Lộc Uyển Mùa An Vui

Sư cô Chân Trăng Chùa Xưa

Những cơn mưa đã đến. Ai nấy đều đang trông chờ thác đổ và tiếng suối chảy róc rách. Chắc sẽ biểu hiện sớm thôi. Bạn còn chần chừ gì nữa mà không về Lộc Uyển thăm tăng thân? Giáng sinh đến rồi, bạn về với gia đình tâm linh đi! Trăng khuya sáng rực ngoài khung cửa sổ khi mình ngồi viết bức thư tâm tình này cho bạn. Năm nay, sư cô trụ trì xóm Trong Sáng đã chuyển hẳn lên phòng thị giả ở cốc Thầy để ở, nhờ vậy mà không gian quanh cốc luôn có ánh sáng ấm áp và nhiều hoa tươi mát.

Gia đình huyết thống — gia đình tâm linh

Lộc Uyển đang có nhiều anh chị em xuất gia người Mỹ, nhà cha mẹ gần chùa, kiểu như là “nhà dưới chân núi” đó bạn. Thế nên cả chùa được hưởng ké tình thương từ gia đình huyết thống. Bữa “leo núi — ngồi thiền — ăn sáng” thứ Tư mỗi hai tuần của đại chúng lần này có mẹ thầy Pháp Lưu, ba sư chú Nhất Hướng và em gái thầy Trời Đức Khiêm cùng tham gia, vui lắm! Mẹ thầy Pháp Lưu năm nay 80 tuổi mà vẫn leo núi ngon lành, không thua gì người trẻ hai mươi.

Sau ngày Lễ Tạ ơn (Thanksgiving), cả nhà thầy Trời Minh Lượng người Mỹ, gồm ba mẹ và em gái ghé thăm tu viện, từ nhà lái xe tới chùa chỉ tầm hơn một tiếng đồng hồ. Mấy anh chị em xuất sĩ được dịp xúm lại ngồi chơi với gia đình, nghe ba mẹ kể chuyện ngày xửa ngày xưa của hai anh em mà cười vang cả rừng sồi giữa trưa thanh vắng, cười xong rồi khóc, khóc vì cảm động.

Để trở thành một người xuất gia trẻ theo truyền thống đạo Bụt giữa xã hội Mỹ đầy cám dỗ này thật không hề dễ dàng cho chính bản thân người đó và cho người thân của họ. Mình biết ơn sự can đảm và tuệ giác của cha thầy Minh Lượng, ông nói với họ hàng và bạn bè rằng: “Con trai tôi đang được sống trong một môi trường an lành, khỏe mạnh và đang được làm điều cậu ấy muốn, những điều tốt đẹp cho chính cậu ấy, cho xã hội và cậu ấy vui vẻ, hạnh phúc. Vậy thì tôi còn đòi hỏi điều gì nữa?”.

Xuất gia sống trong đại chúng là một điều gì đó không thể diễn tả được bằng lời. Gia đình huyết thống có khi phải đến chùa tận mắt chứng kiến thì mới thấy.

Em gái thầy Trời Minh An tên Jenni, sinh viên đại học năm cuối, lần đầu tiên dắt bạn trai về tu viện để “ra mắt” anh hai. Cậu người yêu trẻ ngạc nhiên một cách rất chân thành khi đón nhận sự ấm áp từ tăng thân đông đảo dành cho cậu ấy: “Tôi nghe Jenni kể rằng gia đình cô ấy nhỏ và cô ấy chỉ có một anh trai thôi à!”. Jenni bây giờ có rất nhiều anh chị bởi vì Jenni đã trở thành em gái của tất cả chúng tôi.

Món đậu gà của thầy Pháp Hội

Ngày quán niệm Chủ nhật hằng tuần tại tu viện Lộc Uyển luôn có tầm 250 người tham dự, đội nấu ăn thường sẽ nấu một món đậu. Một hôm, thầy Pháp Hội nấu đậu gà, ăn thử thấy rất ngon, đậu mềm, béo và thơm ngậy, thế là mình “thỉnh sư” ngay: “Thầy dạy con cách nấu món đậu gà được không?”. “Sư cô muốn học chứ gì? Được! Sư cô vào kho xúc đậu đi, một tô đậu khô thì tính cho ba mươi người ăn nhé! Cứ thế mà nhân số lượng đậu lên”.

