Hoa nở tự vườn tâm
Thầy Chân Trời Thiện Chí
Thầy Trời Thiện Chí, người Bun-ga-ri, xuất gia trong gia đình Cây Dẻ Gai vào năm 2018 và hiện đang tu học tại xóm Thượng, Làng Mai Pháp. Dưới đây là bài viết của thầy về chuyến hoằng pháp năm tuần tại Anh, Scotland, Wales và Ireland (5.5 – 11.6.2023). Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.
Nơi đâu là nhà?
Tôi vô cùng háo hức khi được tham dự chuyến du hóa đầu tiên trong đời xuất sĩ! Ngay từ khi khởi hành, ngồi trên xe, tôi đã quán chiếu xem ngôi nhà của tôi bây giờ là đâu. Tôi nhận ra câu trả lời, đó là trái tim tôi. Nếu tôi kết nối được với trái tim mình, tôi cũng có thể kết nối với trái tim những huynh đệ xuất gia của mình, và kết nối với trái tim những người chúng tôi sẽ gặp trên suốt hành trình chuyến đi. Khi thực tập chế tác hiểu biết và thương yêu, tôi có thể cảm nhận được nhà của tôi là bất cứ nơi đâu.
Tấm gương
Tôi rất hạnh phúc khi cảm nhận được sự hòa hợp và nhẹ nhàng trong tăng thân nhỏ gồm tám huynh đệ này. Điều đó đem lại cho tôi sự thư giãn và vững chãi. Tôi thấy sự hòa hợp này chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất cho chuyến đi và là nền tảng cho những gì chúng tôi hiến tặng đến mọi người.
Chuyến du hóa này giống như một tấm gương, qua đó tôi có thể thấy được phẩm chất thực tập của mình – khả năng cởi mở, khả năng uyển chuyển và sự giản dị. Liệu tôi có thể hòa nhập được với cả đoàn? Những giới hạn và khó khăn của tôi là gì? Đây cũng là cơ hội cho tôi học hỏi những điều mới, và gợi cảm hứng cho tôi thực tập hiến tặng theo những cách tôi chưa bao giờ từng làm.
Có mặt cho nhau
Theo lời Bụt dạy, hỷ lạc và khinh an là hai trong bảy yếu tố giác ngộ (thất giác chi) mà ta cần chế tác và nuôi dưỡng. Trong chuyến du hóa này, tôi hiểu được niềm vui đóng vai trò quan trọng như thế nào đến năng lượng của cả nhóm. Tiếng cười giúp chúng tôi buông thư và cởi mở, giúp chúng tôi nuôi dưỡng tình huynh đệ và niềm tin. Nhờ đó, chúng tôi có thể hiểu nhau và dễ dàng hòa điệu với nhau hơn.
Tôi rất thích những bài pháp thoại đầu tiên của chuyến du hóa ở Chagford và Exeter, nước Anh. Thầy dạy rằng “tăng thân là sự tiếp nối của Thầy”, trước đó tôi chỉ hiểu lời dạy này trên bề mặt ý thức. Bây giờ tôi có cơ hội chứng thực điều đó thông qua cách chúng tôi dành không gian cho mình và cho người khác, trong cách chúng tôi chia sẻ pháp thoại, trong cách chúng tôi giới thiệu và điều chỉnh những pháp môn thực tập cho phù hợp với những hoàn cảnh và đối tượng khác nhau.
Sư cô Trăng Một Phương là thủ quỹ của đoàn, chúng tôi gọi vui là “sư cô Hào Phóng”. Sư cô thường mua đồ uống và đồ ăn nhẹ cho mọi người khi xe dừng ở trạm nghỉ, thành ra thời gian ở mỗi trạm dừng chân trở thành một bữa liên hoan nhỏ. Sư cô cũng thường mời mọi người thưởng thức một loại trà Ô long đặc biệt. Đây đúng là giây phút hạnh phúc. Mọi người đều cảm nhận được hương vị trà rất thơm khi sư cô rót trà ra ly. Nhưng tôi không biết chắc được là mùi hương nào thơm hơn – hương của trà hay hương của tình huynh đệ?
Những đứa trẻ lấm bùn
Trên đường đi, có lần sư cô Trăng Tam Muội nói rằng: “Các anh chị em có để ý không? Dường như mùa xuân kéo dài hơn rất nhiều. Chúng ta đã khởi hành từ mấy tuần rồi, mà những cây cối bên đường vẫn tiếp tục nở hoa. Đó là vì chúng ta đang di chuyển từ phương Nam lên phương Bắc.”
