Cho tình thương thêm sâu

Phỏng vấn Marisela Gomez – tăng thân ARISE

Marisela Gomez (Chân Biểu Tôn), giáo thọ cư sĩ của Làng Mai, là người đồng sáng lập tăng thân ARISE vào năm 2016. ARISE là từ viết tắt của “Awakening through Race, Intersectionality, and Social Equity”, tạm dịch là: “Tỉnh thức trong vấn đề chủng tộc, sự đan xen giữa nhiều hình thức phân biệt đối xử và các hoạt động vì công bằng xã hội”. Lấy gốc rễ từ truyền thống thiền tập Làng Mai, tăng thân ARISE cam kết thực tập chánh niệm trên tinh thần nhập thế để góp phần mang lại công bằng chủng tộc và xã hội. Bài phỏng vấn này được BBT thực hiện vào tháng 6 năm 2022 và được dịch từ tiếng Anh.

arisesangha.org

BBT: Chào chị Marisela, xin chị chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của tăng thân ARISE và điều gì đã tạo cảm hứng cho chị trong việc xây dựng tăng thân này?

Marisela: Trong chuyến hoằng pháp của tăng thân Làng Mai tại Mỹ vào năm 2015, có một buổi chia sẻ chuyên đề về bình đẳng chủng tộc tại New York với chủ đề: Where Spirit Meets Action (tạm dịch: Nơi tình thương biến thành hành động). Tại tu viện Lộc Uyển cũng có một buổi chia sẻ về chủ đề này. Trong cả hai buổi chia sẻ đó đều có ý kiến cho rằng sự có mặt cũng như tiếng nói đại diện cho nhóm người da đen, bản địa và người da màu là chưa đủ. Ở Mỹ thường dùng từ BIPOC, viết tắt của “Black, Indigenous, and People of Color” để nói về người da đen, người bản địa và người da màu. Còn ở Anh thì dùng từ BAME (Black, Asian, and Minority Ethnic), nghĩa là: người da đen, người gốc Á châu, và người dân tộc thiểu số.

Trong tăng thân, cộng đồng BIPOC thường được đại diện bởi các xuất sĩ người Việt, nhưng vẫn còn rất hiếm người da đen, người Mỹ La Tinh cũng như người bản địa. Một số người trong cộng đồng BIPOC, trong đó có tôi, đã đặt câu hỏi: “Chúng tôi đang ở đâu và tại sao chúng tôi không có đại diện trong tăng thân?”. Khi đặt ra câu hỏi này, chúng tôi thường nhận được câu trả lời nôm na là: “Chuyện đó không quan trọng, vì thực ra chúng ta giống nhau, chúng ta tương tức và chúng ta là một. Nói như các bạn có thể gây chia rẽ trong tăng thân”. Nghe vậy chúng tôi rất đau lòng. Trong khi đó, những gì chúng tôi đối diện trong đời sống hàng ngày liên quan đến vấn đề chủng tộc vẫn không ngừng gây ra những vết thương cần được chữa lành. Lẽ ra tăng thân là nơi chúng tôi có thể làm được điều đó. Nhưng nếu chúng tôi mang những vấn đề này ra thì lại không dễ được đón nhận. Hầu hết các tăng thân ở Mỹ đều có người da trắng chiếm đa số.

Một ví dụ cụ thể là sau cái chết của Freddie Gray – một thanh niên da đen - tại Mỹ vào năm 2015, có rất nhiều các cuộc biểu tình với hàng ngàn người xuống đường phản đối hành vi tàn bạo của cảnh sát. Một người bạn da đen đã chia sẻ vấn đề này trong tăng thân, nơi người da trắng chiếm đa số, nhưng không hề có ai lên tiếng. Không chỉ những người da đen mà cả xã hội Mỹ lúc bấy giờ đang bị tổn thương. Người bạn ấy đã trực tiếp gặp tôi và nói rằng bạn ấy không thể tiếp tục sinh hoạt trong tăng thân vì cảm giác sự có mặt của mình không được thừa nhận và không được quan tâm.

