Ánh sáng của sự kết nối

Joost Vriens

Joost Vriens (Tâm Quan Sơn) là người Hà Lan, sống ở Eindhoven. Ông đã giảng dạy tại một trường trung học chuyên nghiệp trong suốt 40 năm và đồng sáng lập tăng thân trực tuyến dành cho các nhà giáo dục Hà Lan. Dưới đây là bài viết của ông về hành trình đến với phong trào đem chánh niệm vào trường học (Wake Up School) mà ông đang dành rất nhiều tâm huyết. Bài viết được BBT dịch từ tiếng Anh.

Năm 1982, vừa bước chân vào nghề giáo, tôi mới 22 tuổi, trẻ măng, một giáo viên dạy bộ môn tôn giáo đầy lý tưởng và nhiệt huyết. Nhưng thực tại không phải là thiên đường mà là một môi trường cho sự học hỏi.

Hệ thống giáo dục mà tôi bước chân vào, về căn bản, là hệ thống một chiều: Thầy giáo nói và học sinh nghe. Thầy giáo trao truyền kiến thức và học sinh tiếp nhận kiến thức. Đó là một khuynh hướng mạnh đến nỗi học sinh dù trong bất cứ lứa tuổi nào, thiếu niên hay trưởng thành, đều e dè trong việc chia sẻ hay phát biểu ý kiến của mình.

Trường tôi dạy là một trường trung học dạy nghề với học viên tuổi từ 17 tới 23. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ làm việc với những người khuyết tật, làm việc trong các nhà trẻ, chăm sóc thanh thiếu niên hoặc trong môi trường giáo dục. Đây là một giai đoạn biến chuyển quan trọng: học viên phải học cách áp dụng kiến thức, đem cái biết chuyển thành cái thực tế. Họ phải đối diện với một câu hỏi thiết yếu: “Tôi muốn trở thành chuyên viên kiểu nào trong khi làm công việc giúp đỡ người khác?”. Vì vậy mỗi cá nhân sẽ có một hành trình riêng biệt.

Sau vài năm tôi bắt đầu nhận thấy các học viên im lặng không chỉ vì thói quen mà còn vì trường nghề và các giáo viên không lắng nghe những nhu cầu sâu kín, những nỗi đau và tổn thương của các em. Rồi sau đó, một tuệ giác khác bỗng lóe lên trong tôi. Tôi thấy các giáo viên, vì đã trải qua nhiều lần hoang mang và căng thẳng, cũng giấu kín những ý nghĩ và cảm giác thật sự của họ khi vào trường. Sau 15 năm vật lộn với hệ thống giáo dục, tôi bị mất phương hướng, tôi có cảm giác như bị thu nhỏ lại và trở nên hay chống chế. Nhiệt huyết của một giáo viên trẻ gần như tắt ngấm.

Một làn gió mới

Rồi tôi gặp Sjef Bloemers, một người mà tôi coi như là một vị thầy của mình. Anh là một y tá về lĩnh vực sức khỏe tâm thần với nhiều kinh nghiệm về những ẩn ức trong nội tâm. Lúc đó tôi đã là một giáo viên giàu kinh nghiệm và có thể chia sẻ với anh về tình trạng văn hóa học đường đang trở nên xa cách và thiển cận như thế nào. Anh dạy cho tôi cách quan sát, tìm hiểu và kết nối. Chúng tôi đã tạo nên một nhóm làm việc tuyệt vời cho đến nỗi trường dạy nghề đã mời chúng tôi phác thảo một chương trình giảng dạy mới. Chúng tôi thật may mắn, bởi vì đó chính là cánh cửa mở ra cho một làn gió mới thổi vào trường.

