Sư cô Chân Định Nghiêm
Đối với những người không tu tập, thời gian bảy năm sau cơn xuất huyết não nặng như Thầy có thể là một khoảng thời gian dài vô tận sống trong sự bất lực, buồn tủi và tuyệt vọng. Nhưng với sự thực tu và thực chứng của Thầy, Thầy vẫn luôn là Thầy: chủ động trong mọi quyết định và luôn tiếp tục hướng dẫn chúng con tu tập. Thầy nhắc chúng con thực tập an trú trong hiện tại mà không nhớ nghĩ đến Thầy của quá khứ để tiếc thương hay lo sợ cho tương lai. Nhờ vậy mà chúng con đã được tận hưởng không biết bao nhiêu niềm vui và hạnh phúc cùng Thầy trong suốt bảy năm đó.
Thầy từng dạy chúng con không chỉ thực tập chánh niệm với ý thức mà phải thực tập chánh niệm với cả tàng thức. Từ ngày đầu sống ở Làng, con chưa bao giờ bắt gặp Thầy bước một bước chân thiếu chánh niệm. Với sự thực tập miên mật qua nhiều năm tháng, chánh niệm đã đi theo Thầy vào tàng thức. Trước khi ngã bệnh, Thầy từng kể rằng trong những giấc mơ, Thầy thấy Thầy thiền hành, thưởng thức thiên nhiên hay nâng niu từng chiếc lá kè xanh mơn mởn.
Trong lúc hôn mê do xuất huyết não, Thầy vẫn duy trì hơi thở chánh niệm, không một lần gián đoạn. Sáng hôm ấy, bác sĩ nhìn tấm hình X-quang, lắc đầu và tiên đoán rằng Thầy chỉ còn một hay hai ngày nữa thôi. Thế là các con của Thầy từ khắp nơi tức tốc bay về Pháp để lần lượt được đảnh lễ Thầy lần cuối.
Nhưng các bác sĩ rất ngạc nhiên khi thấy mức O₂ của Thầy vẫn cao từ 96% đến 99%. Thầy không cần dùng máy trợ thở mà hơi thở vẫn sâu và đều đặn. Đó là hơi thở nuôi dưỡng. Đó là hơi thở trị liệu. Hai ngày trôi qua, Thầy vẫn nằm yên thở đều và tỏa ra một nguồn năng lượng bình an khó tả, làm cho các bác sĩ và y tá rất thích vào phòng Thầy. Có một cô bác sĩ nội trú thường hay vào phòng Thầy mỗi khi quá mệt mỏi, căng thẳng. Cô cứ đứng nhìn Thầy một hồi lâu, thật yên và buông thư rồi mới đi làm việc tiếp.
Nhiều ngày trôi qua, Thầy vẫn nằm yên thở đều. Các bác sĩ, y tá không làm gì được trong việc chữa trị. Họ chỉ biết theo dõi và chờ đợi. Chờ đợi sự quyết định của Thầy.
Đến đêm thứ tư, bỗng nhiên Thầy mở mắt. Thầy nhìn chăm chú từng thị giả đang bao quanh giường. Động tác Thầy làm tiếp theo là nhấc cánh tay trái lên một cách yếu ớt để xoa đầu thị giả đang đứng gần Thầy nhất. Từ giây phút đó, Thầy chầm chậm ra khỏi cơn hôn mê một cách rõ ràng với ý thức sáng tỏ. Ba ngày sau đó, Thầy nhìn và mỉm cười với các thị giả, vẫn nụ cười quen thuộc tràn đầy thương yêu.
