Giải tỏa hận thù, khơi suối yêu thương
Sư cô Chân Thuận Nghiêm
Chúng ta thường nghe nói về Trung Đông nhưng thật sự ít khi hình dung ra Trung Đông là như thế nào. Đó là một vùng đất chủ yếu là sa mạc và tôn giáo chính là Hồi giáo, ngôn ngữ chính là tiếng Ả Rập, ngoại trừ Israel sử dụng tiếng Hebrew. Trong thế chiến thứ nhất, nước Anh chiếm đóng một vùng đất có tên là Palestine, nơi một thiểu số người Do Thái và một số đông người Ả Rập sinh sống cùng với một số các dân tộc thiểu số khác. Năm 1917, căng thẳng bắt đầu xảy ra khi nước Anh được cộng đồng quốc tế giao cho thành lập một “tổ quốc” cho người Do Thái tại Palestine.
Từ khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, nạn diệt chủng buộc những người Do Thái đang ở châu Âu quay lại Palestine. Các nỗ lực thành lập hai nhà nước Do Thái và Ả Rập tại Palestine của Liên Hiệp Quốc được người Do Thái chấp nhận nhưng người Palestine và các nước Ả Rập láng giềng phản đối. Do đó, người Do Thái đơn phương thành lập nước Israel vào năm 1948. Ngay sau đó, năm nước Ả Rập láng giềng đã khai chiến với nước Israel mới ra đời. Từ sau ngày đó, giao tranh giữa các chiến binh Do Thái và Ả Rập xảy ra liên miên. Hàng trăm ngàn người Palestine đã phải tháo chạy khỏi Palestine. Những người còn ở lại thì sống trong nhiều vùng khác nhau ở Israel được gọi nôm na là Palestine.
Cho đến ngày nay, Palestine vẫn chưa được toàn thế giới công nhận là một quốc gia và phải sống phụ thuộc vào Israel. Vì không phải là một quốc gia nên họ không có bất kỳ một quyền lợi nào trên trường quốc tế, và chỉ là một quan sát viên trong Liên Hợp Quốc.
Phái đoàn Làng Mai gồm sư cô Thuận Nghiêm, sư cô Trăng Linh Dị, thầy Trời Phạm Hạnh và thầy Trời Ruộng Pháp đã có chuyến hoằng pháp tại Israel và Palestine từ ngày 17.9 đến 9.10.2023. Chiến tranh bùng nổ trong lúc phái đoàn đang hoằng pháp tại đây. BBT đã có cơ hội phỏng vấn sư cô Thuận Nghiêm về chuyến đi này. Dưới đây là những chia sẻ được trích từ buổi phỏng vấn.
Hoằng pháp ở Israel
Ban tổ chức địa phương đã tổ chức những khóa tu và ngày quán niệm cho cả người Israel và người Palestine. Khóa tu đầu tiên diễn ra ở Israel vào bốn ngày cuối tuần với sự giúp đỡ của chị Tiếp hiện Hagit. Chỉ tầm khoảng bốn mươi người tham dự vì điều kiện chỗ ở còn hạn chế.
Trước khi khóa tu bắt đầu, một vài phụ nữ chia sẻ rằng, họ không muốn trong lòng có đầy thù hận, do đó trước khi bắt đầu bài pháp thoại đầu tiên, quý thầy và quý sư cô đã niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm bằng tiếng Phạn để họ lắng dịu lại. Nét mặt của thiền sinh đầy sự căng thẳng và lo âu. Sau khi nghe tụng kinh, nhiều người đã khóc. Lời kinh tưới những giọt nước từ bi vào trái tim khô cằn của mỗi người. Họ bày tỏ mong muốn được tiếp tục nghe kinh nên những ngày sau đó, khi nào trước pháp thoại cũng đều có tụng kinh. Hai vị giáo thọ cư sĩ cũng cùng tụng để có thêm năng lượng.
Những thiền sinh tham dự khóa tu đã được chuyển hóa rất nhiều. Ai cũng bày tỏ nhu yếu muốn có bình an và cảm giác an toàn để sống cuộc sống hằng ngày của họ. Vì vậy, trong các bài pháp thoại, quý thầy và quý sư cô chia sẻ về những phương pháp thực tập cụ thể để nuôi dưỡng bình an trong tự thân, cũng như về sự tương tức giữa mình với con người và môi trường xung quanh. Khóa tu tương đối ngắn, dù vậy thiền sinh vẫn có nhiều chuyển hóa. Họ đã nếm được hương vị của giáo pháp. Giáo pháp nếu hết lòng thực tập thì thật sự có công năng trị liệu, làm lắng dịu và giải tỏa được những nóng bức trong lòng người.
