Sư cô Chân Trăng Bồ Đề
Nhìn ngắm một lần cuối hai chiếc lá vàng, lá đỏ trước khi bỏ vào bì thư để gửi đi, lòng con tràn ngập sự thương mến. Bất chợt, con mỉm cười khi nhớ lại những dòng chữ ngây thơ mà con nhận được vào một buổi sáng đẹp trời: “Hôm nay là ngày đầu tiên con đi học. Trường của con ở Bilthoven. Con đạp xe 2,5 cây số để đến trường vào buổi sáng và về lại vào buổi chiều”. Đó là một trong những ký ức đẹp con có trong chương trình thiếu nhi mùa hè vừa rồi tại Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) ở Đức.
Đa phần trẻ em Đức và Hà Lan không nói được tiếng Anh nhiều nên bao câu chuyện khóc cười do khác biệt ngôn ngữ cứ nối nhau.
“Em tìm gì vậy?”
Con đang đứng trong hành lang để dọn dẹp, một em chạy ào đến với dáng vẻ bối rối. Con liền hỏi: “Em tìm gì vậy?”. Theo phản xạ tự nhiên, em trả lời bằng tiếng Đức. Nhìn đôi mắt tròn xoe và ngơ ngác của con, em lúng túng không biết phải làm sao. May quá, có một cô tình nguyện viên đi ngang đã kịp thời giải cứu con và em khỏi giây phút bối rối ấy. Nhìn theo hướng em chạy đi, con mới hiểu em tìm nhà vệ sinh. Lúc ấy, con chỉ biết vỗ tay lên trán và lắc đầu, không biết nên khóc hay nên cười nữa.
Những ngày đầu, trong những thời khóa sinh hoạt với các em, con chỉ có thể đóng góp bằng sự có mặt của mình. Nhìn các em cười, nói, chia sẻ, dù không hiểu gì nhưng trong lòng con rất vui. Các em như những đóa hoa với mỗi sắc màu riêng và rất rạng rỡ. Dần dần, con thuộc tên từng em và biết em nào nói được tiếng Anh. Vậy là khi có điểm quan trọng cần truyền thông, con nhờ em đó thông dịch giúp. Đó thật sự là một nỗ lực lớn từ hai phía. Con phải diễn đạt ý của mình sao cho dễ hiểu nhất, còn các em phải lắng nghe thật kỹ càng và tìm cách chuyển tải qua ngôn ngữ của mình cho các bạn khác cùng hiểu. Nhiều khi con và các em đều “vò đầu bứt tai” nhưng sau khi hiểu được rồi, ai cũng thấy thật vui.
Có khi, sau một hồi cố gắng diễn đạt bằng ngôn ngữ lẫn khua chân múa tay mà thấy mặt con vẫn ngơ ngác, các em có giải pháp cuối cùng là “Đi theo chúng con!”. Với vẻ hào hứng, các em dẫn con đến nơi mới khám phá ra trong tòa nhà rộng lớn của Học viện. Sau khi leo gần cả trăm bậc thang, qua mấy tầng lầu, bát cơm trưa của con muốn tiêu hết thì chúng con tới được cầu thang dẫn lên gác mái của tòa nhà. Và thế là chương trình thám hiểm những ô cửa bí mật bắt đầu…
Tình thương làm nên sức mạnh
Những khoảnh khắc con thấy mình kết nối được với các em nhiều nhất là ngoài giờ thời khóa. Con chơi bóng bàn, xích đu, đá bóng, thổi bong bóng, dẫn các em đi thăm những con thỏ hay những chú lừa nhà hàng xóm. Con cũng mời ba mẹ các em đi cùng để yên tâm và dễ truyền thông với các em hơn.
Có những buổi trưa, nhìn các em chơi, con không nỡ rời đi dù biết mình cần nghỉ. Thế là con nhắm mắt lại, buông thư ngay tại chỗ và lắng nghe tiếng cười nói của các em như chim hót bên tai. Một em đưa tay lên miệng “Suỵt..suỵt”, cả nhóm bớt nhốn nháo và lắng nghe. “Sư cô Bồ Đề đang ngủ”, một em nói. Với bản tính trẻ con, các em chỉ giữ cho khoảng lặng được chừng vài giây rồi sau đó lại tiếp tục náo nhiệt trở lại.
Con tự hỏi: “Sao trẻ con lại nhiều năng lượng vậy nhỉ? Có thể chạy nhảy, chơi đùa cả ngày mà không biết mệt”. Phải chăng vì các em chưa lo toan, muộn phiền như người lớn? Nhìn nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt thánh thiện tựa thiên thần, lòng con chợt có chút thương xót khi nghĩ đến một ngày vẻ vô tư, hồn nhiên kia sẽ biến mất. Dù biết đó là quy luật tất yếu của cuộc sống, rằng đi qua những khó khăn sẽ giúp các em trưởng thành, chín chắn hơn nhưng sao vẫn không nỡ. Mấy ai đi qua bão giông mà không héo hon vì những niềm đau. Liệu các em có đủ can đảm lau đi những thương tích hằn lên đôi mắt để vẫn nhìn cuộc đời với tất cả niềm vui? Kí ức về một tuần ở Làng có thể chỉ như một giọt mưa rơi xuống bề mặt của đại dương, lan tỏa một chút, rồi lại bị vô vàn những con sóng cảm xúc trong cuộc đời khỏa lấp đi mất. Nhưng có hề chi, mỗi khi có cơ hội, con lại làm mọi thứ trong khả năng của mình để gieo vào lòng các em hạt giống của niềm vui và tình thương không điều kiện.
