnh phúc đòi hỏi điều kiện thì đâu còn là hạnh phúc chân thật nữa. Bây giờ, con mới hiểu một chút về câu chuyện giữa Sư Ông và một thầy trong chúng. Hôm ấy, thấy Sư Ông đang đi tới, thầy ấy liền đứng sang một bên, chắp tay chào với ước mong Sư Ông sẽ cười và chào lại mình. Nhưng không, Sư Ông đã đi thẳng, không chào lại thầy. Nhìn qua có vẻ như Sư Ông vô tình, nhưng nhìn cho sâu, sẽ thấy Sư Ông là người đầy tình thương. Sư Ông đang dạy đệ tử cái tình của người trong đạo. Nó tự do, không ràng buộc nhau, không chiếm hữu, dù là bằng ý niệm. Nó thảnh thơi như một đám mây trên trời.
Mỗi ngày con tập sống với cái tình đó. Tức là khi đi biết mình đang đi, nghe chuông thì dừng lại thở. Nếu có cơn gió mát khẽ chạm nhẹ vào má thì biết mát rồi cảm ơn gió mát. Gặp huynh đệ thì biết đó là huynh đệ. Họ đang còn trong tăng thân, vậy là hạnh phúc rồi, không cần phải thêm gì trong đầu nữa. Ngồi uống trà với huynh đệ, nói vài câu chuyện cười. Tới giờ ngồi thiền thì mặc áo đi ngồi thiền, bạn chung phòng nhờ bỏ bảng sức khỏe thì bỏ giúp, vui vẻ, trọn vẹn. Nhưng sẽ ngoảnh lại và nói: nếu thấy không mệt lắm thì ra ngồi với đại chúng cho vui. Rồi đi, nhẹ nhàng, trọn vẹn.
Càng tu con càng nhận ra nhiều điều. Xã hội bây giờ có nhiều người khổ quá, khổ cả thân lẫn tâm. Con thấy thương họ lắm, nhưng không chỉ có người bên ngoài mới khổ đâu ba. Người tu mà không khéo tu thì cũng khổ như vậy không khác gì. Cho nên, con chỉ biết tự nhắc nhở mình thực tập cho đàng hoàng. Bởi vì, nếu con tu thành công thì ba và mọi người cũng thành công. Con nhớ Bụt có dạy: Hãy tìm hạnh phúc ngay trong khổ đau. Câu nói tuy ngắn gọn, nhưng phải mất rất nhiều thời gian để lĩnh hội cũng như thực tập được. Nói đến đây con mới thấy thương Sư Ông. Sư Ông rất từ bi, cho pháp hành chứ không cho một mớ lý thuyết. Tức là có thực hành theo thì có thành công, còn nếu chỉ nói suông thôi thì mình không thoát khổ được.
Ở trong tăng thân vui lắm ba. Ở nhà có vài anh chị em thôi, nhưng ở đây con có tới mấy trăm sư em. Nhìn mặt ai cũng hiền. Chưa kể sư anh, sư chị, rồi còn cả sư cha, sư mẹ, nhiều lắm ba ơi. Dù không phải ruột thịt ấy vậy mà có lúc, con thấy còn thân hơn cả ruột thịt nữa. Mọi người đùm bọc và che chở cho nhau. Cũng nhờ Sư Ông đó ba. Ai mới vào tăng thân cũng đều được dạy như vậy. Theo thời gian, nếp sống này tự nhiên ngấm vào trong máu. Con biết hằng ngày ba cũng đang cùng con trải nghiệm đời sống trong tăng thân, ba cũng đang thực tập, cũng được ngồi thiền, thiền hành cùng đại chúng. Khi con nghe chuông, ba cũng được thực tập dừng lại, thở những hơi thở bình an, nhẹ nhàng và tự do.
Tăng thân biểu hiện được là nhờ lòng từ bi của Sư Ông. Mặc dù công việc xây dựng tăng thân rất khó nhưng con thấy Sư Ông chưa bao giờ nản lòng. Con cũng nguyện thực tập như vậy, đóng góp một chút sức nhỏ bé của mình vào công trình này. Con biết, năng lượng từ bi của chư Bụt, chư Tổ, của các vị Thánh tăng và Sư Ông đang đồng hành, nâng đỡ cho con thực hiện lời nguyện ước này.
Ba ơi, ngồi đây viết cho ba con như đang được trở về tiếp xúc với sơ tâm của chính mình. Những ước nguyện tu tập, chuyển hóa nơi con dường như cũng ấm áp và tươi mới lên thêm.
Con của ba