Sư cô Chân Hoa Nghiêm

Mùa thu năm nay, tu viện Bích Nham có hai vị khách từ Việt Nam sang, đó là chú Thành và Huy. Chú Thành, đạo diễn của đoàn làm phim về cuộc đời của Sư Ông, đã liên lạc với chúng tôi thông qua cô Châu Thổ là đạo diễn chính của phim. Chú nói với tôi là chú rất cần sự giúp đỡ từ quý thầy và quý sư cô về những nơi mà Sư Ông từng đi qua và từng sống vào thập niên 60. Đó là khoảng thời gian quan trọng trong cuộc đời của Sư Ông khi sang Mỹ để học lấy bằng Thạc sĩ (Master of Arts, 1962) và cũng là thời gian Sư Ông bắt đầu tranh đấu cho hòa bình ở Việt Nam.

Thầy Pháp Không đã liên lạc với các trường đại học Princeton và Columbia để phái đoàn làm phim và một số thầy, sư cô đến thăm viếng di tích lịch sử nơi Sư Ông đã từng sống. Địa điểm đầu tiên mà chúng tôi đến là trường đại học Princeton. Đây là nơi năm xưa Sư Ông đã từng theo học. Tiến sĩ Brian Shetler đã hướng dẫn chúng tôi thăm thư viện Princeton, nơi lưu trữ rất nhiều hồ sơ luận án Thạc sĩ của Sư Ông, và ông đã chỉ cư xá Brown Hall, nơi Sư Ông từng cư trú.

Chúng tôi thiền hành trên con đường đầy lá phong vàng đỏ từ thư viện qua trường, nơi ngày xưa Sư Ông đã từng đi qua. Tôi cảm thấy như Sư Ông đang cùng chúng tôi về thăm lại trường xưa. Dừng chân dưới một gốc cây phong, chúng tôi ngồi thành vòng tròn và lắng nghe một đoạn văn trong Nẻo về của ý. Sau đó chúng tôi hát bài Một lá ngô đồng rơi, bài dân ca Pháp đã được Sư Ông đặt lời Việt. Cơn gió đi qua, thổi bay những chiếc lá vàng trên cây chao liệng trong không gian, đẹp biết bao.

Địa điểm kế mà chúng tôi đến là căn nhà gỗ Pomona ở trại hè Ockanickon, Medford, New Jersey. Pomona thuộc về YMCA nằm ở tiểu bang New Jersey, là nơi cắm trại cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Đó là căn nhà gỗ nằm bên cạnh một cái hồ rộng lớn, nơi mà Sư Ông đã từng ngồi trên một chiếc thuyền con, tự chèo lên phía Bắc của hồ, và ngồi chơi giữa những bông súng cho đến khi chiều xuống. Bây giờ là mùa thu, những chiếc lá vàng bay theo gió rơi trên mặt hồ. Tôi tưởng tượng một vị thầy trẻ đang ngồi trầm tư và tưởng nhớ về quê hương, về Phương Bối và về niềm đau chiến tranh trên quê hương mình mà thấy thương.

Tôi nhớ ngày xưa khi đọc quyển hồi ký Nẻo về của ý của Sư Ông, mắt tôi đã ướt vì hai câu thơ mà Lý, một vị tác viên xã hội đã viết cho Sư Ông như một lời chia tay, đến bây giờ khi đọc lại, cảm xúc của tôi vẫn dâng trào:

“Nếu ngày về thấy khung trời đổ nát
Thì tìm em nơi tận đáy hồn anh.”

Chúng tôi ngồi trong căn nhà gỗ bên lò sưởi bằng củi. Thọ (một Tiếp Hiện thân tín của Bích Nham) trong đoàn đi nhặt lá và củi khô để nhóm lửa. Lá khô làm ngọn lửa cháy bừng lên, căn phòng trở nên ấm áp vô cùng. Sư Ông đã viết đoản văn Bông hồng cài áo nơi ngôi nhà gỗ này nên sư cô Nội Nghiêm xin hát bài Bông hồng cài áo để tưởng nhớ đến Sư Ông. Mọi người cùng hòa theo, vì bài hát này hầu như ai cũng thuộc lòng.

