Hương vị của tuệ giác

Thầy Chân Trời Thiện Chí

Thầy Trời Thiện Chí, người Bun-ga-ri, xuất gia trong gia đình Cây Dẻ Gai vào năm 2018 và hiện đang tu học tại xóm Thượng, Làng Mai. Bài viết được BBT dịch từ tiếng Anh.

Chẳng bao lâu sau khi được mặc áo tập sự, con liền nhận ra rằng mình phải tìm một cách khác để nuôi dưỡng tự thân, không thể như lúc còn là cư sĩ. Con đường mà con đã chọn là con đường đưa đến chuyển hóa, trị liệu, và phương thuốc để làm được điều đó là những phép thực tập niệm, định và tuệ. Tuệ giác thực sự là một nguồn sức mạnh, mang đến cho ta niềm tin, năng lượng cũng như sự hiểu biết và chấp nhận tự thân.

Ở đây, con muốn chia sẻ về ba tuệ giác hay ba cái thấy quan trọng đối với con, cũng như những yếu tố then chốt trong hành trình khám phá tuệ giác của chính mình.

Trò chuyện với niềm đau

Tối hôm đó, trời mưa và lạnh. Con đang trên đường đi đến kho đựng đồ đông lạnh của tu viện. Vì quên mang áo mưa nên con đi thật nhanh để khỏi bị ướt. Xung quanh tối đen như mực, con không thấy gì cả. Đi được một lúc, con nhận ra là mình đã đi nhầm đường. Con liền bước qua một bên và va phải một tảng đá lớn rất cứng ngay dưới chân. Lập tức con đưa tay ôm lấy chỗ bị thương và cảm thấy một chất gì lỏng lỏng, âm ấm và dính dính. Cảm giác đau nhói, rát buốt cũng tới liền sau đó. Con dừng lại, rồi lê bước thật chậm về lại tăng xá. Một huynh đệ thấy vậy liền giúp con rửa và băng bó lại vết thương.

Đêm đó, con không ngủ được. Tâm đầy bất an và cơn đau trở nặng. Con quyết định thực tập thở với câu thần chú nhỏ vừa hiện lên trong đầu: “Thở vào, cả vũ trụ đang chữa lành cho con. Thở ra, con buông hết những lo lắng, bất an”. Một lúc sau, con dần cảm nhận được hơi ấm và sự tĩnh lặng của màn đêm. Tình thương và lòng lân mẫn của huynh đệ đang lan tỏa nơi từng lớp băng trên vết thương. Con biết là sáng mai mình sẽ được ăn một bữa sáng nóng hổi. Một huynh đệ sẽ chở con đi bác sĩ, rồi một huynh đệ khác sẽ làm việc thay cho con để con được nghỉ ngơi và chữa trị. Trong giây phút đó, con nhận ra tất cả những điều kiện ấy chính là lời đáp lại của vũ trụ để giúp con trị liệu. Con cảm được tình thương và sự chăm sóc ấy như thể con đang được ở trong vòng tay của mẹ hiền. Cơn đau tuy còn đó, nhưng con biết cả vũ trụ vẫn đang có đó cho con, ấm áp trong từng giây phút. Con ngủ thiếp đi, lòng đầy bình an và biết ơn.

Gương soi

Vài năm trước, con có dịp đi biển chơi cùng một vài huynh đệ trong tu viện. Vốn rất yêu biển nên con vui và hạnh phúc vô cùng, suốt ngày cười toét miệng tới tận mang tai.

Sáng hôm đó, con thức dậy ăn sáng cùng huynh đệ. Nghĩ đến chuyện sắp được ra biển, ngồi uống trà và lắng nghe tiếng sóng vỗ, con hớn hở đi đánh răng và thay đồ bơi. Vừa bước vào phòng thay đồ của khu cắm trại, con thấy một tấm gương lớn treo trên tường. Không hiểu sao, có điều gì đó trong lòng khiến con khựng lại khi nhìn thấy mình trong gương. Một cảm giác cay đắng rất quen thuộc – mình không thích cơ thể mình - bắt đầu lan tỏa khắp toàn thân. Con ngừng lại, rồi cứ đứng trơ ra đó mà nhìn mình trong gương. “Tại sao mình lại ghét hình hài của mình đến vậy?”. Và rồi, con nhận ra: Con không thích hình hài mình vì nó giống hệt hình hài của ba. Khi nhìn hình hài mình, con thấy ba. “Ôi không!...”, con thầm thốt lên. Một khoảng lặng thật dài… Bao nhiêu năm qua con đã sống kiểu gì mà không hề nhận ra sự có mặt của ba trong hình hài này?

Lúc còn nhỏ, con hơi sợ ba. Giọng ba lớn và trầm. Năng lượng của ba nặng nề. Đôi khi ba đi lại và nói năng rất hung dữ. Rồi cả cái mùi nồng nặc khó chịu trong phòng ngủ mỗi khi ba uống rượu. Bấy lâu nay, con đã cố gắng để trở thành một người không có chút gì giống ba, từ cách nói chuyện, điệu bộ hài hước, phong cách ăn mặc, nhóm bạn chơi cùng hay là nghề nghiệp của con, v.v. Như thể bên trong con có một cơ chế lúc nào cũng kiểm tra để đảm bảo rằng mọi hành động của con sẽ giúp con không trở nên giống như ba. Chính trong khoảnh khắc đó, con nhận ra rằng trốn chạy ba nghĩa là con đang trốn chạy chính mình.