Chỉ hai tuần rưỡi từ khi bị xuất huyết não rồi vào cơn hôn mê, Thầy đã bắt đầu tự tập tay, tập chân một mình trên giường trong đêm. Đúng một tháng sau, hệ thống tiêu hóa của Thầy đã làm việc lại bình thường. Bác sĩ trưởng khoa đã sắp xếp để mỗi ngày, các bác sĩ vật lý trị liệu đến tập với Thầy, tập thể dục với chân và tay, tập ngồi, tập nuốt thức ăn. Sau đó, Thầy được chuyển qua trung tâm phục hồi chức năng của bệnh viện để được tập nhiều hơn: tập phát âm, tập ăn, tập đứng, tập đạp xe đạp, tập điều khiển tay chân một cách khéo léo. Những ngày đầu, y tá đút Thầy ăn. Nhưng vài ngày sau, Thầy không muốn, Thầy đã nắm lấy chiếc muỗng để tự xúc lấy. Mỗi ngày đều đặn, Thầy làm cho các y bác sĩ đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Có những lúc Thầy cười ra tiếng thật to, thật vui. Lần đầu tiên thị giả cùng với bác sĩ, y tá đỡ Thầy ngồi dậy, Thầy đã tìm cách ngồi xếp bằng ngay trên giường bệnh. Thầy tiếp tục tập ngồi xếp bằng như thế thêm nhiều lần nữa. Khi thì Thầy ngồi thiền trên tọa cụ đặt ngay trên giường, khi thì Thầy ngồi thiền trên ghế từ 30 đến 45 phút. Buổi tập luyện nào có vẻ bài bản như dành cho con nít, Thầy lắc đầu từ chối ngay, đôi khi Thầy còn bắt tay chào bác sĩ rồi mời bác sĩ rời phòng. Dần dà, Thầy không đi theo chỉ định của các bác sĩ vật lý trị liệu nữa, ngược lại, các bác sĩ phải đi theo Thầy. Ông Rouanet, bác sĩ trưởng khoa, đã tuyên bố khi chứng kiến từng phép lạ xảy ra mỗi ngày nơi Thầy: “Maintenant, je sais que je ne comprends rien au cerveau humain! (Giờ đây, tôi đã hiểu ra rằng tôi chẳng biết gì về não bộ con người!)”.
Một hôm, Thầy quyết định xuất viện. Sư cô Chân Không hoảng hốt! Về lại Làng sẽ không có bác sĩ, y tá bên cạnh, sẽ không còn phòng tập phục hồi chức năng cùng các bác sĩ vật lý trị liệu. Làm sao đây? Nhưng các bác sĩ của Thầy lại không lo lắng gì mấy. Bác sĩ Rouanet còn nói: “Thay a son propre programme” (Thầy có chương trình riêng của Thầy).
Đúng vậy! Về tới Sơn Cốc, Thầy đi thăm lại từng căn phòng, dầu cho phải leo cầu thang dài lên đến lầu trên. Mỗi ngày Thầy đi ngắm từng gốc cây, ngọn cỏ, từng bông hoa hồng. Thầy nằm chơi trên xích đu dưới bóng mát của ba cây tùng mà Thầy thường gọi là “ba sư anh lớn” của chúng con. Thầy đi thăm giàn mướp. Thầy tập đi ngoài trời, đi len lỏi qua cả những cây tre thật xanh mọc chen chúc trong rừng tre. Thấy có một cây hoa sơn thù du (dogwood) mà các sư cô biết Thầy thích và đã mua về còn để trong bọc chưa kịp đem trồng, Thầy liền “chỉ huy” thị giả đào lỗ đúng nơi Thầy chọn, đặt cây con xuống, lấp đất lại và tưới nước cho cây. Thầy còn chỉ cho các thầy, các sư cô trùng tu lại ngôi nhà gỗ cũ kỹ và thuê thợ xây thêm thiền đường ở cuối vườn Nội viện. Mỗi sáng, Thầy còn đi khảo sát công trình nữa chứ.
Thầy dùng thức ăn mỗi ngày mỗi nhiều hơn, bắt đầu với món táo nấu xay nhuyễn và súp củ quả xay nhuyễn khi còn ở bệnh viện. Về đây, đi ngang qua thấy có trái chanh trên bàn nhà bếp, Thầy liền chỉ trái chanh và muốn nếm lại vị chua thật chua. Rồi Thầy muốn thử đến trái bơ, tiếp đến là muốn dùng cơm, sau đó là bánh mì baguette giòn rụm, rồi đủ các món như phở, bún riêu… Mỗi bữa ăn của Thầy đều là những giây phút bình an và hạnh phúc.
Lâu lâu, Thầy đi quanh bếp, mở tủ lạnh xem có gì trong đó. Có khi Thầy lấy bánh, sữa chua để thưởng thức. Các bác sĩ hẹn gặp lại Thầy trong hai tháng nữa để thẩm định mức độ ăn uống tự nhiên của Thầy và khi nào thì Thầy có thể ngưng dùng các chất bổ dưỡng qua đường ống. Còn đến một tháng trước cuộc hẹn với bác sĩ, Thầy đã lẳng lặng bứt ống ra khỏi rồi cười tủm tỉm một mình mà không cho ai biết.