Tôi bỗng nhớ lại bài thơ Đề Thiền Duyệt thất mà Sư Ông đã viết tặng Hòa thượng Thanh Từ khi còn ở Phương Bối Am, do sư cô Quy Nghiêm phổ nhạc. Trong giây phút lặng yên này, Sư Ông như đang ngồi đó, trong căn phòng này với chúng tôi. Bỗng dưng tôi muốn hát để cúng dường Sư Ông và đại chúng đang hiện diện. “Gối nhẹ mây đầu núi, nghe gió thoảng hương trà,… niềm tin còn gửi gắm, ta vui lòng đi xa…”. Hát đến đây bỗng dưng tôi thấy nghẹn ngào, không thể nào hát tiếp được nữa. Sư Ông đã đi xa thật rồi, có phải niềm tin Sư Ông gửi lại cho chúng tôi là “hãy tiếp tục con đường mà Thầy đã đi, đừng bỏ cuộc con ơi…”. Tôi nói thầm trong lòng: “Vâng, con sẽ không bao giờ bỏ cuộc đâu, Thầy ơi!”.

Ngày hôm sau chúng tôi tiếp tục đi đến Chủng viện Thần Học (Union Theological Seminary) trực thuộc trường đại học Columbia ở New York và thăm viếng nơi Sư Ông đã từng sống khi ở đó. Chúng tôi bắt đầu thiền hành từ căn nhà số 306 West ở đường 109, nơi Sư Ông từng cư trú trước khi về lại Việt Nam năm 1963, đến trường đại học Columbia. Thành phố New York luôn tấp nập người qua lại. Đi ngang qua gian hàng bán trái cây, tôi tưởng tượng ngày xưa năm 1962, Sư Ông đã từng đi mua rau quả hay bánh mì trên những con phố này một mình khi người bạn thân thiết Steve không có đó. Những lúc ấy chắc là Sư Ông cô đơn lắm. Nghĩ đến đây mà thấy thương Sư Ông.

Thời đó, người tu Phật giáo không nhiều. Tôi nghĩ đến thời gian Sư Ông phải đối diện với những xung đột trong nội tâm và cảm giác cô đơn trong môi trường mới này. Người tu sĩ trẻ đó còn mang nỗi niềm về cuộc chiến tranh khốc liệt đang xảy ra trên quê hương mình. Nghĩ đến đây tôi thấy mắt mình cay cay vì thương người tu trẻ, thầy mình, đã mang một gánh nặng như thế trên vai. Tôi không muốn mọi người thấy mình khóc nên vội lau nước mắt. Nhưng tôi nhớ Sư Ông đã từng nói với tôi rằng: “Muốn khóc thì cứ khóc, đừng đè nén. Khóc không có gì là xấu hổ. Có ý thức là mình đang khóc là được rồi”. Ý thức mình đang khóc thì nước mắt sẽ tự nhiên ngừng chảy. Mặt trời ý thức mà rọi lên thì ánh sáng sẽ tràn về, tôi không cần đè nén cơn cảm xúc xuống. Ý thức mình đang khóc thì làm sao khóc được nhỉ?

Hồ sơ sinh viên của Chủng viện Thần học
thuộc Đại học Columbia năm 1962 (Nguồn: Đại học Columbia)

Ngày xưa Sư Ông đã đến đây một mình. Khi rời New York về lại Việt Nam, Sư Ông có bao giờ nghĩ rằng có lúc Người sẽ trở lại đây, không phải một mình mà với cả một tăng thân? Sư Ông lúc ấy chắc không ngờ rằng sau này Người còn thành lập cả một tu viện ở vùng New York, phía Đông Hoa Kỳ, nơi mà ngày xưa Người chỉ là một thầy tu trẻ không tên tuổi. Ngày nay, Sư Ông có hàng ngàn đệ tử người Hoa Kỳ. Sự tiếp nối của Sư Ông thật không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghì).

Chúng tôi đến thư viện của trường đại học Columbia, thăm thư viện Butler ở tầng thứ mười một, nơi Sư Ông từng nhắc tới trong Nẻo về của ý. Sư Ông đã mở một quyển sách ra xem và thấy rằng quyển sách này trước đây đã có hai người mượn, ngày tháng cho thấy đã cách nhau hàng chục năm. Và Sư Ông là người thứ ba. Sư Ông đã viết: Tôi đang đứng đây, gặp họ trong không gian nhưng không gặp họ trong thời gian. Nghĩ đến đây tôi bỗng rung động trong lòng; tôi cũng đang gặp Sư Ông, một tăng sĩ trẻ đang mở quyển sách ra xem ở tại gác sách này trong không gian của tâm thức mình.

