Theo Thầy làm báo
Thầy Chân Pháp Hội
Thầy Pháp Hội nhiều năm gắn bó với Lá Thư Làng Mai. Ban biên tập đã có cơ hội nghe thầy kể về khoảng thời gian đáng nhớ ấy. Những chia sẻ dưới đây được trích từ buổi nói chuyện này.
Biên tập báo Lá Thư Làng Mai (LTLM) là tham dự vào công việc tạo ra một món ăn tinh thần quan trọng để hiến tặng cho thế giới. Rất nhiều người tôn kính Sư Ông, muốn học hỏi giáo lý từ Sư Ông, đồng thời cũng quan tâm tới sinh hoạt diễn ra hàng năm của Làng. Mỗi năm, Sư Ông là người biên tập chính của báo Làng Mai. Sư Ông làm báo rất kỹ và là người chỉ dạy cho quý thầy, quý sư cô từng chút một trong việc tạo ra món ăn tinh thần này. Pháp Hội may mắn được tham dự vào việc làm báo từ rất sớm. Xuất gia năm 1997, Pháp Hội đã được theo chân thầy Pháp Ấn, thầy Pháp Khâm và các sư anh, sư chị khác để cùng với Sư Ông làm LTLM từ năm 1998. Pháp Hội cảm nhận Sư Ông dành nhiều tâm huyết cho tờ báo bằng cách chỉnh sửa, chọn lựa từng câu chữ, và giúp cho ban biên tập hiểu tinh thần của món ăn đó phải như thế nào để thể hiện được cốt tủy của truyền thống Làng Mai trên phương diện pháp môn tu học cũng như xây dựng tăng thân.
Sư Ông rất vui khi báo LTLM biết chọn lọc đưa những tin tích cực, có chất lượng và không bị những tin tức kiểu quảng cáo xen vào. Nội dung tờ báo không phải chỉ đến từ những gì Sư Ông giảng dạy mà từ chính những cái thấy trong sự tu học của quý thầy, quý sư cô hay của những vị cư sĩ đến Làng. Chính vì vậy báo đã thể hiện được nhiều góc nhìn khác nhau về hạnh phúc trong sự tu học, về quá trình xây dựng tăng thân và về những gì tăng thân đã đóng góp được cho thế giới. Bên cạnh đó, báo LTLM còn là nguồn tư liệu lịch sử vô cùng quý giá về quá trình hình thành và phát triển truyền thống Làng Mai. Những chuyến hoằng pháp của Sư Ông khắp nơi trên thế giới để tiếp nối sự nghiệp của chư Tổ, hay những câu chuyện kể về những phương thức đầu tiên được áp dụng trong mỗi pháp môn tu học… đều được ghi chép lại. LTLM trở thành một thông lệ được nhiều người mong chờ và cũng được gọi với cái tên vô cùng thân quen là báo Tết. Sư Ông mong muốn LTLM là một món quà tinh thần ý nghĩa cho năm mới, do đó mình thường cố gắng hoàn thành báo trước Tết để kịp in và gửi đi cho mọi người. Và vì thế, BBT cũng có một chút “áp lực” về thời gian.
Sư Ông luôn năng động và cởi mở để chấp nhận những phương pháp làm việc mới mang lại hiệu quả hơn. Các thầy, các sư cô được học hỏi nhiều trong việc biên tập báo. Mặc dù LTLM chỉ ra một năm một lần nhưng rất có chất lượng. Cả nội dung và hình thức đều mang chất liệu thiền vị, chuyên chở được năng lượng của sự tu học, cũng như mô tả chân thực cách thức thực hiện và kết quả các công việc từ thiện của Làng. Sư Ông cũng để nhiều tâm sức cho việc kêu gọi từ thiện. Công việc này được làm theo cách khác so với từ xưa đến nay và mang lại nhiều hiệu quả, đồng thời cho thấy bên cạnh việc chú trọng thực tập, người tu còn trợ giúp và đóng góp một cách cụ thể cho thế giới bên ngoài.
Khi còn chưa xuất gia, Pháp Hội cũng có một bài ngắn được đăng trên LTLM, nói về hạnh phúc của mình trong đại chúng. Bài viết ngây thơ lắm! Chỉ là liệt kê những niềm vui khi hòa nhập vào đời sống sinh hoạt, tu học tại Làng: tả phòng mình ở như thế nào, mình hạnh phúc với nó ra sao, rồi chuyện có con mèo mùa đông lạnh quá tới phòng mình để sưởi ấm hằng đêm. Thầy Pháp Ấn cũng có sáng kiến đưa vào tờ báo lá thư soi sáng của một vị trong chúng. Đó chính là thư soi sáng của đại chúng dành cho Pháp Hội, nhưng được đổi tên. Những thực tế sống động như vậy của đời sống tu học thường được đưa vào báo.