Khi có khó khăn xảy ra trong cộng đồng BIPOC, liệu tăng thân chúng ta có thể ôm ấp được không? Nếu tăng thân không hiểu rõ về nỗi đau mà cộng đồng BIPOC đang chịu đựng thì làm sao có thể ôm ấp được? Nếu có một người trong cộng đồng BIPOC qua đời, đặc biệt là do bạo lực, chúng tôi mong muốn tăng thân có mặt và cùng chia sẻ với chúng tôi niềm đau đó. Nhưng nếu tăng thân không hay biết gì về chuyện xảy ra, chúng tôi sẽ cảm thấy bơ vơ và bị tổn thương.

Vì những chuyện như thế cứ tiếp tục xảy ra nên những người có kinh nghiệm dấn thân trong lĩnh vực công bằng chủng tộc và công bằng xã hội đã đến với nhau để thành lập nên tăng thân ARISE. Chúng tôi tập trung vào vấn đề về chủng tộc nhưng cũng quan tâm đến sự đan xen giữa nhiều hình thức phân biệt đối xử và các hoạt động vì công bằng xã hội. Mặc dù tập trung vào vấn đề phân biệt chủng tộc, chúng tôi cũng cố gắng lên tiếng về một số lĩnh vực khác bao gồm vấn đề về giới tính LGBTQIA+, người nhập cư cũng như tình trạng phân biệt giai cấp trong xã hội.

BBT: Thầy đã từng tổ chức các khóa tu cho người da màu. Nhưng hiện nay khi tăng thân tổ chức những khóa tu như thế, nhiều người đặt câu hỏi: những khóa tu này có đang tạo thêm sự chia rẽ?

Marisela: Trong những nhóm xen lẫn với người da trắng, khi tôi chia sẻ về niềm đau do kỳ thị chủng tộc gây ra, các bạn trong nhóm thường nói rằng tôi là người gây chia rẽ và tôi nên rời khỏi buổi sinh hoạt đó. Các bạn muốn tôi để lại niềm đau đó đằng sau cánh cửa trước khi bước vào buổi sinh hoạt, và làm như thể tất cả đều là một.

Nhưng trong không gian chỉ có những người thuộc nhóm BIPOC, chúng tôi có thể chia sẻ rất cởi mở về các sang chấn tâm lý (trauma) và những tổn thương của mình. Đồng thời chúng tôi không làm mất lòng những người bạn da trắng khi nói thẳng ra rằng sự phân biệt chủng tộc là có thật, và chúng tôi bị tổn thương trước những đặc quyền của người da trắng và sự thiếu ý thức của họ về điều này.

Người da trắng cũng cần có không gian riêng để có thể chia sẻ một cách thành thật mỗi khi họ nhận thấy mình có những hành vi kỳ thị chủng tộc. Khi không có không gian riêng đó, giống như tình trạng hiện giờ, mỗi khi người da trắng chia sẻ về những lời nói, hành động hoặc suy tư của mình về một người da đen hoặc da màu, chúng tôi lại bị tổn thương một lần nữa. Và như thế, những người bạn da trắng không dám chia sẻ nữa, bởi vì họ không muốn làm tổn thương những người bạn BIPOC. Cũng tương tự như vậy, những người bạn BIPOC không dám đề cập đến những vết thương mà người da trắng gây ra cho mình, vì sợ tổn thương những người bạn da trắng trong tăng thân.

Rốt cuộc, tất cả mọi người cùng ngồi đó và làm bộ như không có chuyện gì xảy ra và nghĩ là mọi chuyện đều ổn cả. Nhưng đó không phải là cách thực tập của chúng ta. Cách thực tập của chúng ta là chế tác, nuôi dưỡng hạnh phúc để có thể chữa lành và tạo không gian để chăm sóc những vết thương do phân biệt chủng tộc, những vết thương rất sâu trong lòng chúng ta, cũng như trong lòng tổ tiên chúng ta.

Ai trong chúng ta cũng có tổ tiên đã từng chịu khổ đau vì nạn phân biệt chủng tộc, xuất phát từ lòng tham và tâm phân biệt trong ta. Vì vậy, tất cả chúng ta cần ngồi cho yên để lòng mình mở ra. Và trong không gian đó, ta có thể mời khổ đau lên và nhìn vào nó, cảm nhận nỗi đau và chăm sóc nó. Một khi trong ta có nhiều tỉnh thức và bình an hơn, chúng ta có thể đến với nhau trong một tinh thần rất khác.