Caro Bratnober, thư viện viên của trường đại học, hướng dẫn chúng tôi trong cuộc thăm viếng. Cô nói rằng thật sự thì tất cả cũng như xưa, không có nhiều thay đổi, có chăng là họ thay đổi mã số ngoài bìa quyển sách để tương ứng với số trong hệ thống máy tính. Nhìn những hàng kệ sách mà lòng tôi cảm thán! Thời gian đã đi qua, mà không gian vẫn như xưa. Đã có bao thế hệ học giả đi trước đã từng đi ngang qua những hàng kệ sách này, trong đó có thầy tôi.

Sau đó cô dẫn riêng tôi và thầy Pháp Không thăm Burke Library, một thư viện khác ở tầng trên, là chỗ để cho sinh viên có thể vào học và nghiên cứu. Cô dẫn chúng tôi vào căn phòng nhỏ biệt lập, nơi trưng bày hình ảnh và tư liệu về những vị đã thành lập ngôi trường và những giáo sư đã từng giảng dạy nơi đây. Tôi ngạc nhiên khi thấy hình Sư Ông cùng với những giáo sư nổi tiếng khác của trường được trưng bày trong tủ kiếng. Sư Ông trông rất trẻ, khoảng 36 tuổi. Họ trưng bày bản luận cương Thạc sĩ của Sư Ông, và đề tài nghiên cứu là Triết học Tôn giáo: Vấn đề Nhận thức trong Duy thức học (The Problem of Knowledge in the Philosophy of Vijñānavāda). Tôi thầm hãnh diện và khâm phục thầy mình vô hạn. Một vị tu sĩ còn trẻ mà đã có thể trình bày một cách sáng tỏ về Duy thức học Phật giáo, một giáo lý tương đối khó, trong môi trường học thuật ở phương Tây, nơi mà đạo Bụt thời bấy giờ còn chưa phổ biến.

Chú Thành muốn đi thăm nhà thờ Riverside, nơi Sư Ông đã cho pháp thoại ngày 27.09.2001, sau khi tòa tháp đôi bị khủng bố. Khi chúng tôi đến thì trời cũng khá tối rồi. Lúc đầu những vị trong nhà thờ không muốn tiếp chúng tôi, họ nói là đã đóng cửa. Nhưng khi nghe nói chúng tôi muốn làm tài liệu về cuộc đời của Sư Ông, một bác rất lớn tuổi trong nhà thờ liền bảo những người bảo vệ cho chúng tôi vào. Bác tử tế đón tiếp chúng tôi và đưa phái đoàn vào thăm nhà thờ chính, nơi Sư Ông đã cho pháp thoại cho 1500 người. Bác đã có mặt trong thính chúng đó. Thầy Pháp Không cũng nói rằng năm đó thầy chưa xuất gia và đã ngồi nghe Sư Ông cho pháp thoại.

Tôi còn nhớ năm đó, chúng tôi đang trên đường đến tu viện Kim Sơn thì nghe tin tòa tháp đôi bị tấn công. Sư Ông đã kêu tài xế dừng xe tại chỗ và bảo tất cả chúng tôi chắp tay niệm Bụt và Bồ tát để cầu nguyện cho những người đã bị thiệt mạng trong cuộc khủng bố đó. Sau đó tăng thân người Mỹ đã thỉnh Sư Ông cho pháp thoại ở nhà thờ Riverside vào ngày 27.09 vì người dân Mỹ đang ở trong tình trạng sợ hãi và căm thù. Một số chúng tôi được đi theo Sư Ông đến nhà thờ buổi tối đó.

Trước khi tới nhà thờ, vài người trong chúng tôi có nhiều lo lắng, trong đó có tôi. Tôi sợ một trái bom ở đâu đó bỗng nổ tung trong lúc Sư Ông đang giảng. Nhưng Sư Ông đã rất bình tĩnh. Sư Ông nói rằng chúng tôi cần thực tập nhịn ăn để cầu nguyện cho sự bình an trên đất Mỹ, và dù thế nào thì Sư Ông cũng phải cho họ một bài pháp thoại trong giai đoạn này. Khi đến nơi, Sư Ông, với từng bước chân vững chãi, tiến vào nhà thờ. Chúng tôi cũng từng bước theo chân Người đi lên bục giảng. Ngồi trên bục giảng sau lưng Sư Ông, tôi đã sẵn sàng trong tư thế chấp nhận mọi chuyện có thể xảy ra cho mình ngay lúc đó, dù có phải xả thân này. Nội dung chính trong bài giảng của Sư Ông hôm đó là ôm ấp cơn giận.