Con có niềm tin rằng những gì nhỏ nhặt nhất, nếu đã rơi xuống biển tâm thức thì sẽ không thể nào mất đi. Con mong rằng mai đây trong những khoảnh khắc bơ vơ, lạc lõng, các em sẽ nhớ một nơi mà mình luôn có thể tìm về để nương tựa. Con giữ gìn sức sống cho nơi đây với sự thực tập của mình và tấm lòng rộng mở chào đón các em trở về.
Tôi đứng đây với tấm lòng kiên nhẫn
Bàn tay tôi cũng hóa đá đợi chờ
Một trăm năm, một ngàn năm
vụt qua nơi vòm trời phương ngoại
Dẫu bão táp, dẫu mưa sa
Đuốc thương yêu cứ lặng lẽ cháy
giữa vườn hoa nhân loại.
Thương là vậy, nhưng có lúc con phải nói “không”. Đó là những lúc đang trong giờ thời khoá, các em bỗng mè nheo với con: “Sư cô ơi, con đi chơi bóng bàn được không?”. Nhìn vào đôi mắt sáng như sao và gương mặt hớn hở kia, dù không đành lòng, con vẫn phải tỏ ra cương quyết: “Bây giờ thì không được, đợi xong thời khóa chị sẽ dẫn em đi”. Sau một hồi năn nỉ con vẫn không lay chuyển, với vẻ tiu nghỉu vì thất vọng, các em ngoan ngoãn trở lại tiếp tục chơi với bút màu và giấy.
Thường khi các em chia sẻ với con điều các em muốn, con sẽ hỏi lại các sư anh, sư chị làm việc chung với mình. Nếu mọi người đều không đồng ý, con sẽ buông ý đó xuống. Con có mặt ở đây là để yểm trợ các sư anh, sư chị mà không phải làm mọi người khó xử. Tuy có làm các em buồn một chút, nhưng nhiều nhất là một, hai tiếng đồng hồ, rồi các em lại tươi cười, chơi đùa như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Đó là điều con ngưỡng mộ ở các em. Dường như càng lớn, khả năng buông bỏ của mình càng nhỏ lại, mình chấp chặt, nắm bắt ý kiến và cảm xúc của mình nhiều hơn thì phải.
Cũng có lúc các em nói “không” với chương trình sinh hoạt. Một vài em trong nhóm không hứng thú đi tham quan rừng nên từ chối không tham gia. Giây phút đó thật sự khó cho con. Con đắn đo: “Mình không thể ép nếu các em không muốn. Còn chương trình sinh hoạt, mình cần tôn trọng”. Và rồi, con quyết định đi vào rừng với cả nhóm. Đi ngang qua các em, con không khỏi áy náy vì cảm giác mình bỏ các em lại. Con bước thật chậm, thỉnh thoảng ngoảnh nhìn xem các em có đổi ý mà chạy theo không.
Khi nhận ra lòng mình đang lao xao, con trở về với hơi thở và bước chân để dừng lại những suy nghĩ mông lung, có mặt cho khung cảnh im mát và những người đang đi cùng con. Thật lạ, trong giây phút đó, con chợt thấy sở dĩ các em không muốn đi vì có những cái sợ. Sợ đường dài, trời nắng nóng, sợ mệt hay có những ấn tượng không tốt với việc đi bộ.
Dù đã đi được nửa đoạn đường, con vẫn quay trở lại với những bước chân mạnh mẽ, với hy vọng những thiên thần của con chưa vỗ cánh bay mất. Càng tới gần, nghe tiếng các em trò chuyện, lòng con thoáng mừng thầm. Thấy con, các em ngạc nhiên: “Sư cô không đi vào rừng à?”. Con mỉm cười: “Chị đi rồi và thấy đó là một nơi rất đẹp. Nơi đó có hồ nước và có cả một dòng suối rất trong và mát, có thể uống được nữa cơ. Chị nghĩ là có thể các em muốn đến nên quay về hỏi thử”. Các em nhìn nhau phân vân. Hay quá, thấy các em có vẻ xiêu lòng, con tung chiêu cuối cùng. Với giọng dỗ dành: “Nếu các em muốn thử thì đi với chị. Bất cứ lúc nào các em thấy mệt, chị sẽ dẫn các em về ngay”. Các em đồng ý. Thế là chương trình đi rừng của con và các em bắt đầu.
