Vùng đất của những cây ô liu cổ thụ

Sư cô Chân Trăng Linh Dị

Sư cô Trăng Linh Dị, người Úc gốc Hoa, xuất gia trong gia đình Cây Trắc Bá tháng Bảy năm 2014 tại Làng Mai – Pháp. Sư cô hiện đang cùng tăng thân tu tập và phụng sự tại xóm Hạ, Làng Mai. Bài viết được BBT dịch từ nguyên bản tiếng Anh.

Thầy kính thương,

Hôm nay là ngày tiếp nối của Thầy.

Chúng con, bốn người con xuất sĩ của Thầy, đang ở miền Đất Thánh, và chiến tranh giữa Israel và Palestine đã bùng nổ bốn ngày trước đây. Chúng con vẫn bình an. Chúng con có nước, có đồ ăn, có nơi trú ẩn và có những người bạn dễ thương trong tăng thân. Nhưng cách đây chỉ năm mươi cây số thôi, người dân ở đó không có nước, không có thức ăn, và không có nơi trú ẩn an toàn. Những đứa trẻ đang chết dần chết mòn. Cả ngày lẫn đêm chúng con đều nghe thấy tiếng rít của tên lửa, chúng con cảm thấy đất rung chuyển khi tên lửa nổ. Những lúc đó con nhắm mắt lại và thành tâm cầu nguyện — cầu cho sự bình an và từ bi đến được với trái tim mọi người.

Cuộc sống giống như một bức tranh cát bị lật ngược lại, và chúng ta không thể biết cảnh tượng tiếp theo sẽ diễn ra như thế nào.

Thầy kính thương, con đã rất sợ hãi. Con không biết liệu mình có thể gặp lại cha và mẹ nữa hay không. Nằm trong bóng tối, hơi thở sâu và đều đặn, con nhìn thấy Thầy đang đứng trước những ngôi làng bị phá hủy và đang khích lệ những người dân xây dựng lại làng xóm hết lần này đến lần khác. Con nhìn thấy tăng thân đang thực tập sám pháp địa xúc, cả một biển y vàng phủ phục dưới đất. Và con nhìn thấy bà nội của con, người đã đưa bảy đứa con mình ra khỏi vùng chiến tranh, mỉm cười và thì thầm: “Các con sẽ bình an thôi. Các con đều có sức mạnh của bà”.

Chúng con đến miền Đất Thánh này để hiểu, để kết nối mọi người lại trong từng hơi thở, từng bước chân, và để lắng nghe nhau trong sự bình an.

Một hôm, chúng con đi dạo ở Wadi Khana, một vùng ốc đảo của những cây ô liu cổ thụ. Cùng đi với chúng con có anh Issa Souf, một nhà hoạt động hòa bình người Palestine, anh đã từng bị bắn trong cuộc xung đột và bị liệt từ đó. Anh chia sẻ với chúng con rằng thung lũng màu mỡ này từng là nơi được tự do chăn dê và trồng ô liu. Vài năm gần đây, những khu định cư bất hợp pháp mọc lên trên những triền đồi, và người Palestine không còn được phép trồng ô liu ở đó nữa.

Hôm đó là ngày lễ của người Do thái, nhiều gia đình người định cư đi dã ngoại dọc bên suối. Những người cha trẻ bồng con ở một tay, còn tay kia mang súng máy. Chúng con nhìn nhau. Con đã thở thật bình an, giữ ánh nhìn cởi mở và thân thiện. Đó là cách nhìn của họ về hạnh phúc, nếu con đứng về phía bên nào thì cũng chỉ làm tăng thêm sự chia rẽ và kỳ thị.

Nhóm chúng con, gồm những nhà hoạt động hòa bình và những người bạn trong tăng thân, bước đi bình an và vững chãi trong ốc đảo. Chị Aisha, vợ của anh Issa, chia sẻ rằng nhờ thực tập thiền, chị có thể đối diện với những thay đổi thất thường mỗi ngày. Chị lo lắng cho hai đứa con của chị, chúng đến trường học vào buổi sáng, nhưng chị không thể biết được liệu chúng có thể sống để trở về hay không.

Chúng con rất cảm phục trước nỗi đau cũng như sự mạnh mẽ của họ. Người dân nơi đây có những tố chất của những cây ô liu ngàn năm tuổi, can trường đứng giữa những triền đồi cháy nắng mà vẫn đơm hoa kết trái.

Chúng con không có câu trả lời, nhưng chúng con lắng nghe họ với tất cả lòng từ bi, và dành không gian cho mỗi người được nói lên nỗi lòng của họ. Chúng con tới đây mang theo những “công cụ” trong cuộc sống hằng ngày của chúng con ở Làng Mai để giúp xoa dịu những trái tim tổn thương.

