Sư cô Chân Trăng Bồ Đề

Dưới khung trời xanh tươi đầy nắng
Con bỗng thấy
Bóng dáng Thầy…

Đoàn thiền hành đã dừng lại trên đỉnh đồi, cùng ngắm trời xanh, thưởng thức nắng ấm. Phút giây ấy không có sự hiện hữu của cái ngã riêng biệt. Trong vườn hoa tăng thân, mỗi người mỗi vẻ, mỗi người có một cách thức riêng để tiếp nối Thầy. Nhiều khi tưởng chừng như khó có được tiếng nói chung. Tuy vậy, con thấy chừng nào mọi người còn trân quý những giá trị Thầy để lại như bước chân, hơi thở, trân quý những giờ thiền hành, chừng đó tăng thân vẫn còn một hướng đi chung.

Chuông nhà thờ đang vang vọng từng hồi trong không gian thênh thang. Phút giây này tăng thân đang hòa chung nhịp thở…

Mùa an cư này, giờ thiền hành trong ngày xuất sĩ vào thứ Năm hàng tuần thật sự trở thành cơ hội cho con thực tập dừng lại, buông xuống những suy tư, những bận rộn, trở về với hiện tại, và đơn giản nhận ra rằng mình đang bước đi. Sau hai tiết học, không còn gì tuyệt vời hơn việc được ra ngoài hít thở không khí trong lành, chơi với thiên nhiên:

“Rậm lục thưa hồng chuông gợi bước
Chân hôn mặt đất mắt ôm trời
Ngàn xưa một thoáng, mùa tuôn dậy
Tuyết cũng màu xanh, nắng cũng rơi.”
Cúc cu đúng hẹn, thơ Thầy Làng Mai

Đây là giờ “ra chơi” của con. Nhớ lúc còn đi học, chỉ trông tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi vang lên để gấp sách vở lại, cùng bạn bè ùa nhau xuống căng-tin mua quà vặt. Hai lớp học vào sáng thứ Năm thật sự cho con cảm giác quay trở về những tháng ngày làm bạn với con chữ, với bảng đen, phấn trắng. Vượt ra ngoài công thức truyền thống “sáng pháp thoại, chiều pháp đàm”, quý thầy, quý sư cô lớn đã vì anh chị em con mà mở ra nhiều lớp học trong mùa an cư này. Có lớp tìm hiểu về tác động của não bộ và thân thể lên đời sống của sư cô Hội Nghiêm, lớp tâm lý học Phật giáo của sư cô Tuệ Nghiêm, lớp Đạo đức học so sánh của sư cô Hiến Nghiêm,… Những lớp học đã thành công khơi gợi cảm hứng, đem lại một sức sống mới riêng biệt cho mùa an cư 2023-2024 đáng nhớ này.

Học 10 hiểu 1

Cảm hứng và nhiệt huyết trao truyền của quý thầy, quý sư cô giáo thọ đứng lớp dường như là vô tận. Sư mẹ Chân Đức vừa kết thúc lớp học thứ nhất dành cho những vị muốn đào sâu, tìm hiểu thêm về giới luật thì đi ngay đến địa điểm thứ hai để dạy lớp tiếng Pali. Sư mẹ dạy chúng con phiên bản tiếng Pali của những bài kinh quen thuộc như kinh Chuyển Pháp Luân, kinh Người biết sống một mình, kinh Quán niệm hơi thở,… với tất cả lòng bao dung và sự kiên nhẫn.

Thực tế chứng minh rằng nhiệt huyết của người trao truyền không giới hạn nhưng khả năng tiếp thu của học trò là… có giới hạn. Nhiều khi con không khỏi cảm thấy xấu hổ với trình độ học 10 hiểu 1 của mình. Thường thì anh chị em con sẽ thay phiên nhau đọc lên một câu kinh tiếng Pali rồi sau đó dịch ra theo cái hiểu của mình. Lần nào đến lượt con, con cũng hết sức cố gắng bày tỏ thiện chí muốn làm quen với các bạn chữ cái nhưng mặc kệ thái độ thành khẩn của con, các bạn ấy vẫn nhất quyết làm lơ rằng chúng ta không quen nhau, khiến con chỉ biết ấp a ấp úng tìm lối thoát trong sự rối rắm của mình. Nhiều khi câu trả lời theo quán tính, "may nhờ rủi chịu, một chết hai sống" của con khiến cả lớp được một phen cười ầm lên.

