Sư cô Chân Trăng Mai Phương

Hô to khẩu hiệu hai năm trước Mở máy lên mà gõ nên duyên này kéo tôi lại với ban biên tập báo năm nay. Để động viên mình mỗi lần mở máy làm việc, tôi nhất định đổi khẩu hiệu cho vui tai. Lần này không dám hô to mà chỉ nhẩm nhẩm: Mở máy lên và híp mí!

Từ khi xuất gia, tôi không còn đợi xem chương trình Táo Quân - Gặp nhau cuối năm của VTV vào đêm giao thừa nữa, mà đổi thành chờ báo Làng ra lò. Cảm giác cầm tờ báo trong tay, dù là bản giấy hay bản mềm trên máy tính luôn làm tôi háo hức. Nhiều khi chẳng đợi được báo giấy, tôi lên mạng tải về cho bằng được. Mở báo là tôi lướt hết các trang để ngắm ảnh. Đôi mắt lấp lánh thì thầm: “Tăng thân mình đẹp quá! Đời sống anh chị em xuất sĩ mình vui và tự do quá!”. Rồi nhâm nhi thưởng thức từng bài, có khi ham đọc cho đến khuya. Tôi gật gù mãn nguyện: “Ngày đầu năm mới mà đã được ăn một bữa cỗ, ôi chao là no nê!”

Tôi nghe nói ngày xưa để báo Làng thêm phong phú với những bài viết đầy nuôi dưỡng về sự thực tập và chuyển hóa của tự thân, Thầy đã cho nghỉ một buổi thời khóa chiều để quý thầy quý sư cô có thời gian viết bài để nộp cho đúng hạn. Với nhiều bàn tay đóng góp, cũng như trải qua bao nhiêu năm gìn giữ và tiếp nối Thầy làm báo, Lá thư Làng Mai nay đã trở thành một sân chơi, một góc hội ngộ mỗi độ thu về đông sang. Nhận được lời mời hay đôi khi “đòi khéo” từ ban biên tập, nhiều anh chị em xuất sĩ đã có sẵn sao trăng trong túi để chuyển phát nhanh đến hộp thư của báo Làng.

Sau nhiều năm hưởng thụ, năm nay tôi bắt tay học cách “làm cỗ”. Đọc bài viết gửi tới luôn là giai đoạn vui và hoa mắt nhất. Mỗi bài viết như một thước phim sinh động và mang màu sắc, hương vị riêng. Có những bài chỉ cần đọc là hình ảnh của tác giả hiện lên rõ mồn một trong đầu. Có bài đọc đi đọc lại tôi vẫn thấy xúc động, có những bài đọc thì cười híp mắt híp mí. Nhưng có những bài phải đọc đến vài lần, có khi cần tra từ điển bác Google mới hiểu hết ý vì tác giả dùng từ riêng của vùng miền hay dùng từ Hán Việt. Nhờ học cách biên tập báo qua từng bài viết của huynh đệ, tôi mới có cơ hội chạm đến bản sắc ngôn ngữ của từng vùng miền. Tiếng nói và cách dùng từ ấy có lẽ mang theo cả tuổi thơ, cuộc đời hay truyền thống của cả gia đình, làng xã,… Có nhiều nơi trên mảnh đất quê hương tôi chưa từng được đặt chân tới, nhưng thông qua từng câu chữ tôi có cơ hội được làm quen, được chạm tới và được hiểu.

Nhờ dịp này, tôi cũng phát hiện ra mình đã làm rơi rớt vốn liếng tiếng Việt sau một thời gian sống ở Làng. Tôi quên cách dùng từ, quy chuẩn văn phạm và hành văn trong tiếng Việt do mỗi ngày tiếp xúc trong môi trường nói tiếng Anh, tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng khác. Ai đã từng sống xa quê hương một thời gian chắc cũng sẽ tủm tỉm cười đồng cảm. May mắn cho tôi là trong ban biên tập, mỗi bài viết luôn được đi theo dây chuyền qua từng người, để cùng nhau chỉnh sửa và đóng góp. Nhờ vậy tôi luôn có cơ hội và thời gian để vừa làm, vừa học lại. Và có lẽ tiếng quê hương, tiếng đất nước, tôi sẽ vẫn tiếp tục học suốt cả cuộc đời mình.

