Chiếc lá

John P. Hussman

John P. Hussman, pháp danh Tâm Thật Hữu (Genuine Friend of the Heart), là Giám đốc của Hussman Foundation, một tổ chức có nhiều dự án cải thiện cuộc sống và giảm bớt khổ đau cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Hoạt động của các dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau: giáo dục, nhân quyền, sức khỏe toàn cầu, tình trạng vô gia cư, chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi và hỗ trợ các bệnh liên quan đến thần kinh như chứng tự kỷ và Alzheimer. Kể từ năm 2002, John đã giúp thành lập và hỗ trợ nhiều dự án cho tăng thân Làng Mai. Bài viết được dịch từ tiếng Anh.

“Nếu một ngày nào đó có người nói với con rằng thầy đã qua đời”, Thầy ngưng lại một chút rồi mỉm cười nói: “thì con đừng tin”. Thầy hẳn nhiên sẽ thì thầm: “Điều đó không đúng đâu!”.

Khi tưởng nhớ về cuộc đời một người mà ta thương mến, ta có khuynh hướng đóng khung sự hiện hữu của họ trong hai mốc thời gian, sinh ra và mất đi: Thích Nhất Hạnh (1926 – 2022).

Hai mươi năm trước, tôi được gặp Thầy lần đầu tiên sau khi đọc rất nhiều sách của Thầy. Cuối cùng, tôi quyết định tham dự một khóa thiền tập do Thầy hướng dẫn. Lúc đó quỹ từ thiện của chúng tôi đang hoạt động giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở rất nhiều trường học tại Việt Nam, cũng như ở vùng dọc biên giới giữa Thái Lan và Miến Điện. Thầy lúc ấy cũng đã quán chiếu về sự tiếp nối của mình và mong ước duy trì hoạt động bảo trợ cho việc đào tạo và nuôi dưỡng tăng thân xuất sĩ. Khi trò chuyện với Thầy, chúng tôi vô cùng ấn tượng trước cái thấy sáng tỏ và sự kiên định trong những quyết định của Thầy. Bằng cái nhìn sâu sắc với những gì đang diễn ra trong hiện tại, Thầy có thể thấy trước được những khả năng có thể xảy ra trong tương lai, để từ đó chọn cho mình một bước cẩn trọng trên con đường hành đạo.

Đối với Thầy, ngay cả những hành động, cử chỉ giản đơn cũng đều chuyên chở năng lượng chánh niệm và lòng biết ơn. Tôi còn nhớ lần được đi thiền hành cùng Thầy và Sư cô Chân Không quanh một vườn cây ăn trái. Chúng tôi dừng lại hái táo rồi cùng ăn bên nhau, tận hưởng sự có mặt của nhau mà không cần nói năng gì. Cả thế giới dường như ngưng đọng lại trong khoảnh khắc ấy. Hiện tại và chỉ hiện tại mà thôi!

Mỗi lần gặp lại, Thầy thường nắm lấy tay tôi. Thầy trò nhìn nhau trong chốc lát rồi cùng thở và cười với nhau. Cứ mỗi lần gặp gỡ, Thầy thường ban cho tôi một bài pháp ngắn. Mặc dù, có lẽ chúng tôi chỉ gặp được Thầy mỗi năm một lần, nhưng giọng nói của Thầy dần dà đi vào trong tôi. Tiếng Thầy đã trở thành tiếng lòng tôi và với thời gian, thành tiếng lòng của vợ, con và cả gia đình, bạn bè tôi. Những lời dạy của Thầy đã ảnh hưởng tương tự đến không biết bao nhiêu người. Lời Thầy như tiếng gọi đưa ta nhẹ nhàng trở về với giây phút hiện tại, tiếp xúc với những gì tốt đẹp trong ta. Truyền cảm hứng để ta thêm hiểu, thêm thương chính mình cũng như những người xung quanh và sách tấn ta từng bước trên con đường thực tập chánh niệm.