Thật ra các anh chị em trong lớp rất đoàn kết, một người “gặp nạn” là cả lớp đều quăng “phao” đến tới tấp để cứu nhưng… khổ nỗi là nhiều phao quá, trong lúc nhất thời bối rối lại không biết nên bám lấy cái nào để sống sót. Cũng may Sư mẹ rất từ bi, trả lời đúng hay không đúng Sư mẹ đều cho qua lượt cả, khiến con thở phào nhẹ nhõm.

Mặc dù học 10 hiểu 1 nhưng sau ba tháng “lấy cần cù bù thông minh”, với sự dìu dắt của Sư mẹ và sự khích lệ của các bạn đồng tu, con cũng thu nhặt được vài chữ bỏ túi, cũng thuộc được đoạn kinh xưng tán Tam bảo làm vốn liếng:

“Itipi so bhagavā arahaṁ sammā-sambuddho,
Vijjā-caraṇa-sampanno sugato lokavidū,…”

Mỗi giờ đến lớp là một niềm vui

Sau năm buổi học chung với nhau về đại cương giới luật, anh chị em chúng con có ba lựa chọn cho tiết học thứ nhất: một là tiếp tục học với Sư mẹ Chân Đức để đi sâu vào giới luật, đóng góp ý kiến về việc tân tu giới bản, hai là tham dự lớp văn hoá xuất sĩ của thầy Pháp Hữu, ba là lớp áp dụng pháp môn Thầy trao vào việc giải quyết những vấn đề cấp thiết của thời đại nơi xã hội Tây phương do thầy Trời Bảo Tạng và sư cô Trăng Tam Muội đứng lớp. Đọc hết một lượt ba chủ đề, con thấy tò mò và có cảm hứng học hỏi thêm về văn hoá xuất sĩ. Thế là con ghi danh tham dự lớp này. Tuy có khác tí xíu so với hình dung ban đầu của mình, con vẫn thấy rằng mỗi giờ đến lớp là một niềm vui.

Chúng con được nghe về “sự tích ra đời” của chương trình xuất gia 5 năm, của pháp môn Thiền ôm, của sự thực tập Lạy nhau đầu năm, cách Thầy giản lược những hình thức lễ nghi tôn giáo để đạo Bụt thật sự đi vào xã hội Tây phương trên nền tảng của thực tập chánh niệm,…

Phong thái tự nhiên, cách kể chuyện dí dỏm và tinh thần cởi mở của thầy Pháp Hữu khiến anh chị em chúng con có thật nhiều cảm hứng để lắng nghe. “Các sư em biết không, khi sư anh và một nhóm các vị xuất sĩ trẻ lần đầu tiên biểu diễn nhảy hip hop và hát nhạc rap trước chúng, có nhiều vị đã đặt câu hỏi rằng những điều ấy có phù hợp với phong cách của một vị xuất sĩ và có thích hợp trong môi trường tu viện. Việc đó đến tai Thầy và Thầy đã gọi sư anh lên Sơn Cốc. Ngồi trước mặt Thầy, sư anh nghĩ thế nào mình cũng bị Thầy rầy. Thế nhưng không, Thầy chỉ mỉm cười và nói với sư anh một câu thôi: “This is my kind of Buddhism!” (Đó là phong cách đạo Bụt của Thầy!).

Đằng sau ngôn từ, con thấy được ngọn lửa nhiệt huyết bất diệt mà Thầy đã thành công khơi dậy và nuôi dưỡng nơi người học trò bé bỏng Pháp Hữu năm xưa. Để giờ đây, ngọn lửa ấy lại lan tỏa ra thế hệ chúng con. Con thấy được phần nào con người, tính cách, tuệ giác của Thầy thông qua hình ảnh phản chiếu trong lòng người dạy. Con cảm nhận được điều mà người dạy nỗ lực trao truyền cho chúng con là tinh thần, là tuệ giác, là con người của Thầy.