Trong quá trình làm việc, Pháp Hội cũng như các thầy, các sư cô trong BBT có cơ hội được học hỏi và tiếp xúc với Sư Ông. Sư Ông là một người làm báo tuyệt vời và rất nhà nghề! Có những lúc bị công việc cuốn đi, năng lượng của mình không còn đủ tươi mát nữa. Mình không nhận ra điều đó nhưng Sư Ông nhận ra. Mặc dù đã gấp lắm rồi nhưng Sư Ông vẫn bảo: “Thôi bây giờ nghỉ đi, đừng làm gì cả, để thầy chiên cơm cho ăn”.
Công việc không quan trọng bằng sự thực tập. Sau này, Pháp Hội mới nhận ra tại sao lại như vậy. Làm việc với Sư Ông không phải chỉ là học hỏi những kỹ năng làm báo mà còn học hỏi cách chăm sóc chính mình, cách làm sao để có hạnh phúc trong công việc. Đó mới là chuyện quan trọng. Ta còn có thể sử dụng tinh thần đó để làm những cuốn sách của Sư Ông. Người nào có may mắn được làm sách, làm báo với Sư Ông đều được học hỏi về cách làm sao để làm một cuốn sách thể hiện được rõ nét đời sống tinh thần của mình trong đó.
Khi đến Làng, Pháp Hội mang theo bộ phông chữ tiếng Việt mới. Bộ chữ này đẹp về mặt hình thức và cũng tiện sử dụng hơn cho máy tính. Lúc đó, ở Làng đang dùng loại máy Macintosh của Apple. Máy này đã cũ và bộ chữ trong đó tuy dùng được nhưng còn nhiều hạn chế. Khi ấy, Sư Ông đang thiết kế cuốn Nhật tụng thiền môn và đang sử dụng bộ chữ cũ. Khi có bộ chữ mới, vị cư sĩ phụ trách về máy tính đề nghị chuyển toàn bộ sang hệ thống mới. Sư cô Thoại Nghiêm là người phát nguyện đánh máy lại toàn bộ bộ kinh đó sang phông chữ mới, và phải làm thật nhanh. Vì vậy, tuy còn nhiều lỗi nhưng sư cô phải bỏ qua để phần chữ được chuyển sang kiểu mới trước. Hồi đó, máy tính không có hệ thống chuyển đổi phông chữ như bây giờ, mỗi máy có một bộ chữ khác nhau, và là tiếng Anh thôi. Do đó, mình cần nhiều người để chỉnh sửa ngữ pháp, chính tả. Pháp Hội là người Bắc nên khá vững về điều đó. Công việc này được Sư Ông gọi là “bắt sâu”.
Gần như phần lớn thời gian ở Làng, Pháp Hội không chỉ làm báo thôi mà còn làm sách nữa, như cuốn Ngày Xuân bói Kiều, Truyện Kiều… Pháp Hội được Sư Ông trực tiếp chỉ dạy nên làm cuốn đó như thế nào, và cũng mạnh dạn làm trên một phương thức mới, bằng máy móc mới. Đó là những cuốn sách đầu tiên được thiết kế trên máy tính một cách hoàn chỉnh chứ không phải như phương thức cũ, rời rạc. Tuy nhiên, khi gửi sang Mỹ để in thì gặp vấn đề là khổ giấy của Mỹ khác với khổ giấy của Pháp. Chính vì vậy, những cuốn sách sau này được thiết kế để có thể in được ở Pháp và ở cả những nơi khác.
Trong quá trình làm sách báo, Pháp Hội học hỏi được cách sử dụng từ ngữ cho đúng và phù hợp với tông chỉ của Làng Mai. Sư Ông rất chú trọng chuyện này. Mặc dù rất thành thạo về ngôn ngữ, văn chương, hiểu sâu sắc văn hóa Việt Nam nhưng đồng thời Sư Ông cũng luôn chấp nhận, học hỏi từ những đệ tử của mình cách sử dụng ngôn ngữ. Ví dụ, thế hệ của Sư Ông quen dùng tên các địa danh theo phiên âm Hán Việt, chẳng hạn Canada là Gia Nã Đại. Pháp Hội mạnh dạn thưa lên rằng mình nên dùng tiếng Việt hiện đại, nếu cần phiên âm thì dùng trực tiếp từ ngôn ngữ đó sang tiếng Việt chứ không dùng phiên âm như trước nữa. Sư Ông cởi mở chấp nhận đề nghị của Pháp Hội và từ từ không dùng những tên gọi cũ đó nữa. Mình thấy rõ rằng các đệ tử được thừa hưởng nhiều từ Sư Ông và Sư Ông cũng luôn luôn là người đi đầu trong việc học hỏi với các đệ tử.
Sư Ông không ngại việc tra cứu từ điển. Khi một từ có nhiều nghĩa khác biệt, Sư Ông sẽ đi tìm nguồn gốc của từ đó để đảm bảo nó được dùng đúng ý. Ví dụ như “khuôn viên” với “khuông viên”, Sư Ông cũng phải tra từ điển rất kỹ để hiểu được là người ta đang dùng sai nghĩa mà mình muốn nói hay người ta đang dùng theo ngôn ngữ mới. Cũng có lúc Sư Ông rất kiên trì với việc phải dùng đúng với nghĩa mà Sư Ông muốn, cho dù mọi người chưa hiểu đến mức đó. Ví dụ như từ “tỉnh thức”, đôi khi vì lỗi đánh máy hoặc vì lỗi sao chép mà sau nhiều năm, khi về tới Việt Nam, Sư Ông thấy có nhiều người hiểu là “tính thức”, và suy diễn theo đó, dẫn tới chuyện bị hiểu sai ý.
