Thầy Chân Trời Hải Thượng
Thứ … ngày … tháng … năm …
Tôi nằm trên cái võng xanh bên hành lang, ngay bên khoảng vườn giữa lòng tăng xá. Làng bao nhiêu người mà làm biếng là vắng hoe, im lìm. Người đi hết nên tôi chẳng cần đi tìm không gian tĩnh lặng ở đâu khác nữa. Một lúc mới có một thầy đi qua, thấy tôi chăm chú đọc sách liền chọc một câu: “Thầy có đang làm biếng thật không đó?” (“Are you truly lazy?”). Biết thầy đang nhắc vui nên tôi chỉ cười. Làm biếng tức là ngược lại với làm siêng. Thật thú vị khi nghĩ rằng ngày đầu tuần ngoài kia cả thiên hạ mải miết đổ về những “business” (công việc làm ăn) của họ thì chúng tôi không có thời khóa ngồi thiền, đi thiền, ăn cơm im lặng gì cả. Thầy Kai Li kể lúc mới đến Làng, thầy đã rất lấy làm sửng sốt khi biết một tu viện mà làm biếng! Người ta còn chẳng dành bao nhiêu nước bọt để sách tấn nhau làm siêng. Một thầy tu làm biếng thì không phải không có, nhưng “lazy day” (ngày làm biếng) mà là thời khóa cho cả tu viện thì mới là điều đáng nói. Lúc đó, Sư Ông nói với thầy Kai Li rất nghiêm túc: “Đúng đó, thầy nên càng làm biếng càng tốt (Yes, you should be as lazy as possible)”. Sau này thầy nhận ra đó là một thực tập rất sâu sắc.
Thỉnh thoảng ta nghe người ta nói: “Đừng có ngồi không đó, làm gì đi chứ”. Điều này rất phổ biến vì xã hội của ta là một xã hội phải luôn có mục tiêu để hướng tới. Chúng ta có khuynh hướng luôn đi theo một chiều hướng nào đó và luôn có một mục tiêu đặc biệt trong tâm thức. Trái lại, đạo Bụt tôn trọng giáo lý vô nguyện (vô tác). Những người thực tập chánh niệm thì thường hay nói: “Đừng làm gì hết, hãy ngồi yên đó”. Không làm thực ra cũng là làm. Giáo lý này dạy ta không cần phải đặt ra một mục tiêu phía trước để chạy theo, bởi vì mọi thứ đã có sẵn trong ta rồi.
Tôi thấy mình thực tập thành công hơn với những ngày “im lặng hùng tráng” toàn chúng, khi không ai động đến sách vở, giấy bút, mạng máy gì cả. Còn thật tình tôi cũng hay biến thứ Hai thành ngày “xả hơi”, nghỉ ngơi, đi chơi sau những ngày “chạy việc”, chứ không theo đúng tinh thần “không đi đâu nữa, có chi để làm”. Đã từng đi học, đi làm, tham gia vào guồng quay bên ngoài nên vẫn còn cảm giác ngồi không là tội lỗi. Có mười lăm ba chục phút trống liền gắng tìm việc làm thêm cho đỡ tiếc. Còn các thiền sư thì dành mấy giờ đồng hồ chỉ để thiền trà, làm từng động tác và thưởng thức từng động tác. Tu rồi tôi mới biết người tu trông giống ngồi không, vô công nhưng thực ra không phải. Cái “business” (công việc) của người tu khác với người đời.