Thử thách của chúng tôi là làm sao để giúp những giáo viên quen giảng dạy qua lời nói trở thành những người biết lắng nghe và có khả năng yểm trợ học viên. Trước đó chưa từng có một quy chế nào có sẵn cho cả học viên lẫn giáo viên liên quan đến điều này. Nhưng đó lại là một điều may mắn. Công việc chính của chúng tôi là khích lệ những học viên trong một nhóm tự tìm tòi sáng tạo, có ý thức về chính quá trình học tập của họ; và đánh thức tiềm năng trong mỗi học viên. Sief và tôi cũng bắt đầu chia sẻ với nhau về quá khứ của cá nhân mình, và cả với học viên trong lớp.

Tiếng chuông chánh niệm

Sáu năm trôi qua, ngọn gió xoay chiều và xu hướng bảo thủ giành lấy thế thượng phong trong trường. Những thử nghiệm của chúng tôi đành phải dừng lại, và người chiến binh đầy giận dữ trong tôi bị đánh thức. Khi ấy, có người tặng tôi một quyển sách nhỏ của Thầy về thiền hành, quyển An lạc từng bước chân. Và dần dần đôi mắt của tôi được khai mở, tôi bắt đầu nhìn vào nội tâm mình. “Tại sao tôi lại giận đến như vậy?”. Có lần Sjef hỏi tôi: “Anh có khả năng giải thích những lý thuyết về phân tâm học của Freud cho những người trẻ để họ có thể hiểu được, nhưng sự thực tập đích thực nằm ở chỗ: anh áp dụng những lý thuyết đó như thế nào để nhìn vào cách hành xử của chính anh?”. Đó quả là một tiếng chuông chánh niệm rất sâu sắc. Tiếng chuông ấy đến bây giờ vẫn còn văng vẳng bên tai tôi.

Trong thời gian ấy, một tiếng chuông khác thậm chí còn đánh động hơn cả tiếng chuông trước. Sjef bị ung thư tuyến tiền liệt rất nặng và tôi phải đứng thay vào vị trí công việc của anh. Sáu tháng sau, bản thân tôi đối diện với thử thách khi bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh ung thư tuyến tụy. Tôi trải qua một quá trình trị liệu cam go và đã đi qua khỏi cơn khủng hoảng nhờ biết lắng nghe cơ thể của mình. Lần đó để giữ mạng sống cho tôi, các bác sĩ đã cho tôi dùng thứ thuốc có thể nguy hiểm đến tính mạng. Một sáng nọ, tỉnh giấc lúc 5 giờ, tôi có một cảm giác rất lạ trong bụng. Tôi nghĩ: “Mình phải ngưng dùng thuốc này mới được”. Tôi có cảm giác như toàn thân mình chỉ có một điểm duy nhất còn tồn tại là vòng tròn nhỏ xung quanh rốn. Bốn bác sĩ không tin những gì tôi nói. Vị bác sĩ thứ năm, một phụ nữ trẻ, là người chịu lắng nghe tôi. Cô ấy xin ý kiến của vị bác sĩ hướng dẫn, và họ quyết định tin lời tôi, một bệnh nhân biết lắng nghe cơ thể của mình. Sáng hôm sau, kết quả thử máu cho thấy tôi đã đúng về sự nguy hiểm của loại thuốc tôi đang uống.

Chia sẻ chính là học hỏi

Tôi tham gia sinh hoạt với một tăng thân nhỏ thực tập theo pháp môn Làng Mai ở Eindhoven và quan sát thấy những người hướng dẫn tăng thân chọn các đề tài sinh hoạt dựa theo những thực tập mà chính họ đang áp dụng. Dạy người khác đồng nghĩa với việc chính mình áp dụng những điều mình dạy. Dần dần tôi đã có đủ can đảm để trở thành một người hướng dẫn. Sau một thời gian, tôi để ý thấy mình có nhiều tự do và trở nên vững chãi hơn trong công việc của một giáo viên.