Bí quyết của món đậu gà là hạt đậu mềm mà không bị nát, khi ăn vào hạt đậu tự nhiên tan trong miệng thì mới ngon và đúng chuẩn. Muốn được như vậy thì phải nấu chậm, không được vội mà cũng không buông lơi, cũng giống như giây phút đạt được sự giác ngộ vững chãi luôn cần năm tháng tu học tinh chuyên và không giải đãi.

Gia vị được nêm vào là muối theo mùa của người Mexico từ nước láng giềng, hàng xóm của tiểu bang Cali. Món đậu gà của thầy Pháp Hội luôn được dọn trong nồi đất lên bàn khất thực mà không cần chuyển qua khay inox để được giữ nguyên vị thơm ngon của đậu. Muốn thưởng thức món đậu gà của thầy Pháp Hội, bạn phải là người thường xuyên đến tu học mỗi Chủ nhật, bởi vì vòng luân phiên nấu ăn cho toàn chúng bây giờ đã lớn hơn ngày xưa nên hơi khó tính trước khi nào mới đến phiên nấu ăn của thầy.

Mười năm nữa, chúng ta sẽ thế nào?

Những buổi chiều rảnh rỗi, mấy chị em thường hay quẩy ba lô lên lưng đi núi. Lộc Uyển có nhiều ngọn núi đẹp, mỗi nơi sẽ cho một góc nhìn khác nhau. Góc nào cũng có thể ngắm hoàng hôn hùng vĩ hay bình minh sáng tỏ, cảnh xa cảnh gần, nhìn lên cao, nhìn thấy phố xa, biển xanh trong khung trời cao rộng. Có những tảng đá to như đá Voi ngồi mấy chục người vẫn rộng rãi, có những tảng đá chỉ đủ cho một người ngồi, nhưng có nhiều tảng nhỏ chụm nhau lại thành khóm đá. Hoàng hôn đẹp lắm, có ly trà, có những tràng cười nghe róc rách như suối chảy. Có ai đó hỏi: “Mười năm nữa, chúng ta sẽ thế nào nhỉ?”. Đâu đó có tiếng trả lời: “Thì cũng như vậy nè, leo núi uống trà, ngắm hoàng hôn”.

Cũng câu hỏi ấy khi hỏi quý thầy lớn, bạn biết câu trả lời là gì không? Là thế này nè: “Thì các thầy dù lạnh, dù già hơn vẫn cố gắng mặc cho đủ ấm và đi theo tăng thân, theo các sư em thôi, vẫn như thế! Không có gì thay đổi cả!”. Bạn có thấy mầu nhiệm không? Dù hoàn cảnh có ra sao, dù năm tháng có thay đổi, dù tuổi già sức yếu thì vẫn cố gắng theo tăng thân, không bỏ. Người ở dưới phố, ở ngoài thế giới bao la đầy biến động kia càng ngày càng lên núi đông hơn, mang theo nhiều trăn trở, khổ đau, cô đơn, lo lắng… Và sứ mệnh của những vị xuất sĩ trên miền Đại Ẩn Sơn này là “Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ” mà vẫn giữ được khung cảnh thảnh thơi, vẫn cùng ngồi bên nhau uống trà, ngắm thiên nhiên, vẫn vậy thôi!

Trăng và Trời lên tuổi mười tư

Bạn còn nhớ cái ngày mình được xuất gia không? Nhớ cái hồi mà Thầy viết thư cho đại chúng, thông báo từ năm 2010 trở đi, Thầy sẽ đặt tên các sư chú là Trời và các sư cô là Trăng không? Thầy vẫn giữ lại chữ Chân. Những Chân Trăng và Chân Trời đầu tiên của gia đình xuất gia Cây Sen Xanh đến nay đã bước vào tuổi mười tư rồi đó!

Gia đình xuất gia Cây Trúc Vàng cũng được bước vào tuổi mười tư. Mười bốn năm tu học, số xuất sĩ trong gia đình vẫn còn nguyên, vẫn cùng sống, tu học và phụng sự trong tăng thân. Mười ba anh chị em Cây Trúc Vàng bây giờ đang được đại chúng rải đi khắp nơi từ xóm Hạ, xóm Mới qua đến Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu, qua Lộc Uyển, Bích Nham, Mộc Lan rồi về tới Làng Mai Thái Lan và Việt Nam.