Giờ chiều cư dân của Làng từ những chỗ “ẩn cư” xuất hiện đông đúc trở lại. Có vài thầy và sư chú mặc áo tràng cúng cháo. Nhịp mõ khi tụng chú đi nhanh hòa với giọng tụng nghe rất đã tai. Vì tối nay có thời khóa nên Tâm Nguyên rủ tôi đi bộ sớm hơn hôm trước. Đi mời gọi thêm, cuối cùng chúng tôi có cả thảy bốn người. Dư âm của tiếng chuông tiếng mõ còn chưa dứt, tôi kể với các em là mỗi lần làm lễ mà tụng đến hai câu:
“Nguyện sinh về tịnh độ, Sen nở thấy vô sinh”
là tôi thấy tức cười. Tâm Nguyên vì từng là chú tiểu nên rành các nghi lễ truyền thống đã giải thích cho chúng tôi biết rằng những câu ấy không phải Sư Ông tự đặt ra. Để khai thị cho người nghe, các vị thiền sư xưa đã đưa vào các nghi lễ những giáo lý như:
“Tịnh Độ vốn sẵn nơi chân tâm, Di Đà hiện ra từ tự tánh, Chiếu sáng ba đời khắp mười phương, Mà vẫn không rời nơi hiện cảnh…”
để sau này ta còn thấy được thấp thoáng trong đạo Bụt tín mộ, đạo Bụt bình dân những viên ngọc tuệ giác như vậy. Tôi lấy làm vui trong lòng vì thấy Tâm Nguyên đã chững chạc, trưởng thành lên nhiều. Em trầm tính hơn, thích dành thời giờ ngồi yên một mình và ham đọc sách. Lớn lên từ nhỏ trong một ngôi chùa quê tu pháp môn niệm Phật, ban đầu khi giới thiệu em qua Làng tôi cũng lo em sẽ khó thích nghi với môi trường ở đây. Nhưng hôm nay tôi cảm được là Tâm Nguyên đã làm hòa được hai dòng chảy này trong mình rồi.
Thứ …, ngày… tháng… năm…
Tôi rời phòng đi ngồi thiền từ sớm để có được cái cảm giác đặt từng bước chân trên đường khi xung quanh tiếng chuông đại hồng âm vang theo lời kệ xướng. Lên tới thiền đường đã thấy có vị đến trước để thực tập lạy Bụt. Hôm nay mấy sư anh đi ra ngoài gần hết nên khi ngồi xuống tụng kinh thấy hơi lúng túng chuyện mình phải lên ngồi gần bàn thờ. Từng sống ở chúng rất đông cũng như chúng rất ít người mới biết quý cái không khí “hùng kinh mỗi sáng gọi nắng mai bừng lên”. Buổi tụng kinh nào cũng thường gồm một bài tụng và một bài đọc. Cách học kinh của Làng là tưới tẩm, người tu không buộc phải học thuộc lòng kinh hay giới nhưng quanh năm suốt tháng các bài kinh xoay vòng gieo vào lòng. Những câu kinh như “Nguyện thấy được Tịnh Độ, dưới mỗi bước chân mình; Nguyện tiếp xúc bản môn, trong mỗi khi hành xử” có thể chẳng tốn thời gian ôm sách ê a. Dễ hiểu một phần bởi nó là một với thứ ngôn ngữ ta nói hằng ngày. Nếu còn dùng những văn bản như “Tự thị bất quy, quy tiện đắc” thì chẳng khác phải học thêm một ngoại ngữ, bởi âm một đằng nghĩa một nẻo… “Thức đã không như bất cứ hiện tượng nào khác thì còn có gì cần được tạo tác nữa đâu? Phép quán sát này được gọi là Vô Tác, cánh cửa giải thoát thứ ba”. Hôm nay vị đọc câu kinh này đã ngắt đúng ở chữ “không”. Nếu đọc liền một mạch thì nghe xuôi nhưng thực ra nghĩa lý lại lộn ngược.
Giờ sáng phòng còn có mình tôi vì các sư chú đi học lớp ngoại ngữ. Thấy tờ Lá thơ Làng Mai cũ sẵn trên bàn của Tâm Nguyên, tôi lật vài trang xem hình. Bị cuốn vào bài bình thơ Bàng Bá Lân của Sư Ông, tình cờ tôi thấy một đoạn Sư Ông nói trúng ý mình đang tìm:
“Ai mà không cần một giấc mơ!? Theo phương pháp thực tập của Làng Mai thì mình phải làm cách nào để giấc mơ hiện thực ngay trong ngày hôm nay… Tôi cũng vậy, tôi nghĩ rằng mơ ước của tôi, tôi có thể đưa tay ra đụng tới nó bất cứ một giây phút nào trong đời sống hàng ngày.”