Ngày quán niệm ở Neve Shalom
Hơn một trăm người tham dự trọn ngày quán niệm. Có một số người Palestine cũng tham dự. Mọi người thực tập thiền đi, thiền ngồi, thiền ăn, thiền buông thư rất hết lòng. Ngày quán niệm kết thúc sau buổi vấn đáp với rất nhiều câu hỏi thiết thực. Nhiều người Palestine rất mong ước có những ngày tu chánh niệm như thế này để họ học chế tác bình an trong từng hơi thở và bước chân.
Hoằng pháp ở Palestine
Quý thầy, quý sư cô thuê xe để lái qua Palestine và phải đi qua nhiều trạm kiểm soát. Ai cũng cảm nhận sự nghi kỵ, đề phòng, và bất an của những người lính trẻ Israel.
Tại đây, quý thầy, quý sư cô điều động và hướng dẫn mọi việc cho ban tổ chức địa phương. Vì không có tăng thân địa phương, chỉ có một vài người trẻ và một gia đình với hai thiếu niên đã từng đến Làng Mai tu tập nên việc tổ chức khá bề bộn và bất trắc.
Có khoảng 30 phụ nữ Palestine tham dự buổi sinh hoạt chánh niệm vào sáng Chủ nhật. Họ đều rất tò mò và thích thú khi khám phá ra rằng quý sư cô không kết hôn và sinh con như họ. Họ có nhiều căng thẳng, bồn chồn dồn chứa trong thân nên mặc dù quý sư cô rất cố gắng nhưng họ vẫn không buông thư được. Trong khi trò chuyện, những người phụ nữ cảm nhận được sự chân tình của quý sư cô nên dần dần họ bớt dè dặt và mở lòng ra để bộc lộ được những khó khăn và đau khổ của mình. Họ không biết lắng nghe nhau; ai cũng muốn nói mà ít ai muốn nghe nên việc truyền thông trong gia đình rất khó khăn. Vậy mà sau vài phút nghe chuông, họ đã có thể lắng nghe và trở nên yên lắng rất nhiều. Họ để quý sư cô chia sẻ mà không cắt lời như trước đó. Sau gần hai tiếng đồng hồ sinh hoạt, họ phải ra về để nấu ăn cho gia đình. Họ muốn tiếp tục được thực tập chánh niệm nhưng điều kiện không thuận lợi.
Có hai buổi sinh hoạt cho cả người Do Thái và Palestine do tăng thân Israel và Palestine tổ chức. Những người Palestine tham dự đa phần là các nhà hoạt động xã hội trên nhiều lĩnh vực như môi trường, tranh đấu bất bạo động,… Có khoảng vài chục người tham dự hai buổi sinh hoạt này. Mọi người đều hết lòng thực tập những pháp môn như thiền thở, thiền đi, thiền ăn. Vào buổi chiều, có buổi pháp đàm để hai bên có cơ hội ngồi lắng nghe nhau. Những người Palestine chia sẻ rằng điều họ mong muốn nhất là hòa bình nhưng rất khó, giống như một giấc mơ ngoài tầm tay, không với tới được.
Khi những người Do Thái được tiếp xúc trực tiếp và lắng nghe người Palestine, họ nhận ra rằng họ đã quá thờ ơ. Những quyền như tự do đi lại và cư trú là những điều rất đỗi bình thường đối với họ, trong khi người Palestine không có cả những quyền cơ bản của một con người. Thấy được điều đó, nhiều người Do Thái đã bày tỏ sự đồng cảm, muốn đồng hành với người Palestine trong cuộc đấu tranh bất bạo động để giúp người Palestine giành lại quyền được sống trên mảnh đất của chính họ.
Hai buổi sinh hoạt đó như những giọt nước giữa sa mạc, không đủ thấm vào đâu nhưng đó là cơ hội để hai bên ngồi lại với nhau, hiểu được khó khăn của nhau, đặc biệt là của người Palestine. Những khổ đau của họ, thế giới cần phải biết, cần phải nghe và hiểu. Có mặt tận nơi và tiếp xúc với thực tại mà người dân phải đối diện hàng ngày giúp chúng tôi thấu hiểu hoàn cảnh của họ. Nếu chỉ nghe qua báo chí về tình hình chiến tranh đang diễn ra, ta sẽ không thể nào mường tượng ra được khổ đau mà người Palestine phải gánh chịu. Không chỉ riêng người Palestine, người Do Thái cũng có những khổ đau của họ. Chúng ta thấy được một điều là trên thế giới còn rất nhiều bạo động, hận thù và sự thiếu hiểu biết.
Hai sắc dân cùng sống trên một mảnh đất. Nếu thấy và hiểu được rằng người dân của cả hai bên đều có chung một nhu yếu là được sống một cuộc đời bình an, hạnh phúc thì cả hai bên mới có thể giúp đỡ, hỗ trợ nhau để cùng sống chung an lạc. Trong quá khứ, họ đã từng sống tương đối hài hòa trên mảnh đất này, không hề xảy ra xung đột hay chiến tranh. Nhưng bây giờ điều đó đã trở thành một giấc mơ. Đặc biệt đối với người dân Palestine, việc được công nhận dường như đã trở thành một niềm hi vọng xa vời.
