Sư cô Chân Đẳng Nghiêm

Khi Thầy qua đời, cả thế giới đều hướng về và chứng kiến một Tâm tang hùng tráng. Cùng lúc đó, câu hỏi “Ai sẽ tiếp nối Thầy? Việc gì sẽ xảy ra cho tăng thân Làng Mai? Chúng ta sẽ đi về đâu?” trở nên thực tiễn hơn bao giờ hết.

Con còn nhớ ngày gia đình cây Sứ được xuất gia, sau khi xuống tóc chúng con quây quần bên Thầy để chụp hình. Con quỳ lên, chắp tay và thưa: “Bạch Thầy, con sẽ cố gắng tu học để không phụ lòng Thầy”. Thầy quay lại nhìn con rồi nói: “Thầy tin là con sẽ làm được và con sẽ giúp được nhiều người”.

Những năm đầu làm sadi, con xin phép không chăm sóc chương trình dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên trong khóa tu mùa Hè. Vì hình ảnh của người trẻ làm con nhớ lại tuổi thơ đau buồn của mình. Thầy biết được và nói với con: “Con tu học cho có hạnh phúc rồi con sẽ giúp được cho rất nhiều người trẻ”.

Rồi trong những khóa tu người Việt, con cũng thường né tránh thiền sinh người Việt về đây từ các nước châu Âu và châu Mỹ, vì con và em trai là con lai, đã từng bị kỳ thị khi lớn lên ở Việt Nam. Con không muốn gần người Việt để khỏi chạm vào những vết thương tuổi thơ của mình. Không biết vì sao Thầy cũng biết điều này và một hôm khi con ngồi bên Thầy, Thầy vuốt đầu con rồi nói: “Con tu đi, rồi con sẽ giúp được cho những người Tây phương và con cũng sẽ giúp được cho đồng bào người Việt của mình”.

Những lúc Thầy nói như vậy con chỉ lắng nghe thôi. Nhưng sau khi Thầy qua đời, con hiểu ra đó là những cái thấy của một vị thầy về đệ tử của mình. Không chỉ đối với riêng con mà đối với tất cả những người con tâm linh của mình, Thầy đều thấy được những khổ đau và cả những tiềm năng trong mỗi chúng con. Thầy có niềm tin rằng nếu cố công thực tập thì tất cả chúng con, ai cũng có thể làm được những điều mà mình nghĩ rằng không thể.

Ngay từ những ngày đầu, Thầy đã hun đúc những điều đó trong tất cả những người đệ tử xuất sĩ và cư sĩ. Thầy đã vạch ra con đường cho chúng con có thể tiếp nối Thầy một cách đơn giản, rõ ràng và cụ thể. Điều đầu tiên là phải học cách chăm sóc được chính mình. Khi học chữ Hán Việt, con khám phá ra chữ “Tri kỷ” nghĩa là nhớ, biết và làm chủ chính mình. Con hạnh phúc vô cùng. Con thấy rõ được cách chăm sóc chính mình, biết làm chủ hình hài, cảm thọ, tư duy, nhận thức và tri giác của mình. Làm tri kỷ của năm uẩn để chuyển hóa, chữa lành những khổ đau của tự thân và của cha mẹ, ông bà tổ tiên đang biểu hiện rất sống động trong cách mình tư duy, nói năng và hành xử. Là sự tiếp nối của Thầy, điều đầu tiên chúng con phải thực tập là làm chủ được bản thân.

Điều thứ hai là giúp đời bớt khổ. Công việc của một người có thực tập là sáng cho người niềm vui, chiều giúp người bớt khổ. Khi đã là tri kỷ của chính mình rồi, ta có thể làm được tri kỷ cho những người khác. Giúp được chính mình là giúp được những người khác.

Thế giới khổ đau vì nhiều người trong chúng ta không hiểu chính mình, không thấy rõ cái gì đã và đang thật sự xảy ra với cuộc đời mình. Chúng ta có thể liệt kê những tai nạn trong cuộc đời, nhưng liệu chúng ta có hiểu được những nguyên nhân sâu xa của những khổ đau đó hay không? Chúng ta có thấy được chính mình cũng đã và đang góp phần nuôi lớn thêm những khổ đau, những tập khí tiêu cực đó hay không?

Hồi còn ấu thơ, khi có những bi kịch xảy ra, chúng ta đã học cách chống lại, trốn chạy hoặc đông cứng cơ thể, đông cứng trái tim mình để có thể sống còn trong những ngày tháng đen tối đó. Từ một đứa bé bất lực không bảo vệ được chính mình, những tập khí sống còn đã trở thành một thói quen hành xử. Theo năm tháng, ta có thể từ một nạn nhân trở thành phạm nhân lúc nào mà ta không hề hay biết.

Sự giết chóc tàn khốc khắp nơi trên thế giới là một biểu hiện của khổ đau từ bên trong bùng phát ra bên ngoài. Điển hình là cuộc chiến tranh đang xảy ra ở Ukraine, cho thấy con người vì chưa hiểu mình, chưa thuần phục được những tâm hành sân hận, tham đắm, si mê nên vẫn tiếp tục gây khổ đau cho nhau.