Một hôm chúng con tới trại tị nạn Dheisheh và gặp một nhóm những phụ nữ trẻ người Palestine. Hầu hết họ có từ bốn tới chín đứa con và họ đã kiệt sức khi chăm sóc gia đình mình. Con trải tấm thảm yoga ra và mời họ nằm xuống để thực tập thiền buông thư. Họ cười khúc khích và do dự. May mắn là chúng con đã đoán trước tình huống khó xử này nên đề nghị quý thầy không nên tới đây. Con bình thản nằm xuống để “làm mẫu” cho họ. Họ làm theo. Nhờ những lời hướng dẫn thực tập và những bài hát, họ từ từ lắng xuống và buông thư trong khoảng nửa tiếng, sau đó đứng dậy với nụ cười trên môi và ngón tay cái đưa lên thể hiện sự hài lòng.

Chúng con gặp rất nhiều người với những hoàn cảnh khác nhau, nên cũng dễ hiểu khi họ không cảm thấy an toàn. Có một tình huống đã để lại ấn tượng mạnh trong con. Hôm đó chúng con đang ở Bethlehem, đã đến giờ ăn trưa và quý sư cô đi tìm mua bánh mỳ. Có hai bé trai người địa phương khoảng mười hai tuổi đang đứng gần đó, trên tay cầm bánh mỳ mới mua. Con chỉ tay vào bánh mỳ của em, mỉm cười và hỏi bằng giọng thân thiện: “Em mua bánh mỳ này ở đâu vậy?”. Em bé ngay lập tức ôm chặt ổ bánh mỳ vào ngực và nhanh chóng đứng về phía sau lưng của bạn em, ánh mắt đầy vẻ sợ hãi.

Ôi, em bé đáng thương! Chắc em đã phải chịu đựng những cơn đói và phải tranh giành đồ ăn trong suốt tuổi thơ của em. Suốt cuộc đời mình, con chưa bao giờ bị bỏ đói. Biết rằng có rất nhiều em bé khác ở khắp nơi vẫn phải chịu đói khát và sợ hãi, con càng có thêm động lực cho chí nguyện sống một đời sống giản dị.

Khi chúng con gặp Linh mục Công giáo Sami Awad, cũng đồng thời là nhà hoạt động hòa bình, Linh mục chia sẻ rằng suốt những năm ông làm việc cùng những nhà hoạt động hòa bình khác, ông nhận ra rằng nhiều người không tạo ra những điều kiện để có hòa bình, mà là để cảm thấy an toàn — nghĩa là sự nghiệp hoạt động hòa bình của họ bị chi phối bởi nỗi sợ hãi.

Những người lớn đến tham gia khóa tu hay ngày quán niệm thường khéo léo che giấu nỗi sợ hãi của họ. Mặc dầu vậy, chúng con vẫn có thể nhận thấy sự bối rối của vài người khi “chỗ ngồi an toàn” của họ bị người khác ngồi vào; một số khác không cảm thấy bình an khi thực tập thiền buông thư; vài người khác rất dễ giật mình khi nghe tiếng động bất ngờ …

Chúng con chỉ đơn giản thực tập đi bộ, cảm nhận trọng lượng của cơ thể chuyển từ chân này sang chân kia, cảm nhận đất Mẹ dưới mỗi bước chân, cảm nhận tất cả những cảm giác hiện diện trong cơ thể ngoài “nỗi sợ”.

Chúng con chỉ đơn giản cùng nhau hát: “tình thương của tôi như dòng sông, bình an của tôi như dòng sông…”, trở về nương tựa nơi đất Mẹ, tiếp xúc sự vững chãi và đại lượng bao dung của đất Mẹ để cất lên tiếng hát.

Chúng con chỉ đơn giản cùng ăn cơm trong chánh niệm, bày tỏ lòng biết ơn đối với những mầu nhiệm của cuộc sống đã nuôi dưỡng chúng con. Biết ơn những người bạn của tăng thân đã cung cấp nhà cho chúng con trú ngụ, cung cấp thức ăn cho chúng con trong khi chính bản thân họ cũng không biết có còn thức ăn hay không nếu chiến tranh tiếp tục diễn tiến.

Nơi nào chúng con đi qua, người dân đều nhớ tới sự hòa hợp của cả nhóm hơn tất cả những gì chúng con từng chia sẻ với họ.

Con đã rất ngạc nhiên rằng những sự thực tập hằng ngày ở Làng Mai, như lắng nghe bằng sự cởi mở, chia sẻ không có sự trách móc, kiểm tra lại tri giác của mình, dành thời gian để tìm hiểu, và khả năng lắng nghe, đã thấm vào sâu trong mỗi chúng con. Mặc dù bốn huynh đệ chúng con nói đùa rằng, mỗi ngày chỉ có ba người trong chúng con đủ vững chãi, nhưng chúng con cũng thật sự được lợi lạc từ những sự thực tập ấy.

Sự thực tập hòa hợp thường đòi hỏi chúng con phải tránh nói hay làm gì đó, điều này không phải đơn giản. Ví dụ, buổi tối hôm đó khi lần đầu tiên chúng con cố gắng lái xe về phía Bờ Tây, hệ thống dẫn đường đã điều hướng chúng con theo hướng khác. Trạm kiểm soát chính đã đóng cửa, tín hiệu Internet rất yếu, và chúng con không ai đọc được bảng chỉ đường bằng tiếng Do Thái. Nhóm chúng con đã trở nên bối rối trước hoàn cảnh đó, có người thì muốn sử dụng trợ giúp của thiết bị công nghệ, có người thì muốn truyền thông với người khác.

