Con đi cho Mẹ
Sư cô Chân Lạc Hạnh
Sư cô Chân Lạc Hạnh, xuất gia tại Làng Mai Thái Lan năm 2022 trong gia đình xuất gia Cây Xích Tùng. Hiện sư cô đang tu tập và phụng sự tại chùa Từ Nghiêm, xóm Mới.
Ở Làng vừa kết thúc ba tháng An cư kiết đông, với chủ đề trọng tâm là đạo đức, cụ thể hơn là những đóng góp của đạo Bụt cho một nền đạo đức toàn cầu. Là một xuất sĩ theo truyền thống Làng Mai, chúng con có những giới luật và uy nghi giúp nuôi dưỡng và giữ gìn nếp sống phạm hạnh. Đối với con, nếp sống ấy không chỉ nuôi dưỡng thân tâm mà còn giữ gìn và bảo hộ được ba nghiệp thân-khẩu-ý trong hiện tại, góp phần chuyển hóa những lầm lỗi, hối tiếc trong quá khứ và đảm bảo cho một tương lai tươi sáng hơn. Nếp sống an lành, nhân ái từ bi, có hiểu có thương vẫn luôn là kim chỉ nam định hướng cho cuộc đời con.
Điều gì là đúng đắn?
Đó là câu hỏi mà con phải đối diện nhiều lần trong đời. Có những lúc con thấy mình đứng chênh vênh giữa ngã ba đường, tê liệt khi nhận ra rằng bất kỳ quyết định nào mình đưa ra sẽ đưa mình đến những hướng đi khác nhau và định hình nên số phận cuộc đời mình. Con tự cân nhắc những điểm tích cực và tiêu cực, mường tượng những viễn cảnh có thể xảy ra, đau đầu khi không biết phải làm gì, cứ như vậy tâm trí và trái tim giằng xé lẫn nhau. Con chật vật khi đưa ra những quyết định lớn, cảm tưởng như chắc chắn là có một quyết định khác đúng đắn hơn, mặc dù không phải lúc nào cũng rõ ràng và dễ nắm bắt.
Điều gì là đúng đắn?
Ngày 29 tháng 12 năm 2014 là ngày con gặp mẹ ruột của mình, hay đúng hơn là gặp lại mẹ ruột, sau hơn 40 năm xa cách kể từ khi chào đời. Năm ấy cũng là năm đầu tiên và duy nhất con được sống với mẹ. Dòng đời xô đẩy, con và mẹ đi theo những ngã rẽ cuộc đời khác nhau, cho đến khi con gặp lại mẹ ở nơi con đã được sinh ra. Lúc ấy, mẹ đang nằm trong bệnh viện, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người khác, không thể nói năng, và hoàn toàn bị liệt do lần đột quỵ 15 năm về trước. Nhờ tìm thấy và kết nối được với người cha ruột khoảng hai năm về trước, con có thêm động lực để tìm kiếm gia đình huyết thống của mình. Nhưng rồi khi gặp lại mẹ trong bệnh viện, mọi hy vọng, mong mỏi khám phá thêm về nguồn cội của mình phút chốc bỗng tan tành mây khói.
Chuyện tìm hiểu về quá khứ không còn quá quan trọng đối với con nữa. “Mình phải làm gì bây giờ?” và “Làm thế nào để tiến bước về phía trước?”, đó là những câu hỏi mà con quan tâm nhiều hơn. Nhưng con lại không có câu trả lời. Những gì đi lên trong con đều chứa đầy “điều nên làm” hoặc những gì con nhận thấy mọi người đang trông đợi nơi con. Tất cả đều là sự tưởng tượng của con, vì chẳng ai nói ra điều họ mong muốn con phải làm. Mẹ ruột của con phải sống cô độc và không nói được nên bà không thể cho con biết là con cần phải làm gì. Người anh ruột mù lòa của mẹ (cậu của con) cũng chính là người giám hộ và cho phép con được gặp mẹ, cũng chưa một lần đòi hỏi hay yêu cầu gì từ con. Con được một gia đình khác nhận nuôi, không lớn lên trong vòng tay của mẹ ruột nên bạn bè và gia đình không thể hiểu vì sao con cảm thấy mình có trách nhiệm chăm sóc mẹ ruột như vậy. Một mặt nào đó, con thấy mình cần có trách nhiệm.
