Bấy nhiêu thôi là đã đủ

Thầy Chân Pháp Dung

Giây phút gặp được một vị minh sư là giây phút rất quan trọng trong cuộc đời của những ai đang tìm kiếm cho mình một hướng đi tâm linh. Thầy Pháp Dung chia sẻ về cuộc hội ngộ đầu tiên của thầy với Sư Ông Làng Mai và trải nghiệm của thầy tại lễ Đại Tường của Sư Ông nơi chùa Tổ Từ Hiếu – Huế trong bài pháp thoại ngày 27.01.2024.

Gặp Thầy

Là một người trẻ lớn lên trên đất Mỹ, tôi đã chối bỏ tất cả những gì có liên quan đến gốc rễ Việt của mình. Lúc đó, tôi không hề biết đó là một hình thức của sự tự kỳ thị chủng tộc do nội hóa (internalized racism).Sự tự kỳ thị chủng tộc do nội hóa (internalized racism) xảy ra khi thành viên của một nhóm vốn là đối tượng của sự phân biệt chủng tộc có thái độ phân biệt chủng tộc đối với chính nhóm của mình. (Nguồn: Wikipedia) Đang sống ở Mỹ nên tôi muốn như người Mỹ, được người Mỹ chấp nhận và ưa thích mình. Tôi nhớ lúc còn đi học, tôi đã rất ngượng với bạn bè vì thức ăn trưa của mình có mùi “chẳng giống ai”. Dù đó là các thức ăn mà tôi rất thích nhưng tôi vẫn tìm một góc vắng nào đó ít người qua lại để ăn.

Thời gian đó, tôi không quen biết với nhiều người Việt. Cho đến khi vào đại học Kiến trúc, tôi được cấp học bổng để về Việt Nam học kiến trúc Việt Nam! Tôi thầm nhủ: “Chắc có lẽ mình nên làm quen với vài người Việt”.

Năm 1995, Thầy sang California hướng dẫn khóa tu. Và tôi đã được gặp Thầy tại một khóa tu dành cho người Việt trên đất Mỹ. Trong các khóa tu dành cho người Việt sống ở nước ngoài, Thầy thường giảng nhiều về cách chữa lành vết thương tâm lý và xung đột trong gia đình, hậu quả của khoảng cách giữa các thế hệ. Rất nhiều người trẻ như tôi lớn lên ở phương Tây cảm thấy xa lạ với thế hệ của cha mẹ mình. Thầy đã hết lòng giúp cha mẹ và con cái hiểu nhau để có thể hòa giải với nhau.

Đó là lần đầu tiên tôi hiểu hơn một chút về ba mình, về những gì ba đã đi qua trong chiến tranh và vì sao ba dễ nổi giận như vậy.

Sau khóa tu, tôi về lại nhà. Một hôm, không hiểu vì lý do gì mà tôi rất giận ba. Nhưng thay vì đóng cửa cái rầm – theo cách mà cả nhà thường dùng để tỏ thái độ – thì tôi quyết tâm ngồi xuống và theo dõi hơi thở. Tôi nghĩ: Mình sẽ ngồi và quan sát cái giận mà không nói hay làm gì cả, cho đến khi mình hết giận thì thôi. Tôi đã thực hiện như vậy. Tôi ngồi cho đến khi cơn giận dịu xuống. Tôi phát hiện ra mình đã chiến thắng khi có thể làm chủ cơn giận của mình như thế. Có thể đây là một điều rất bình thường đối với nhiều người, nhưng đối với tôi, lấy lại chủ quyền trong khi giận là một việc không tưởng tượng nổi. Đó là bước khởi đầu của hành trình chữa lành mối quan hệ giữa hai cha con tôi.

Rất đơn sơ mà lúc nào cũng vui

Trong khóa tu, nhìn thấy các thầy các sư cô trẻ đi cùng Thầy, tôi thấy họ rất khác với các vị xuất gia lớn tuổi, nghiêm nghị mà tôi hay gặp ở Mỹ. Các vị xuất gia trẻ này rất vui và đầy sức sống.