Chúng con biết rằng đó không phải là lúc để chứng minh rằng “ai đúng”, mà cần cả nhóm phải tập trung, vì vậy chúng con đã dừng lại việc đưa ra những chỉ dẫn khác nhau. Thay vào đó, chúng con ngồi thật yên để thở, duy trì ý thức về hoàn cảnh xung quanh, và lắng nghe nhu cầu của người lái xe để chúng con có thể hỗ trợ. Và thật hạnh phúc, sư cô lớn trong nhóm đã ngồi thật yên bình trong suốt thời gian đó.

Sự thực tập hòa hợp cũng yêu cầu chúng con phải biết tôn trọng và khiêm cung dù là những điều nhỏ nhất. Một hôm đang ở giữa khóa tu, sư cô hỏi con: “Sư em, sư em nghĩ ngày mai mình cùng tụng bài Ngày đêm an lành được không?” “Dạ, được!” “Nhờ sư em hỏi thử bên quý thầy nhé?” “Vâng”. Con nhanh nhảu gửi ngay một tin nhắn cho quý thầy trên hộp tin nhắn của nhóm: “Thưa quý thầy, sáng mai chúng ta sẽ cùng nhau tụng bài Ngày đêm an lành nhé”.

Nhìn thấy tin nhắn đó, sư cô cười và nhẹ nhàng nhắc con: “Sư em, nhắn tin cho quý thầy như vậy là không dễ thương và không có sự tôn trọng. Chúng ta cùng làm việc với nhau, và chúng ta luôn nên hỏi người khác về ý kiến của họ hơn là thông báo hoặc yêu cầu. Nếu chúng ta thực tập chánh niệm trong những điều nhỏ như vậy, những căng thẳng sẽ không bị dồn lại trong suốt hành trình khóa tu”. Con chắp tay xá cảm ơn sư cô và gửi đi một tin nhắn khác: “Thưa quý thầy, con đã không thật sự tôn trọng khi chỉ nhắn cho quý thầy ngày mai chúng ta sẽ tụng bài gì … vì vậy … con xin hỏi quý thầy ngày mai chúng ta cùng tụng bài Ngày đêm an lành có được không ạ?”.

Sự hòa hợp đến từ sự hiểu biết.

Một hôm chúng con cùng nhau đi leo núi qua những khu rừng ô liu dọc theo những thửa ruộng bậc thang ở Battir. Trước đó một ngày chúng con đã tổ chức ngày quán niệm, con hỏi quý thầy cảm nhận thế nào về buổi trả lời vấn đáp của con hôm đó. Mặc dù quý thầy chia sẻ rất nhẹ nhàng và đầy tính xây dựng, nhưng con vẫn cảm thấy nhói đau. Thật tình cờ, lúc đó có một nhóm du khách đi ngang qua, họ hỏi có phải con đến từ Trung Hoa không, rồi họ xúm lại quanh con để chụp ảnh. Một phần trong con muốn chạy đi thật xa mà không cần quan tâm rằng điều đó có thể làm quý thầy lo lắng. Nhưng “phần thực tập” trong con đã mạnh hơn. Con lặng lẽ bước về phía một cây ô liu cách đó một quãng, ngồi xuống, thở và ngắm nhìn những cành lá tuyệt đẹp. Khi những vị du khách đi khỏi, con quay trở lại chỗ quý thầy. Họ vẫn đang ngồi đó.

“Sư cô muốn chia sẻ gì không?”, một thầy hỏi con. Nước mắt con trào lên và con nhận ra vì sao con thấy nhói đau: “Ở khu Bờ Tây này, có rất nhiều thứ tương tự những vùng ở Trung Hoa. Những thôn xóm nghèo với vài ngôi nhà nhỏ bằng bê tông, túi nhựa vứt khắp nơi, những luật lệ đi đường rất ‘uyển chuyển’… Khi nghe những phản hồi của một người ‘da trắng’, những cảm xúc hồi con mười hai tuổi ùa về. Hồi đó con mới đặt chân tới nước Úc và không hề hiểu tiếng Anh. Khi những đứa trẻ khác trêu chọc con, một giọng nói từ sâu trong con gào lên ‘Tôi không phải là kẻ ngốc!’”

“Cảm ơn sư cô đã chia sẻ. Mọi người rất trân quý sư cô, và một điều rất đẹp của tăng thân là chúng ta đều là những tấm gương cho người khác. Chính những chuyện xảy ra như thế này giúp chúng ta được trị liệu và lớn lên.”

Vâng, con hiểu điều đó.

Thầy kính thương, con rất biết ơn Thầy đã xây dựng một tăng thân với sự hiểu biết, hòa hợp, bình an và từ bi. Thầy đã thấy được rằng cánh cửa địa ngục cũng chính là cánh cửa từ bi, và Thầy đã dạy chúng con những phương pháp thực tập để giữ trái tim chúng con rộng mở mà đừng quên lãng.

Với lòng trân kính và biết ơn,
Con, Trăng Linh Dị