Lời Thầy dạy về Tương tức giúp chúng con hướng về tình thương và sự cảm thông hơn là phán xét hay ruồng bỏ bất cứ một bên nào. Thấy mình trong người kia, thấy người kia trong mình, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người kia, để không còn chỉ thấy đúng hay sai, xấu hay tốt. Con thường tự hỏi: Nếu Thầy trong hoàn cảnh của con, Thầy có nghĩ như vậy không? Thầy có làm như vậy không? Thầy có nói như vậy không? Thầy là tấm gương trong vắt để cho con thấy tâm mình đang biểu hiện sự bao dung hay chỉ là sự kỳ thị, phân biệt.

Thầy từng nói rằng không có ai và không một tổ chức nào hoàn hảo. Tăng thân cũng vậy, nhưng mình luôn có thể thấy được những vẻ đẹp trong mỗi người và trong tăng thân. Từ tấm gương của Thầy, con học ôm ấp những khó khăn, yếu kém, cũng như trân quý cái đẹp và sự nỗ lực của mỗi người trong tăng thân. Nhờ vậy, con có thể sống hài hòa hơn và đồng hành, đồng sự được với các huynh đệ của mình.

Một lần con làm đệ nhị thân cho một sư chị đem thức ăn cúng dường Thầy. Như thường lệ, chúng con được ngồi ăn chung với Thầy. Dùng cơm xong, Thầy bắt đầu cắt một trái táo ra từng miếng nhỏ. Một miếng bị văng xuống đất. Thầy cúi xuống nhặt lên để trên bàn và tiếp tục gọt vỏ những miếng táo khác. Thầy cho con một miếng, cho sư chị của con một miếng rồi Thầy lấy miếng táo bị rớt xuống đất, gọt vỏ đi rồi đưa vào miệng nhai ngon lành. Hình ảnh này đã in sâu trong con.

Là một bậc thầy tâm linh của thế giới nhưng Thầy sống bình dị, gần gũi và làm tri kỷ cho các con của mình. Con người Thầy được biểu hiện qua những hành động rất đẹp và giản đơn. Thầy trung trực với chính mình, tu học chuyển hóa những khó khăn chướng ngại trong từng giai đoạn của cuộc đời, để rồi Thầy trao truyền cho chúng con những miếng táo lành lặn thơm ngon nhất. Đó chính là những pháp môn cụ thể mà chính Thầy đã khám phá và tu tập thành công.

Giây phút nhận tin Thầy qua đời, chúng con đã ngồi rất yên và thở rất sâu trong thiền đường Sao Trên Biển. Chúng con đi thiền hành với nhau trước khi họp về chi tiết các buổi lễ. Thầy đã cho chúng con thời gian để chuẩn bị tinh thần cũng như mọi chi tiết khác. Vì vậy, chỉ hai tiếng sau, bàn thờ đã được thiết lập. Thời khóa tu tập cho suốt tuần lễ Tâm tang cũng đã sẵn sàng.

Bảy ngày Tâm tang là bảy ngày Pháp hội mà chúng con rất trân quý. Tất cả cơ sở vật chất cũng như các pháp môn đều là di sản Thầy trao truyền. Chúng con thực tập im lặng hùng tráng, ngồi yên, thiền hành, dùng cơm quá đường, tụng giới, chia sẻ những kỷ niệm với Thầy hay sự thực tập để tiếp xúc với Thầy trong mỗi cá nhân chúng con.

Thầy từng dạy, “Nỗi đau không tránh được, nhưng cái khổ là một sự chọn lựa”. Nỗi đau mất Thầy, chúng con không tránh được. Hai năm trước khi Thầy qua đời, chính tay con đã để hình Thầy vào khung rồi che lại, úp xuống trên cái bàn sẽ dùng làm bàn thờ của Thầy. Con sợ rằng khi giây phút đó đến, chúng con sẽ run đến nỗi không thể để di ảnh của Thầy vô khung được. Lần đầu nhìn di ảnh Thầy trên bàn thờ, con vẫn cảm thấy bàng hoàng dù đã chuẩn bị tinh thần nhiều đến mấy đi nữa. Khi đại chúng xếp hàng đứng trước thiền đường Trăng Đầu Non để rước tro cốt của Thầy mang từ chùa tổ Từ Hiếu về, nhìn thầy Pháp Lưu ôm hũ tro bước ra xe, không ai cầm được nước mắt. Trời mưa lất phất, nước mưa nước mắt hòa quyện vào nhau. Trong giây phút đó và kể cả sau này cũng vậy, tâm con chỉ có một ý nghĩ, “Thầy không có trong đó!”.