Để tôi tả cho bạn nghe về một vài chặng nhỏ trong những nơi chúng tôi đã ghé thăm trên hành trình du hóa: những cánh rừng dẻ gai cổ thụ với tấm thảm hoa chuông xanh trải trên mặt đất; những ngọn đồi cao với những mỏm đá lớn hùng vĩ; những đồng cỏ xanh mướt nơi những chú ngựa hoang nhẩn nha gặm cỏ; những nhà thờ cổ kính trang nghiêm với khu vườn đỏ rực hoa đỗ quyên; những khu bảo tồn thiên nhiên; những bãi biển nằm khuất sau rặng núi đá; một ngôi trường đại học với một thiền đường đầy những tuyển tập thơ, và cả một khu rừng cây đan mộc kỳ vĩ ngay trong khuôn viên trường, ở đó chúng tôi được mời tham dự nghi thức chú nguyện cho thức ăn trước khi dùng tối.
Chúng tôi đã đi thiền hành dọc những bãi biển nơi những chú hải cẩu chơi đùa trong nước; đi men theo những dòng suối nước trong veo; đi bên những ngọn tháp Tây Tạng trên một hòn đảo với những chú ngựa hoang; đi trong những khu vườn ở trường đại học; đi với những chú thỏ trong công viên ngay giữa lòng thành phố; đi trong những nghĩa trang cổ kính; đi trong những khu rừng với những cây cổ thụ; và đi bên cạnh những vũng nước nơi đám trẻ con chơi đùa – người dính đầy bùn đất.
Là người tu, chúng tôi có thể đi vào trung tâm của một ngôi nhà thờ lớn ở Durham, nước Anh, với sự hướng dẫn của một vị linh mục. Chúng tôi có cơ hội tổ chức những buổi sinh hoạt ở nhà thờ, ở tu viện, ở trường đại học hoặc tòa thị chính, ở nhà nguyện, trong những căn lều, ở trung tâm thực tập, hay thậm chí trong một ngôi nhà hình tròn làm bằng bùn và cỏ tranh.
Chuẩn bị và buông bỏ
Khi ở Belfast, Ireland, sư cô Tại Nghiêm có mời tôi chia sẻ cuối buổi pháp thoại về cách tôi thực tập dừng lại. Tôi đã rất lo lắng và cố gắng chuẩn bị thật tốt. Nhưng rồi sư cô lại đề nghị tôi chia sẻ vào lúc đầu buổi pháp thoại. Sau đó vài giờ, khi tôi đã chuẩn bị hết mọi thứ, sư cô nói với tôi: “Bây giờ thầy hãy buông bỏ mọi thứ thầy đã chuẩn bị. Điều quan trọng nhất là thầy phải kết nối được với đại chúng và chia sẻ với đại chúng. Thầy không cần phải cố gắng nhớ những gì thầy đã chuẩn bị”. Đây đúng là một bài học khó, nhưng lại rất quan trọng đối với tôi.
Cái cau mày
Tuệ giác thường đến với tôi trong những hoàn cảnh chẳng hề dễ chịu, giống như một món quà mà ta không muốn mở ra. Trước khi đến Belfast, tôi cảm thấy mặt mình đầy căng thẳng. Sự căng thẳng này liên quan tới một buổi sinh hoạt sắp tới, trong đó tôi sẽ tham gia chia sẻ. Tôi rất hồi hộp và lo lắng, may mắn thay, tôi cũng có được chút thời gian để ngồi yên trước khi sinh hoạt đó xảy ra. Tôi buông thư cơ thể và tập trung chú ý vào cảm giác khó chịu trên mặt. Tôi nhớ là khi thực tập Soi sáng cho tôi, các huynh đệ chia sẻ rằng tôi có thói quen cau mày khi không có ai nhìn mình. Thời điểm đó ở Belfast, tôi tự hỏi: “Liệu có điều gì ẩn giấu đằng sau cái cau mày của mình?”.