Giây phút này đây, gia đình Cây Trúc Vàng chúng con xin chắp tay biết ơn Thầy và tăng thân. Dù đường tu của những cây trúc non có gặp bao nhiêu khó khăn và thử thách, chúng con vẫn luôn được nâng đỡ, được che chở, được bảo bọc trong đại chúng.

Hội Hoa Lilac

Làng Mai Pháp có hội hoa Mai thì ở tu viện Lộc Uyển có hội hoa Lilac. Hoa Lilac là loài hoa “thổ địa”, cũng là loài hoa báo hiệu mùa xuân của vùng núi rừng sa mạc này. Hoa màu trắng, màu tím hồng, cánh hoa nhỏ hơn cánh hoa mai nhưng mùi rất thơm và cây mọc tự nhiên khắp nơi trên núi. Trên con đường đi vào ni xá cũng có hai hàng hoa Lilac. Chúng ở đó từ lâu lắm rồi, từ trước khi có ni xá.

Đến độ cuối tháng Hai đầu tháng Ba là hoa bắt đầu nở, lúc đó cả tu viện sẽ quẩy ba lô lên lưng cùng nhau leo núi ngắm hoa. Phải khởi hành từ lúc “gà chưa gáy, trời chưa thấy sáng” thì khi lên đỉnh núi mới thấy được cảnh mặt trời mọc huy hoàng và cả cánh rừng hoa Lilac lung linh.

Ở Lộc Uyển, cứ lên núi là thấy đất trời bao la. Giữa không gian khoáng đãng, lòng người cũng thênh thang như núi đồi. Cùng tăng thân uống trà trên núi, ăn sáng và ngắm hoa trên núi, rồi đi bộ qua các ngọn đồi nhấp nhô bao quanh là hoa Lilac, bạn sẽ thấy tịnh độ hiện tiền, bây giờ và ở đây, và sẽ thấy mình được thiên nhiên làm tươi mới lại.

Thiên thần quét lá

Giữa tháng Tư, trong lúc có mười vị xuất sĩ đi khóa tu tại Đại học Harvard thì ở tu viện chúng mình xúm nhau vào cốc của sư cô Hiền Hải mừng sinh nhật tuổi 95 của sư cô. Sư cô còn được gọi bằng cái tên thân thương là “sư ngoại”, vì gia đình sư cô có ba thế hệ đi xuất gia. Ngày xưa khi tu viện chưa có máy thổi lá thì sư cô là người quét lá sồi ngày ba thời nên còn được gọi là “thiên thần quét lá”.

Nơi sư cô có một nguồn năng lượng hiền hậu và bao la của biển cả. Vì vậy, các sư cô trẻ thích đến thiền ôm với sư cô. Sư cô rất thích canh rau ngót và xôi gấc tươi. Ngày nào sư cô cũng thỉnh chuông, tụng kinh và cúng cơm cho Bụt ngay trong cốc của mình tầm khoảng 11h và rồi một tay chống gậy, một tay ôm bát cơm đi xuống nhà ăn dùng trưa.

Các bạn thiền sinh về tu viện rất được nuôi dưỡng mỗi khi nhìn thấy hình ảnh sư cô chống gậy đi lên, đi xuống từ ni xá tới thiền đường Sao Trên Biển và xuống nhà ăn. Giữa đường có vài cái sàn gỗ, sư cô hay dừng lại, rướn người lên ngồi nghỉ trong vài hơi thở, đong đưa hai chân và ngắm đất trời, nghe chim hót. Ai cũng ưa thích ngắm nhìn hình ảnh ấy và thưởng thức một sự tự do, tự tại sâu dày.

Số năm sư cô ở đây cũng gần bằng số tuổi 23 của Lộc Uyển. Mấy năm trước sư cô còn chép kinh, nhưng năm nay sư cô chỉ đọc kinh và tô tranh Bụt thôi. Tranh sư cô tô xong thì đem tặng các sư em trẻ. Ở tuổi 95, sư cô vẫn đi thời khóa, nghe pháp thoại, ngồi thiền tụng kinh, tụng giới và ăn cơm cùng đại chúng. Đó là niềm ước ao của rất nhiều người tu trẻ chúng mình.