Nếu trong tôi còn đầy khổ đau, giận dữ vì sự phân biệt chủng tộc và xung quanh tôi toàn là người da trắng, có những lúc tôi sẽ vung vãi những khổ đau và giận dữ đó lên những người bạn da trắng của mình và làm cho họ tổn thương. Đó là lý do tại sao tôi cần có không gian để thở, để thiền hành. Tôi cần những người bạn cùng màu da, chủng tộc để cảm thấy an toàn hơn một chút. Để có thể nói ra, cảm nhận được nỗi đau, nhận diện những sang chấn đang biểu hiện ở điểm nào trên thân thể và chữa lành cho mình.

Hiện giờ, trong tăng thân ARISE vẫn có những người bạn da trắng, nhưng đa số là người da màu. Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy rằng trong một nhóm mà đa số là những người bạn BIPOC, năng lượng của người da trắng không còn quá mạnh, và không gian được cân bằng hơn. Như thế, chúng tôi ít nhất cũng có thể nói ra được những gì trong lòng mình. Không gian riêng này rất quan trọng, cho đến khi cả người da trắng và người da màu đều tìm được sự trị liệu, cân bằng trong chính mình, và không gây thương tổn thêm cho nhau.

BBT: Theo chị, tăng thân Làng Mai có thể làm gì để giúp nâng cao nhận thức và hành động trong lĩnh vực bình đẳng chủng tộc và công bằng xã hội?

Marisela: Việc chúng tôi được mời để nói về tăng thân ARISE đã là một bước quan trọng. Ngoài ra, tăng thân cần tạo điều kiện thành lập các nhóm có cùng mối quan tâm (affinity groups) và chia sẻ thông tin này đến với đại chúng. Các bài pháp thoại về những khổ đau của nạn phân biệt chủng tộc cũng rất quan trọng. Chúng ta cần ý thức về những lĩnh vực mà bất công xã hội đang xảy ra.

Tăng thân ARISE vừa tổ chức một khóa học sáu tháng có tên là: “Chủng Tộc: Một pháp môn” (Race: A Dharma Door). Chúng tôi sử dụng giáo lý Tứ diệu đế làm cơ sở để trình bày sự phân biệt và bất công chủng tộc gây ra khổ đau như thế nào. ARISE cũng đã làm một bài quán nguyện dựa trên Năm Giới, chú trọng vào công bằng chủng tộc để làm rõ cách chúng ta có thể áp dụng tất cả các pháp môn để chấm dứt khổ đau này. Chúng ta đã có đầy đủ các phương tiện cần thiết.

Chúng ta cần chia sẻ giáo pháp như thế nào để mọi người đều thấy mình trong đó. Chánh pháp giúp cho tất cả mọi người tạo dựng không gian trong mình để trị liệu, nhìn rõ và hiểu được họ cần nuôi dưỡng điều gì, bên cạnh việc chăm sóc niềm đau, nỗi khổ của mình. Những người nghèo, những người đồng tính, hay những người bị khuyết tật, ta đều không thể bỏ sót bất cứ ai.

BBT: Điều gì là trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng tăng thân ARISE?

Marisela: Ngay từ đầu chúng tôi nhận được rất ít sự yểm trợ. Chúng tôi phải thúc đẩy rất nhiều để thay đổi hiện trạng. Vì sao không có người da đen nào trong Hội đồng Giáo thọ khu vực Bắc Mỹ? Ít ai quan ngại về điều đó. Sau vụ George Floyd bị giết hại năm 2020, chúng tôi có nhiều cơ hội hơn để nói về những gì ARISE đang cống hiến và được công nhận là một phần chính thức của tăng thân Làng Mai.

Chúng ta đều là đệ tử của Thầy. Thầy luôn có ước nguyện làm mới đạo Bụt, và mong muốn một đạo Bụt vì con người. Ta cần làm mới đạo Bụt ra sao để mang lại lợi lạc cho tất cả mọi người? ARISE cũng là vì con người. Làm cách nào để chúng ta có thể đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được tham dự vào tăng thân và được lợi lạc từ sự thực tập? Các nhóm như ARISE hình thành một cách tự phát, bởi vì tăng thân chưa nhìn ra được nhu yếu của chúng tôi. Nhưng chúng tôi phải đi tới, chúng tôi không thể chờ tới lúc tất cả mọi người trong tăng thân đều sẵn sàng được.