Bữa cơm trưa với thầy Đạo Quang

Trong mùa an cư vừa rồi, có một lần con bị căng thẳng khi phải trông lo nhiều việc. Mỗi khi bị áp lực, con không nói những lời con muốn nói, mà chỉ nói những điều ngược lại. Khả năng lắng nghe của con cũng yếu đi. Con cũng đặt ra nhiều câu hỏi vô lý. Cảm giác sợ hãi, lo lắng luôn tìm đủ mọi cách để sinh sôi nảy nở và đơm hoa kết trái trong con.

Buổi sáng hôm đó, con đi ngang qua thầy Đạo Quang. Nhìn điệu bộ cáu kỉnh của con trong cách xá chào, thầy nhìn con và hỏi thăm đã xảy ra chuyện gì. Chuông thỉnh giờ thọ trai vang lên trước khi con kịp trả lời thầy. Chúng con đi vào khất thực và vài phút sau, cuộc trò chuyện đã diễn ra trong nhà trà:

“Hình như lúc nào con cũng tìm cơ hội để bị căng thẳng”, con kể với thầy. “Dù ở tu viện hay ở bên ngoài, con sắp xếp cuộc sống của mình kiểu gì mà lúc nào cũng vướng vào nhiều áp lực”.

“Ồ, quan sát hay đó. Tiếp tục nữa đi, nhìn sâu thêm nữa đi. Nhìn vào những vùng thật là đau nhức ấy”, thầy Đạo Quang nói.

“Cho dù nhận lãnh trách nhiệm nào đi nữa, kiểu gì con cũng đi tới chỗ làm nhiều hơn, nhiều hơn nữa cho tới lúc kiệt sức. Luôn là câu chuyện cũ. Giống như con đang ở trong một cuộc đua với chính mình. Như thể con đang cố gắng tự thuyết phục rằng mình giỏi đủ, mình hay đủ… Dường như trong sâu thẳm, con luôn tin rằng mọi người ai cũng tốt hơn mình, giỏi hơn mình. Như thể mọi hành động của con đều dựa trên căn cứ là muốn chứng minh bản thân, rằng con không đến nỗi nào… Phải là một sang chấn tâm lý lớn với cảm giác “mình không đủ tốt”, hay là đã có một mặc cảm thua kém rất sâu trong lòng mới có thể tạo ra một sức mạnh lớn đến vậy, đủ để con làm việc dưới áp lực cao và chịu đựng sự căng thẳng nhiều năm qua mà không chịu từ bỏ”.

Tuệ giác = sự thực tập?

Theo kinh nghiệm còn hạn hẹp của con, tuệ giác thường ẩn nấp dưới những lớp vỏ bọc không mấy dễ chịu. Giống như trái cây thì có những lớp da hay vỏ dày, gai góc bao bọc bên ngoài. Để có được phần cơm quả bên trong, có lẽ con phải buông thư và chấp nhận những lớp vỏ đau đớn và coi đó là một phần của chính mình. Khi tự đặt những câu hỏi như: “Sao mình không thích hình hài này của mình?” hay “Sao lúc nào mình cũng căng thẳng vậy?” giúp con nhẹ nhàng định hướng lại sự chú tâm của mình. Khi chạm tới ngưỡng cửa của tuệ giác, con thường thấy mình có nhu yếu từ bỏ ý muốn tranh đấu với những đau nhức để có thể mở lòng ra, dù rằng có khi điều đó làm con càng mong manh và dễ bị tổn thương hơn.

Thấy được ba đang có mặt trong con với những phẩm chất đẹp và chưa đẹp, cái thấy đó không làm cho con hạnh phúc hơn. Trái lại, điều đó khiến con khiêm nhường, vững vàng và thực tế hơn. Nếu cách đây vài năm, có lẽ con không thể nào chấp nhận và chịu nổi sức nặng của cái thấy này. Có lẽ, con sẽ bị nó đè bẹp mất.

Nhưng giờ đây, con đã bắt đầu mở lòng ra với ba hơn. Mỗi ngày, con cho phép mình được là ba và dành tình thương cho ba trong mình. Đôi lúc, con vẫn còn có chút cảm giác mình là nạn nhân, nhưng con thôi không còn đấu tranh gì nữa cả.

Sau buổi trò chuyện với thầy Đạo Quang, con cảm nhận trong lòng mình đang có một cái hố thật sâu, thật to, có lẽ to bằng một phần ba thân thể con. Thật là nản lòng khi nhận ra trong mình đang có một cái máy phát năng lượng khổng lồ, mà động cơ để chạy cái máy đó chính là ước muốn được tốt, được giỏi như người khác! Nếu ai đó hỏi con cái thấy này có hương vị gì, con sẽ nói rằng nó đắng gấp mười lần trái khổ qua! Đây là một cái thấy khá mới đối với con và nó vẫn còn làm con xúc động lắm. Con biết mình cần có mặt nhiều hơn cho cảm giác đó, còn chuyện liệu nó có thay đổi hay không dường như chẳng quan trọng lắm.

Trong quyển Nghệ Thuật Sống (The Art of Living), Thầy có nhắc đến tuệ giác vô thường: “Chúng ta có thể biến tuệ giác vô thường trở thành một tuệ giác sống động có mặt trong ta trong mỗi giây phút”. Nhìn lại những tuệ giác, hay cái thấy, mà con đã chứng nghiệm, con tự hỏi mình: “Con có thể sống với những tuệ giác này trong mỗi giây mỗi phút của đời sống hàng ngày hay không?”.