Thầy đã đóng vai trò một vị thầy tâm linh với nhiều niềm vui, sự nghiêm túc, tâm học hỏi và sự thiền quán sâu sắc. Khi giảng dạy, Thầy không những lấy ví dụ từ kinh điển mà còn trích dẫn tư tưởng của các nhà thần học, triết học cũng như các nhà văn nổi tiếng. Những ai đã từng đứng trên bục giảng đều có thể cảm nhận được niềm vui của Thầy khi đứng trước tấm bảng trắng giảng về các hạt giống trong tàng thức, về sự thấu hiểu - nền tảng của tình thương đích thực và tầm quan trọng của việc có mặt cho nhau - “Tôi đang có mặt cho bạn và tôi biết bạn đang có đó cho tôi”.

Hình ảnh thiên nhiên luôn có mặt trong những ví dụ của Thầy: cây cối, chiếc lá, hạt giống, cơn mưa, giọt nắng, con sóng, dòng sông, đám mây, bầu trời và mặt trăng. Và không kém phần quan trọng, cả trên bình diện thiên nhiên lẫn con người, Thầy luôn nhìn thấy điều tốt đẹp nhất trong mỗi sự vật và con người. Những phẩm chất Thầy nhìn thấy ở thế giới phản ánh những điều tốt đẹp trong tim Thầy, mà Thầy gọi là “tự tánh”. Khi nghe Thầy giảng, ta hiểu ra rằng những khái niệm như vô ngã, vô thường, tiếp nối, từ bi, bất bạo động, hòa giải, không phân biệt và tình thương, không phải là những khái niệm riêng rẽ hay trừu tượng, nhưng là những đúc kết tự nhiên đến từ sự quán niệm về tự tánh trong mỗi chúng ta - rằng bản chất của chúng ta là như nhau; rằng chúng ta tương tức. “Chúng ta trống không, nhưng không có cái gì? Không có một cái ngã riêng biệt mà lại chứa đựng toàn thể vũ trụ”. Sóng cũng đồng thời là nước.

Thầy buộc phải sống hàng thập kỷ lưu đày xa quê hương, một cái giá khá đắt cho những nỗ lực kêu gọi hòa bình, từ bi và không kỳ thị - dù đối với những người mà người khác có thể gọi là “kẻ thù”. Nhưng rõ ràng là giữa tất cả những bạo động, xung đột, thế giới vẫn đẹp và từ bi hơn nhờ có Thầy.

Là một vị thầy chân chính, Thầy không có xu hướng đưa ra những khái niệm cao siêu, làm cho sự giác ngộ trở nên cao tột, xa vời đối với các đệ tử của mình. Chỉ cần một bước chân đi trong chánh niệm là đã đủ để nói rằng “Con đã về. Con đã tới”. Mức độ chánh niệm trong ngày của ta dù chỉ mới một phần trăm thôi cũng không sao, cứ thực tập, rồi năng lượng chánh niệm sẽ từ từ tăng tiến. Không nhìn sự thực tập chưa hoàn thiện của ta là một sự thất bại, Thầy chỉ cho ta thấy ngôi sao Bắc đẩu và chỉ bày những phương thức thực hành đầy từ bi, bao dung, giúp ta chữa lành, tha thứ, chấp nhận và lớn lên. Và để thấy: Không có bùn thì không có sen.

Khi nghe Thầy giảng, ta không cần quán chiếu về tiếng vỗ của một bàn tay để thấy sự sống đang có mặt trong phút giây hiện tại và thấy vạn vật tương tức với nhau mà không có một cái ngã riêng biệt. Tôi vẫn nhớ rõ bài học như một công án mà Thầy đã truyền đạt cho chúng tôi trong một khóa tu. Đó là lúc Thầy vào bếp và thấy đệ tử đang nấu ăn. Thầy nhắc vị ấy trở về với phút giây hiện tại bằng câu hỏi “Con đang làm gì đó?”

