Khúc hát tăng thân
Thầy Chân Pháp Lưu
Thầy Pháp Lưu, người Mỹ, xuất gia năm 2003 tại Làng Mai và được Sư Ông Làng Mai truyền đăng giáo thọ vào năm 2011. Thầy rất tâm huyết với chương trình đem chánh niệm vào giáo dục (còn được gọi là Wake Up Schools). Hiện thầy đang tu tập và phụng sự tại tu viện Lộc Uyển, California. Bài viết được dịch từ nguyên bản tiếng Anh.
Leo núi. Pháp đàm giữa núi non hùng vĩ. Thở, và giữ tâm sáng suốt. Tiếng tụng kinh của các huynh đệ xuất sĩ trên núi trong thời ngồi thiền sáng ngân vang, trải dài trên những mỏm đá nhấp nhô. Tiếng chó rừng tru từ núi rừng xa xa vọng lại. Đi trên những con đường mòn và phát quang, mở ra những con đường mới.
Đã từ lâu tôi vẫn luôn quán chiếu làm thế nào để thực hiện được sự giác ngộ tập thể – điều tôi muốn nói là, thật sự thực hiện điều đó. Thầy đã giao phó cho chúng ta công tác vĩ đại này. Và chúng ta vẫn đang thực hiện nó mỗi ngày: bằng cách có mặt trong các buổi thiền hành, thiền tọa, bằng cách mở lòng soi sáng cho nhau, bằng cách cùng có mặt trong các bữa ăn. Những điều này tuy nhỏ nhoi nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn. Khi có mặt trong các thời khóa sinh hoạt như thế, cái ngã riêng biệt của tôi – thỉnh thoảng vẫn biểu hiện qua sự tự hào – bỗng dưng biến mất, và tổng thể hòa điệu của đại chúng càng chiếu sáng hơn. Tại tu viện Lộc Uyển, chúng tôi chứng kiến ánh sáng ấy biểu hiện mỗi ngày. Kết quả là mỗi cá nhân chúng tôi càng lúc càng trở thành một với tổng thể ấy. Cảm được năng lượng của đại chúng, lòng tôi tràn đầy sự biết ơn, bởi vì chúng ta đã không chọn để nhấn mạnh sự chia rẽ, mà ngược lại, chúng ta hòa nhập vào năng lượng và cái chung của tập thể, như một giọt nước giữa Thái Bình Dương. Đây là một niềm vui thật lớn lao.
Trên miền ẩn sơn này, chúng tôi được bao bọc bởi các bụi cây chamise (một loại cây bụi, xanh quanh năm, lá nhỏ và khô, có hoa nhỏ như hoa mai), xô thơm đen và tử đinh hương. Còn nguyệt quế thì không chịu được sương giá, cho nên ngày xưa những người nông dân di cư từ châu Âu sang Mỹ thường dùng nguyệt quế để thăm dò xem vùng nào có thể trồng các loại cây trong gia đình cam quýt. Người dân Mỹ bản địa ngày xưa dùng chamise để làm mồi lửa vì nó rất dễ bén lửa, ngay cả lúc còn tươi, nhờ chất nhựa có chứa dầu thơm ngát. Cây xô thơm, một loại bạc hà, có thể dùng để làm hương vị. Mỗi loại cây đều có cái đẹp riêng và sống rất hài hòa theo những đặc tính riêng của chúng. Đây chính là tăng thân của chúng tôi.
Soi chiếu vào chính tự thân, tôi thấy mình có những khả năng như viết lách, cho pháp thoại, hát, đóng kịch và viết nhạc. Tôi thích đi bộ đường dài và dành thời gian thưởng thức thiên nhiên ngoài trời. Rất nhiều huynh đệ xuất gia khác của tôi cũng thưởng thức những điều tương tự, trong đó có nhiều người khác có khả năng hơn tôi trong những lĩnh vực trên.
Để cho sự giác ngộ tập thể trở thành thực tại, thành một trải nghiệm có thật, tôi cần thực tập “tán dương” niềm vui có được những phẩm chất ấy nơi chính tự thân và nơi người khác mà không phân biệt. Tôi khen ngợi bài hát mới của một thầy. Tôi mừng vui khi được nghe một pháp thoại hay của một sư cô. Tôi mỉm cười khi thấy một thầy ngồi thiền một mình trên mỏm đá phía sau xóm Vững Chãi. Cùng với nhau, chúng tôi nhận diện và hân hoan trước cái đẹp cũng như hoa trái trong sự thực tập của mỗi người.