Vẫn chưa hết, tôi còn được học cách cắt tỉa, nêm nếm làm sao để vẫn còn giữ được văn phong và thông điệp mà người viết muốn gửi gắm. Cũng thật khó khi trong đầu tôi đã có sẵn ý niệm hành văn thế này mới hay, thế kia mới nuột. Và thế là có ngày tôi lẩm nhẩm hát: “Còn tôi phải học thuộc lòng, bài học buông ý riêng tôi. Để mỗi khi sửa bài mới tôi lại học cách buông thôi!”. Tôi tự đổi lời mấy câu trong bài Con cá dung thông, tự hát và cười trong khi làm việc. Đó cũng là một cách hóm hỉnh tôi chế ra để đồng hành, để làm bạn và làm thầy cho chính mình. Mới có chừng đó thôi, mà dường như tôi đã bắt đầu nếm được một chút những gì “các bậc tiền bối trong ban biên tập báo Làng” đã đi qua và kinh nghiệm. Nhờ kiên trì và bền bỉ trong sự thực tập dừng lại, nhận diện và buông xuống, tôi có thêm niềm tin là mình sẽ lớn, sẽ tự do và có kinh nghiệm hơn trong thực tập làm việc chung.

Ai đã từng có mặt trong ban biên tập dù chỉ trong thời gian ngắn vẫn không sao quên được những buổi trưa ấm cúng, với thật nhiều món ăn đặc biệt được chuẩn bị từ tình thương và sự quan tâm của quý thầy, quý sư cô. Từ lúc nào, văn phòng xóm Thượng đã trở thành điểm hẹn cùng ban biên tập mỗi trưa và tối dịp cuối năm. Nhiều câu chuyện, bài hát và không thể thiếu những ly trà đã được chuyền tay nhau trong tiếng cười vang của tình huynh đệ.

Trong những ngày cùng làm việc liên tục, khi dây đàn trong tôi chùng xuống hay nốt lặng thường trấn ngự, tôi tự nhắc mình dừng lại. Tắt máy tính, tôi mở cửa bước ra ngoài. Chỉ để đứng đó thật yên, nghe tiếng chim hót. Hay đơn giản là tháo đôi kính cho đôi mắt được nghỉ ngơi, tôi tập ngắm những tia nắng mờ ảo xuyên qua tầng lá trúc đang đung đưa trong gió trước cửa văn phòng. Qua đôi mắt ấy tôi thấy những tán lá và từng chiếc lá được làm bằng hàng ngàn đốm sáng long lanh. Cảnh tượng ấy thật mầu nhiệm! Bỏ cặp kính cận xuống để ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, tôi chấp nhận nhìn mọi thứ không còn rõ nét. Tôi cho đôi mắt được nhìn trong khả năng nó có thể. Tập cách chấp nhận và thưởng thức những gì đang hiện ra trước mắt như chấp nhận những mong manh, yếu đuối trong chính mình.

Tôi chợt bật cười: Đó có phải là đặc ân của người mắt kém mỗi lần bỏ kính chăng! Ai đã từng chơi máy ảnh và chụp ảnh chắc sẽ không còn thấy lạ với hiệu ứng bokeh - hiệu ứng của những đốm sáng trên nền ảnh. Nhưng đôi mắt cận không kính đã làm được công việc tinh vi của chiếc máy ảnh. Nó cho phép tôi thấy được sự vật trước mắt theo một cách rất khác so với những gì mình tưởng chừng như đã biết rất rõ. Cảnh tượng mầu nhiệm ấy nhờ hàng ngàn những đốm sáng, tương tác bởi những điều kiện và hiện tượng khác nhau mà tạo nên. Tôi chợt nhớ tới câu Nhân duyên đầy đủ thì sự vật biểu hiện. Ý niệm ấy, tôi đã được nghe nhiều lần qua những cách diễn bày khác nhau. Nhưng lần này, có điều gì đó đang thấm vào, biến chuyển và hòa quyện với những cái thấy khác chợt lóe lên trong tôi.

Nhớ lại những ngày làm việc chung với quý thầy quý sư cô, tôi rất vui và cũng đã có rất nhiều những giây phút phải thực tập quay về. Nhưng mong muốn được chơi, học hỏi, làm việc chung cùng huynh đệ và đặc biệt là với Thầy luôn đi lên trong tôi. Những giây phút đồng điệu, những khoảnh khắc chạm được niềm vui làm báo nơi Thầy trong mình, đã luôn là động lực để tôi đi tới. Thầy đã trao truyền bao nhiêu là phương tiện để tôi biết làm bạn với chính mình, được thực tập, chơi và học ngay trong khi làm việc chung với huynh đệ. Và còn bao nhiêu khoảnh khắc khác khi tôi chợt nhận ra Thầy… như hàng ngàn đốm sáng đang được ghép lại, vừa lạ vừa quá đỗi thân thương.

Đọc từng bài viết gửi tới, tôi nhận ra Thầy đang biểu hiện khắp nơi. Trong từng thầy, từng sư cô hay trong từng câu chuyện chứa đựng kinh nghiệm và tình thương mà Thầy muốn gửi gắm, trao truyền cho đệ tử. Tôi may mắn đang được cùng anh chị em thu nhặt và gom góp từng hoa trái, từng vốc sao trăng, từng hạt thương yêu đang nảy mầm trong từng bài viết, trong từng hơi thở và bước chân.