Như đế châu ảnh chiếu

Tập nhìn bằng con mắt vô tướng, bóng dáng Thầy bàng bạc trong tăng thân: nơi con đường với hàng tùng xanh thẳng tắp, nơi đồi Bụt, thất Ngồi Yên,… nhưng nhiều nhất và sâu đậm nhất có lẽ là trong lòng những sư anh, sư chị lớn của con. Nếu có người nói: “Thầy là một người rất bảo thủ, luôn muốn giữ lại những tinh hoa, những nét đẹp của truyền thống đạo Bụt”. Con tin. Tương tự, nếu có người nói: “Thầy là người rất chịu chơi, luôn sẵn sàng thử nghiệm những cái mới”. Con cũng sẽ không ngần ngại mà tin ngay.

Mỗi người học trò gặp Thầy ở những thời điểm khác nhau, mà sắc, thọ, tưởng, hành và thức của Thầy cũng biến chuyển không ngừng như bao sự vật, sự việc khác của dòng chảy sự sống. Chẳng có ai tự tin rằng mình nắm bắt được Thầy 100% bởi Thầy là một thực tại linh động không thể nắm bắt được. Cái mà chúng ta lưu giữ lại có chăng là một hình ảnh phản chiếu của Thầy trong tâm thức mỗi người. Nó vừa thật mà lại vừa không thật.

Con nhớ Sư mẹ Chân Đức kể rằng sau khi trở về lại Làng từ chuyến đi Ấn Độ, Thầy đã tặng Sư mẹ một cuốn từ điển Pali. Sư mẹ bắt đầu học tiếng Pali từ dạo ấy. Con nghĩ ngoài tình thương lớn, đọng lại trong lòng mỗi người học trò sâu sắc nhất có lẽ là sự thấu hiểu của Thầy. Thầy biết quán căn cơ của từng người, đặt họ ở những vị trí thích hợp sao cho mỗi người vừa được là chính mình vừa phát huy được thế mạnh của bản thân mà đóng góp vào công trình xây dựng tăng thân.

Với con, tăng thân như chiếc lưới đế châu của vua Trời Đế Thích. Trong đó, mỗi người là một viên ngọc phản chiếu hình ảnh Thầy và đồng thời phản chiếu chính mình. Khi nghe những lời chia sẻ về Thầy, không cần khởi niệm đúng sai, chỉ tùy theo nhận thức của con ở thời điểm đó mà con quyết định hướng đi cho mình. Trên con đường con bước, trong chuyến hành trình của mình, thỉnh thoảng con nghĩ con đã chạm đến được lòng Thầy.

Bóng dáng Thầy trong con

Con không trải qua thời chiến tranh, không có mặt cùng Thầy trong những buổi đầu Làng mở cửa, cũng không theo chân Thầy trên bước đường du hóa nhưng có những thời khắc con cảm nhận sâu sắc rằng mình hiểu được Thầy, cảm ứng đạo giao nan tư nghì. Bóng dáng Thầy trong con là vầng sáng lóe lên giữa đêm tối. Dù dải ngân hà đã lặn hết ánh trăng sao, con vẫn thấy Thầy thắp lên cho con ngọn lửa của niềm tin và hy vọng…

“Ai biết được giữa màn đêm u uất, có đứa bé đang ngồi khóc lặng thinh?”. Trong cơn giông tố ngập trời, Thầy đã hoá hiện thành những vần thơ vỗ về an ủi, cho con sự ấm áp và thấu hiểu, nhẹ nhàng giúp con hong khô những giọt nước mắt:

“Tôi bưng mặt trong lòng hai bàn tay
Có phải để khóc đâu anh
Tôi bưng mặt để giữ cho ấm áp sự cô đơn
Hai bàn tay chở che
Hai bàn tay nuôi dưỡng
Hai bàn tay ngăn cản
Sự ra đi hờn dỗi của linh hồn.”
Ấm áp, thơ Thầy Làng Mai

Thi hào Nguyễn Du nói rằng: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Thầy là đỉnh trầm đã cháy hết nhưng hương thơm vẫn lưu chuyển trong không gian mãi đến ngàn sau…