Hạnh nguyện của một vị Bồ tát là không sợ hãi, không nghĩ đến bản thân mình và dám lên tiếng kêu gọi hòa bình cho thế giới. Xã hội chúng ta ngày nay cần có nhiều Bồ tát để cùng nhau lên tiếng cho hòa bình thế giới. Một vị Bồ tát không đủ. Chúng ta cần có tăng thân, chỉ có tăng thân mới tạo thành ngọn núi chống đỡ được phong ba bão táp của chiến tranh.

Hạnh nguyện của Bồ tát mà tôi đã học được từ sự chỉ dạy của Sư Ông. Đó là con đường của Bồ tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, đem trí tuệ chặt đứt mọi phiền não, dũng mãnh đối diện với sợ hãi và căm thù, không lo sợ. Con đường của Bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền là đem đạo vào cuộc đời. Con đường của Bồ tát Đại Bi Quan Thế Âm với tình thương bao la không kỳ thị, cứu giúp người bớt khổ. Con đường của Bồ tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương là không trốn tránh khổ đau, không tìm chốn bình yên cho riêng mình mà dấn thân đến những nơi cần đến. Thật lâu sau này tôi mới hiểu được hành động không sợ hãi của Sư Ông khi cho pháp thoại tại nhà thờ Riverside trong thời điểm lúc bấy giờ.

Nước Bích lắng trong, ngàn sông có nước ngàn sông trăng hiện…

Ngày tôi xin Sư Ông xuất gia, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình thích đi tu vì đời sống ở Làng vui quá, không có gì phải lo lắng. Mỗi ngày được ngồi thiền, thiền hành với đại chúng, ăn cơm trong im lặng, và mỗi tuần được nghe Sư Ông cho pháp thoại. Tôi không tìm cầu một công việc hay tranh giành một địa vị gì quan trọng, cũng không nghĩ đến tiền bạc, cuộc đời thật đơn giản và hạnh phúc biết bao.

Nhưng rồi theo thời gian, tôi dần dần thấy rõ con đường tôi đang đi không đơn giản như tôi đã nghĩ. Tôi bắt đầu có công việc và trách nhiệm do đại chúng giao phó. Tôi trở nên nhiều lo lắng về cuộc sống của người tu, vì lúc đó Làng vẫn chưa phát triển như bây giờ. Tôi bắt đầu nghĩ đến cách làm kinh tế cho Làng có tiền sinh sống, và tôi trở nên lo âu. Tôi xin phép Sư Ông nuôi ong để lấy mật, vì Làng có đến 1250 cây mận, mỗi mùa xuân đều ra hoa và ong bay đầy vườn, hoặc là ngày thứ Bảy ra chợ Sainte Foy bán chả giò v.v. Sư Ông lắc đầu, nhìn thẳng vào mắt tôi, thật nghiêm nghị. Người nói: “Đừng lo lắng! Cứ lo tu đi! Có đức thì mặc sức mà ăn. Con nên lấy quyển Tứ Niệm Xứ làm sách gối đầu giường, đọc mỗi ngày một chương cho Thầy”.

Bắt đầu từ hôm đó, đêm nào tôi cũng đọc quyển Con đường chuyển hóa do Sư Ông viết về sự thực tập Tứ Niệm Xứ, lời văn rất giản dị, dễ hiểu. Tôi cảm thấy như mình vừa bắt được vàng. Con đường chuyển hóa đã giúp tôi từng ngày chuyển hóa tập khí trong mình, cho tôi một cái nhìn mới về cuộc sống, cho tôi thấy được quê hương đích thực là ở ngay trong tôi chứ không ở đâu xa.

Có lần Sư Ông nói với tôi: “Ngoài kia, người ta có nhiều khổ đau lắm, họ rất cần sự giúp đỡ của mình con à. Cho nên con tu học cho đàng hoàng”. Tôi gật đầu chắp tay thưa: “Dạ”. Lúc đó tôi chỉ biết vâng dạ mà đầu óc của tôi thì rỗng không. Theo thời gian, tôi có cơ hội đi qua nhiều trung tâm, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa cũng như đời sống đa dạng của người dân địa phương. Dù khác biệt quốc gia, chủng tộc, màu da, tầng lớp, ở đâu con người cũng không tránh khỏi những khổ đau trong cuộc sống.