Trong những lần họp mặt của tăng thân, tôi đã tìm được tiếng nói của chính mình. Bài học mà tôi đã lĩnh hội là “Chia sẻ cũng chính là học hỏi”. Khi đi sâu vào sự thực tập trong tăng thân, tôi để ý thấy nếu chính tôi không cởi mở và chia sẻ những nỗi đau có thật của mình thì buổi pháp đàm sẽ trầm và chỉ phớt trên bề mặt. Nhưng nếu tôi mở lòng, chấp nhận nỗi khổ niềm đau và những cái mình không biết thì buổi chia sẻ lại rất sâu và giàu có. Tôi cũng có cái thấy tương tự về hệ thống giáo dục. Học viên không mở lòng cho ta thấy những yếu đuối của họ bởi chính các giáo viên và hệ thống giáo dục cũng không mở lòng. Trong thời gian đó, tôi cũng bắt đầu thấy các học viên bị nhấn chìm trong mặc cảm “Mình không đủ giỏi, không đủ tài năng” cho nên cũng hiếu kỳ muốn tìm hiểu quá trình diễn biến nội tâm của các em, cách các em vật lộn với những vấn đề và tổn thương của chính mình và của xã hội. Và tôi bắt đầu chia sẻ quá trình trưởng dưỡng nội tâm của mình với các em.

Hệ thống yểm trợ lẫn nhau

Thời kỳ này tôi bắt đầu làm việc cùng với một phụ nữ trẻ rất thông minh và tài năng tên là Ingrid. Cô mới 28 tuổi trong khi tôi đã 61. Thật là một sự hợp tác đầy nuôi dưỡng. Ingrid đánh giá cao kinh nghiệm và khả năng của tôi trong việc nhìn sâu vào một vấn đề. Còn tôi thì thích những câu hỏi mạnh mẽ cũng như sức sống của cô ấy. Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận rất sâu để tìm ra một bước đi kế tiếp hay nhất cho học viên.

Vào một buổi sáng sớm, Ingrid và tôi có hẹn với một em học viên. Trước đó một hôm, em ấy đã có dịp nói chuyện với chúng tôi trong hai cuộc gặp gỡ riêng rẽ. Vì em ấy đã nhận được cùng một lời khuyên từ hai chúng tôi nên muốn tìm hiểu xem chúng tôi có lên kế hoạch trước với nhau hay không. Khi em cho biết đã nhận lời khuyên giống nhau, chúng tôi rất cảm động vì sự tương đồng này.

Có lẽ chúng tôi nên thành lập một “hệ thống yểm trợ lẫn nhau giữa các thế hệ giáo viên” trong trường học để một giáo viên trẻ được đi kèm với một giáo viên lâu năm trong nghề để yểm trợ lẫn nhau.

Bước kế tiếp là đem chánh niệm vào lớp học. Tôi cảm thấy sẵn sàng để làm điều đó, nhưng học viên thì chưa sẵn sàng. Lớp học chưa phải là một nơi an toàn. Trường học chưa phải là một nơi an toàn. Trường học cũng chưa sẵn sàng cho chánh niệm. Và hầu hết giáo viên cũng chưa sẵn sàng. Tôi tiếp tục kiên trì vì tôi nhớ đến tấm gương rất thực tiễn và sâu sắc của Thầy đã vượt qua giới hạn và biến trở ngại thành tuệ giác.

Món quà bất ngờ

Đúng lúc đó, tôi phát hiện ra phong trào đem chánh niệm vào trường học (Wake Up Schools) do Thầy khởi xướng. Tôi được tặng quyển sách Thầy cô giáo hạnh phúc làm thay đổi thế giới của Thầy và giáo sư Katherine Weare, cùng với quyển Walking the teacher’s path with mindfulness (tạm dịch Hành trình đem chánh niệm vào giáo dục) của Richard Brady, một quyển sách gây rất nhiều cảm hứng cho tôi. Tôi cũng dự một khóa tu do Tineke Spruytenburg and Miles Dunmore hướng dẫn. Tôi sử dụng các thực tập trong sách kết hợp với tuệ giác của mình. Trong khi quán chiếu quá trình thực tập tỉnh thức của chính mình trong vai trò nhà giáo, tôi thường nghĩ đến từ “yếu đuối, dễ bị tổn thương” (“vulnerability”).