Đoạn này làm tôi nhớ có lần ở Đức, một cô cư sĩ hỏi rằng Sư Ông đã có tuổi rồi, liệu Sư Ông còn ước mơ nào chưa thực hiện nữa không? Sư Ông đã trả lời rằng:
“Này con, ngày nào thầy cũng được sống và làm những gì thầy ưa thích. Thầy không còn dự án nào nữa cả, không còn mong ước gì nữa cả.”
Một điều Sư Ông nhấn mạnh ở đây, đó là giấc mơ của mình, mình có thể chạm tới liền nếu mình muốn. Bằng cách nào? Đâu phải Sư Ông không chỉ bảo tận tình cho mình. Bao lần huynh đệ chúng ta đã hát “Chỉ cần một hơi thở nhẹ, là bao phép lạ hiển bày”. Một buổi ngồi thiền nào đó, ta có thể lại nghe giọng nói ấm áp của Sư Ông bên tai:
“Bạch đức Thế Tôn… khi con thở vào, con thấy là con đã về. Khi con thở ra con thấy là con đã tới. Con đã về trong phút giây hiện tại. Đó là quê hương đích thực của con. Con đã tới, tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống, với tịnh độ hiện tiền. Điều này có thể thực hiện trong vòng một hơi thở vào hay một hơi thở ra. Nếu con có thể về được, tới được thì con có cần phải làm gì nữa đâu. Con có thể mặc tình thích ý rong chơi trong cõi Bụt.”
Giống như “hạnh phúc”, “liền lập tức” đã trở nên quen tai tới mức nhiều người trong chúng ta đã quên đi giá trị đích thực của nó. Đó phải chăng chỉ để đáp ứng thị hiếu “mì ăn liền” của con người hiện đại? Giáo pháp của Đức Như Lai vốn “vượt thoát thời gian”, nếu không ăn được liền lúc này thì ta cũng không bao giờ nếm được nó. Now or never! (Bây giờ hoặc là không bao giờ)
Tôi định dành buổi chiều thứ Sáu để kiếm những dữ kiện cuối cùng cho bài viết. Tâm trạng nửa như bị hối thúc, nửa như chơi. Lên ngôi chùa điện tử, “Xứ sở của giây phút hiện tại”, lục tìm các hình chụp thư pháp của Sư Ông nhưng không thấy câu nào ưng ý. Hoặc là trong cái kho pháp thoại mênh mông vẫn có những ý hay nhưng ai biết chính xác ở đâu mà tìm?
Lang thang tình cờ tôi đọc được một bài viết của thầy Minh Hy, kể chuyện một lần Sư Ông dạy:
“Quả thứ nhất ‘Đã về – Đã tới’ ở Làng Mai hơi khác với quả Dự Lưu trong truyền thống. ‘Dự Lưu’ thì còn phải đi nữa, còn ‘Đã về – Đã tới’ thì không cần tìm cầu chi nữa. ‘Người chẳng tìm cầu chi nữa’. Câu này hay lắm, mình phải viết lại, nếu mất thì uổng lắm. Ai chứng được quả này rồi thì mình nhìn mình biết liền, không cần người ấy nói.”