Thỉnh thoảng, Thầy đi thăm xóm Mới, xóm Hạ, Sơn Hạ, xóm Thượng và đôi khi ở lại đó nhiều ngày. Thầy không quên dẫn chúng con đi lại trên những con đường tùng thẳng tắp, những con đường huyền thoại của Thầy. Trong lúc đi thăm các thầy đang làm việc trong văn phòng xóm Thượng, Thầy bắt gặp trên kệ một tượng Bụt đứng bằng đồng, chân và thân hình hơi cong, rất nghệ thuật. Thầy ôm Bụt trong lòng đi về cốc, hướng dẫn thị giả dọn sạch chiếc bàn gỗ kê sát tường ngay chính giữa phòng. Trên tường là tấm thư pháp Thầy vẽ vòng tròn. Thầy dạy thị giả dẹp hết đồ đạc trên bàn rồi đặt tượng Bụt lên, một bên trước tấm thư pháp. Thầy còn chỉ thị giả xoay tượng một chút để thấy rõ dáng Bụt đứng hơi cong. Sáng hôm sau thức dậy, Thầy đổi ý. Thầy hài lòng hơn khi tượng Bụt được đặt lại vào ngay chính giữa trước vòng tròn thư pháp. Thị giả pha trà mời Thầy, vừa đặt ly trà tạm trên bàn trước khi dâng lên Thầy là Thầy làm dấu dẹp ly trà ngay, không được đặt bất cứ một đồ vật gì trên bàn Bụt ấy. Mỗi lần thị giả quên là mỗi lần Thầy lại nhắc ngay.
Tháng Bảy năm 2015, Thầy quyết định đi Mỹ để theo chương trình của trung tâm phục hồi chức năng của trường đại học California tại San Francisco (UCSF).
Sáu tháng sau, vào tháng Giêng năm 2016, Thầy quyết định về lại Pháp. Tháng 12 cùng năm ấy, Thầy quyết định đi Thái Lan.
Vào tháng Tám năm 2017, Thầy đi Việt Nam để về thăm Tổ đình Từ Hiếu. Chưa đến 24 giờ, Thầy rời Tổ đình về lại Thái Lan trong lúc đại chúng đang làm lễ Tự tứ.
Vào tháng Mười năm 2018, Thầy trở về Tổ đình.
Cuối năm 2019, Thầy về lại Thái Lan để tái khám. Sau khi tái khám và làm những gì cần làm xong, Thầy trở về Tổ đình và sống ở đây cho đến ngày cuối.
Trong vòng bảy năm, Thầy đã bay tám lần. Lần nào Thầy cũng đưa ra quyết định một cách rõ ràng. Một khi đã quyết định, Thầy luôn muốn thực hiện ngay, không chần chừ. Thầy bỏ ăn, bỏ uống, chỉ đi dạo quanh xem thị giả làm hành lý đến đâu. Những đứa con không muốn Thầy đi xa đã tìm đủ cách và đưa ra nhiều lý do để thuyết phục Thầy bỏ ý định. Cho dù có những lý luận sắc bén bao nhiêu đi nữa, trước mặt Thầy chỉ trong chốc lát, các vị cũng đều chào thua. Không ai và không điều gì có thể cản được quyết định của Thầy. Chỉ trong vòng ba đến bốn ngày, các thị giả bằng mọi giá phải hoàn tất mọi thủ tục và sắp xếp mọi thứ cho chuyến đi.
Thầy luôn có thái độ dứt khoát khi thấy cần đi đâu, cần làm gì, kể cả khi Thầy thấy không cần phải đi hay không cần phải làm gì. Vào một ngày xuất sĩ tại Sơn Cốc (Làng Mai gọi ngày sinh hoạt dành cho chúng xuất gia là ngày xuất sĩ), các thị giả năn nỉ Thầy đi thiền với đại chúng bốn xóm. Năn nỉ bao nhiêu Thầy cũng lắc đầu không đi, mặc cho đại chúng chờ đợi. Cuối cùng đại chúng đành phải thiền hành mà không có Thầy. (Có phải vì Thầy muốn đại chúng chuẩn bị cho những ngày xuất sĩ không có mặt Thầy?)