Tôi về Bích Nham đã được gần mười năm. Sống trong một cường quốc như nước Mỹ, tôi nghĩ rằng khổ đau sẽ ít hơn so với các nước nghèo trên thế giới. Nhưng tôi đã lầm. Khổ đau ở đây đầy ắp như biển Đại Tây Dương. Tôi đã tiếp xúc với gia đình có đứa con trai tự tử, có đứa con gái tự tử. Tôi lắng nghe những em thiền sinh có vết thương do cha mẹ lạm dụng tình dục hay lạm dụng bằng sự bạo động. Có những vị cảm thấy thật cô đơn trong đời sống của họ. Có những người trẻ đã từng sa lầy trong nghiện ngập, vui chơi trác táng, v.v. Dĩ nhiên là cũng có những mặt đẹp của cuộc sống. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là một đất nước dù hùng mạnh vẫn có mặt trái của nó.

Thời gian gần đây, ngày quán niệm mỗi tuần đều đông nghẹt người. Các thanh thiếu niên trẻ về càng lúc càng đông. Tôi hiểu được là nhu yếu tu học rất mạnh, vì thế giới càng ngày càng có nhiều xung đột, chiến tranh, nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái, môi trường khí hậu thay đổi bất thường, thiên tai …; bệnh trầm cảm, căng thẳng khiến cho nhiều người trẻ tự tử. Thỉnh thoảng tôi nghe có người trẻ tự tử ở New York hay ở Washington D.C. Áp lực phải kinh khủng lắm mới khiến người ta tự kết liễu đời mình như vậy. Ngoài ra cũng có nhiều bệnh hoang tưởng trong xã hội.

Mới đây nhất tôi đã tiếp xúc trực tiếp với một thiếu nữ, em nói với tôi rằng: “Có một ác quỷ trong con cứ xúi giục con phải tự đâm mình hay treo cổ. Con sợ hãi quá nên chạy đến đây”. Tôi đã khuyên em niệm Bồ tát Quan Thế Âm khi tiếng nói đó vang lên trong đầu, đó là sự hoang tưởng thôi. Dù đã cố gắng giúp em, nhưng sau khi em rời khỏi Bích Nham, tôi nghe tin em đã tự đâm mình. May mắn là em đã được cứu thoát. Là cha mẹ, là anh chị của các em, chúng ta phải làm gì để giúp con em mình vượt qua cơn bão cảm xúc. Thiết nghĩ rằng đợi cơn bão đến rồi mới tìm phương cứu chữa thì có quá trễ hay không?

Khi tôi thấy quý thầy, quý sư cô trẻ tiếp xúc vui vẻ với các bạn trẻ, làm bạn đồng hành với họ trong sự thực tập cũng như trong công việc, tôi thấy lòng rất vui. Tôi mong Bích Nham có thêm nhiều quý thầy và quý sư cô trẻ về đây tu học.

Tôi thấy rõ sự có mặt của tôi ở nơi này. Tôi thấy rõ là mình không phải chỉ tu để đạt đến mục đích giác ngộ cho riêng cá nhân mình. Mà sự hiện hữu và sự thực tập của tôi là để giúp làm vơi bớt khổ đau cho những người đang cần đến sự giúp đỡ, cần đến sự thương yêu. Mỗi khi đi xa về, tôi cảm thấy Bích Nham là một chốn thật bình yên, là nhà của mình đây. Đêm nay trăng thật sáng ngoài khung cửa sổ làm tôi nhớ đến năm nào tôi đã cùng ngồi với Sư Ông trên một băng ghế dài ngắm trăng. Sư Ông nói với tôi: “Mình có tự do mới thấy được vầng trăng sáng…”.

Có phải Sư Ông muốn nói với tôi rằng chỉ khi nào mình không bận bịu chuyện gia đình, chuyện xã hội, trong lòng mình không chất chứa những ham muốn, mong cầu, phiền muộn thì lúc đó mình sẽ tiếp xúc được vầng trăng sáng? Như hai câu kệ Sư Ông đã viết tặng tu viện Bích Nham:

“Nước Bích lắng trong, ngàn sông có nước ngàn sông trăng hiện
Non Nham tú lệ, mỗi lần nhìn lại mỗi lần mới tinh”

Tôi muốn nói với Sư Ông: “Thầy thương kính của con, con rất hạnh phúc vì mỗi ngày con đã thấy rõ hướng đi và biết nơi mình đang đến. Lòng biết ơn của con đối với Thầy, với chư Tổ, với gia đình tâm linh, đối với cha mẹ, với gia đình huyết thống không bao giờ cạn trong con. Sang năm là Đại tường của Thầy, nhưng con biết rằng Thầy đang rong chơi trời phương ngoại, Thầy vẫn còn đó mãi trong lòng chúng con”.