Tôi có thể cảm nhận sự không dễ chịu của mình khi tham dự thời khóa sắp tới đó. Tôi cảm giác tôi sẽ không thích những gì tôi sắp chia sẻ, cho dù kết quả ra sao hay các huynh đệ sẽ nói như thế nào. Dần dần tôi nhận thấy một sự chán ghét lạnh lùng trong mình – chán ghét chính bản thân mình. Một thứ năng lượng tàn phá bản thân do chính tâm tôi tạo ra, giống như vị tướng ra lệnh binh lính tấn công chính quân đội mình.
Tôi cũng có một trải nghiệm tương tự như vậy ở Cambridge, nước Anh. Mỗi khi chúng tôi phân chia công việc trong các khóa tu, một phần trong tôi muốn đảm nhận công việc “quan trọng”, một phần khác lại muốn khiêm cung và giữ mức độ vừa phải. Hầu như sau mỗi lần phân chia công việc trong nhóm, tôi đều cảm thấy không thoải mái. Tôi thường phải dành rất nhiều thời gian buổi sáng sớm ngồi uống trà để thực tập nhận diện những cảm giác không dễ chịu ấy. Ồ, thật ngạc nhiên – đó là sự tìm kiếm danh tiếng, sự ngưỡng mộ và lời khen. Tôi đang đi tìm kiếm chút tình thương từ bên ngoài mà mình không thể tự dành cho mình được; trong tôi có một nhu yếu được người khác nhìn nhận và trân quý vai trò của mình. Đương nhiên, tôi thật sự không muốn có những nhu yếu này, đặc biệt khi mình là người tu. Tôi ước muốn mình được khiêm cung, nhẹ nhàng và buông xả.
Bằng cách nào tôi có thể làm cân bằng những năng lượng đối nghịch như vậy trong tự thân? Đôi khi, chuyện này giống như một cuộc chiến tranh không có lối thoát… ngoại trừ đơn giản là chấp nhận đau khổ. Buông thả trong sự đau khổ. Ôm ấp và thấu hiểu nó. Cho phép nó được biểu hiện tự nhiên trong mình nhưng không đồng nhất mình với nó.
Họa sĩ
Tâm của tôi giống như họa sĩ. Khi cơn giận nổi lên trong tôi, toàn bộ thế giới bên ngoài trở nên đầy những bất công. Khi nỗi buồn đến, tôi chỉ nhìn thấy toàn những khổ đau và chán nản. Khi mặt trời của niềm hân hoan chiếu sáng, thế giới trở nên tươi đẹp đầy màu sắc.
Ở Brighton, tôi nhận thấy mình đang bắt đầu giận một huynh đệ. Tôi nhìn thấy nội kết trong lòng đang lớn rất nhanh trong thời gian chúng tôi đi cùng nhau suốt cuộc hành trình. Cái bản ngã của tôi bị động chạm, nó kể lể đủ thứ chuyện về sự vụng về và thiếu thân thiện của vị kia. Một phần trong tôi muốn nghe và đồng ý, nhưng lại có một giọng nói khác bảo tôi: “Anh đang khó chịu đấy. Hãy thực tập Làm mới để lắng dịu xuống đi”.
Trong suốt cuộc hành trình, chúng tôi luôn luôn đi cùng nhau. Cùng nhau chuẩn bị và hướng dẫn khóa tu, cùng nhau ăn, cùng nghỉ ngơi, và cùng đi chung trên một chiếc xe suốt năm tuần lễ liên tiếp. Thật khó cho tôi sắp xếp thời gian để có thể quán chiếu xem chuyện gì đã xảy ra giữa tôi và người huynh đệ đó, và xem tôi đã gây ra lỗi gì trong chuyện này. Để có thể tiếp tục sống chung và tập trung cho khóa tu, tôi cần thực tập Làm mới với huynh đệ đó. Tôi chia sẻ những điều tôi trân quý ở vị ấy, chia sẻ những cảm xúc của mình và mong muốn hòa giải mối quan hệ.
Một lần ở Ards Friary, Ireland, tôi đến muộn trong buổi tụng kinh trước pháp thoại; do đó mọi người quyết định tụng kinh không có tôi. Ôi, tôi cảm thấy thật buồn chán khi bước vào hội trường và thấy các huynh đệ đang tụng kinh. Cảm giác có lỗi, thấy mình vô tích sự và bị bỏ rơi cùng ùa về trong tôi như một cơn bão.