Con có cảm giác bất lực và vô vọng khi không biết điều gì là đúng đắn cần làm trong hoàn cảnh phức tạp ấy. Là con gái ruột của mẹ, nhưng con lại có một người mẹ khác. Ngay cả ngôn ngữ mẹ đẻ để giao tiếp và trò chuyện với mẹ cũng như hiểu biết về văn hóa nguồn cội Hàn Quốc của mình, con cũng không nói được. Và quan trọng hơn hết, con chưa từng biết một ai rơi vào hoàn cảnh tương tự để tìm sự hướng dẫn và giúp con đi qua chặng đường khó khăn này.
Điều gì là đúng đắn?
Khổ đau ngập tràn khiến con rơi vào trạng thái trì trệ và tuyệt vọng. Đó là nhân duyên chính đưa con đến với Làng Mai lần đầu. Nhờ đọc sách của Thầy từ năm 1999, những lời dạy và pháp môn mà Thầy trao truyền đã đồng hành với con trong suốt những năm tháng con thực hành và giảng dạy Ashtanga Yoga. Con được đánh động sâu sắc bởi những lời Thầy dạy, những lời dạy ấy xuất phát từ trải nghiệm của Thầy trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh tàn phá, chia rẽ về ý thức hệ, và Thầy phải sống lưu vong do kêu gọi hòa bình và không chịu đứng về phe nào. Thầy đã kêu gọi hòa bình cho quê hương, cho nhân loại, và cho tự thân của mỗi người.
Trước đó, lòng con luôn mong muốn được đến Làng nhưng điều kiện và nhân duyên chưa cho phép. Dù đã có đường hướng tâm linh để thực tập, nhưng con không thể hoàn toàn chuyển hóa được những khổ đau tột cùng sau lần gặp mặt với mẹ ruột. Con đã tìm đến những người bạn trong cộng đồng Ashtanga Yoga trên khắp thế giới để học hỏi thêm về những điều có thể giúp các bạn đối diện với những cuộc khủng hoảng nội tâm, đặc biệt là khi các bạn cảm thấy những phương pháp trong truyền thống yoga không đủ để giúp mình. Sau đó con nhận được vô số câu trả lời từ rất nhiều truyền thống và văn hóa khác nhau. Một người bạn hành thiền Vipassana lâu năm cùng với con đã gửi một bài viết về Thầy – Thiền sư Thích Nhất Hạnh, lúc đó Thầy vừa mới rời bệnh viện Bordeaux trở về Làng sau cơn đột quỵ. Ngay trong tích tắc, con biết mình phải đến Làng Mai.
Điều gì là đúng đắn?
Đến xóm Mới vào khóa tu mùa Xuân năm 2015, ngay từ tuần đầu tiên con đã nhận thấy những khổ đau và tuyệt vọng trong con bắt đầu có sự chuyển hóa nhờ vào sự thực tập căn bản hàng ngày và năng lượng yểm trợ của tăng thân. Con quyết định ở lại hết khóa và tiếp nhận Năm Giới – phương pháp thực tập chánh niệm giúp con biết cách sống một đời sống từ bi, có hiểu biết và thương yêu. Con cũng nhận ra hạt giống xuất gia trong con được tưới tẩm. Dù vậy, con vẫn bị cuốn theo đời sống vật chất ngoài kia. Con có một người bạn đời đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong suốt tám năm, và con vẫn chưa biết phải làm thế nào với người mẹ ruột của mình. Những năm tiếp theo, con tìm mọi cách về lại Hàn Quốc để gần mẹ hơn, và để khám phá bản thân cũng như văn hoá đất nước, cội nguồn tổ tiên huyết thống. Con cũng tiếp tục về Làng Mai để tiếp xúc với tăng thân và làm sâu sắc thêm sự thực tập của mình.