Gần đây tôi khuyến khích ba tôi mua nhà gần Lộc Uyển để ba có thể sống cạnh đại chúng trong tuổi về già. Ba đã xấp xỉ tuổi 82 nên không còn đi lại khắp nơi và lên xuống núi như ngày trước được nữa. Các huynh đệ xuất sĩ của tôi rất thương và tử tế với ba. Mới đây, khi ba đến thăm, ông chỉ ra ăn sáng và tham dự buổi hát thánh ca trước Giáng sinh. Ba rất ưa nghe dàn đồng ca xuất sĩ tập hát Thánh ca. Dù ba không tham gia ngồi thiền hay đi thiền với tăng thân, ông vẫn có thể cảm được năng lượng chánh niệm của đại chúng. Ông vẫn có thể được chữa trị nhờ năng lượng ấy. Ba đã nói với tôi như thế. Tôi vui mừng vì ba được trị liệu. Chiều nào trước khi trời tối, ba cũng đi bộ vài vòng xung quanh xóm Vững Chãi. Quý thầy trở nên quen thuộc với thời khóa rất đều đặn này của ba tôi. Mỗi khi trở lại Lộc Uyển, ba đều nhắc tôi: “Thức ăn dưới xóm Trong Sáng (xóm quý sư cô) ngon hơn!”. Món quà lớn nhất cho ba mà tôi có thể hình dung ra là làm sao để cuộc sống của ba được bao bọc bởi tăng thân.
Ba thích bữa ăn sáng; đây là một thời khóa mà ba tham dự không hề bỏ sót: bánh mì nướng, mứt, cháo yến mạch và trái cây tươi. Bữa sáng nào ba cũng nghiêng người qua hỏi tôi: “Mình nói chuyện được không?”. Và sáng nào tôi cũng nhắc ba là ở đây chúng tôi ăn sáng im lặng. Cuộc trao đổi ngắn đó là “nghi lễ” buổi sáng của hai cha con tôi.
Thầy Trời Minh Niệm và Stephen, một bạn thiền sinh dài hạn, trở thành hai tay làm bánh mì cự phách. Suốt ba tháng an cư hai người thường xuyên sử dụng bột nhào chua được gấp lại thành từng lớp để trộn vào bột tươi, nhồi bột rồi để cho bột nở. Khi bóc đi lớp vỏ giòn của ổ bánh mì đã nướng xong, bạn sẽ nhìn thấy rất rõ những nếp gấp ấy. Thầy Trời Đạo Phương đã từ Ý trở về mang theo dầu olive. Chế một ít dầu lên bánh mì nóng, rắc một tí muối, và thế là…! Quá đủ đầy cho tình huynh đệ, và hạnh phúc.
Tonk và B, là một cặp đôi, cũng thực tập dài hạn ở đây, đang khám phá một nghề thay thế: phụng sự tăng thân. Hai bạn giúp hướng dẫn các chuyến “đi bộ ba lô” trong chánh niệm, một sinh hoạt không thể thiếu của trại hè thiếu niên hàng năm tại tu viện. Một cặp đôi cùng lớn lên trên con đường tâm linh, trong một tu viện có nghĩa là gì? Nghĩa là hai bạn đang tự cung cấp cho mình một bằng Tiến sĩ về Chánh mạng (nghề nghiệp chân chính). Trái đất sẽ không có tương lai nếu chúng ta không sống theo mô thức đoàn thể. Hiện nay càng lúc càng nhiều người trẻ như hai bạn đang nhận ra điều đó.
Gia đình xuất gia Toyon (gồm có hai sư cô và bốn sư chú) cũng đang sống theo tuệ giác này. Những người trẻ này là dân miền Trung tây, đến từ các thảo nguyên miền trung Canada, các phòng thu âm nhạc ở Nashville, Tennessee và các trường học ở Rust Belt Ohio. Có người đến từ Toronto, từ đông Los Angeles, có người gốc Việt, gốc Ai cập. Có người được nuôi dạy trong một đoàn thể đạo Hindu. Tương tự như thời 1950, 1960 ở Việt Nam, người trẻ ngày nay đang đến với sự thực tập để tìm một đoàn thể, và tìm đến với đoàn thể để khám phá ra sự thực tập. Rõ ràng sự thay đổi chính trị là không đủ, chúng ta phải làm cho thế giới chuyển hóa bằng sự sống của chính mình.
Đẹp thay áo giải thoát
Áo ruộng phước nhiệm mầu
Con cúi đầu tiếp nhận
Đời đời nguyện mang theo.
Aaron (trước đây là thầy Pháp Mãn) sống ở đây, anh hướng dẫn các bạn thiền sinh một cách rất nhẹ nhàng trong suốt mùa an cư. Những ngày thứ Hai được làm biếng, người ta có thể nhìn thấy anh đang bám lơ lửng – đúng theo nghĩa đen của từ này – trên vách đá của thác nước bằng một sợi dây. Tôi cũng đi với anh, mang theo trà để thưởng thức buổi sáng trong bóng núi, mang giày leo núi và tròng dây vào để bắt đầu leo. Thở vào, tôi bám vào một lằn nứt nhỏ trên vách đá. Thở ra, tôi và vách đá không hai. Vào, lằn nứt trên đá. Ra, tôi và đá không tách biệt.
Chúng tôi đang ở đây, vào thời kỳ nở rộ của đạo Bụt trên nước Mỹ. Truyền thống Làng Mai đang cắm những chiếc rễ sâu xuống mảnh đất này. Bước đi trên nền đất đỏ của thung lũng, ngang qua những bụi cây thơm ngát, tôi nhớ đến lời Thầy: “Bụt, Tổ đã sắp xếp sẵn hết rồi”. Qua từng bước chân chánh niệm, ước muốn của chư vị đang dần dần trở thành hiện thực.