Ni trưởng Chân Không về Lộc Uyển

Tu viện Lộc Uyển là chặng cuối trong chuyến hoằng pháp của Ni trưởng tại Mỹ năm 2023. Cả xóm háo hức chờ đón Ni trưởng và đoàn tháp tùng, cả những cây thế kỷ dọc Con Đường Thơm từ bãi đậu xe lớn lên tới Núi Yên Tử đi qua thiền đường lớn, nhà ăn và những con đường rẽ vào ni xá, tăng xá… cũng đua nhau trổ hoa nở rộ, thơm ngát. Ai về Lộc Uyển mùa xuân cũng ngạc nhiên thích thú. Cây thế kỷ khoảng 25—30 năm mới cho hoa, thân hoa cao mấy chục mét, đến hơn 6 tháng mới tàn.

Vài ngày trước khi Ni trưởng đến có một “làn sóng” Covid bỗng dưng “ụp ngang” tu viện. Một sư cô vào cách ly, hai sư cô vào cách ly, rồi ba, bốn… Đêm cuối cùng trước ngày đón Ni trưởng đã có 11 sư cô vào cách ly Covid. Ngoài các sư cô lớn tuổi, cả xóm chỉ còn được 18 sư cô chạy vòng luân phiên, trong khi sự kiện sắp đến của Ni trưởng đã có 1000 người đăng ký tham gia.

Song tất cả những khó khăn thử thách ấy không ngăn được niềm hạnh phúc của đại chúng khi được đón Ni trưởng. Người có Covid thì mang khẩu trang đứng xa thiệt xa, những ai còn khỏe dù đứng gần vẫn mang khẩu trang để bảo vệ cho Ni trưởng. Nghe Ni Trưởng hỏi: “Sư con nào đó? Đeo khẩu trang làm sư cô không thấy mặt, không biết ai hết trơn, thương quá!”. Chỉ cần được nghe tiếng Ni trưởng là ai cũng tươi lên, vui vẻ phấn chấn dù đang bệnh.

Có Ni trưởng về, cả xóm như có thêm nguồn năng lượng hạnh phúc dồi dào. Khóa tu diễn ra tốt đẹp, người người về tu viện, vừa tham dự khóa tu vừa thăm Ni Trưởng, kể cả những ân nhân từ ngày xưa, giờ đã lớn tuổi, đi đứng không dễ dàng nữa vẫn cố gắng về Lộc Uyển. Tăng thân trẻ Việt – Tiêu Dao – huy động toàn lực lên giúp quý sư cô. Lộc Uyển tháng Năm vui như hội.

Nhờ chư Bụt chư tổ gia hộ, cuối cùng mọi sự kiện cũng được diễn ra như dự định và thuận lợi mọi đường. Các sư cô cũng mau chóng phục hồi sức khỏe, trở lại tươi mới, được thay phiên nhau làm thị giả và nấu ăn cho Ni trưởng. Đại chúng luyện tập bài múa “Tiếng hát mùa xuân”, tiết mục được dàn dựng rất công phu và công diễn ngay dưới những gốc sồi trước cốc Ni trưởng. Những ai theo chân Ni trưởng trong chuyến hoằng pháp US Tour được chứng kiến giây phút ấy cũng đều hạnh phúc ngất ngây.

Giây phút chia tay Ni trưởng về lại Pháp rất cảm động. Ni trưởng bảo muốn nghe quý thầy hát bài “Hotel California” phiên bản Lộc Uyển trước khi ra phi trường. Thế là chỉ trong tích tắc, ban nhạc Tam Bảo xuất hiện ngay trước cốc Ni trưởng với nhạc trưởng là thầy Pháp Lưu và đầy đủ tất cả quý thầy, quý sư cô vừa đánh guitar vừa hát. Sáu sư em mới xuất gia chưa đầy tháng trong gia đình cây Toyon thì cứ tròn xoe mắt nhìn quý thầy, quý sư cô ngày thường nghiêm trang vậy mà lúc bên Ni trưởng thì hồn nhiên như em bé. Ước mong sao trong những năm tới Ni trưởng sẽ về an cư ba tháng với đại chúng tu viện Lộc Uyển hoặc tham gia chuyến US Tour cùng Làng Mai Mỹ.

Chuyện để kể vẫn còn nhiều lắm, mời bạn về Lộc Uyển uống trà nghe kể chuyện trực tiếp nhé!