Trong một buổi pháp thoại của Thầy, không khí trên pháp tòa rất trang nghiêm, nhưng phía sau lưng Thầy, tôi có thể thấy hai sư cô trẻ đang dùng ngón tay chọc nhau. Tôi đoán chắc đó là sư cô Định Nghiêm và sư cô Tuệ Nghiêm! Tôi rất kinh ngạc thấy hai sư cô cười và rõ ràng là đang rất vui vẻ cùng nhauTrong các chuyến hoằng pháp, khi Thầy cho pháp thoại trên pháp tòa, thường là trên một sân khấu, tất cả tăng đoàn đều ngồi phía sau Thầy để yểm trợ..

Cảnh đó làm tôi thấy tò mò về tăng đoàn của Thầy, tuy trong lòng vẫn còn nhiều nghi hoặc. Tôi không tin là các thầy, các sư cô lúc nào cũng tươi cười vui vẻ như thế. Vì vậy tôi quyết định đi theo chuyến hoằng pháp ở Mỹ của tăng đoàn. Tôi không ngờ Thầy đã chú ý đến mình và nhờ thầy Pháp Niệm quan sát tôi.

Đi theo chuyến hoằng pháp, tôi được ở chung với tăng đoàn tại nhà của nhiều cư sĩ. Có khi cả 30 người tạm trú cùng một nơi, và dùng chung một phòng vệ sinh. Tôi vẫn còn nhớ cảnh quý thầy cùng đứng đánh răng xung quanh một sân cỏ hình tròn. Rất đơn sơ mà lúc nào cũng rất vui!

Bấy nhiêu thôi là đã đủ

Về Việt Nam lần này, tôi dùng cuộc đời của Thầy làm đề tài quán chiếu cho mình. Tiếp xúc với môi trường Thầy đã từng sống, tìm hiểu những hoàn cảnh Thầy đã từng đi qua, và học hỏi từ những quyết định Thầy đã từng làm. Thầy chưa bao giờ muốn đệ tử trở nên giáo điều và sống theo một mớ những khuôn khổ cứng nhắc. Thầy chỉ muốn đệ tử có chánh niệm và biết phải làm gì để tự mình xử lý một cách nhu nhuyến trước sự thay đổi của hoàn cảnh.

Học và tìm hiểu cuộc đời của Thầy và của các vị tổ sư, chúng ta đem lịch sử soi chiếu vào hiện tại. Đó không phải là những gì xưa cũ chỉ thuộc về quá khứ. Bởi vì những điều đó có ảnh hưởng rất lớn lao đến hiện tại và định hình tương lai của chúng ta. Vì vậy chúng ta cần tự hỏi mình rằng cuộc đời của liệt vị vẫn tiếp tục liên quan đến thế hệ của chúng ta như thế nào. Đó là một câu hỏi rất quan trọng.

Thầy đã dạy chúng ta biết cách an trú trong xứ sở của giây phút hiện tại, một xứ sở không biên giới. Ngày hôm nay, ngồi giữa lòng một tăng thân xuất sĩ và cư sĩ đến từ hơn 30 quốc gia, chúng ta thực sự thấy được sự thực tập an trú trong giây phút hiện tại có thể giúp ta vượt thoát cả không gian lẫn thời gian như thế nào.

Khi cùng nhau đi thiền hành tại chùa Tổ, ta chỉ cần an trú trong từng bước chân và trong từng hơi thở ý thức. Ta không cần làm gì thêm nữa cả. Như vậy là chúng ta đang tiếp nối Thầy rồi. Khi người dân Việt Nam nhìn thấy một tăng đoàn quốc tế đang đi từng bước trong chánh niệm xung quanh hồ bán nguyệt, họ sẽ nhận ra ngay lập tức đó là những đệ tử của Thầy. Chúng ta chỉ cần làm bấy nhiêu thôi là đã đủ.