Một ngày nọ, một “món quà” bất ngờ đã đến với tôi: một em học viên nam đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Tôi nói với em rằng tôi quan sát thấy hình như em đang có vấn đề và nếu em muốn giãi bày tâm sự thì tôi rất sẵn sàng. Ba tháng sau, thình lình em xuất hiện tại cửa văn phòng và mời tôi đi bộ cùng em. Em đã tâm sự hoàn cảnh riêng tư và cho tôi thấy nội tâm yếu đuối của em. Tôi thật sự rất cảm động. Em nói rằng em có thể chia sẻ chuyện của em với tôi vì tôi đã rất cởi mở chia sẻ với các em về bệnh tật của mình cũng như về sự mất niềm tin vào hệ thống giáo dục. Buổi tâm sự đó đã làm thay đổi cuộc đời của em và cuộc đời của chính tôi.

Sống thật với chính mình

Nhìn lại, có hai điều mà tôi đã học được từ cuộc gặp gỡ tuy nhỏ nhưng quan trọng ấy. Điều thứ nhất, sự yếu đuối không phải là một kỹ năng hay một mánh khóe, mà là sống thật với con người của mình, với những yếu đuối, dễ tổn thương trong mình. Tôi dạy điều này cho các học viên của mình. Điều thứ hai, theo thiền sư Lâm Tế, đôi khi chủ nhân (giáo viên) trở thành khách (sinh viên), và khách trở thành chủ nhân. Các học viên cũng dạy tôi nhiều điều. Từ thời khắc đó trở đi, tôi luôn đặt chân vào lớp với một sự hiếu kỳ: Hôm nay tôi sẽ học được điều gì từ các em? Cốt lõi của sự thực tập của tôi đã được phản chiếu lại từ một chàng thanh niên yếu đuối. Nghề giáo của tôi trở thành một nguồn vui.

Nghệ sĩ, chiến sĩ và đạo sĩ

Năm 2022, Baltus van Laatum mời tôi chung tay thành lập một tăng thân trực tuyến cho các nhà giáo dục ở Hà Lan. Trong lần sinh hoạt đầu tiên, tôi thấy như mình đã “về nhà”. Có điều gì đó thật sâu ở trong lòng đã được khơi thông. Thoạt tiên người ta đến với tăng thân trực tuyến này để tìm một chương trình dạy chánh niệm, nhưng đó không phải là điều chúng tôi đáp ứng. Tuy vậy, một vài người đã quyết định gắn bó dù việc thực tập quán chiếu tự thân đối với họ khá căng thẳng và mới mẻ. Họ cảm thấy yếu đuối, nhưng vẫn quyết tâm dấn bước. Tuy vậy, họ có cảm giác an toàn khi đến với tăng thân, bởi vì ai trong tăng thân cũng quen thuộc với hoàn cảnh cũng như những thử thách mà một người làm nghề giáo phải đối diện.

Vì thế cách tiếp cận của chúng tôi là đầu tiên phải lắng nghe rồi sau đó mới đặt câu hỏi. Bạn muốn là một nhà giáo kiểu nào? Lý do? Bạn có hài lòng với vị thế hiện tại của mình không? Nhu yếu của bạn là gì? Bạn có thấy những nguyên nhân và ảnh hưởng của những việc bạn làm không? Một nhà giáo có thể lắng nghe một nhà giáo khác, đó chính là một cống hiến rất hay rồi. Bởi vì nhờ lắng nghe mà người đó sẽ biết khi nào người kia không còn là chính mình nữa và bị rơi vào cái bẫy của việc đáp ứng lại đòi hỏi của hệ thống giáo dục. Nhận ra tầm quan trọng của sự trao đổi giữa các giáo viên với nhau (cũng như giữa giáo viên và sinh viên), tôi quyết định nuôi dưỡng ba yếu tố trong mình: chiến sĩ, đạo sĩ và nghệ sĩ, để hỗ trợ các giáo viên.