Chiến tranh bùng nổ
Ngày 7 tháng 10 dự định là ngày quán niệm cuối cùng cho người Palestine và kết thúc chuyến đi.
Sáng hôm đó, khi cả đoàn đang lái xe đến địa điểm tổ chức ngày quán niệm ở Palestine, đột nhiên có tiếng nổ lớn trên trời. Quý sư cô không biết chuyện gì đang diễn ra cũng như tiếng nổ xuất phát từ đâu. Lúc đó, những người xung quanh chỉ lên trời thì thấy những mảnh tên lửa đang rơi lả tả trên không trung. Tên lửa được bắn vào Israel từ Dải Gaza, một nơi thuộc về chính quyền Palestine nhưng do Israel kiểm soát không phận và đường biển. Khi đó ai cũng hiểu rằng chiến tranh đã nổ ra.
Người Palestine rất lo ngại vì biết rằng Israel sẽ trả thù nhưng không ai có thể tiên đoán được mức độ hủy diệt và tàn sát như thế giới đã chứng kiến những tháng vừa qua.
Tăng thân Israel biết quý thầy và quý sư cô vẫn chưa bay về Làng được vì các chuyến bay đều bị hủy nên liên tục gọi đến xin những buổi sinh hoạt trực tuyến để họ có cơ hội thực tập, làm dịu xuống những lo lắng, sợ hãi, khủng hoảng và thù hận đang đi lên trong lòng. Mỗi ngày, khi phải nghe những tiếng súng, tiếng bom, hay thấy cảnh giết chóc, bắt cóc con tin diễn ra, họ vô cùng khổ sở.
Trong những ngày ở đó, tiếng bom đạn vang rền suốt cả ngày lẫn đêm. Hai bên đánh nhau ác liệt nhất là vào ban đêm. Những giây phút đó, mọi người cảm nhận những bộ phận trong thân thể như tim, gan, phổi,… đều căng thẳng và mong manh lắm. Trong hoàn cảnh như vậy, quý thầy và quý sư cô cố gắng duy trì sự thực tập của mình. Phải nắm lấy hơi thở, thực tập miên mật, đặt sự chú tâm vào những cử động của thân thể để có đủ năng lượng bình an hiến tặng cho những người xung quanh.
Quý thầy và quý sư cô làm hết khả năng để giúp tăng thân lắng dịu những bồn chồn, thù hận, tuyệt vọng trong lòng. Những người Palestine sống tại Israel bị hạn chế đi lại, chỉ được ra khỏi nhà trong bán kính 1km đến hiệu thuốc hoặc chợ. Họ đè nén trong lòng rất nhiều cảm xúc như sự căm thù và sợ hãi.
Có một bạn trẻ người Palestine đã từng đến Làng tham dự khóa tu Wake Up chia sẻ rằng: “Tổ tiên, ông bà, cha mẹ con đã từng bao đời sống trên mảnh đất này, nhưng đến thế hệ con lại phải sống trong lo sợ, có thể bị giết bất cứ lúc nào, không biết bản thân có thể sống đến ngày mai hay không. Sự thù hận dâng tràn trong lòng con”.
Khi sống với sự thù hận như vậy, ta không thể nào có bình an được. Khi đến vùng đất này quý thầy và quý sư cô đều thao thức muốn đem giáo pháp, đặc biệt là giáo lý tương tức chia sẻ với người dân để giúp họ thay đổi tình trạng, giải tỏa hận thù. Nếu mình thấy được mình là người kia và người kia là mình thì mình sẽ không giết nhau và có thể sống được với nhau trong an bình. Những người dân ở đây rất khao khát giáo pháp. Họ rất mừng là quý thầy và quý sư cô đã đến được nơi này. Phái đoàn đã có được ba tuần lễ yên bình để hoằng pháp trước khi chiến tranh nổ ra.
Ở Israel có rất nhiều tăng thân địa phương cũng như rất nhiều vị giáo thọ kì cựu. Có những vị đã biết Thầy và thực tập từ năm 1997, khi Thầy có chuyến hoằng pháp ở đây. Những vị đó đã giúp Thầy tổ chức khóa tu. Cho đến bây giờ họ vẫn tiếp tục thực tập. Còn ở Palestine hầu như chưa có gì hết.
Trong tương lai, quý thầy, quý sư cô sẽ có nhiều cơ hội mang giáo pháp, mang sự thực tập chánh niệm đến chia sẻ với những người dân nơi đây, giúp họ có được bình an trong đời sống hằng ngày. Nếu họ thực tập có hiệu quả, sự tỉnh thức lan tỏa ra cả cộng đồng thì có thể một ngày nào đó, người dân Palestine có thể làm được những điều họ mong muốn, như thành lập được quốc gia của mình mà không cần phải dùng đến bạo lực để đạt được mục tiêu đó.