Khi làm việc, có lúc mình tưởng đã hiểu ý Sư Ông rồi nhưng hóa ra không phải. Năm đó, đại chúng đang vui vẻ chuẩn bị cho Tết sắp đến. Pháp Hội và một nhóm nhỏ quý thầy, quý sư cô theo Sư Ông làm báo. Sư Ông chỉnh sửa các bản thảo rất hết lòng, còn mình, đôi khi vì còn trẻ nên ham chơi và cũng hết hứng thú rồi nên chỉ làm qua loa, không hết lòng. Bình thường trong bản thảo, Sư Ông chỉ ký chữ “nh” thôi. Bữa đó Pháp Hội mới đi chơi về và nhận được bản thảo ký đầy đủ là “Thích Nhất Hạnh”. Pháp Hội giật mình và hiểu ngay rằng đối với cả với bản thảo, Sư Ông cũng làm việc rất nghiêm túc. Pháp Hội là người duy nhất được Sư Ông ký tên đầy đủ trong một bản thảo. Ẩn ý đằng sau việc đó là mình đã không làm việc hết lòng. Đây là lời nhắc nhở của Sư Ông cho Pháp Hội. Với một bản thảo hay một bài viết, Sư Ông có thể chỉnh sửa từ tám đến mười lần. Còn thấy lỗi là còn chỉnh sửa chứ không chịu bỏ qua. Làm việc với Sư Ông mà Pháp Hội còn mải chơi! Chuyện đó trở thành một kỷ niệm thầy trò thật đáng nhớ.
Pháp Hội luôn luôn thu thập lại những bản thảo có chữ ký của Sư Ông và để vào hồ sơ lưu trữ của Làng. Sau này Pháp Hội rời Làng, mười hai năm sau mới quay lại. Đại chúng có quá nhiều thay đổi, kể cả các nhà kho, nên Pháp Hội đã không thể tìm lại những bản lưu trữ đó nữa.
Lúc trước, Pháp Hội còn thu thập những bản Sư Ông viết nháp cho câu đối của thiền đường các xóm. Sư Ông đã làm thật hết lòng. Nội dung các câu đối thực sự xuất sắc và ai cũng phục. Các vế đối rất chuẩn dù theo từng từ hay theo một nhóm từ. Về mặt hình thức, Sư Ông cũng phải tập luyện để làm sao viết cho đẹp. Sư Ông lấy từng tờ giấy, viết từng chữ xuống để xem khoảng cách đó có vừa với tấm gỗ không, viết đến bao nhiêu thì vừa hết từ mà vẫn có thể chừa lại khoảng không gian vừa đủ cho trên, dưới và hai bên. Sư Ông viết từng từ một lên tờ giấy, đặt tờ giấy theo tấm gỗ và chụp hình cho mỗi tờ. Pháp Hội sưu tập được các bản nháp như thế. Nó có giá trị đôi khi còn hơn cả bản chính, bởi vì bản nháp là duy nhất, còn bản sách thì người ta có thể in lại hàng trăm, hàng nghìn bản. Pháp Hội rất có hứng thú với điều đó, vì mình cảm nhận được tấm lòng, năng lượng và sự coi trọng của Sư Ông trong từng chi tiết. Mặc dù có những chữ cần nhiều không gian hơn so với những chữ khác, nhưng Sư Ông lại có thể cân đối một cách tuyệt vời. Vậy nên, trong khi theo chân Sư Ông làm sách, làm báo, mình học hỏi và lớn lên rất nhiều. Mình cũng biết là mình chưa làm được đúng mức như Sư Ông mong muốn.
Khi không làm sách nữa, Pháp Hội làm những việc khác trong chúng và nhường cơ hội đó cho những vị khác. Có một sư cô sau khi làm cuốn sách xong thì đem lên cho Sư Ông chỉnh sửa. Sau đó, vị ấy thắc mắc với Pháp Hội và thầy Pháp Niệm rằng lần này làm mà không được Sư Ông khen gì cả. Hai anh em cười ha ha và nói rằng vậy là tốt rồi. Đó là cơ hội để Sư Ông đào luyện mình, để mình có được nhiều hạnh phúc trong công việc đó. Nó cũng là một phần của sự tu học. Khi làm lần đầu tiên thì Sư Ông khen rất nhiều để động viên mình, nhưng sau đó mình phải tự biết làm những việc được Sư Ông giao, chứ còn đợi Sư Ông khen mới có hạnh phúc thì không được. Theo sự thực tập mà Sư Ông trao truyền thì mình phải có hạnh phúc ngay trong khi làm việc chứ không phải đợi nó hoàn thành rồi mới có hạnh phúc. Đó mới là tu học đích thực!