“Dạ, con đang cắt cà rốt”.

Thầy mỉm cười nói: “Mắt Thầy còn tốt, Thầy thấy con cắt cà rốt mà. Con đang làm gì đó?”

Giống như vị thiền sư dạy đệ tử cách quán chiếu cây tùng trước sân, Thầy khai sáng cho đệ tử mình bằng những khích lệ về thực tập chánh niệm, tuệ giác và tương tức. Ta có thể tưởng tượng Thầy đang mong đợi nhìn thấy đệ tử của mình, tay cầm miếng cà rốt giơ lên và mỉm cười như ngài Ca Diếp trên hội Linh Sơn.

Đệ tử của Thầy đến từ khắp mọi miền và mọi nền tôn giáo nhưng Thầy luôn có cách chỉ dạy dung hòa được mọi sự khác biệt. Thay vì bị kẹt trong giáo điều hay một hệ tư tưởng, Thầy dạy đệ tử thấu hiểu về tương tức. Thầy không ngần ngại giảng về vũ trụ, Thượng Đế, Niết bàn và cõi Tịnh độ của Bụt trong cùng một bài giảng. Thầy không phân biệt gì cả. Nếu tất cả chúng ta đều có chung một cội nguồn, thì không có mong ước nào lớn hơn là chúng ta có đủ tỉnh thức để nhận ra tính nhân bản trong nhau.

Thậm chí khi nói về “cái chết”, Thầy cũng giảng một cách rất nhẹ nhàng. Thầy từng kể câu chuyện có một bé gái hỏi Thầy: “Thầy ơi, trong kiếp sau của Thầy, Thầy muốn trở thành gì?”. Sau một hồi suy nghĩ, Thầy trả lời: “Thầy thấy là Thầy có thể trở thành nhiều thứ lắm, là con bướm nè, là đám mây nè và cũng có thể là một bông hoa vàng nữa”. Rồi Thầy dí dỏm nói thêm: “và nếu con không chánh niệm, con có thể giẫm lên Thầy đó”.

Những giây phút bình dị bên Thầy là những khoảnh khắc đọng lại trong tâm trí tôi nhiều nhất. Khi tôi và Terri được làm lễ hằng thuận tại Làng, Thầy nâng lên một lá sen và chỉ cho chúng tôi thấy cọng lá sen tuy bị bẻ đôi nhưng hai đoạn vẫn còn dính nhau nhờ sợi tơ sen. Hay một lần vào giờ dùng cơm, Thầy bất chợt phá tan sự im lặng bằng cách trở đầu đũa, gắp vào chén tôi một món chiên. Rồi Thầy mỉm cười với ánh mắt sáng rỡ hào hứng và nói: “Đó là chiếc lá”.

Tìm thấy niềm vui từ những thứ rất đơn giản như chiếc lá khiến tôi nhớ lời tựa mà Thầy viết cho cuốn sách của Sư cô Chân Không, Learning True Love (tạm dịch: “Tình thương đích thực”):