Con vừa đi vừa trò chuyện với các em, thỉnh thoảng hỏi xem các em có mệt chưa. Con khám phá ra rằng các em rất khỏe nhưng không muốn đi chỉ vì những tưởng tượng và hình dung trong đầu. Gần đến nơi, sự yên tĩnh của cánh rừng làm dấy lên trong con chút lo lắng. Mọi người đâu cả rồi? Làm sao tìm được người giữa khu rừng rộng lớn này đây? May quá, gặp một thầy đang đi lấy nước, con liền hỏi thăm. Thầy nói: “À, mọi người đang chơi nơi mé rừng phía trước đó”. Quả thật, con nghe có âm thanh từ đằng xa vọng lại. Giây phút đó, câu trả lời của thầy cùng sự im mát của cánh rừng hòa với chất liệu tinh khiết, ngọt lành của nước suối tạo nên khoảng lặng bình an, khỏe nhẹ trong tâm hồn người lữ hành.
“Sư cô ơi, nước suối này ngon quá!”. Giọng non nớt của một thiên thần vang lên khiến con cười thật tươi. Con dẫn các em leo đồi với những bước chân thật thảnh thơi. Tới nơi, các em nhanh chóng hòa vào cuộc vui với những thiên thần khác. Sư chị liền hỏi: “Làm sao em rủ được các em đi cùng hay vậy?”. Nhìn về phía chiếc võng đang đung đưa khó nhọc do sức nặng của bầy thiên thần ngồi trên, con trả lời: “Dạ, tại các em thương em mà đi thôi. Với lại, em có hứa khi nào các em mệt, em sẽ dẫn về ngay”. Nếu không có sự truyền thông với các em trước đó, con thấy mình rất khó thành công dù có khéo léo cỡ nào đi nữa. “Các thiên thần rất thích ngồi võng thì phải. Lần sau đi rừng, mình sẽ đem theo nhiều võng hơn”, con thầm nghĩ.
Thì ra siêu quậy cũng biết buồn
Điều con thấy mình làm được là thương các em đều như nhau, dù các em ngoan hay không ngoan. Trong khóa tu hai tuần ở Đức, có hai bé gái vô cùng nhiều năng lượng, thông minh và siêu quậy. Các em bày đủ thứ trò để chơi, để phá và để chọc mọi người. Thú thật, con chỉ dám nhìn hai em từ xa chứ không có can đảm để tới chơi.
Một buổi chiều, khi đang chơi đá cầu với các anh chị em, “siêu quậy một” đến gần thỏ thẻ: “Sư cô ơi, sư cô đi chơi với con được không?”. Nhìn nét mặt, con biết em đang buồn vì phải chia tay bạn của mình - siêu quậy hai đã về nhà rồi. Con quay sang, hỏi với giọng trìu mến: “Ừ, em muốn chơi trò gì nào?”. Chơi cùng em, con phát hiện ra em là một cô bé rất tình cảm. Khi cảm nhận được tình thương từ quý thầy, quý sư cô, em trở nên dễ chịu và yên hơn trước. Qua đó, con thấy rằng một đứa trẻ dù nghịch ngợm, khó bảo đến đâu nhưng nếu mình đủ sự bao dung, ôm ấp và chấp nhận, đó sẽ là cơ hội để em thay đổi.
Tương lai của thế giới nằm trong tay các thiên thần
Một buổi sáng yên bình. Màu vàng óng ả của những vạt nắng dàn trải trên những tán lá dâu và mái ngói thiền đường. Nắng chạy chơi khắp nơi trong bản nhạc véo von của những chú chim nhỏ. Con lặng im thưởng thức khung cảnh trước mắt. Bất chợt, một tia suy nghĩ đi lên: Nếu trong tương lai, nếp sống tâm linh không còn được chú trọng, xã hội đi về hướng tiêu thụ thì khung cảnh thiên nhiên an lành này có thể sẽ biến mất, thiền đường kia có thể trở thành siêu thị. Giây phút đó con nhớ về những thiên thần.
Phải chăng bên cạnh sự tươi mát, hồn nhiên, trong tất cả các em đều tồn tại những hạt giống của sợ hãi, bạo động, buồn giận và tuyệt vọng. Tùy thuộc vào sự tưới tẩm những hạt giống trong tâm thức mà các em có là thiên thần hay không. Nếu con tưới cho các em hạt giống của tình thương với thiên nhiên, với sự sống, các em sẽ biết đau lòng khi nhìn một cái cây bị đốn ngã, sẽ biết cách để chú ong nhỏ bay ra khi vô tình lạc vào nhà, sẽ bước những bước chân cẩn trọng để không giẫm lên bạn ốc sên đang bò ngang trên đường.
Con trao truyền hạt giống thương yêu đó cho các em qua nụ cười, ánh mắt, lời nói và cả trong cách con hành xử. Con làm tất cả những gì cần làm để mai kia khi hóa thành gió, thành mây, con có thể mỉm cười thanh thản. Vì con biết rằng, các thiên thần sẽ tiếp tục sứ mạng mang thương yêu thấm nhuần trái đất.
Tương lai của thế giới có tươi sáng hay không phụ thuộc vào cách bạn đối xử với một em bé trong giây phút hiện tại. Có nhiều cách để bảo vệ đất Mẹ, và một trong những cách thiết thực nhất là chăm sóc con cháu của bạn với tất cả tình thương và sự tỉnh thức.