Trong kinh A Nậu La Độ, có người ngoại đạo hỏi, “Khi Bụt qua đời, Bụt còn hay không còn? Hay vừa còn vừa không còn? Hay vừa không còn vừa không không còn?”. Dù đã nghe kinh rất nhiều lần, con vẫn thấy những mệnh đề đó khó hiểu. Vậy mà khi Thầy qua đời, tự nhiên con thấy rõ, đúng là không thể hỏi Thầy còn hay không còn; hay là vừa còn vừa không còn; hay là vừa không còn vừa không không còn. Thầy không bị kẹt vào những mệnh đề hay khuôn khổ eo hẹp đó. Giờ thì con đã hiểu vì sao Bụt im lặng không trả lời.

Chúng con có quyền buồn nhưng chúng con không cần phải khổ. Thầy đã cho chúng con tất cả, những điều đó vẫn còn rất đẹp và tròn đầy trong mỗi chúng con. Chúng con có thể khóc thật nhiều, nhưng nếu chúng con chỉ đắm chìm trong thương tiếc, hoặc vẫn nói năng, suy nghĩ, hành xử không có chánh niệm và tình thương thì những giọt nước mắt đó không chứa đựng được Thầy. Như thế sự sống của Thầy không được tiếp nối trong xương tủy của chúng con.

Khi nhìn một sự vật hay một người với tình thương, con biết Thầy đã cho con đôi mắt đó. Khi biết lắng nghe những đau nhức trong cơ thể mình hoặc những khổ đau của người khác, con thấy Thầy cho con lỗ tai đó. Khi con biết thiền ôm để an ủi một người hoặc biểu lộ sự trân quý, Thầy cũng dạy cho con điều đó. Sự chữa lành những vết thương trong tâm hồn và cả những đau nhức nơi thân thể cũng là nhờ những linh dược từ Thầy. Sau khi Thầy mất được ba ngày, trong giấc mơ con nghe tin Thầy đã qua đời. Thân tâm con lặng yên mật niệm và tàng thức con đã được tự do với sự ra đi của Thầy! Thức dậy, câu thơ đi lên trong con:

Thầy vừa đi hái thuốc
Nội trong núi này thôi
Mây tan thấy được ngay.

Từ mọi nơi trên thế giới, chúng con đã lắng nghe tiếng gọi và đi theo bước chân của Thầy. Từ đó, cuộc đời của chúng con nhẹ nhàng và đẹp đẽ hơn. Nhờ Thầy mà chúng con đã có hướng đi. Chúng con không còn lo sợ phải lang thang như những bóng ma. Bất chấp mọi thử thách, Thầy đã luôn chọn con đường của tình thương, của sự hiểu biết và tha thứ bao dung.

Chúng con nguyện noi theo gương Thầy, mỗi ngày tập buông bỏ bớt những đam mê, nắm bắt, đòi hỏi, những tư duy phán xét, kỳ thị và giận hờn ganh ghét. Học chọn bình an, chọn hòa giải. Chọn sống đơn giản để có thời gian tu học, giúp xây dựng tăng thân, xây dựng xã hội ngày càng lành mạnh như lời tâm kinh Thầy để lại:

Tăng là đoàn thể đẹp
Cùng đi trên đường vui
Tu tập giải thoát
Làm an lạc cuộc đời.

Bài tụng “Quy nguyện” - Nhật tụng Thiền môn

Tu viện Lộc Uyển hiện đang có khóa tu đón mừng năm 2023. Vì thiếu chỗ nên nhiều gia đình có cháu nhỏ cũng phải cắm trại. Trời đổ mưa nặng hạt đôi khi lạnh cóng, nhưng khuôn mặt ai cũng rạng rỡ. Lều cắm san sát với những màu sắc rực rỡ như nấm mọc lên sau cơn mưa giữa sa mạc. Các sư em con cũng mạnh dạn lên chia sẻ trong buổi hướng dẫn tổng quát dù tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ.

Sáng hôm sau, có một cặp vợ chồng người Mỹ tới gặp con sau khi con cho pháp thoại. Họ chắp tay, tha thiết nói: “Nhiều năm Thầy đã dạy tăng thân sẽ tiếp nối Thầy, nhưng tôi đã không tin điều đó. Từ lúc Thầy qua đời, tôi cảm thấy mất đi niềm cảm hứng. Nhưng trong khóa tu này, khi lắng nghe những lời chia sẻ của quý thầy quý sư cô, tôi thật sự thấy rằng Thầy đang được tăng thân tiếp nối. Bây giờ thì tôi thật sự tin điều đó. Cảm ơn quý thầy, quý sư cô đã cho tôi niềm tin”. Ông vừa nói vừa khóc, nước mắt giàn giụa. Vợ của ông đứng kế bên cũng khóc ròng. Chúng con cùng khóc với nhau những giọt nước mắt tràn đầy hạnh phúc.

Chúng con đi, bước chân Thầy huyền thoại
Chúng con thở, hơi thở Thầy truyền kỳ
Chúng con sống, cuộc đời Thầy kỳ diệu
Hạnh phúc cười, Thầy có mãi trong chúng con.