Đó là vào năm 1966. Cuộc chiến tại Việt Nam đang ngày càng khốc liệt. Tôi mải miết nghĩ cách để kêu gọi chấm dứt chiến tranh, và nhiều khi không thể nuốt trôi miếng cơm nào mỗi khi nghe tin một trận chiến khốc liệt vừa xảy ra. Bữa đó, sư cô Chân Không đang chuẩn bị một đĩa rau thơm. Sư cô quay qua hỏi tôi: “Bạch Thầy, Thầy có thể cho con biết những loại rau thơm này ở miền Bắc gọi là gì không?”. Nhìn sư cô đang cẩn trọng đặt những nhánh rau vào chiếc đĩa lớn với tất cả sự chú tâm, tôi bỗng bừng tỉnh. Thầy trò chúng tôi trao đổi với nhau mười phút về những loại rau thơm ở miền Nam, Trung và Bắc. Tâm trí tôi thoát khỏi những suy nghĩ về cuộc chiến. Khoảng thời gian đó đủ giúp tôi lấy lại được sự cân bằng mà tôi đang rất cần. Nhiều năm sau, một người bạn Mỹ hỏi tôi: “Thưa Thầy, Thầy trồng rau và xà lách làm gì cho mất thời gian. Thầy dành thời gian đó để làm thơ có hơn không? Ai mà không trồng được rau xà lách, nhưng ít ai có thể sáng tác những bài thơ sâu sắc như thơ của Thầy”. Tôi mỉm cười đáp: “Bạn ơi, nếu tôi không trồng những cây xà lách thật chánh niệm như vậy thì tôi không làm ra những bài thơ như vậy được”.

Thỉnh thoảng Thầy kể về giây phút Thầy ngừng lại tất cả mọi việc đang làm để quán chiếu một chiếc lá.

Tôi hỏi chiếc lá: “Em có sợ mùa thu không, vì tới mùa thu, em sẽ phải rời cây?”. Chiếc lá đáp: “Dạ không. Suốt mùa xuân và mùa hạ em đã sống rất đầy đủ. Em đã giúp cây hết lòng để cây được sống. Em thấy mình trong cây. Em thấy mình là cây, em không phải chỉ là một chiếc lá. Khi em trở về đất, em sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cây. Em chẳng có gì phải lo sợ cả. Khi em rời cành bay bổng trên không, em sẽ vẫy tay chào cây: Ta sẽ gặp lại nhau một ngày rất gần”. Chiếc lá vừa nói xong thì một ngọn gió thoáng qua. Chiếc lá bay lượn nhẹ nhàng trước khi rơi xuống đất.

Cũng như chiếc lá, Thầy không lo lắng gì về sự tiếp nối của mình. “Chúng ta ai rồi cũng già. Ai rồi cũng ốm đau bệnh tật”. Thay vì trốn tránh sự thật ấy, Thầy dạy chúng ta quán chiếu để sống cho sâu sắc và với lòng biết ơn. Khi Thầy bị bệnh và không thể đi được, cả đại chúng bao quanh giúp Thầy như “một bầy ong vui vẻ”, lời của Sư cô Chân Không. Tôi luôn nhớ một lời nhắn nhủ được dán trên thất của Thầy: “Khi đi, con nhớ đi cho Thầy”.

Trong những lần tới thăm Thầy sau cùng, Thầy nói chuyện rất khó khăn. Thầy trò chỉ đứng nhìn nhau, thở và mỉm cười, không cần một lời pháp nào cả. Rồi tôi nói: “Thưa Thầy con đang có mặt đây cho Thầy và con biết Thầy cũng đang còn đó cho con”. Ánh mắt Thầy sáng bừng và Thầy cười thật tươi.

Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng chúng ta đã “mất” Thầy rồi. Chắc hẳn Thầy sẽ thì thầm: “Điều đó không đúng đâu!”. Thầy luôn còn đây, trong đám mây, cánh bướm, bông hoa, chiếc lá, trong muôn vàn biểu hiện của cõi tịnh độ và trong bản môn. Tất cả những biểu hiện mầu nhiệm đó đang giữ gìn Thầy cho chúng ta.

“Thân này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào nơi thân ấy. Tôi là sự sống thênh thang. Tôi chưa bao giờ từng sinh mà cũng chưa bao giờ từng diệt”. Thầy chưa bao giờ sợ hãi vì Thầy thấy rõ ràng sự tiếp nối đẹp đẽ và vô tận của mình nơi các đệ tử - xuất gia cũng như tại gia; trong mỗi hơi thở, nụ cười chánh niệm, trong những hành động, lời nói đầy bình an và từ bi đang lan tỏa như những gợn sóng trên đại dương.