Một lần khác, vào ngày tái khám định kỳ của Thầy, xe cảnh sát (dọn đường cho xe cứu thương), xe cứu thương, các vali chứa đồ nhà bếp, hành lý của Thầy… tất cả đã sẵn sàng và chờ Thầy ra xe để lên đường. Nhưng Thầy lắc đầu không chịu đi, cho dù các thị giả thay phiên nhau năn nỉ. Sau khi đợi suốt hai giờ đồng hồ, xe cứu thương và xe cảnh sát đành phải quay về.
Thầy luôn là người quyết định và chịu trách nhiệm về sức khỏe cũng như sự sống chết của Thầy. Tại San Francisco, Thầy dõng dạc ký giấy đồng ý với đề nghị của bác sĩ trong chương trình điều trị. Tại bệnh viện Thái Lan, Thầy lăn tay trước mặt các y bác sĩ. Bao nhiêu lần Thầy đã làm cho các bác sĩ phải cúi đầu nể phục khi thấy Thầy vẫn là người biết rõ cơ thể và sức khỏe của Thầy hơn ai hết. Thầy vẫn luôn là người quyết định, các bác sĩ chỉ đi theo yểm trợ Thầy thôi.
Không những Thầy dẫn đường cho sự chữa trị và hồi phục sức khỏe của Thầy mà Thầy còn tiếp tục dẫn dắt chúng con trên con đường tu tập mỗi ngày. Vào ngày Rằm đầu tiên ở bệnh viện Bordeaux, nằm trên giường, Thầy đã chỉ cho chúng con thấy vầng trăng tròn vằng vặc bên kia tấm cửa kính. Thầy trò còn thưởng thức pháo bông vào đêm Giao thừa Tết tây tại nơi đây nữa. Thỉnh thoảng, Thầy lại chỉ cho các bác sĩ và y tá thấy trời xanh, mây trắng, hay hai con chim đang chơi đùa bên nhau trên cành cây bên ngoài cửa sổ bệnh viện. Cũng vậy, ở bất cứ nơi đâu, mỗi khi thấy mặt trời lặn hay mặt trời mọc, Thầy đều chỉ cho mọi người cùng ngắm với Thầy. Thầy rất thích những buổi thầy trò ngồi quây quần bên nhau, vừa uống trà vừa thưởng thức hoa quỳnh, khi thì ở Sơn Cốc, khi thì ở thất Nhìn Xa. Mỗi khi Thầy cảm thấy trong thân khó chịu, thị giả sẽ đẩy Thầy đi thiền hành trên xe lăn chầm chậm, khoan thai và Thầy sẽ cảm thấy dễ chịu lại ngay.
Các sư con hay đến thăm Thầy ở Sơn Cốc, nơi Thầy có trồng một cây hoa ngọc lan mang từ Việt Nam sang. Thầy hay dẫn các con đi hái hoa rồi Thầy đưa hoa lên tận mũi cho từng đứa ngửi. Vào mùa hè, Thầy đi ngắm đồi hoa hướng dương trải vàng rực rỡ ngay phía sau Nội viện Phương Khê. Đến mùa cúc ở Pháp, thầy trò đi xem chợ hoa cúc. Đến mùa Tết ở cố đô Huế, thầy trò lại đi thăm chợ hoa mai. Đi theo Thầy, chúng con không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội nào để thưởng thức bốn mùa. Vừa qua đến Làng Mai Thái Lan, sau vài ngày nghỉ ngơi, Thầy đã chỉ các thị giả đẩy Thầy lên thăm hết các ngọn núi của tu viện. Đại chúng lũ lượt trèo núi theo Thầy. Những sinh hoạt bình thường nhất trong thời khóa mà có Thầy xuất hiện thì đều trở nên những giây phút huyền thoại: các buổi thiền hành, thiền tọa, buổi ăn sáng, ăn trưa, v.v.