Cả câu đối vốn là thế này:
Tịnh độ nơi đây thích ý rong chơi người chẳng tìm cầu chi nữa
Bản môn bây giờ phỉ lòng an trú ta há theo đuổi gì thêm
Chưa rõ nó đang ngự ở thiền đường nào. Tìm không thấy câu thư pháp mình cần, tôi tính bỏ cuộc. Chắc nhiêu đó cũng không thừa thiếu gì. Phòng máy vắng vẻ, chỉ có một sư em ngồi bên đang xem lại một đêm nhạc thiền. Văn nghệ ở Làng có nhiều kiểu loại. Những đêm nhạc thiền thì chất hơn cả, bởi các tiết mục được để tâm đầu tư nhiều về nội dung. Máy tính chỗ tôi ngồi không loa, tai nghe lại hỏng nên tôi chỉ xem ké máy bên một đoạn. Sư em nói rằng cả buổi trình diễn này chỉ đọc một bài thơ duy nhất, một câu chuyện được kể xen kẽ thơ với nhạc. Vậy ra Sư Ông có một bài thơ tên là “Câu chuyện của dòng sông”? Hay một truyện ngắn?
“Đêm hôm đó, dòng sông có cơ hội để nghe được tiếng khóc của mình. Đó là tiếng sóng vỗ vào hai bên bờ sông. Khi nó nghe được tiếng sóng vỗ của chính nó, dòng sông tỉnh ngộ. Nó hiểu ra là bản chất của sông cũng là bản chất của mây. Nó chính là mây. Mây đang nằm trong sông vì cả hai cùng có bản chất là nước. Mây làm bằng nước. Vậy thì tại sao mình phải chạy theo mây? Sông tự nhủ, “ta chỉ chạy theo mây nếu như ta không phải là mây mà thôi!”
Khi chúng ta chạy đuổi theo một thứ gì, muốn nắm bắt nó, ta sẽ đau khổ. Khi không có gì để đuổi theo, ta cũng khổ đau. Nếu bạn đã là dòng sông, nếu bạn đã từng chạy theo mây, đau khổ, than khóc vì cảm thấy cô đơn, xin hãy nắm lấy tay chính mình như nắm tay một người bạn. Hãy quán chiếu thật sâu, bạn sẽ thấy rằng thứ mà bạn tìm kiếm kia vẫn thường hiện diện ngay đây, đó chính là bạn! Bạn là thứ mà bạn muốn trở thành.
Vẫn là chuyện của kẻ đi kiếm và thứ để tìm. “Ai tìm, mà ai được?”. Tôi ôm võng đi tìm chỗ yên tĩnh, cắp thêm mấy cuốn sách Phép lạ của sự tỉnh thức, Trái tim mặt trời, Nẻo về của ý… để xem lại những tư tưởng thiền cô đọng nhất của Sư Ông thuở ban đầu mà tôi đã đánh dấu cho bài viết.
“Chúng ta quen sống với sinh diệt mà không quen sống với bất sinh và bất diệt. Sóng sống đời sống của nước hoặc ta sống đời sống của bất sinh bất diệt, điều ấy nào có lạ lùng gì, nào có khó khăn gì. Thì bao giờ mà sóng chẳng sống đời sống của nước, ta chẳng sống đời sống của bất sinh bất diệt? Chỉ cần biết là ta đang sống trong đời sống của bất sinh bất diệt mà thôi. Tất cả nằm trong một tiếng biết, mà biết tức là nhận ra, là chánh niệm. Bao nhiêu công phu của thiền quán chỉ là để tỉnh dậy mà biết một điều đó: sinh diệt đâu có động gì được đến ta.”
Trích tác phẩm Trái tim mặt trời của Sư Ông
Gập cuốn sách nhìn lên, tôi thấy trong tấm cửa kính lớn bóng mình nằm trên võng dưới hiên, quay lưng với nắng đang phối màu cho đồi xanh và mây trắng cuồn cuộn nổi. Lá rơi tơi bời, tôi nằm lơ lửng giữa trời. Mây trắng cao đẹp như vậy, ắt hẳn đâu đó vẫn có những dòng sông đang ôm mây trong lòng mà vẫn cồn cào. Bóng mây trôi qua, bức thư pháp nhỏ của ai sau cửa kính trong phòng lọt vào tầm nhìn tôi: “Ta còn tìm cầu chi nữa? This is it!”. Ngay ở đó, chính là nó!
(Trích từ Tập san Giếng Nước Thơm Trong, số 2)