Nhờ Ashtanga Yoga, nhiều lần con được mời đến Hàn Quốc để giảng dạy. Những lần chia sẻ ấy là những trải nghiệm chữa lành sâu sắc. Cùng lúc ấy, những lời dạy của Thầy về phương pháp đối diện với buồn đau, mất mát; chữa lành em bé trong tự thân; chuyển hóa những khổ đau được truyền trao từ ông bà tổ tiên, gia đình và xã hội, con đã dần hàn gắn được những đổ vỡ trong nội tâm. Tuy vậy, con vẫn cảm thấy bế tắc và thường có xu hướng kháng cự khi nghe dạy về tình thương không điều kiện của người mẹ dành cho đứa con của mình, hay là khi thực tập quán chiếu hình ảnh mẹ là em bé năm tuổi, hay là lúc thực tập đi thiền hành cùng với mẹ. Thật lòng, con chưa thể kết nối được với người mẹ ruột của mình qua những phương pháp thực tập ấy, có lẽ bởi vì trong con không có ký ức gì về mẹ.
Với con, vẻ đẹp của sự thực tập chánh niệm miên mật là khi ta thoát khỏi được trí năng và đi thẳng vào được chiều sâu của trái tim để chạm tới sự hiểu biết và chữa lành. Trong một chuyến trở về Hàn Quốc, các bác sĩ cho con biết tình trạng của mẹ phải nằm liệt giường, không thể ăn được thức ăn cứng và phải ăn qua ống thông từ tháng Giêng năm 2017. Năm ấy đã là năm thứ 20 kể từ khi mẹ bị đột quỵ. Con khá bất ngờ về tinh thần kiên cường của mẹ và cũng thường quán chiếu sự sống và tự hỏi điều gì đã giúp mẹ có thể tồn tại như vậy. Năm 2018, con quyết định dứt khoát chuyển đến Seoul, sau khi nhận được lời mời về giảng dạy Ashtanga Yoga vô thời hạn, mặc dù Bruno – người bạn đời của con lúc ấy – sẽ không đi cùng. Đó là một quyết định đau lòng nhưng con biết rằng việc chữa lành là thiết yếu và tự mình phải đối mặt. Cách mà người khác nhìn nhận về con và hình ảnh của con khi có Bruno bên cạnh so với khi phải sống một mình là hoàn toàn khác nhau. Thật kỳ lạ, sự chia ly cũng là cách để cứu vãn mối liên hệ, và giữ cho tình yêu giữa con và Bruno được nguyên vẹn, bởi vì những chuyến đi và về liên tục của con cũng đã bắt đầu ảnh hưởng tới tình cảm của hai người.
Điều gì là đúng đắn?
Sống và giảng dạy ở Hàn Quốc là một trong những khó khăn lớn mà con từng đối mặt, nhiều hạt giống ẩn tàng trong tâm thức đã được chạm tới. Nhưng đó cũng là một trong những trải nghiệm đẹp và nuôi dưỡng, vì nhờ đó mà con có cơ hội tiếp xúc được với tình người ấm áp trong văn hóa dân tộc, giúp con xóa bỏ được những mặc cảm bị bỏ rơi và chia cách nằm sâu trong tâm thức.
Đại dịch Covid đã làm đảo lộn cuộc sống của con, việc cách ly xã hội và hạn chế di chuyển khiến con đặt lại câu hỏi cho quỹ đạo cuộc đời mình. Do giãn cách xã hội, không thể tới bệnh viện thăm mẹ, con tiếp tục quán chiếu về hướng đi và môi trường sống của mình. Trong thời điểm thế giới tạm dừng các hoạt động tập thể và mọi người tìm cách kết nối với nhau bằng những hoạt động trực tuyến, Làng Mai một lần nữa xuất hiện như vị cứu tinh giúp con tìm về với những khát vọng sâu sắc nhất.
Khi đại dịch tiếp tục kéo dài và cuộc sống trở nên khó khăn hơn, con quay về nội tâm để tìm lối đi và những chỉ dẫn cụ thể. Ban đầu nghĩ mình sẽ ở Hàn Quốc ít nhất cho đến khi mẹ qua đời, nhưng sau đó con quyết định quay về châu Âu và tham dự khóa An cư ở xóm Mới năm 2021 để xem liệu thật sự con có ước muốn xuất gia hay không. Trước khi rời Hàn Quốc cũng là lúc kết thúc cách ly xã hội, con có cơ hội chia tay và bày tỏ tình thương, lòng biết ơn của mình với mẹ trong vòng 20 phút. Suốt chín tháng qua, tuy vẫn có thể ăn được thức ăn lỏng, nhưng mẹ không thể mở mắt. Con tự hỏi có phải là mẹ không muốn nhìn thấy điều gì không. Nắm lấy tay mẹ, bằng vốn liếng tiếng Hàn bập bẹ mới học được của mình, con nói lên lòng biết ơn của mình vì mẹ đã đưa con đến với cuộc sống và cho con gặp lại được mẹ, cầu mong mẹ sẽ luôn được bình yên. Con biết đây có thể là lần cuối con gặp mẹ. Rời Hàn Quốc, tuy lòng còn nặng trĩu nhưng con vẫn cảm nhận được sự bình yên và trái tim như mở thêm ra.