Chúng con còn nhớ lần đầu tiên, đang ngồi trên ghế sofa ở Sơn Cốc, bỗng nhiên Thầy cất giọng niệm Bồ tát Quan Thế Âm cùng với chúng con. Những ngày sau đó, Thầy hát hết bài này đến bài nọ, từ tiếng Việt, tiếng Anh cho đến tiếng Pháp. Miệng Thầy thật tròn. Mỗi ngày, thầy trò vừa thiền hành, vừa hát, có khi còn hát những bài hát dài như Tìm nhau. Rồi Thầy vào thư viện tìm đọc lại các tài liệu. Thầy tập đọc những bài thơ Thầy đã viết trên những tấm thư pháp trước kia. Thầy tập vẽ vòng tròn, tập viết chữ “thở”, tập viết chữ Hán với rất nhiều niềm vui.
Có lần ở San Francisco, vừa nghe CD những bài thơ do chính Thầy đọc, Thầy vừa đưa tay diễn tả ý thơ cùng với nét mặt. Những giây phút hào hứng nhất là những lúc Thầy đạp xe đạp, vừa đạp xe vừa nghe nhạc và thưởng thức cảnh trí hiện ra trên màn ảnh trước mặt, tạo cho Thầy có cảm giác như đang đạp xe ngoài bãi biển, hoặc có khi như đang đạp xe trên những con đường quê giữa thiên nhiên hữu tình. Có lúc Thầy thấm mệt nhưng Thầy vẫn kiên trì đạp mãi không ngừng.
Còn những giây phút ngoạn mục nhất nữa: đó là những lúc Thầy đứng một mình mà không cần thị giả đỡ một bên. Hôm đó đến giờ cơm trưa, Thầy muốn dùng cơm luôn trong tư thế đứng! Nét mặt Thầy trò ai cũng rạng rỡ và phấn khởi vô cùng. Lại có những lúc Thầy đứng thật thẳng trên xe đẩy, các thị giả cho xe đi vòng vòng, chầm chậm trong thất Nhìn Xa. Sao lạ quá, Thầy không nói gì nhưng Thầy ở đâu là nơi đó ấm cúng, đông vui và tràn đầy năng lượng thương yêu.
Trong thời gian chùa Tổ được trùng tu, Thầy đã đồng ý đi biển Thuận An, biển Đà Nẵng nhiều lần để tránh bụi và tiếng ồn. Thầy cũng xuống tắm biển cùng với các thầy thị giả. Có lẽ lâu lắm rồi, từ bao giờ, 60 năm, hay 70 năm, Thầy mới được ngâm cả người vào lòng nước biển ấm áp. Thầy muốn đi ra khơi, xa hơn nữa, xa hơn nữa, và xa hơn nữa. Đó là hôm Thầy chịu chơi nhất và cũng là lần tắm biển vui nhất trong đời của cả thầy lẫn trò. Có phải vậy không thưa Thầy?
Đến năm 2020, Thầy yếu đi nhiều. Thầy không còn dạo quanh chùa và không còn đi thăm liêu Sư Cố nữa. Nhưng thở vào, chúng con ý thức rằng Thầy đang còn sống; thở ra, chúng con trân quý và mỉm cười với sự sống. Chúng con vẫn tiếp tục tận hưởng từng giây phút bên Thầy mà không để thương tiếc hay lo lắng chiếm ngự. Thầy đã cho chúng con thấy rằng với một thân thể già yếu và tật bệnh, với những cơn đau nhức, Thầy trò vẫn có thể sống an vui trong mọi hoàn cảnh với sự thực tập hiện pháp lạc trú mà đức Thế Tôn đã dạy.
Trong suốt bảy năm, chúng con nhận ra được mọi hành vi cho đến nhận thức của Thầy đều là sự biểu hiện của một tàng thức đã được chuyển hóa, một tàng thức chứa đựng đầy hoa trái của một bậc chân tu. Những hoa trái đó có thể thay đổi hoàn toàn hoàn cảnh xung quanh. Những gì cần làm, Thầy đã làm với tất cả tình thương. Rồi với ý thức sáng tỏ, Thầy đã quyết định trở thành mây một cách lặng lẽ, dứt khoát, như bao nhiêu lần Thầy đã từng làm những quyết định. Đám mây của Thầy đã bao trùm và ôm lấy các con của Thầy trong một bầu không khí ấm cúng và tĩnh lặng, bây giờ và mãi mãi.