BBT: Khi đối diện với những khó khăn này, các anh chị đã nương tựa vào đâu?

Marisela: Chúng tôi nương tựa vào Thầy, vào hơi thở và bước chân của chính mình. Chúng tôi luôn tự nhắc mình giữ gìn sự tinh tấn và bền bỉ. Đa số chúng tôi đều chịu ảnh hưởng bởi nạn phân biệt chủng tộc. Vậy nên chúng tôi nương tựa vào chính trải nghiệm sống của mình, đồng thời nương tựa vào sự thực tập, bởi vì sự thực tập đã mang lại hiệu quả và sự chuyển hóa cho tất cả chúng tôi. Không phải chỉ có hiệu quả không, mà đó chính là tự do thực sự, tự do chân chính. Điều đó khiến chúng tôi ai cũng tận tâm, hết lòng với tăng thân này. Một điều rất rõ ràng là chúng tôi sẽ không dừng lại cho tới khi nào bất công chủng tộc không còn tồn tại.

BBT: Nhưng chúng ta biết là không bao giờ có thể chấm dứt hoàn toàn khổ đau trong cuộc đời này. Không có bùn thì cũng không có sen. Làm sao để ta vẫn đạt tới bình an thực sự trong khi khổ đau vẫn đang có đó?

Marisela: Đó là một câu hỏi khá hay, bởi vì bùn luôn luôn có ở đó. Vấn đề là: Làm sao ta có thể chuyển hóa được bùn? Nếu tôi vẫn tiếp tục khổ đau mỗi lần tôi gặp cảnh bất công, thì tôi vẫn còn chưa thực tập đủ. Chúng ta cần làm cho sự thực tập vững chãi trước, đánh thức sức mạnh tâm linh trong tự thân và gặp gỡ những người bạn lành. Đây là một trong những lý do vì sao chúng ta cần giúp mọi người tiếp xúc với sự thực tập để được chữa lành những khổ đau. Chúng tôi không muốn cứ sống trong tiêu cực, lúc nào cũng chỉ có toàn tin xấu. Chúng tôi muốn nuôi dưỡng niềm vui và sự nhẹ nhàng.

Cuộc sống luôn có những điều tươi đẹp. Ngay trong cái nóng oi bức vẫn có những cơn gió mát lành, hay một gốc cây râm mát để ta nương tựa. Sau một buổi pháp đàm của nhóm ARISE gần đây, một thành viên tham dự chia sẻ: “Tôi nhận ra rằng trong bất cứ giây phút nào tôi cũng có thể chế tác niềm vui để giúp mình chăm sóc những khổ đau”. Với năng lượng thương yêu và có mặt cho nhau, chúng ta không còn khổ đau khi cảm thấy: “Mình là người khổ đau duy nhất trên đời này”, hay “Chuyện này sẽ chẳng bao giờ kết thúc”, hay là “Chẳng ai quan tâm đến những khổ đau của mình”. Giờ thì ta đã có pháp môn thực tập và tăng thân. Sự chuyển hóa sẽ xảy ra và điều kỳ diệu sẽ đến khi ta thực tập.

Giờ đây cách tôi đối diện với sự phân biệt chủng tộc đã hoàn toàn thay đổi. Tôi không còn thấy ghét bỏ người da trắng nữa. Ngay cả khi có ai đó hành xử một cách kỳ thị với tôi, tôi cũng không nổi khùng như trước nữa. Đây là một sự chuyển hóa cực kỳ lớn đối với tôi. Tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn chưa chấm dứt, nhưng bây giờ tôi cảm thấy mình có chủ quyền hơn trước. Tôi không còn bị lôi kéo, bị giật dây bởi con bò mà tôi đang cưỡi. Tôi đang đi thong thả bên cạnh con bò ấy.

BBT: Cảm ơn chị đã dành thời gian để chia sẻ và giúp mọi người hiểu sâu hơn về tăng thân ARISE.