Đó là điều đúng đắn
Mẹ qua đời vào ngày 30 tháng 7 năm 2022, khi con đang tập sự xuất gia ở xóm Mới, vài tháng trước lễ xuất gia ở Làng Mai Thái Lan. Trong buổi lễ xuất gia, Sư cô Chân Không là người cắt lọn tóc đầu tiên của con. Sư cô cũng chính là lý do con chọn ở xóm Mới năm 2015, sau khi được truyền cảm hứng từ cuốn sách Learning True Love (tạm dịch: Tình thương đích thực) của Sư cô và biết được Sư cô đang cư trú và tu tập tại xóm Mới. Đó là tất cả những gì con đang cần. Sự có mặt ấm áp và đầy thương yêu của Sư cô là nguồn cảm hứng và động viên cho con trong thời gian ở đây.
Sư cô cùng Thầy và đoàn thị giả rời Pháp về Làng Mai Thái Lan cuối năm 2016, và sau đó về lại Việt Nam. Con không được gặp lại Sư cô cho đến khi Sư cô quay trở lại Làng vào mùa hè năm 2022 sau khi Thầy viên tịch, lúc đó con đang tập sự xuất gia ở xóm Mới. Sư cô luôn biểu hiện với nghị lực phi thường, dù trải qua cuộc phẫu thuật do bị ngã và phải ngồi xe lăn thường xuyên. Với những bài tập vật lý trị liệu, dần dần Sư cô có thể đi lại quanh sân với sự trợ giúp của thị giả. Một lần, sau bữa ăn cơm quá đường, nước mắt con đã trào ra khi thấy Sư cô tự mình đi từ đầu đến cuối thiền đường ở xóm Hạ chỉ với sự trợ giúp của cây gậy chống. Sau đó con đến tâm sự với Sư cô là hình ảnh Sư cô đã đánh động sâu sắc tâm can con. Khi gặp lại mẹ ruột, ước mơ thầm kín và lớn lao của con là mẹ có thể đứng dậy khỏi chiếc xe lăn và bước tới ôm chầm lấy con. Yên lặng và ấm áp, Sư cô mở rộng vòng tay ôm con vào lòng.
Từ khi mẹ ra đi, con dần dần cảm nhận và tiếp xúc được với mẹ ở trong mình và thấy mình là một phần của mẹ. Mẹ không phải ngồi trên xe lăn hay trên giường bệnh. Nhờ những pháp môn thực tập căn bản, nhất là thiền hành đã giúp con chuyển hóa được những đau buồn và bất lực trong thời gian qua. Con thấy rằng đôi khi sự hòa giải và chuyển hóa với người mà chúng ta hướng đến xảy ra một cách tự nhiên bên trong nội tâm mình, cũng như thông qua hoàn cảnh và những người xung quanh, mà không nhất thiết phải tiếp xúc trực tiếp với người ấy. Và nó thường xảy ra vào lúc chúng ta ít mong cầu nhất. Những lời dạy của Thầy về sự thực tập hay câu thư pháp “Con đi cho mẹ” không còn nằm trên trang giấy nữa mà đã thật sự đi vào trong huyết mạch và sự sống hàng ngày của con, với mỗi bước chân, mỗi hơi thở.
Ngồi đây và nhìn lại chặng đường đã qua, con không chắc có cái gọi là “điều đúng đắn” phải làm. Sự sống và những biểu hiện của nó đều phụ thuộc vào các nhân duyên. Tuy nhiên chúng ta luôn có thể đi theo những quy tắc đạo đức dựa trên nền tảng của hiểu biết thương yêu, có khả năng hướng ta về những điều thiện lành và gắn kết thay vì sự chia rẽ và phân biệt. Con cảm thấy trong tất cả những tình huống xảy đến, luôn luôn có điều gì đó mà chúng ta có thể làm được. Và đó là điều đúng đắn.