Một buổi sáng, trên đường đi bộ tới trường, tôi cảm thấy đau nơi bắp thịt sau lưng. Tôi lắng nghe thông điệp do lưng mình gửi tới và hiểu rằng đã đến lúc tôi cần bước qua một hành trình mới. Một tiếng nói từ nội tâm vang lên: “Bạn có thể có ích nhiều hơn trong cộng đồng mang chánh niệm vào trường học (Wake Up Schools). Ở đó, bạn có thể chia sẻ những tuệ giác của các nhà giáo và kết nối các nhà giáo với sự thực tập chánh niệm”.

Thắp lên ngọn lửa

Khi tham gia khóa tu giáo chức tại Làng Mai vào tháng Tám năm 2023, trong một buổi chia sẻ của các giáo viên mà tôi là một trong những người trình bày, đột nhiên hai thế giới trở nên dung thông: năng lượng của các vị xuất sĩ và sự có mặt của các nhà giáo hòa quyện lại với nhau, trò chuyện với nhau. Tôi ngắm những nhà giáo đang ngồi đó, nhìn chúng tôi, và tôi thấy được tiềm năng của họ. Tuệ giác, sự thực tập và sự thắc mắc chứa đầy trong họ. Nhưng làm thế nào để khơi mở những điều này? Làm thế nào để nhen lửa? Làm thế nào để có thể kết nối với hạt giống tỉnh thức đang tiềm ẩn trong họ?

Theo tôi, trao đổi và kết nối là điều đầu tiên mà cộng đồng giáo dục nói chung và cộng đồng Wake Up Schools nói riêng cần thực hiện tại thời điểm này. Tôi mong rằng khi các nhà giáo tới dự khóa tu của Làng Mai, chúng ta có thể giúp khơi mở tuệ giác của chính họ. Khóa tu ấy có thể cung cấp những điều khác nữa, ngoài giáo lý và pháp môn. Để thực hiện một khóa tu như vậy, chúng ta cần những chủ tọa có khả năng gây cảm hứng, có thể tạo ra một không khí an toàn và cởi mở để các nhà giáo có thể đặt những câu hỏi sâu sắc, bày tỏ nhu cầu, chia sẻ kinh nghiệm để tuệ giác trong việc yểm trợ lẫn nhau tự nảy sinh.

Chúng ta có thể bắt đầu bằng các buổi lắng nghe sâu, gây cảm hứng bằng các câu hỏi như: Bạn muốn trở thành một nhà giáo kiểu nào? Chúng ta cũng có thể tập trung vào một hoàn cảnh khó khăn cụ thể mà một nhà giáo phải đối diện trong hệ thống giáo dục. Đó có thể là sự thực tập mở lòng chia sẻ những thương tổn, những yếu đuối trong mình (điều không dễ làm ở trường học), cũng như việc cho ra và tiếp nhận sự giúp đỡ từ một đồng nghiệp biết thực tập.

Bước kế tiếp trong khóa tu là kết nối tất cả những nhu cầu và tuệ giác này với sự ứng dụng pháp môn chánh niệm. Chúng ta cũng có thể tạo nên một hệ thống giúp đỡ lẫn nhau để sau khi khóa tu chấm dứt mọi người có thể tiếp tục thực tập. Như thế, tăng thân và sự thực tập trở thành một chu trình của sự học hỏi.

Có một hình ảnh thường đi lên trong tôi, đó là hình ảnh nhà trà ở xóm Thượng, nơi rất nhiều cuộc trò chuyện đã xảy ra trong giờ chuyển tiếp giữa các thời khóa trong khóa tu dành cho các giáo viên. Tôi thấy ánh sáng của sự kết nối, một không gian để mọi người có thể trò chuyện, trao đổi về bản thân cũng như những thao thức, những ước vọng của mình cho nền giáo dục. Một câu hỏi đi lên trong lòng tôi là: làm thế nào để cho ánh sáng sống động và tỉnh thức ấy được biểu hiện thành không gian, ngôn ngữ và hình tướng cụ thể? Câu hỏi đó vẫn còn đang bỏ ngỏ…