Nhóm chúng tôi có bốn người tổ chức khóa tu này với 60 thiền sinh tham dự. Tôi thấy cần phải nói chuyện liền với những huynh đệ mình ngay sau buổi pháp thoại, bất kể là những cảm xúc đó vẫn đang trấn ngự trong tôi. Tôi biết nếu không nói ra, tôi sẽ tự cô lập mình khỏi nhóm và sẽ rất chán nản.
Ards Friary là một nơi tuyệt đẹp như thiên đường. Khu rừng già vươn ra sát bờ biển. Đại dương bao la giống như một vị Thủy vương khổng lồ với tấm áo choàng có hàng ngàn dải diềm bằng bọt trắng, uy nghiêm ra đi vào buổi sáng và trở về vào buổi chiều.
Trong khóa tu này, tôi hiểu ra rằng có những lúc tôi cần phải bảo hộ huynh đệ khỏi những cảm xúc mạnh và những cái thấy sai lạc của mình. Để duy trì sự hòa hợp, cần phải có sự cởi mở trong truyền thông, sự chân thành và sự uyển chuyển. Theo kinh nghiệm của tôi, sự thực tập chánh niệm là phương pháp duy nhất giúp nhận diện cách vị họa sĩ trong mình vẽ nên những tác phẩm bằng những mảng màu cảm xúc của mình.
Hạnh phúc là gì?
Từ khi còn là một sadi, tôi thường quán chiếu hạnh phúc là gì. Khi còn là cư sĩ, tôi thường chạy theo những đòi hỏi của mình, nghĩ rằng thỏa mãn những đòi hỏi đó sẽ giúp tôi hạnh phúc. Tôi từng có nhu cầu được sở hữu những thứ mình thích, được ở gần những người mình thương yêu, được đi đến những nơi mình muốn v.v. Nhưng khi là xuất sĩ, tôi không thể nương tựa vào kiểu hạnh phúc như vậy được. Vị xuất sĩ thực tập vượt thoát khỏi những nhu cầu đó và khám phá những hạnh phúc sâu sắc hơn. Nếu tôi không được ở gần những thứ tôi thích và gần những người tôi thương, tôi có thể tìm kiếm hạnh phúc ở đâu?
Chuyến du hóa cùng với huynh đệ giúp tôi nhận ra rằng tình thương là thứ mà tôi có khuynh hướng đồng nhất với con người, đồ vật và địa điểm. Thực tế, tình thương, cũng như lòng từ bi, đều phát xuất từ tâm và thân mình. Là người tu, tôi nguyện huấn luyện cho tâm mình có khả năng nhận diện những điều đó ở trong mình và xung quanh mình. Thầy từng dạy rằng “hiểu là một cách gọi khác của thương”. Vì vậy, tôi sẽ tiếp tục thực tập lắng nghe bản thân mình sâu hơn nữa.
Nếu tôi nuôi dưỡng hạt giống thương yêu và từ bi trong tự thân, tôi sẽ có thể nhìn thấy những vẻ đẹp muôn màu của thế giới, và có khả năng kết nối với người khác, đồng thời giúp họ nhận diện những hạt giống thương yêu và từ bi trong họ. Những hạt giống đẹp này trong tôi càng lớn mạnh, thì tôi càng dễ dàng nhận ra chúng ở xung quanh tôi.
Hạnh phúc lớn nhất của tôi trong chuyến đi này là được tiếp xúc và tương tác với mọi người. Hiểu thêm về đời sống, lắng nghe những câu chuyện của những người bạn mà tôi có duyên gặp gỡ, bên cạnh việc cùng thở, cùng cười và cùng khóc với họ. Tôi đã và vẫn sẽ tiếp tục học hỏi từ họ về sự cởi mở, chân thành, sự yếu đuối và sự mạnh mẽ; cách buông bỏ, cách đi qua những lúc suy sụp và chán nản, cách để vực dậy và bước tiếp, cách để thương yêu và sống sâu sắc. Trở thành người tu giúp tôi tiếp xúc với tất cả những khía cạnh mầu nhiệm đó của đời sống con người. Tôi ý thức là mình có may mắn được kết nối sâu sắc với người khác trên phương diện tâm linh, và góp sức cùng với nhiều người để xây dựng tăng thân. Nhờ vậy, chúng ta có thể yểm trợ và nuôi dưỡng nhau, có thể chữa lành cho bản thân và giúp người khác cũng làm được những điều đó.